Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ sáp nhập huyện Long Điền và Đất Đỏ
Giai đoạn 2023-2025, Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ sáp nhập trên cơ sở nguyên trạng toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của huyện Long Điền và huyện Đất Đỏ thành một đơn vị
Sáp nhập huyện Long Điền và Đất Đỏ thành một đơn vị
Vừa qua, Hội đồng nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã thông qua Nghị quyết về điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết 05/NQ-HĐND ngày 31/5/2023 của Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua Quy hoạch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Trong đó có nội dung về việc sáp nhập trên cơ sở nguyên trạng toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của huyện Long Điền và huyện Đất Đỏ thành một đơn vị trong giai đoạn 2023 - 2025.
Cũng trong giai đoạn trên, đối với đơn vị cấp xã, sắp xếp 9 đơn vị hành chính cấp xã thành 4 đơn vị gồm sáp nhập phường Phước Hiệp và phường Phước Trung - TP. Bà Rịa; sáp nhập xã Lộc An và xã Phước Hội, xã Long Mỹ và thị trấn Phước Hải - huyện Đất Đỏ; sáp nhập ba xã An Nhứt, An Ngãi và Tam Phước - huyện Long Điền.
Đến năm 2030, đối với cấp huyện, tỉnh sẽ điều chỉnh diện tích tự nhiên và dân số của hai đơn vị hành chính, trong đó, TP Bà Rịa tiếp nhận thêm một phần diện tích và dân số của TX Phú Mỹ để đảm bảo đủ tiêu chuẩn cả về diện tích tự nhiên và dân số. Ngược lại, TX Phú Mỹ sẽ giảm một phần diện tích và dân số.
Đối với cấp xã, tỉnh dự kiến sắp xếp, điều chỉnh địa giới hành chính của 6 đơn bị gồm thuộc huyện Long Điền sáp nhập xã Phước Hưng và thị trấn Long Hải; điều chỉnh địa giới hành chỉnh giữa hai xã thuộc huyện Đất Đỏ là xã Phước Long Thọ và xã Long Tân; giữa hai xã thuộc huyện Xuyên Mộc và xã Hòa Hội và xã Hòa Hưng.
Đến năm 2030, vùng huyện Long Điền - Đất Đỏ có tính chất là vùng phát triển tổng hợp nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ và du lịch.
Về định hướng phát triển, vùng huyện sẽ tập trung phát triển công nghiệp, dịch vụ ở phần phía bắc quốc lộ (QL) 55, với khu công nghiệp Đất Đỏ I. Phần phía nam QL 55 đến tiếp giáp với Biển Đông phát triển dịch vụ du lịch, phát huy vai trò trục động lực dịch vụ du lịch dọc tuyến đường ĐT 994. Phát triển nông nghiệp, khai thác nuôi trồng thủy sản hài hòa với phát triển du lịch.
Hạt nhân phát triển sẽ là thị trấn Long Điền, thị trấn Đất Đỏ, thị trấn Long Hải Và thị trấn Phước Hải.
Bà Rịa - Vũng Tàu đặt mục tiêu đạt tiêu chuẩn của thành phố trực thuộc Trung ương vào 2030
Cũng theo Nghị quyết số 05 về phương án quy hoạch xây dựng vùng huyện của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đến năm 2030, trên địa bàn còn lại 03 vùng huyện, tương ứng với 03 đơn vị hành chính cấp huyện.
Thứ nhất, vùng huyện Châu Đức, là vùng phát triển tổng hợp nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ. Vùng này sẽ tập trung phát triển công nghiệp dịch vụ ở phần Tây quốc lộ 56 đến tiếp giám thị xã Phú Mỹ và tỉnh Đồng Nai, phát huy vai trò động lực thúc đẩy từ các tổ hợp công nghiệp - đô thị - dịch vụ dọc tuyến đường Vành đai 4 TP. Hồ Chí Minh. Phần phía Đông quốc lộ 56, tập trung phát triển nông nghiệp, chủ yếu là cây lâu năm. Hạt nhân phát triển là thị trấn Ngãi Giao và các đô thị Kim Long, Suối Nghệ, Cù Bị.
