Bá Thước cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, đổi mới tư duy, phương pháp, cách làm theo phương châm 'tư duy mở, hoạt động nhanh, nói thật, làm thật, hiệu quả thật'
Làm việc với cán bộ chủ chốt huyện Bá Thước, Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng đề nghị Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Huyện ủy và từng đồng chí cán bộ chủ chốt của huyện cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, đổi mới tư duy, phương pháp, cách làm theo phương châm 'tư duy mở, hoạt động nhanh, hiệu quả thật', luôn trăn trở tìm ra giải pháp để đưa Bá Thước nhanh chóng thoát khỏi huyện nghèo và trở thành huyện khá của khu vực miền núi..
Ngày 15-6, đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã đi kiểm tra tình hình thực hiện nhiệm vụ sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 và việc triển khai thực hiện Thông báo số 29-TB/VPTU của Văn phòng Tỉnh ủy; phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới của huyện Bá Thước.
Cùng đi có các đồng chí: Trịnh Tuấn Sinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy; Mai Xuân Liêm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Quang Huy, Chủ tịch Tập đoàn Sungroup vùng thủ đô; lãnh đạo một số sở, ngành cấp tỉnh và Văn phòng Tỉnh ủy; lãnh đạo Công ty CP Cấp thoát nước Thanh Hóa.
Trước khi làm việc với cán bộ chủ chốt huyện Bá Thước, đến kiểm tra tiến độ Cụm công nghiệp xã Điền Trung, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị huyện Bá Thước tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư phát triển hạ tầng Cụm công nghiệp, từ đó thu hút các cơ sở sản xuất, kinh doanh vào địa bàn, góp phần tạo việc làm và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương. Cùng với đó, chủ đầu tư khi thu hút các doanh nghiệp vào sản xuất cần phải quan tâm đến việc bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước. Với diện tích gần hơn 20 ha, Cụm công nghiệp tại xã Điền Trung khi hoàn thành sẽ giải quyết được gần 10.000 lao động địa phương.
Đến khảo sát nghiên cứu tiềm năng du lịch khu vực Thác Muốn tại thôn Đồi Muốn, xã Điền Quang, Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng và Phó Bí thư Tỉnh ủy Trịnh Tuấn Sinh cùng các thành viên trong đoàn đánh giá cao tiềm năng du lịch nơi đây.
Thác Muốn nằm ở độ cao 500 m so với mực nước biển, khởi đầu từ các khe núi đá trên đỉnh núi Muốn có độ cao hơn 300 m chảy vào lòng một thung lũng rộng vài ha, rồi từ đó đổ xuống sườn núi tạo thành nhiều tầng thác liên hoàn kế tiếp nhau như hình bậc thang.
Thác có 43 tầng thác lớn, nhỏ, cao, thấp khác nhau rồi đổ ra sông Đại Lạn nhập vào dòng Mã giang hùng vĩ. Cùng với thác Muốn, tại xã Điền Quang còn có hệ thống hang động rất đẹp tọa lạc xung quanh như Hang Mộng, Hang Bụt và Hang Bến Bai là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Thái, Mường với những nếp nhà sàn truyền thống gắn với nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Địa điểm Thác Muốn được đầu tư sẽ là một điểm đến lý tưởng trong tour khám phá miền thượng du của Thanh Hóa.
Đến thăm trang trại chăn nuôi và trồng cây ăn quả tập trung tại xã Điền Lư do Công ty APG ECO Thanh Hóa đầu tư, Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng đánh giá cao doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, đưa các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, tạo việc làm nâng cao thu nhập cho Nhân dân địa phương.
Liên quan đến vướng mắc về đất đai, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy giao Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các địa phương tổ chức rà soát, đánh giá thực trạng quản lý, sử dụng đất của các nông, lâm trường và công ty lâm nghiệp trên địa bàn, báo cáo tỉnh để kiến nghị với Chính phủ xem xét, giải quyết.
