Ba sự thay đổi lớn trong mô hình phát triển của nước Mỹ

Những thay đổi này không chỉ làm rung chuyển nền kinh tế Mỹ mà còn tác động sâu rộng đến trật tự thế giới.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ký một sắc lệnh hành pháp tại Nhà Trắng, Washington, D.C. Ảnh: THX/TTXVN

Tổng thống Mỹ Donald Trump ký một sắc lệnh hành pháp tại Nhà Trắng, Washington, D.C. Ảnh: THX/TTXVN

Bình luận trên trang web China-US Focus mới đây, Wang Youming, Giám đốc Viện các nước đang phát triển, Viện nghiên cứu quốc tế Trung Quốc và là nghiên cứu viên cao cấp của Viện nghiên cứu kinh tế BRICS tại Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc) cho rằng hơn một trăm ngày sau khi bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai, Tổng thống Donald Trump tiếp tục gây chấn động chính trường Mỹ và thế giới bằng những thay đổi sâu rộng trong cả chính sách đối nội và đối ngoại.

Cách tiếp cận quyết đoán, đi ngược lại truyền thống của ông đã làm dấy lên nhiều tranh cãi, thậm chí có ý kiến cho rằng nước Mỹ đang quay trở lại thời kỳ "đế chế". Sự rạn nứt trong quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương càng làm cộng đồng quốc tế lo ngại về sự sụp đổ của trật tự thế giới mà Mỹ từng chi phối.

Trong suốt lịch sử phát triển, nước Mỹ đã chứng kiến nhiều nhà lãnh đạo đưa ra những cải cách mang dấu ấn cá nhân. Tuy nhiên, chỉ một số ít tạo ra những chuyển biến mang tính bước ngoặt, định hình lại mô hình phát triển của quốc gia và có tác động sâu sắc đến thế giới. Chính sách "Kinh tế Mới" của Franklin D. Roosevelt, cuộc cải cách của Ronald Reagan và giờ đây là "cuộc cách mạng" của Donald Trump nổi lên như ba sự thay đổi lớn, đánh dấu những kỷ nguyên khác biệt trong lịch sử nước Mỹ.

Từ "bàn tay vô hình" đến sự can thiệp mạnh mẽ của nhà nước

Kể từ khi lập quốc, nền kinh tế Mỹ chịu ảnh hưởng sâu sắc của nguyên tắc thị trường tự do, được Adam Smith khởi xướng với hình ảnh "bàn tay vô hình" tự điều chỉnh và phân bổ nguồn lực tối ưu. Vai trò của chính phủ theo đó bị giới hạn ở mức tối thiểu. Mô hình "thị trường lớn, chính phủ nhỏ" này đã giải phóng sức sản xuất và thúc đẩy quá trình hiện đại hóa tư bản chủ nghĩa, nhưng cũng tạo ra ảo tưởng về sự toàn năng của thị trường.

Cuộc Đại suy thoái 1929-1933 đã giáng một đòn mạnh vào niềm tin này. Nó cho thấy sự thất bại của thị trường tự do trong việc tự điều chỉnh và khả năng gây ra những hậu quả tàn khốc cho cả quốc gia. Để thoát khỏi khủng hoảng, năm 1933, Tổng thống Franklin D. Roosevelt đã đưa ra hàng loạt chính sách "Kinh tế Mới" (New Deal) với mục tiêu "cứu trợ, phục hồi và cải cách". Chính phủ Mỹ đã tăng cường đáng kể sự giám sát và kiểm soát nền kinh tế, hệ thống tài chính và thiết lập hệ thống an sinh xã hội.

Chịu ảnh hưởng của kinh tế học Keynes, New Deal từ bỏ mô hình thị trường tự do, chấp nhận sự can thiệp sâu rộng của nhà nước vào các vấn đề kinh tế và xã hội. Sự thay đổi này đã biến sự can thiệp lớn của chính phủ trở thành một đặc điểm cốt lõi, giúp giảm thiểu khủng hoảng kinh tế và xã hội, đưa nước Mỹ thoát khỏi Đại suy thoái và mở ra kỷ nguyên của chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước.

Sự trỗi dậy của chủ nghĩa tân tự do

Mặc dù New Deal thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, những người ủng hộ thị trường tự do vẫn chỉ trích nó, cho rằng nó dẫn đến "chính phủ lớn và thâm hụt lớn". Cuộc khủng hoảng dầu mỏ năm 1973 đã phơi bày những hạn chế của mô hình "chính phủ lớn" và đánh dấu sự suy yếu của chủ nghĩa Keynes trong chính sách kinh tế Mỹ sau Thế chiến II. Trong bối cảnh đó, chủ nghĩa tân tự do của Friedrich Hayek bắt đầu thu hút sự chú ý, với quan điểm chính phủ lớn là nguyên nhân gây ra trì trệ kinh tế và ủng hộ cạnh tranh tự do là chìa khóa cho thịnh vượng.

