Bà Rịa-Vũng Tàu: Lập tổ giúp việc để sớm gỡ vướng các dự án du lịch
Bà Rịa-Vũng Tàu có 133 dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch, trong đó 117 dự án đầu tư trong nước và 16 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư hơn 57.000 tỉ đồng và 8.927 triệu USD.
Chiều 16-2, ông Lê Ngọc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tổ chức cuộc họp cùng các sở ngành, địa phương để nghe báo cáo rà soát các dự án du lịch trên địa bàn.
50/133 dự án đang hoạt động, hoạt động một phần
Sở KH&ĐT cho biết, tính đến ngày 31-1-2023, trên địa bàn tỉnh có 133 dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch với tổng vốn đầu tư hơn 57.000 tỉ đồng và 8.927 triệu USD.
Phân loại theo tiến độ dự án thì hiện nay có 50 dự án đang hoạt động hoặc hoạt động một phần (41 dự án đầu tư trong nước và 9 dự án đầu tư nước ngoài) với tổng vốn đầu tư 15.562 tỉ đồng và 4.404 triệu USD, diện tích 783,5 ha.
Có 37 dự án đang xây dựng (34 dự án đầu tư trong nước và 3 dự án đầu tư nước ngoài). Ngoài ra có 46 dự án đang thực hiện các thủ tục đầu tư.
Từ năm 2014 đến nay, tỉnh đã chấm dứt hoạt động 36 dự án. Sau khi thu hồi thì có 5 khu đất đã có nhà đầu tư mới làm dự án; 7 khu đất có nguồn gốc đất công do Nhà nước quản lý; 10 khu đất có nguồn gốc đất do Nhà nước quản lý đang thực hiện các thủ tục tạo đất sạch và các thủ tục khác để tổ chức đấu giá (hoặc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư) theo quy hoạch; trong đó có một khu đất thuộc danh mục công trình trọng điểm (Vườn thú hoang dã Safari).
6 khu đất thuộc quyền sử dụng của người dân, tiếp tục giữ quy hoạch để thu hút đầu tư; 7 khu đất sau khi có chủ trương chấm dứt dự án, nhà đầu tư có kiến nghị được tiếp tục làm... Cũng từ năm 2014 đến nay, tỉnh đã giãn tiến độ cho 37 dự án với diện tích 715 ha.
Cũng theo Sở KH&ĐT, đối với các dự án đầu tư ngoài đất rừng, qua rà soát, trên địa bàn tỉnh có 21 dự án chậm triển khai và 29 dự án đã hết thời gian giãn tiến độ, điều chỉnh tiến độ. 68 dự án đầu tư trong rừng đều chậm triển khai do vướng mắc các quy định Luật Lâm nghiệp (gồm 31 dự án trong Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu- Phước Bửu và 38 dự án trong rừng phòng hộ).
Nhận diện các vướng mắc để sớm tháo gỡ
Các vướng mắc về thủ tục đất đai, theo Sở KH&ĐT là một số dự án sản xuất kinh doanh đã được tỉnh quyết định chủ trương đầu tư, nhà đầu tư chưa triển khai được do vướng mắc có một phần diện tích đất xen kẽ thuộc Nhà nước quản lý.
Hiện Sở Xây dựng đang xây dựng điều kiện, tiêu chí, quy mô, tỉ lệ để tách thành dự án độc lập theo quy định tại Nghị định số 148 năm 2020 của Chính phủ. Căn cứ quy định này, Sở TN&MT có ý kiến xác định khu đất có đủ điều kiện đấu giá quyền sử dụng đất để xử lý theo quy định.
Ngoài ra, một số dự án thực hiện trước Luật Đầu tư 2005, 2014 nhưng đến nay chưa hoàn thành. Việc xác định một số văn bản dự án đã được cấp trước đây có giá trị pháp lý tương đương theo quy định hiện nay vẫn chưa rõ ràng, gây khó khăn trong thực hiện các quy định về chuyển tiếp đầu tư...
Bên cạnh đó, một số dự án đầu tư có sử dụng đất của nhà nước, được nhà nước cho thuê đất, hoạt động theo Luật Đầu tư năm 2005, 2014 cũng còn vướng mắc.
Từ đó, Sở KH&ĐT đề nghị tỉnh giao Sở TN&MT tiếp tục rà soát, tham mưu xử lý các dự án còn vướng mắc do có phần diện tích đất có nguồn gốc do Nhà nước quản lý; Chủ trì, phối hợp với các ngành có liên quan rà soát, theo dõi việc sử dụng đất của dự án để báo cáo tỉnh xử lý theo quy định pháp luật về đất đai.
Cùng với đó, giao Sở KH&ĐT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương và Cục Thuế tỉnh rà soát tình hình triển khai dự án đã được cấp chủ trương, giấy chứng nhận đầu tư, đăng ký đầu tư nhưng chưa thực hiện thủ tục đất đai; các khó khăn, vướng mắc tồn đọng để báo cáo tỉnh xử lý.
Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các ngành có liên quan chủ động rà soát các dự án đầu tư trong rừng, báo cáo tỉnh hướng xử lý theo quy định Luật Lâm nghiệp...
Tại cuộc họp, đại diện các sở ngành, địa phương cũng đã cho ý kiến về các vướng mắc theo từng nhóm mà Sở KH&ĐT đã tổng hợp. Trong đó nêu nhiều vấn đề đã kéo dài nhiều năm, tổ chức nhiều cuộc họp nhưng chưa "chốt” để có trả lời cho nhà đầu tư.
Kết luận cuộc họp, ông Lê Ngọc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đồng thuận với những đề xuất của Sở KH&ĐT và nhấn mạnh quyết tâm của lãnh đạo tỉnh sớm tháo gỡ các khó khăn cho các dự án du lịch.
Về giải pháp, cần lên kế hoạch, đề ra tiến độ để giải quyết các dự án sớm, không để kéo dài. Trong đó, tỉnh sẽ thành lập tổ giúp việc với các thành viên sở, ngành chuyên môn giúp việc xem xét, đánh giá theo từng nhóm dự án. Sau khi xem xét kỹ báo lên để hội đồng điều hành “chốt” trước khi trình tập thể UBND tỉnh tổ chức họp, duyệt.
Trước mắt, tỉnh sẽ cố gắng xếp lịch họp tuần giải quyết xong 1-2 dự án.