Ba thế hệ lớn lên cùng sách Nguyễn Nhật Ánh

Hơn ba thập kỷ cầm bút, Nguyễn Nhật Ánh vẫn miệt mài viết cho tuổi thơ, không chỉ để lưu giữ ký ức, mà còn để thắp sáng niềm tin vào cái đẹp, cái thiện và năng lực yêu thương trong mỗi người.

“Tôi không muốn dùng văn chương để thanh toán cuộc đời. Cành đắng không nhất thiết phải ra trái đắng, có khi lại ra trái ngọt. Tôi viết để các bạn thấy rằng cuộc đời vẫn có cái đẹp, vẫn đáng sống. Đó là thiên chức của nhà văn viết cho thanh thiếu niên”.

Đó là lời chia sẻ của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh tại buổi giao lưu “Lớn lên cùng sách” diễn ra ngày 11/5 tại Đường sách Nguyễn Văn Bình (TP.HCM). Sự kiện thu hút đông đảo bạn đọc, từ những em nhỏ lần đầu làm quen với Kính vạn hoa, đến thanh niên từng rung động với Mùa hè không tên, hay cả những người trưởng thành vẫn nâng niu Mắt biếc như một mảnh ký ức trong trẻo tuổi học trò.

 Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh phát biểu tại buổi giao lưu. Ảnh: Hoàng Yến.

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh phát biểu tại buổi giao lưu. Ảnh: Hoàng Yến.

Tuổi thơ hiện diện qua từng trang sách

Ở mỗi độ tuổi, văn chương của Nguyễn Nhật Ánh chạm đến độc giả theo cách khác nhau. Với trẻ em, đó là thế giới đầy mộng mơ và trong trẻo; với thanh thiếu niên, đó là những dòng chữ soi chiếu chính mình; còn với người trưởng thành, đó là nơi lưu giữ những hồi ức tuổi thơ.

Bé Gia Bảo (9 tuổi) bắt đầu đọc Nguyễn Nhật Ánh từ năm 7 tuổi trong một lần đi nhà sách với mẹ. Em đặc biệt yêu thích Kính vạn hoa - bộ truyện nhiều tập mà theo lời Bảo là “đọc hoài không hết”. Những câu chuyện dí dỏm, gần gũi về tình bạn, tuổi học trò đã khiến Gia Bảo trở thành độc giả nhí trung thành. Mẹ của Gia Bảo, chị Cúc Huỳnh, chia sẻ: “Nhờ đọc sách của Nguyễn Nhật Ánh mà bé sống tình cảm và biết lắng nghe hơn”.

Ở độ tuổi lớn hơn, bạn Phan Hồng Quân (22 tuổi) tìm thấy sự đồng điệu trong Mùa hè không tên, dù tác phẩm không nổi đình đám như Mắt biếc hay Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ. “Những cảm xúc tuổi học trò trong truyện giống hệ như mình từng trải qua. Nó gần gũi đến mức như đang viết về tuổi thơ của mình vậy”, Quân nói.

Còn với chị Trương Thị Thu Hương (35 tuổi), hành trình gắn bó với Nguyễn Nhật Ánh bắt đầu từ những năm tiểu học, khi chị tình cờ đọc trong thư viện trường. Ấn tượng sâu đậm nhất với chị là Mắt biếc: “Lúc còn nhỏ, đọc Mắt biếc thấy cuộc đời toàn màu hồng nhưng khi trưởng thành, trải qua nhiều va vấp, tôi đọc lại và nhận ra nó thật sâu sắc. Truyện của Nguyễn Nhật Ánh không chỉ gợi nhớ tuổi thơ mà còn xoa dịu tâm hồn tôi sau những bộn bề lo toan ở tuổi trưởng thành hiện tại”, chị chia sẻ.

