Phim hoạt hình Việt Nam khởi sắc
Thị trường phim hoạt hình Việt Nam đang có những bước phát triển đầy tích cực
Hai phim hoạt hình Việt Nam là "Trạng Quỳnh nhí: Truyền thuyết kim ngưu" của đạo diễn - NSƯT Trịnh Lâm Tùng và "Dế Mèn: Cuộc phiêu lưu tới xóm Lầy Lội" của đạo diễn Mai Phương đang chuẩn bị ra rạp phục vụ khán giả.
Dấu ấn sáng tạo
Mãi đến năm 2023, phim hoạt hình Việt Nam mới có tác phẩm đầu tiên ra rạp là "Wolfoo và hòn đảo kỳ bí". Phim do Sconnect đầu tư và sản xuất, dựa theo loạt hoạt hình phát trên các nền tảng về Wolfoo ra mắt năm 2014.
"Wolfoo và hòn đảo kỳ bí" do Phan Thị Thơ đạo diễn, thu được 5 tỉ đồng phòng vé. Doanh thu tuy chưa nhiều nhưng đây là tác phẩm phim hoạt hình Việt Nam đầu tiên ra rạp, góp phần động viên người làm nghề.
Hè năm nay, khán giả sẽ được thưởng thức cùng lúc 2 tác phẩm hoạt hình Việt Nam là "Trạng Quỳnh nhí: Truyền thuyết kim ngưu" và "Dế Mèn: Cuộc phiêu lưu tới xóm Lầy Lội", ra rạp từ ngày 30-5. Trong đó, "Trạng Quỳnh nhí: Truyền thuyết kim ngưu" được phát triển từ loạt phim hoạt hình "Trạng Quỳnh thời nhí nhố" vốn thu hút đông đảo khán giả trên YouTube.

Phim “Trạng Quỳnh nhí: Truyền thuyết kim ngưu”. (Ảnh do nhà sản xuất cung cấp)
Lấy cảm hứng từ nhân vật Trạng Quỳnh quen thuộc trong các câu chuyện dân gian, đạo diễn - NSƯT Trịnh Lâm Tùng đã làm mới và xây dựng nhân vật chính trên màn ảnh rộng là một cậu bé gan dạ, chân thành, trí tuệ sắc bén, gắn liền với những thử thách khác lạ. Phim kể về biến cố xảy ra khi cha của Trạng Quỳnh bị vu oan đánh cắp ngọc quý để chống lại triều đình. Trên đường cùng bạn bè bỏ trốn khỏi sự truy sát của quan binh và tìm cách minh oan cho cha, cậu bé vô tình phát hiện âm mưu của một thế lực đen tối liên quan Cửu Vĩ Hồ trong truyền thuyết.
Theo NSƯT Trịnh Lâm Tùng, Trạng Quỳnh là một nhân vật rất điển hình trong kho tàng văn hóa dân gian Việt Nam, gắn liền với những giai thoại quen thuộc, gần gũi nhiều thế hệ tuổi thơ. "Với sự "làm mới" trong tác phẩm hoạt hình lần này, tôi tin phim sẽ kết nối trẻ em hôm nay với di sản văn hóa dân gian. Đây là cơ hội để nhà làm phim kể lại những câu chuyện dân gian với hơi thở thời đại, bằng ngôn ngữ điện ảnh và công nghệ sản xuất phim mới, qua đó thể hiện niềm tự hào dân tộc và tri ân khán giả" - đạo diễn bày tỏ.
Đạo diễn Trịnh Lâm Tùng kỳ vọng khi xem "Trạng Quỳnh nhí: Truyền thuyết kim ngưu", khán giả nhí sẽ thích thú với yếu tố phiêu lưu, kỳ ảo cùng các cuộc rượt đuổi, đánh võ gay cấn nhưng không kém phần vui nhộn. Người lớn khi xem phim cũng sẽ thấy thấp thoáng đâu đó hình ảnh tuổi thơ và những giá trị mà mình cổ xúy.
Trong khi đó, phim "Dế Mèn: Cuộc phiêu lưu tới xóm Lầy Lội" chuyển thể từ tác phẩm "Dế Mèn phiêu lưu ký" của nhà văn Tô Hoài, đồng thời cải biên một số chi tiết để gần gũi hơn với khán giả hiện nay. Cụ thể, bối cảnh đồng quê trong truyện gốc được chuyển thành Hà Nội, với các địa điểm nổi tiếng như Công viên Lê Nin, Cột cờ, cầu Long Biên...