Thứ hai, vùng huyện Xuyên Mộc, là vùng phát triển tổng hợp nông nghiệp, dịch vụ du lịch. Tập trung phát triển dịch vụ du lịch ở phần phía Nam quốc lộ 55 đến tiếp giáp với Biển Đông, phát huy vai trò động lực dịch vụ du lịch dọc tuyến đường ĐT994; phát triển nông nghiệp, khai thác nuôi trồng thủy hải sản hài hòa với phát triển du lịch. Phần phía Bắc quốc lộ 55, tập trung phát triển nông nghiệp, chủ yếu cây lâu năm. Hạt nhân phát triển là thị trấn Phước Bửu, Bình Châu, Hồ Tràm và Hòa Bình.
Thứ ba, vùng huyện Đất Đỏ, là vùng phát triển tổng hợp nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, du lịch. Tập trung phát triển công nghiệp, dịch vụ ở phía Bắc quốc lộ 55, với khu công nghiệp Đất Đỏ I. Phần phía Nam quốc lộ 55 đến tiếp giáp biển Đông phát triển dịch vụ du lịch, phát huy vai trò trục động lực dịch vụ du lịch dọc tuyến đường ĐT994. Phát triển nông nghiệp, khai thác nuôi trồng thủy hải sản với phát triển du lịch. Hạt nhân phát triển là thị trấn Đất Đỏ, Phước Hải và Lộc An.
Ngoài ra, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng sẽ hình thành khu thương mại tự do gắn với cảng biển tại khu vực Cái Mép Hạ, bao gồm hệ sinh thái công nghiệp - dịch vụ hoàn chỉnh (nội dung phát triển khu thương mại tự do sẽ thực hiện theo đề án riêng).
Phát triển các tổ hợp đô thị, dịch vụ, trung tâm logistics, cảng cạn cung cấp dịch vụ vận tải, kho bãi gắn với hệ thống cảng biển Cái Mép - Thị Vải và kết nối với Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Khu chức năng văn hóa, thể thao gắn với phát triển du lịch: đầu tư xây dựng một số trung tâm dịch vụ, thể thao, văn hóa quy mô lớn, đủ năng lực tổ chức các sự kiện thể thao, văn hóa cấp quốc gia và quốc tế…
Ngoài ra, Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đặt mục tiêu đạt tiêu chuẩn của thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030, đóng vai trò là một cực phát triển quan trọng trong hệ thống đô thị của vùng Đông Nam Bộ, là cửa ngõ ra biển cho vùng Đông Nam Bộ và có cơ cấu đô thị đa trung tâm…
Theo đó, về tiêu chí phát triển đô thị, nhà ở: địa phương xác định đối với hạ tầng các đô thị có địa giới liền kề như: Vũng Tàu, Bà Rịa, Phú Mỹ, Long Điền, Long Hải, quy hoạch và đầu tư các công trình hạ tầng đô thị dùng chung để phát huy hiệu quả, tạo kết nối giữa các đô thị để hướng tới hình thành đô thị chung, thống nhất.
Đa dạng hóa các loại nhà ở như nhà ở riêng lẻ, nhà ở chung cư; nhà ở thương mại, nhà ở tái định cư, nhà ở xã hội. Trong đó, ưu tiên phát triển nhà ở chung cư cao tầng kèm theo hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, đầy đủ các công trình dịch vụ công cộng tiện ích, mật độ xây dựng thấp, tăng mật độ cây xanh và nâng cao hệ số sử dụng đất, tạo môi trường sống chất lượng cao.
Đối với huyện Côn Đảo, chỉ quy hoạch phát triển các dự án nhà ở phục vụ cho nhu cầu của người dân sinh sống, làm việc tại huyện Côn Đảo, hạn chế tình trạng dân nhập cư quá mức ra đảo.