Ba thế hệ với ba góc nhìn nhưng đều xem sách của Nguyễn Nhật Ánh như người bạn đồng hành qua từng giai đoạn trưởng thành. Mỗi trang sách là một cánh cửa trở về tuổi thơ, nơi độc giả được thấu hiểu trong những dằn vặt tuổi mới lớn và được vỗ về khi bước vào đời với tâm hồn nhiều va vấp.

Người viết cho những điều đẹp đẽ

Buổi giao lưu là dịp để người đọc không chỉ gặp gỡ tác giả mà còn chia sẻ hành trình lớn lên cùng văn chương của ông. Với nhiều người, sách Nguyễn Nhật Ánh là chốn trú ngụ tinh thần giữa cuộc sống bộn bề: có người tìm thấy niềm vui trong những ngày chông chênh, có người vịn vào từng trang sách để bước qua những cơn khủng hoảng, đau buồn, có người nhờ đó mà nuôi dưỡng lại niềm tin vào những điều trong trẻo và ấm áp.

“Tôi không muốn dùng văn chương để thanh toán cuộc đời. Cành đắng không nhất thiết phải ra trái đắng, có khi lại ra trái ngọt. Tôi viết để các bạn thấy rằng cuộc đời vẫn có cái đẹp, vẫn đáng sống. Đó là thiên chức của nhà văn viết cho thanh thiếu niên”.

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh

Chia sẻ tại sự kiện, nhà văn bày tỏ ông viết bày tỏ quan điểm riêng về nghề nghiệp, cho rằng thiên chức của nhà văn viết cho thanh thiếu niên là phải viết để bạn đọc thấy cuộc đời vẫn đẹp, vẫn đáng sống.

Chính tinh thần tích cực, nhân văn ấy đã tạo nên sức hút lâu dài của ông với nhiều thế hệ. Nguyễn Nhật Ánh không chỉ tạo ra thế giới trẻ thơ mộng mơ, chân thực, mà còn nhìn trẻ em như những cá thể độc lập, được thấu hiểu, được yêu thương chứ không đơn thuần là “người lớn chưa trưởng thành”.

PGS.TS Văn Giá, nhà phê bình văn học, đồng thời là chủ biên cuốn Nguyễn Nhật Ánh - Người giữ lửa cho văn học thiếu nhi, nhận định: “Nguyễn Nhật Ánh là hiện tượng đặc biệt của văn học Việt Nam. Ông không chỉ là nhà văn viết cho thiếu nhi, mà còn là đề tài nghiên cứu về vai trò của văn học đối với đời sống tinh thần con người”.

 Chuyên luận Nguyễn Nhật Ánh - Người giữ lửa cho văn học thiếu nhi. Ảnh: NXB Trẻ.

Chuyên luận Nguyễn Nhật Ánh - Người giữ lửa cho văn học thiếu nhi. Ảnh: NXB Trẻ.

Cuốn chuyên luận này không chỉ là lời tri ân gửi đến hàng triệu độc giả từng lớn lên cùng Kính vạn hoa, Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, Mắt biếc, Ngồi khóc trên cây... mà còn đặt ông vào dòng chảy văn học thiếu nhi thế giới, lý giải vì sao một nhà văn Việt có thể chạm đến trái tim bạn đọc Việt Nam và thế giới bằng chính ngôn ngữ tuổi thơ - thứ ngôn ngữ khiến người ta bật cười khi còn nhỏ, rồi bật khóc khi nhận ra mình đã lớn.

Hơn ba thập kỷ cầm bút, Nguyễn Nhật Ánh vẫn miệt mài viết cho tuổi thơ, không chỉ để lưu giữ ký ức, mà còn để thắp sáng niềm tin vào cái đẹp, cái thiện và năng lực yêu thương trong mỗi người. Với nhiều độc giả, ông không chỉ là nhà văn, mà là người bạn thân thiết, cùng họ đi qua những năm tháng lớn lên.

Hoàng Yến

Nguồn Znews: https://znews.vn/ba-the-he-lon-len-cung-sach-nguyen-nhat-anh-post1552523.html