Làm việc với lãnh đạo chủ chốt huyện Bá Thước, Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng và thành viên trong đoàn đã nghe lãnh đạo huyện báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 và triển khai thực hiện Thông báo số 29TB/VPTU của Văn phòng Tỉnh ủy; phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới của huyện.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Bí thư Tỉnh ủy Trịnh Tuấn Sinh và Phó Chủ tịch Mai Xuân Liêm cùng các đồng chí lãnh đạo các ngành cấp tỉnh cho rằng, sau hơn nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025; trong bối cảnh gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, nhưng Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc huyện Bá Thước đã có nhiều nỗ lực, cố gắng vươn lên. Huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương và Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thông báo số 29-TB/VPTU, ngày 12-3-2021 của Văn phòng Tỉnh ủy đạt được nhiều kết quả quan trọng. Kinh tế tiếp tục duy trì đà tăng trưởng. Chương trình xây dựng nông thôn mới được quan tâm chỉ đạo; đến nay, toàn huyện có 3/20 xã, 82 thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 3 thôn nông thôn mới kiểu mẫu; có 5 sản phẩm được công nhận đạt sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh.
Văn hóa - xã hội chuyển biến tiến bộ; công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc được quan tâm. Các chương trình, dự án giảm nghèo, chính sách dân tộc, miền núi, an sinh xã hội thực hiện có hiệu quả; đời sống Nhân dân tiếp tục được cải thiện. Quốc phòng - an ninh; an ninh chính trị, an ninh nông thôn, an ninh tư tưởng - văn hóa, an ninh dân tộc được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và xây dựng hệ thống chính trị tiếp tục được củng cố và tăng cường.
Bên cạnh đánh giá cao kết quả đạt được, các ý kiến cũng đã nêu lên những mặt còn hạn chế và đề nghị huyện Bá Thước cần phải phát huy hơn nữa những tiềm năng, lợi thế, tài nguyên du lịch... nhằm thúc đẩy cho sự phát triển trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng nêu rõ: Bá Thước là huyện miền núi cao, nằm ở vị trí chiến lược quan trọng, hợp điểm giao thông miền núi của tỉnh, trong đó ngã ba Đồng Tâm là nơi tiếp giáp quan trọng lên các huyện Quan Sơn, Quan Hóa, Mường Lát… với nhiều tiềm năng, thế mạnh và còn nhiều dư địa để phát triển. Trên địa bàn huyện có một số tiểu vùng khí hậu ôn đới mát mẻ quanh năm, trong đó Khu vực Son Bá Mười được ví như “Đà Lạt, Sa Pa của Thanh Hóa”; có Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông là địa điểm nghỉ dưỡng hấp dẫn được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến…
Trong không gian phát triển du lịch của tỉnh, Bá Thước đóng vai trò là một điểm nhấn về sinh thái và văn hóa cộng đồng của người Thái, người Mường. Đồng bào các dân tộc trong huyện có truyền thống cách mạng, cần cù trong lao động, sản xuất, có bản sắc văn hóa lâu đời, phong phú. Hiện nay, Bá Thước đang được rất nhiều nhà đầu tư quan tâm. Đây chính là lợi thế lớn mà huyện cần phải khai thác và phát huy, biến thành nguồn lực cho sự phát triển.
Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Bá Thước đã nỗ lực phấn đấu vươn lên và đạt kết quả bước đầu. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạn chế, có mặt yếu kém cần phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục bằng được, đó là: Tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp xa so với mục tiêu đại hội và so với bình quân chung cả tỉnh, chưa thực sự bền vững, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của huyện, sự quan tâm của tỉnh. Huyện vẫn nằm trong nhóm những huyện nghèo nhất cả nước.
Việc khắc phục những tồn tại, hạn chế theo Thông báo số 29-TB/VPTU của Văn phòng Tỉnh ủy còn chậm. Các lĩnh vực sản xuất còn gặp nhiều khó khăn. Chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi chưa mạnh; các mô hình sản xuất trong nông nghiệp theo hướng hàng hóa, công nghệ cao quy mô còn nhỏ, theo chuỗi giá trị còn ít. Kết quả thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới còn hạn chế. Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phát triển chậm, giá trị sản xuất còn nhỏ bé. Tiến độ thực hiện hạ tầng các cụm công nghiệp còn chậm; việc thu hút các dự án công nghiệp vào địa bàn còn ít. Hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đáp ứng yêu cầu phát triển.
Một số lĩnh vực văn hóa - xã hội chuyển biến chưa rõ nét; chất lượng giáo dục mũi nhọn còn thấp; tình trạng ô nhiễm môi trường có lúc còn để xảy ra, tỷ lệ hộ nghèo còn cao… Năng lực lãnh đạo của Huyện ủy, sức chiến đấu của một số cấp ủy, tổ chức Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền một số mặt còn hạn chế; quản lý đất đai còn để xảy ra nhiều sai phạm. Một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa gương mẫu, thiếu chủ động, còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào cấp trên.