Dưới ảnh hưởng của chủ nghĩa tân tự do và kinh tế học trọng cung, Ronald Reagan, nhậm chức năm 1981, cùng với Thủ tướng Anh Margaret Thatcher đã khởi xướng một cuộc cách mạng tân tự do xuyên Đại Tây Dương. "Reaganomics" ra đời với đặc trưng là cắt giảm thuế mạnh mẽ, giảm thâm hụt, thúc đẩy cạnh tranh tự do và giảm sự can thiệp của chính phủ. Các nguyên tắc tư nhân hóa, thị trường hóa, tự do hóa trở nên phổ biến trên toàn cầu, được biết đến như "Đồng thuận Washington".

Cuộc cách mạng Reagan đã giúp Mỹ thoát khỏi tình trạng đình lạm và cuối cùng giành chiến thắng trong Chiến tranh Lạnh, đánh dấu một sự thay đổi mang tính cách mạng khác trong lịch sử kinh tế Mỹ sau New Deal, mở ra kỷ nguyên của "Mô hình Mỹ mới" dựa trên chủ nghĩa tân tự do.

"Nước Mỹ trên hết" của Tổng thống Trump

Từng là người ủng hộ và hưởng lợi từ toàn cầu hóa, giới cầm quyền Mỹ tin rằng toàn cầu hóa thúc đẩy thịnh vượng kinh tế và quyền bá chủ của Mỹ, thậm chí coi nó tương đương với quá trình "Mỹ hóa". Tuy nhiên, từ đầu thế kỷ 21, sự trỗi dậy của các cường quốc như Trung Quốc và Ấn Độ trùng hợp với sự gia tăng chủ nghĩa bảo thủ và dân túy ở Mỹ.

Những người theo chủ nghĩa dân túy cho rằng Mỹ đã trở thành nạn nhân trong làn sóng toàn cầu hóa gần đây, trong khi các cường quốc mới nổi lại hưởng lợi. Họ đổ lỗi cho việc thúc đẩy trật tự thế giới tự do toàn cầu của giới tinh hoa đã gây ra tình trạng mất việc làm trong ngành sản xuất, sự suy tàn của vùng Rust Belt (khu vực của Mỹ đã trải qua sự suy giảm công nghiệp bắt đầu từ khoảng năm 1970 do các doanh nghiệp rời bỏ do thuế cao và chi phí lao động công đoàn cao), mất cân bằng thương mại và làn sóng nhập cư bất hợp pháp.

Với khẩu hiệu "Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại" và ưu tiên "Nước Mỹ trên hết", Tổng thống Trump đã trở lại Nhà Trắng với những cải cách sâu rộng trong và ngoài nước. Ông định hình lại các thể chế liên bang, làm suy yếu "nhà nước ngầm", áp đặt thuế quan một cách mạnh tay, cố gắng mở rộng ảnh hưởng, rút khỏi các thỏa thuận đa phương và chống lại các quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương.

Các nhà bình luận chính trị và học thuật cố gắng lý giải các chính sách của Tổng thống Trump bằng cách so sánh với các nhà lãnh đạo trong lịch sử như Jackson, McKinley hay Reagan. Tuy nhiên, những so sánh này dường như không đủ để nắm bắt được bản chất đa diện của chính sách Trump.

Thực tế, chính sách của ông đại diện cho một phiên bản cực đoan hơn của những cách tiếp cận trước đó, châm ngòi cho một "cuộc cách mạng Trump" dựa trên chủ nghĩa bảo thủ chính trị, chính sách thương mại và công nghiệp trọng thương, chính sách đối ngoại giao dịch và "chủ nghĩa đế quốc mới". Kết quả là, mô hình Mỹ đã bước vào kỷ nguyên của một chính phủ quyết đoán dưới thời Trump.

Như nhà sử học Arthur Schlesinger Jr. từng nhận xét, chính trị Mỹ thường dao động giữa chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa bảo thủ sau mỗi 30 năm. Một trăm ngày đầu tiên trong nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Trump chìm trong tranh cãi, với chính sách "thuế quan đối ứng" trở thành tâm điểm chỉ trích.

Chuyên gia Youming kết luận: Tác động lâu dài của "cuộc cách mạng Trump" đối với lịch sử nước Mỹ vẫn còn là một ẩn số. Tuy nhiên, điều chắc chắn là bất chấp những biến động chính trị, "hiện tượng Trump", sự ủng hộ của công chúng dành cho ông và những luận điểm cải cách mà ông đại diện sẽ không dễ dàng biến mất. Chúng sẽ tiếp tục định hình những chuyển đổi sâu sắc trong mô hình của Mỹ trong bối cảnh thế giới đầy biến động này.

Công Thuận/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/ba-su-thay-doi-lon-trong-mo-hinh-phat-trien-cua-nuoc-my-20250421215545511.htm