Mật nghị Hồng y: Đằng sau cánh cửa Nhà nguyện đóng kín để tìm kiếm tân Giáo hoàng
Sáng 21/4, Giáo hoàng Francis từ trần. Vatican thông báo bắt đầu thời gian để tang trong 9 ngày được gọi là Novendiale và Tòa thánh bước vào thời kỳ được gọi là 'sede vacante' – trống ngôi.

Nhà nguyện Sistine, nơi sẽ diễn ra mật nghị Hồng y để bầu ra Giáo hoàng mới. (Nguồn: Reuters)
Thời kỳ trống ngôi sẽ kéo dài cho đến khi Hội đồng Hồng y - cơ quan bao gồm tất cả Hồng y trong Giáo hội Công giáo - để tiến hành “mật nghị Hồng y” bầu ra nhà lãnh đạo mới của Giáo hội Công giáo, tổ chức có hơn một tỷ tín đồ trên toàn thế giới.
Theo The Guardian, tên gọi "mật nghị" xuất phát từ tiếng Latin cum clave, nghĩa là "khóa kín", ám chỉ quá trình bầu chọn được thực hiện một cách tuyệt mật. Trong thời gian này, các Hồng y lưu lại Vatican và không liên lạc với thế giới bên ngoài. Mật nghị kết thúc bằng việc bầu ra Giáo hoàng mới.
Theo Vatican, Hội đồng Hồng y hiện có 252 Hồng y từ hơn 90 quốc gia, trong số đó chỉ có 138 người được bỏ phiếu trong mật nghị vì các Hồng y trên 80 tuổi không đủ điều kiện bỏ phiếu. The Guardian cho biết, khoảng 110 trong số các Hồng y cử tri này được Giáo hoàng Francis bổ nhiệm trong 10 năm qua, phản ánh tầm nhìn của ông về một Giáo hội cởi mở và bao dung.
Sau cánh cửa khóa kín
Sau khi Giáo hoàng qua đời, các Hồng y thường tập hợp tại Rome trong vòng 15-20 ngày để bắt đầu quá trình thảo luận kín tại Nhà nguyện Sistine. Khi câu nói "extra omnes" – nghĩa là “mọi người ra ngoài” – được công bố, chỉ còn lại các hồng y cử tri cùng một số ít nhân viên và bác sĩ ở lại Nhà nguyện Sistine và cánh cửa nhà nguyện sẽ được khóa lại.
Các hồng y phải tuyên thệ tuyệt đối giữ bí mật và không được liên lạc với thế giới bên ngoài trong suốt thời gian bầu cử. Họ bị thu giữ điện thoại, không tiếp cận báo chí, truyền hình, thư từ hay bất kỳ thông tin nào từ bên ngoài. Nhà nguyện sẽ được kiểm tra và quét thiết bị nghe lén trước và trong thời gian mật nghị diễn ra.
Mật nghị bắt đầu bằng Thánh lễ, sau đó là các cuộc thảo luận và bỏ phiếu. Mỗi ngày sẽ có hai vòng bỏ phiếu vào buổi sáng và chiều, cho đến khi một ứng viên đạt được đa số hai phần ba phiếu bầu. Sau mỗi bảy vòng bỏ phiếu mà chưa có kết quả, các Hồng y sẽ dành một ngày để cầu nguyện và suy ngẫm. Mật nghị kéo dài nhất trong lịch sử gần đây là năm 1922, khi các Hồng y mất năm ngày để chọn ra Giáo hoàng mới.
Về mặt lý thuyết, bất kỳ người đàn ông nào đã được rửa tội đều có thể được bầu làm Giáo hoàng, tuy nhiên trên thực tế, người được chọn gần như luôn là một Hồng y đang tại nhiệm. Mỗi cử tri nhận một lá phiếu với dòng chữ eligo in summum pontificem (“Tôi bầu chọn làm Giáo hoàng tối cao”) in sẵn phía trên. Họ viết tên người mình chọn, gấp lá phiếu lại và bỏ vào một chiếc chén thánh.
Sau mỗi vòng bỏ phiếu, các lá phiếu sẽ được đốt bằng hóa chất để tạo màu khói: khói đen bay ra từ ống khói cao gần 2m báo hiệu vòng bỏ phiếu chưa có kết quả; khói trắng báo hiệu với thế giới rằng đã có Giáo hoàng mới.
Ứng viên được chọn sẽ được hỏi liệu có chấp nhận kết quả bầu chọn và lấy danh hiệu nào khi giữ chức Giáo hoàng. Các Hồng y sẽ tuyên thệ trung thành với tân Giáo hoàng. Giáo hoàng mới sau đó sẽ được dẫn vào “Phòng Nước mắt” bên cạnh để thay lễ phục gồm áo chùng trắng, mũ sọ nhỏ và giày đỏ. Trước đó, các thợ may Vatican phải chuẩn bị ba bộ lễ phục với kích cỡ khác nhau.
Cuối cùng, Hồng y trưởng sẽ bước ra ban công chính của Vương cung thánh đường Thánh Peter, nơi hàng ngàn tín hữu Công giáo và du khách đang tụ họp và tuyên bố: “Annuntio vobis gaudium magnum: Habemus Papam” – “Tôi vui mừng thông báo với anh chị em: Chúng ta đã có Giáo hoàng mới”.
