Bà Rịa-Vũng Tàu sơ kết 2 năm thực hiện xây dựng trường MN lấy trẻ làm trung tâm
Qua 2 năm thực hiện chuyên đề hầu hết các cơ sở giáo dục mầm non đã có sự thay đổi toàn diện cả về cảnh quan, môi trường trong và ngoài lớp học.
Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có văn bản báo cáo về đánh giá, sơ kết 2 năm thực hiện Chuyên đề "Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm" giai đoạn 2021 - 2025.
Theo đó, công tác kiểm tra, giám sát đã được Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh này thực hiện phối hợp trong các đợt kiểm tra hỗ trợ chuyên môn, kiểm định chất lượng giáo dục, tổ chức chuyên đề, cụ thể:
Trong năm 2021: Kiểm định chất lượng giáo dục 14 trường mầm non.
Trong năm 2022: Kiểm định chất lượng giáo dục 22 trường mầm non; kiểm tra hỗ trợ chuyên môn 2 huyện, theo kế hoạch, với 24 cơ sở giáo dục mầm non được kiểm tra. Trong đó có 14 trường mầm non và 10 nhóm lớp độc lập, cụ thể:
Huyện Long Điền: Kiểm tra 9/49 cơ sở, tỷ lệ 18,36% (4/15 trường, tỷ lệ 26,66%; 5/25 nhóm, lớp độc lập có phép, tỷ lệ 20%). Thành phố Vũng Tàu: Kiểm tra 15/197 cơ sở, tỷ lệ 7,61% (10/50 trường, tỷ lệ 17,86%; 5/141 nhóm, lớp độc lập có phép, tỷ lệ 3,55%).
Trong năm 2023: Kiểm định chất lượng giáo dục 15 trường mầm non; kiểm tra hỗ trợ chuyên môn 2 huyện, theo kế hoạch, với 22 cơ sở giáo dục mầm non được kiểm tra. Trong đó có 13 trường mầm non và 9 nhóm lớp độc lập, cụ thể:
Huyện Xuyên Mộc: kiểm tra 13/49 cơ sở, tỷ lệ 26,53% (7/27 trường, tỷ lệ 25,92%; 6/22 Lớp mẫu giáo, lớp mầm non độc lập, tỷ lệ 27,27%). Huyện Đất Đỏ: kiểm tra 9/23 cơ sở10, tỷ lệ 39,13 (6/11 trường, tỷ lệ 54,54%; 2/07 Lớp mẫu giáo, lớp mầm non độc lập, tỷ lệ 28,57%, 1/5 Nhóm trẻ độc lập có quy mô tối đa 7 trẻ, tỷ lệ 20%).
Báo cáo này cũng nêu rõ, hầu hết các cơ sở giáo dục mầm non đã xây dựng kế hoạch thực hiện chuyên đề; tổ chức các hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc giáo dục lấy trẻ làm trung tâm; tạo được môi trường xanh, sạch, đẹp, trang trí lớp theo chủ đề, có góc mở cho trẻ hoạt động; các trường mầm non đã tạo được các khu chơi ngoài sân trường tạo điều kiện cho trẻ khám phá trải nghiệm...; phối hợp tốt với phụ huynh trong công tác tuyên truyền, tổ chức các ngày hội lễ trong năm, tạo cảnh quan môi trường cho trẻ hoạt động và chăm sóc giáo dục trẻ.
Qua đó, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh này đã chỉ ra những kết quả đạt được nổi bật. Cụ thể, qua 2 năm thực hiện chuyên đề hầu hết các cơ sở giáo dục mầm non đã có sự thay đổi toàn diện cả về cảnh quan, môi trường trong và ngoài lớp học; Cơ sở vật chất được đầu tư đảm bảo để tổ chức các hoạt động cho trẻ, tạo điều kiện cho trẻ được trải nghiệm khám phá, hòa mình vào thiên nhiên.
Cán bộ quản lý, giáo viên được tham gia các lớp tập huấn, nâng cao nhận thức và năng lực quản lý; đổi mới phương pháp chăm sóc và giáo dục lấy trẻ làm trung tâm; chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ được nâng lên.
Xây dựng kế hoạch giáo dục phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường và địa phương; có nhiều sáng kiến trong việc tổ chức các hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ; tích cực đổi mới sáng tạo trong việc tổ chức các hoạt động cho trẻ tham gia các hoạt động trải nghiệm.
Thực hiện tốt công tác tuyên truyền với cha mẹ trẻ và cộng đồng về vị trí, vai trò của giáo dục mầm non, quan điểm lấy trẻ làm trung tâm và hướng dẫn nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ tại gia đình, đã tạo được sự quan tâm, đồng thuận của cha mẹ trẻ, của địa phương, các cấp, các ngành trong việc hỗ trợ, cải tạo cơ sở vật chất, bổ sung thiết bị để tạo môi trường xanh - sạch - đẹp - an toàn, thân thiện, gần gũi, tạo cơ hội cho trẻ khám phá trải nghiệm. Phối hợp tốt với các ban ngành, đoàn thể, phụ huynh để xây dựng phương hướng chiến lược phát triển nhà trường và tổ chức các hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ.
Về giải pháp đổi mới đã thực hiện, văn bản này nêu rõ, đã chỉ đạo các đơn vị xây dựng kế hoạch thực hiện chuyên đề xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm. Tổ chức tập huấn bồi dưỡng năng lực cho đội ngũ trong việc thực hiện chuyên đề dựa trên tiếp cận mới về chức năng và nhiệm vụ của đội ngũ cốt cán; hướng dẫn ứng dụng phương pháp giáo dục quốc tế trong thực hiện chương trình giáo dục mầm non.
Xây dựng mô hình điểm, nhân rộng mô hình điểm trong việc thực hiện chuyên đề. Tổ chức các hoạt động thực hành giúp cho đội ngũ nâng cao kỹ năng thực hành, lựa chọn hình thức, phương pháp trong việc tổ chức các hoạt động cho trẻ Tăng cường công tác tuyên truyền, phối hợp phụ huynh, huy động các mạnh thường quân hỗ trợ nguồn lực để cải tạo môi trường.
Những khó khăn, hạn chế cũng được đề cập như việc một số cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập xây dựng kế hoạch tổ chức hoạt động xây dựng kế hoạch nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục chưa đề ra được chỉ tiêu phấn đấu và giải pháp thực hiện, tổ chức hoạt động chưa linh hoạt, sáng tạo do đội ngũ giáo viên thay đổi, ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ; chưa ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý; công tác tuyên truyền chưa đạt hiệu quả cao.
Theo đó, phương hướng trong thời gian tới được Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đề cập. Cụ thể, Sở này sẽ tiếp tục tổ chức chuyên đề mở rộng mô hình trường điểm theo tiêu chí: Xây dựng kế hoạch, đánh giá sự phát triển của trẻ, đánh giá trường mầm non theo quan điểm giáo dục lấy trẻ làm trung tâm;
Kiểm tra, đánh giá việc thực hiện Chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm giai đoạn 2021 - 2025”; Thực hiện tốt công tác xã hội hóa, huy động đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong các hoạt động của cơ sở giáo dục mầm non. Tăng cường công tác tuyên truyền, tạo sự thống nhất giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