Bà Rịa - Vũng Tàu: Phụ nữ dân tộc thiểu số được chăm sóc thiết thực
Cấp Hội phụ nữ cơ sở, chính quyền địa phương xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết đã tập trung quan tâm nắm bắt tình hình đời sống đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt đã hỗ trợ chị em phụ nữ nơi đây với những chăm sóc thiết thực.
Quan tâm thiết thực
Chị Đỗ Thị Nga, Chủ tịch Hội LHPN xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc, cho biết, Hội cơ sở và chính quyền luôn quan tâm tới đời sống của chị em phụ nữ trên địa bàn xã, luôn xác định đồng bào dân tộc thiểu số là bộ phận không thể tách rời trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
"Các cơ quan hữu trách luôn quan tâm nắm bắt tình hình đời sống đồng bào dân tộc, chăm lo, hỗ trợ giải quyết khó khăn, vướng mắc, đảm bảo an sinh xã hội, an ninh trật tự, sâu sát tình hình thực tế tại địa phương. Hội LHPN xã triển khai đến các chi hội, người uy tín trong đồng bào dân tộc để luôn theo dõi bám sát, nắm bắt thông tin kịp thời nhằm tháo gỡ, khó khăn, bức xúc trong đồng bào dân tộc thiểu số. Thực hiện tốt các chính sách đối với người đồng bào dân tộc", chị Đỗ Thị Nga cho biết.
Một trong những sự quan tâm thiết thực chính là việc các cấp Hội trong tỉnh đã hỗ trợ cho 11 hộ đồng bào dân tộc thiểu số xây dựng mới nhà ở, nhà vệ sinh, với tổng số tiền 550 triệu đồng.
"Trong sinh hoạt đời thường, tôi biết nhiều chị em phụ nữ gặp khó khăn khi nhà vệ sinh không được tiện nghi, sạch sẽ. Có nhiều chị tới nhà người thân hoặc quán cà phê, thấy nhà vệ sinh ở đó sạch sẽ, trong khi gia đình mình thì không có điều kiện ấy, nên về tâm sự rằng luôn mơ ước có được nhà vệ sinh sạch đẹp hơn. Thực sự cũng khó cho họ, nhà cửa còn nhiều thứ phải hoàn thiện lắm, cuộc sống còn bộn bề lo toan. Nên khi 11 hộ được hỗ trợ xây nhà ở và nhà vệ sinh, chị em vui mừng vô cùng. Với họ, không chỉ là một căn nhà với khu vệ sinh mới, mà đó là sự thay đổi rất lớn của cuộc sống, của nhận thức văn minh", chị Phan Thị Mỹ Dung, Chủ tịch Hội LHPN huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, chia sẻ.
Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hiện có 38 dân tộc thiểu số sinh sống với 8.957 hộ, 25.712 khẩu. Trong đó, dân tộc Hoa có số lượng đông nhất là 8.730 người, tiếp đến là dân tộc Chơ Ro (Châu Ro) với 8.079 người, dân tộc Khmer với 4.015 người, dân tộc Tày với 1.580 người, còn lại 34 dân tộc thiểu số khác dưới 1.000 người. Các dân tộc thiểu số chủ yếu di cư từ các vùng miền khác nhau đến định cư, sinh sống xen kẽ với người Kinh và tập trung chủ yếu ở huyện Châu Đức, huyện Xuyên Mộc, huyện Đất Đỏ, thị xã Phú Mỹ và thành phố Vũng Tàu.
Tại xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc, có tổng số hộ dân tộc là 189 hộ/706 khẩu; trong đó có 52 chị là chủ hộ, chủ yếu là các dân tộc như: dân tộc Chơ Ro 48 hộ/176 khẩu (nữ 92); dân tộc Tày 5 hộ/15 khẩu (9 nữ); dân tộc Khmer 36 hộ/151 khẩu (87 nữ); dân tộc Hoa 18 hộ/ 45 khẩu (21 nữ); dân tộc Nùng 20 hộ/79 khẩu (48 nữ) và một số dân tộc khác như: Thổ, Chăm, Ê đê, Sán Dìu, Mường... sống rải rác trên địa bàn 13 ấp. Trong đó có 1 hộ nghèo chuẩn quốc gia; 2 hộ nghèo chuẩn tỉnh; 2 hộ cận nghèo.