Những gương mặt tiềm năng

Các Hồng y từ hàng trên xuống dưới, từ trái sang phải: Pietro Parolin, Luis Antonio Tagle, Peter Turkson, Péter Erdő, Matteo Zuppi, José Tolentino Calaca de Mendonca, Mario Grech, Pierbattista Pizzaballa, Robert Sarah. (Nguồn: AFP, Getty Images, Shutterstock)
Theo The Guardian, hiện tại, các suy đoán đang tập trung vào một số gương mặt có thể kế nhiệm Giáo hoàng Francis:
Hồng y Pietro Parolin, 70 tuổi (Italy): Được coi là một "ứng cử viên liên tục" ôn hòa, rất thân cận với Giáo hoàng Francis. Từ năm 2013, Hồng y Parolin là Bộ trưởng Ngoại giao Vatican, đóng vai trò chủ chốt trong các vấn đề ngoại giao. Ông được các nhà ngoại giao coi là đại diện đáng tin cậy của Giáo hoàng Francis. Những người ủng hộ coi Hồng y Parolin là người theo chủ nghĩa lý tưởng dũng cảm và ủng hộ nhiệt thành cho hòa bình.
Hồng y Luis Antonio Tagle, 67 tuổi (Philippines), nếu được chọn, ông sẽ là Giáo hoàng châu Á đầu tiên, khu vực có dân số Công giáo tăng nhanh nhất. Có thời điểm ông được coi là người kế nhiệm mà Giáo hoàng Francis ưa thích và là ứng cử viên mạnh mẽ để tiếp tục chương trình nghị sự tiến bộ của cố Giáo hoàng.
Hồng y Peter Turkson, 76 tuổi (Ghana) sẽ là Giáo hoàng da màu đầu tiên trong nhiều thế kỷ nếu được chọn. Ông đã lên tiếng về các vấn đề như khủng hoảng khí hậu, đói nghèo và công lý kinh tế trong khi khẳng định lập trường truyền thống của nhà thờ về chức tư tế, hôn nhân giữa hai người khác giới, đồng tính cũng như tham nhũng và nhân quyền.
Hồng y Péter Erdő, 72 tuổi (Hungary)là ứng cử viên bảo thủ hàng đầu. Ông ủng hộ mạnh mẽ cho các giáo lý và học thuyết Công giáo truyền thống và nếu được chọn, sẽ đại diện cho một sự thay đổi lớn so với cách tiếp cận của Giáo hoàng Francis.
Hồng y Matteo Zuppi, 69 tuổi, (Italy), là người theo cánh tiến bộ của nhà thờ và được kỳ vọng tiếp tục di sản của cố Giáo hoàng, chia sẻ mối quan tâm đối với người nghèo và những người bị thiệt thòi. Hai năm trước, Giáo hoàng Francis đã bổ nhiệm ông làm đặc phái viên hòa bình của Vatican tại Ukraine, với tư cách đó, ông đã đến thăm Nga và gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.
Hồng y José Tolentino Calaça de Mendonça, 59 tuổi (Bồ Đào Nha) là một trong những ứng cử viên kế nhiệm trẻ nhất của Giáo hoàng Francis. Ông gần gũi với cố Giáo hoàng về hầu hết các vấn đề và lập luận rằng, nhà thờ phải tham gia vào nền văn hóa hiện đại.
Hồng y Mario Grech, 68 tuổi (Malta) là người theo chủ nghĩa truyền thống nhưng bắt đầu chấp nhận quan điểm tiến bộ hơn sau khi Giáo hoàng Francis được bầu vào năm 2013. Ông đã chỉ trích các nhà lãnh đạo chính trị châu Âu tìm cách hạn chế hoạt động của các tổ chức phi chính phủ và bày tỏ sự ủng hộ đối với các phó tế nữ.
Hồng y Pierbattista Pizzaballa, 60 tuổi (Italy), là Thượng phụ Latinh của Jerusalem – vị trí trọng yếu trong việc bảo vệ và đại diện cho cộng đồng Cơ đốc giáo thiểu số tại Thánh địa - từ năm 2020. Sau cuộc tấn công của Hamas nhằm vào Israel ngày 7/10/2023, Hồng y Pizzaballa đã tự nguyện đề nghị làm con tin để đổi lấy các trẻ em bị Hamas bắt giữ tại Dải Gaza. Ông được kỳ vọng tiếp tục một số khía cạnh lãnh đạo của Giáo hoàng Francis đối với nhà thờ.
Hồng y Robert Sarah, 79 tuổi (Guinea) là hồng y Chính thống giáo truyền thống. Năm 2020, ông đồng tác giả một cuốn sách cùng với Giáo hoàng danh dự Biển Đức XVI, trong đó bảo vệ luật độc thân linh mục – động thái được xem như lời thách thức đối với thẩm quyền của Giáo hoàng Francis. Ông từng lên án cái gọi là “ý thức hệ giới” (gender ideology) như mối đe dọa đối với xã hội và nhiều lần phát biểu công khai chống lại chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan.
Dù đưa ra những suy đoán về các gương mặt tiềm năng, The Guardian lưu ý, việc dự đoán kết quả của mật nghị gần như là không thể vì vị trí của các Hồng y thay đổi qua từng cuộc bỏ phiếu. Trong mật nghị bầu Giáo hoàng gần đây nhất vào năm 2013, ít người dự đoán rằng Hồng y Jorge Mario Bergoglio sẽ được bầu làm Giáo hoàng Francis.
Vẫn còn ít nhất nửa tháng nữa mới đến ngày các Hồng y tụ họp để chọn người "nối ngôi" và cho đến lúc đó, việc mà hơn một tỷ tín đồ Gông giáo thực hiện là cầu nguyện và tiếc thương với cố Giáo hoàng, "một người có đức tin sâu sắc và lòng khiêm nhường", như Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr đánh giá.