Ngoài ra, phim còn tạo ra một khu vực giả tưởng mang tên xóm Lầy Lội. Nơi này từng là một cánh đồng xanh nhưng đã trở thành chỗ tập kết rác thải ô nhiễm khiến các sinh vật phải tìm nhiều cách để sinh tồn. Bên cạnh 2 nhân vật chính là Dế Mèn và Dế Trũi, ê-kíp làm phim còn sáng tạo một số nhân vật mới, như Nhái Võ. Phim lồng ghép nhiều câu ca dao, tục ngữ, bài thơ nổi tiếng, các làn điệu dân gian.
Khai phá tiềm năng
Tại talkshow "Animation - Kể chuyện bằng diễn" tổ chức ngày 10-5, ông Đinh Trí Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Kỹ xảo Điện ảnh và Hoạt hình Việt Nam (VAVA), Giám đốc Học viện Kỹ xảo Điện ảnh và Hoạt hình (MAAC) - cho rằng phim hoạt hình Việt Nam vài năm gần đây rất khởi sắc.
"Cụ thể, cuối tháng 5-2025, chúng ta có 2 phim hoạt hình ra rạp. Trong thời gian tới, dự kiến có thêm 2 - 3 phim hoạt hình nữa ra mắt. Đây là sự chuẩn bị, nỗ lực từ nhiều năm nay. Một phim điện ảnh ra rạp vốn đã khó khăn, thế nên nhiều phim hoạt hình ra rạp là tín hiệu vui của ngành hoạt hình Việt Nam" - ông Dũng nhấn mạnh.

“Dế Mèn: Cuộc phiêu lưu tới xóm Lầy Lội” hứa hẹn thu hút nhiều khán giả khi ra rạp. (Ảnh do nhà sản xuất cung cấp)
Theo các nhà chuyên môn, gần đây, ngành hoạt hình Việt Nam đã tham gia và tạo dấu ấn trong nhiều tác phẩm thương mại. Ví dụ, phim "Thám tử Kiên: Kỳ án không đầu" của đạo diễn Victor Vũ có những phân cảnh hoạt hình của đội ngũ giảng viên, học viên MAAC tham gia.
Thông thường, trong tác phẩm điện ảnh, hoạt hình và kỹ xảo không tách rời. Hoạt hình cũng len lỏi trong nhiều tác phẩm quảng cáo, thương mại, sân khấu trình chiếu, game. Doanh thu và những hoạt động biểu diễn, trình diễn thời gian gần đây cho thấy tương lai tươi sáng của lĩnh vực hoạt hình. Có thể nói, hoạt hình Việt Nam có rất nhiều tiềm năng để phát triển.
Ông Thierry Nguyễn, chuyên gia về kỹ xảo điện ảnh, nhìn nhận: "Ở Việt Nam, phim hoạt hình đã nỗ lực phát triển nhiều năm qua song vài năm gần đây mới thật sự phát triển mạnh. Chúng ta không thể chỉ mãi làm gia công cho các hãng sản xuất nước ngoài mà phải tập trung phát triển thị trường nội địa. Chúng ta đã có nguồn nhân lực sở hữu kỹ năng và chuyên môn khá tốt. Chúng ta cũng đã có nhiều phim hoạt hình ra rạp hơn. Hy vọng khán giả sẽ ủng hộ phim hoạt hình Việt Nam để giúp ngành hoạt hình trong nước vươn ra thế giới".
Những người trong cuộc kỳ vọng với nhiều tín hiệu lạc quan cùng sự đam mê, dấn thân của các nhà làm phim trẻ, dòng phim hoạt hình Việt Nam ra rạp trong thời gian tới sẽ có nhiều đột phá.
Theo các nhà chuyên môn, khảo sát cho thấy hầu hết khán giả Việt Nam đều thích xem phim Việt. "Điện ảnh Việt Nam nói chung, phim hoạt hình Việt nói riêng, nếu có kịch bản tốt, câu chuyện được kể ấn tượng thì dù thể loại nào vẫn có khả năng đạt doanh thu cao" - một đạo diễn tin tưởng.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/phim-hoat-hinh-viet-nam-khoi-sac-196250511212427435.htm