Bà Rịa – Vũng Tàu kiến nghị có quy định riêng thực hiện tinh giản biên chế GD
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu Đặng Minh Thông nêu 2 kiến nghị để phát triển giáo dục của tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Ngày 18/4, tại Bình Dương, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị phát triển giáo dục và đào tạo vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, triển khai thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW ngày 7/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Tại hội nghị, ông Đặng Minh Thông – Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã có chia sẻ về tình hình phát triển giáo dục của địa phương trong thời gian vừa qua.
Trong 10 năm, tỉnh chi ngân sách dành cho giáo dục là 37.000 tỷ đồng
Theo ông Đặng Minh Thông, trong những năm qua, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã có nhiều chính sách để phát triển giáo dục và đào tạo. Qua đó đã tạo được dấu ấn riêng, khi trở thành tỉnh có chất lượng tăng trưởng giáo dục nhanh, bền vững trong khu vực Đông Nam Bộ.
Tính trong giai đoạn 2012 – 2022, tổng chi ngân sách của địa phương dành cho giáo dục là hơn 37.000 tỷ đồng, trong đó chi thường xuyên cho giáo dục là 27.000 tỷ đồng, chi cho đầu tư giáo dục là hơn 10.000 tỷ đồng.
)
Trang thiết bị dạy học lớp 1 thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới (gồm 5.932 bộ cho 135 trường tiểu học) đáp ứng 100% nhu cầu.
Giai đoạn 2020 – 2025, tỉnh chú trọng đầu tư bổ sung về trang thiết bị để phục vụ cho chương trình giáo dục phổ thông mới, qua đó giúp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của tỉnh nhà.
Bên cạnh việc đầu tư xây dựng, đảm bảo cơ sở vật chất trường, lớp, tỉnh cũng quan tâm, xây dựng các chính sách hỗ trợ người học, hỗ trợ đội ngũ ngành giáo dục mang tính bền vững, như giảm 50% tiền bảo hiểm y tế cho học sinh, sinh viên các cấp, thực hiện chế độ hỗ trợ cho giáo viên tham gia trực buổi trưa tại các trường mầm non công lập có tổ chức lớp bán trú học 2 buổi/ngày, thực hiện chính sách hỗ trợ đối với trẻ em, giáo viên, cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục ở nơi có khu công nghiệp.
Riêng trong năm 2022, Hội đồng Nhân dân tỉnh đã ban hành 6 Nghị quyết để hỗ trợ ngành giáo dục của tỉnh, liên quan đến các chính sách hỗ trợ học phí cho người học, việc tổ chức các kỳ thi, cuộc thi, hội thi trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, và quy định các khoản thu, mức thu, cơ chế quản lý thu, chi đối với dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của các cơ sở giáo dục công lập.
Hội đồng Nhân dân tỉnh cũng đã ban hành Nghị quyết nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho học sinh phổ thông từ lớp 3 đến lớp 12 giai đoạn 2019 – 2025 trên địa bàn Bà Rịa – Vũng Tàu, qua đó sẽ tăng cường năng lực cạnh tranh của nguồn nhân lực trong thời kỳ hội nhập, góp phần vào công cuộc xây dựng, phát triển đất nước và của tỉnh.
Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nêu 3 nhóm giải pháp và 2 kiến nghị
Để phát triển giáo dục và đào tạo của tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ tập trung vào 3 nhóm giải pháp chủ yếu:
Một là, tiếp tục quan tâm, bố trí nguồn nhân lực để tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị, nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, đồng thời dự kiến phối hợp với các cơ sở giáo dục đại học sư phạm để có giải pháp xây dựng nguồn tuyển dụng giáo viên trong thời gian tới.
Hai là, tập trung bảo đảm, nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông, tiếp tục tăng cường trình độ tiếng Anh cho học sinh, sinh viên. Thực hiện tốt công tác phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh phổ thông, đồng thời bảo đảm chất lượng giáo dục nghề nghiệp đáp ứng với nhu cầu của xã hội và thị trường lao động, trình độ đào tạo phải hướng tới “Công dân toàn cầu” đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.
Ba là, tiếp tục bố trí, tạo quỹ đất sạch để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa xã hội hóa giáo dục, thu hút ngày càng hiệu quả các nguồn lực ngoài nhà nước đầu tư cho phát triển mạng lưới các cơ sở giáo dục và đào tạo. Xã hội hóa là nguồn lực, phương thức quan trọng để phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đào tạo.
Dịp này, tỉnh cũng đã nêu 2 kiến nghị, để xuất với Chính phủ và các Bộ, ban ngành ở trung ương để phát triển giáo dục trong thời gian tới. Cụ thể:
Kiến nghị rà soát, tiến hành sửa đổi, bổ sung những quy định, chính sách trong hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật đã được Chính phủ, các Bộ ban ngành ở trung ương ban hành, bảo đảm đồng bộ, thống nhất, phù hợp với thực tế và yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo.
Trong đó, pháp luật quản lý sử dụng tài sản công cần được điều chỉnh phù hợp với pháp luật về thực hiện xã hội hóa, và khuyến khích, huy động các nguồn lực xã hội hóa giáo dục.
Kiến nghị có quy định riêng việc thực hiện tinh giản biên chế của ngành giáo dục, đảm bảo định biên giáo viên trên lớp, không thực hiện cắt giảm biên chế theo tỷ lệ do đặc thù riêng của ngành.