Bã thức ăn đóng cục trong dạ dày cụ bà
Bã thức ăn (bezoar) là một tình trạng ít xảy ra, nhưng có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng như viêm loét, tắc ruột, thậm chí thủng dạ dày nếu không được phát hiện và điều trị sớm.
Trường hợp một bệnh nhân lớn tuổi gần đây điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cảnh báo người dân không nên chủ quan với các triệu chứng rối loạn tiêu hóa kéo dài.
Bệnh nhân T.T.X (65 tuổi ở Đông Anh, Hà Nội) đến khám tại Trung tâm Nội soi Tiêu hóa và Thăm dò chức năng của bệnh viện với các biểu hiện như đau bụng, đầy bụng, khó chịu và chán ăn kéo dài.
Qua nội soi dạ dày, bác sĩ phát hiện một khối bã thức ăn kích thước khoảng 4x4 cm trong dạ dày bệnh nhân. Theo thông tin từ bệnh sử, bệnh nhân có răng yếu và thường ăn các loại thức ăn khó tiêu như trái cây có nhựa. Đây là những thứ dạ dày khó tiêu hóa và có thể góp phần tạo thành khối bã.

Các bác sĩ tiến hành nội soi cho bệnh nhân. Ảnh: BVCC
Các bác sĩ và kỹ thuật viên của Trung tâm đã tiến hành nội soi để lấy toàn bộ khối bã ra khỏi dạ dày. Việc này giúp bệnh nhân tránh được nguy cơ tắc nghẽn, loét hoặc thủng dạ dày - những biến chứng nguy hiểm đến tính mạng nếu không được xử lý kịp thời. Thủ thuật diễn ra thuận lợi, an toàn và bệnh nhân đã hồi phục tốt sau đó.
TS.BS Trần Thanh Hà - Quyền Giám đốc Trung tâm Nội soi Tiêu hóa và Thăm dò chức năng giải thích rằng bã thức ăn dạ dày là một khối rắn hoặc nửa rắn hình thành từ thức ăn khó tiêu hoặc dị vật bị giữ lại lâu ngày trong dạ dày.
Một số nguyên nhân thường gặp bao gồm ăn nhiều thực phẩm xơ cứng, trái cây có nhựa và chất khó tiêu như măng, rau sống, gân bò, trái cây xanh như hồng, hoặc do nuốt phải tóc, thuốc, sữa đông…
Tình trạng này thường diễn ra âm thầm và dễ bị bỏ qua vì các triệu chứng không rõ ràng. Tuy nhiên, nếu không được phát hiện sớm, khối bã có thể làm tổn thương niêm mạc dạ dày, dẫn đến viêm loét, chảy máu tiêu hóa, thậm chí gây thủng dạ dày.

Hình ảnh các khối bã thức ăn trong hệ tiêu hóa qua nội soi của bệnh nhân. Ảnh: BVCC
Những người có nguy cơ cao bị bã thức ăn dạ dày bao gồm phụ nữ, người lớn tuổi có răng yếu, bệnh nhân tiểu đường bị rối loạn hoạt động dạ dày, người đã từng phẫu thuật dạ dày hoặc những người có thói quen ăn nhiều đồ ăn khó tiêu, trái cây xanh.
Đặc biệt, trẻ nhỏ hoặc người có rối loạn hành vi như ăn tóc, ăn đất cũng có thể gặp tình trạng này. Các dấu hiệu cảnh báo thường không rõ ràng, bao gồm đầy bụng, buồn nôn sau khi ăn, cảm giác khó tiêu, đau âm ỉ vùng bụng trên, ăn kém và sút cân.
Nếu khối bã lớn dần mà không được điều trị, người bệnh có thể bị nôn nhiều, tắc nghẽn tiêu hóa hoặc chảy máu tiêu hóa cấp tính. Khi đó, cần phải can thiệp y tế ngay lập tức.
Để phòng tránh bã thức ăn hình thành trong dạ dày, TS.BS Trần Thanh Hà khuyến cáo mọi người nên duy trì thói quen ăn uống hợp lý: ăn chín, nhai kỹ, uống đủ nước và vận động nhẹ nhàng sau bữa ăn. Nên hạn chế ăn các loại thực phẩm nhiều xơ cứng hoặc trái cây xanh, đặc biệt đối với người lớn tuổi hoặc người có bệnh về tiêu hóa.

Khối bã thức ăn sau khi được lấy ra.
Những người mắc bệnh tiêu hóa mãn tính cần được theo dõi và điều trị thường xuyên. Đối với trẻ nhỏ, phụ huynh cần chú ý phát hiện và ngăn chặn các hành vi ăn uống bất thường như ăn tóc, ăn giấy, ăn đất… vì đây có thể là nguyên nhân gây ra các khối bã thức ăn nguy hiểm trong dạ dày.
TS.BS Hà nhấn mạnh: “Điều quan trọng nhất là người dân không nên coi thường những triệu chứng rối loạn tiêu hóa kéo dài. Khi có các biểu hiện như đầy bụng, ăn kém, buồn nôn sau ăn nhiều ngày không rõ nguyên nhân, cần đến các cơ sở y tế có chuyên khoa tiêu hóa để được nội soi, chẩn đoán và điều trị kịp thời. Việc can thiệp đúng lúc có thể giúp người bệnh tránh được những biến chứng nghiêm trọng và bảo vệ sức khỏe lâu dài".
Có nên uống trà thảo dược giảm mỡ máu?
Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/ba-thuc-an-dong-cuc-trong-da-day-cu-ba-169250507143338803.htm