Chị Đỗ Thị Nga cho biết, địa phương này nhiều năm qua luôn đồng hành và hỗ trợ bà con dân tộc thiểu số. Ngoài quan tâm về cuộc sống ổn định vật chất như xây mới nhà cửa, cho vay tiền theo các chương trình ưu đãi thì xã cũng đã thực hiện chính sách hỗ trợ theo chương trình 135, đối với các hộ đặc biệt khó khăn ở Khu I được hỗ trợ 5 con bò cho 5 hộ dân tộc với tổng số tiền 50 triệu đồng.
"Xã cũng đã thẩm định nhu cầu của hộ đồng bào dân tộc thiểu số cần hỗ trợ xây mới và sửa chữa nhà tiêu gồm 7 hộ, kéo điện thắp sáng, bắt đồng hồ nước cho 7 hộ. Thực hiện trợ cấp sách giáo khoa cho học sinh là người dân tộc, kinh phí cho sinh viên là người dân tộc thiểu số với tổng số tiền 43 triệu đồng, ủy thác cho vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội 16 hộ với số tiền 620 triệu đồng; vận động tặng quà cho các hộ khó khăn gồm 75 suất quà, với tổng số tiền gần 25 triệu đồng", chị Đỗ Thị Nga nói.
Thu hẹp dần khoảng cách giới
Những sự quan tâm chăm sóc của địa phương đã giúp cho chị em phụ nữ đồng bào dân tộc sinh sống trên địa bàn huyện Xuyên Mộc nói chung và xã Bình Châu nói riêng dần phát triển. Nhằm từng bước giảm dần khoảng cách về giới trong phụ nữ dân tộc thiểu số trên địa bàn, số lượng cán bộ nữ, cán bộ nữ là người dân tộc thiểu số tăng lên theo từng nhiệm kỳ, xã Bình Châu có 6.760 chị phụ nữ độ tuổi từ 18 tuổi trở lên; số hội viên là 4.567, hội viên quản lý là 3.256; hội viên dân tộc là 44 chị.
Trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, có 3/15 nữ tham gia BCH Đảng bộ (đạt 20%), có 11/30 nữ tham gia đại biểu Hội đồng nhân dân xã (đạt tỷ lệ 36,7%), trong đó có 2 đại biểu là người dân tộc thiểu số (1 chị là người dân tộc Chơ Ro, 1 chị là người dân tộc Thái). Công tác phát triển Đảng được các cấp Hội chú trọng, có 4 chị là người dân tộc thiểu số được đứng vào hàng ngũ của Đảng; 12 chị là người dân tộc thiểu số có bằng chuyên môn cao đẳng, đại học đang làm việc, giảng dạy trên địa bàn xã Bình Châu.
Ngoài ra, Hội phụ nữ cơ sở còn phối hợp ban ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật trong đồng bào dân tộc thiểu số về phòng, chống xâm hại trẻ em, tình dục, bạo lực gia đình, tệ nạn xã hội, bình đẳng giới.
Song song với tập trung phát triển kinh tế, Hội LHPN xã Bình Châu còn chú trọng tập trung tuyên truyền nâng cao ý thức và trách nhiệm của hội viên phụ nữ về bảo vệ môi trường. Chỉ đạo các chi hội duy trì hoạt động sinh hoạt của câu lạc bộ "Phụ nữ với kiến thức pháp luật" nhằm tuyên truyền cho hội viên phụ nữ nâng cao kiến thức về pháp luật, ý thức chấp hành nghiêm các chính sách pháp luật của Nhà nước trong phụ nữ là người dân tộc thiểu số trên địa bàn xã.
Tuy nhiên, theo Hội LHPN xã Bình Châu, do địa bàn xã rộng, dân số đông, đa phần là người dân nhập cư, lại là xã vùng biển nên vẫn còn những trường hợp gia đình ly hôn, bỏ rơi con cái, tiêu xài phung phí. Thậm chí vẫn còn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại, lười học tập, lao động, không biết tích cóp dành dụm khi gia đình gặp hữu sự dẫn tới các hoàn cảnh éo le, phải nhờ sự trợ giúp chung tay của xã hội.