Để Bá Thước phát triển nhanh hơn, mạnh hơn và bền vững hơn, quyết tâm thoát ra khỏi huyện nghèo và trở thành huyện khá trong khu vực miền núi của tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng đề nghị trong thời gian tới Ban Thường vụ Huyện ủy Bá Thước cần đánh giá, nhận thức đầy đủ về tiềm năng, thế mạnh của địa phương, phát huy nội lực, thay đổi tư duy, dựa vào các yếu tố nguồn lực con người, đất đai, truyền thống văn hóa, lịch sử, tích cực, chủ động, linh hoạt, sáng tạo, đổi mới hơn nữa để thực hiện bằng được nhiệm vụ phát triển.
Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nghị quyết của Đảng, Nghị quyết Đảng bộ huyện lần thứ XXIII nhiệm kỳ 2020-2025, Thông báo số 29-TB/VPTU ngày 12-3-2021 của Văn phòng Tỉnh ủy. Khẩn trương tiến hành sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, bảo đảm chất lượng, tiến độ theo Kế hoạch số 116 ngày 4-3-2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy...
Bám sát các quy hoạch của tỉnh và yêu cầu phát triển, rà soát, cập nhật, bổ sung, khớp nối, nâng tầm và tổ chức thực hiện hiệu quả quy hoạch vùng huyện, quy hoạch xây dựng các khu chức năng, quy hoạch đô thị và nông thôn, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch hệ thống hạ tầng và không gian phát triển gắn với hành lang giao thông, quy hoạch các cụm công nghiệp Điền Trung, Thiết Ống, thị trấn Cành Nàng, Lâm Xa… để khai thác tốt các tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Khẩn trương tổ chức thực hiện có hiệu quả 2 chương trình trọng tâm và 3 khâu đột phá theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định.
Là địa phương có diện tích rộng, huyện phải coi phát triển nông nghiệp - lâm nghiệp là nền tảng, là điều kiện quan trọng để thoát nghèo. Muốn vậy, phải tập trung thực hiện hiệu quả việc cải tạo vườn tạp, tái cơ cấu ngành nông nghiệp; tăng cường chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng hàng hóa, quy mô phù hợp, chú trọng vừa và lớn, có giá trị, hiệu quả cao, gắn với thị trường tiêu thụ và xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, từng bước hình thành một số sản phẩm hàng hóa chủ lực, có lợi thế… Tiếp tục phát triển chăn nuôi trang trại và gia trại, ứng dụng công nghệ cao theo chuỗi giá trị, kết hợp với chăn nuôi nông hộ bảo đảm an toàn dịch bệnh, vệ sinh môi trường. Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; đẩy mạnh trồng rừng gỗ lớn, cải tạo, phục tráng và thâm canh rừng luồng, bảo tồn và phát triển các loại cây dược liệu bản địa quý hiếm… Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình MTQG, nhất là Chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới phù hợp với đặc thù của một huyện miền núi.
Tập trung phát triển sản xuất tiểu thủ công nghiệp, công nghiệp, để đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, tạo bước đột phá về tốc độ tăng trưởng và nhanh chóng rút ngắn khoảng cách phát triển… Tăng cường quản lý chặt chẽ và nâng cao hiệu quả thực hiện các chương trình, dự án, cơ chế, chính sách hỗ trợ của Chính phủ; khẩn trương hoàn thành hồ sơ, thủ tục và triển khai đầu tư đối với các dự án thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 đã được phê duyệt, sớm đưa Bá Thước thoát khỏi huyện nghèo… Tăng cường công tác bảo vệ tài nguyên, môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học. Chủ động làm tốt công tác phòng, chống thiên tai, bão lũ, sạt lở đất...
Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng lưu ý đối với lĩnh vực dịch vụ trọng tâm là du lịch, huyện cần phát huy vị trí kết nối các tuyến giao thông, đồng thời phát huy những giá trị độc đáo về văn hóa, lịch sử, khí hậu, nhất là Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, Khu Son Bá Mười, cùng với các di tích, danh thắng khác trong vùng để quảng bá, huy động nguồn lực đầu tư phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa, lịch sử nâng cao chất lượng, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện. Muốn vậy, huyện cần làm tốt công tác quy hoạch, giữ gìn cảnh quan thiên nhiên - yếu tố làm nên “sức hấp dẫn” của du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng; bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa bản địa, cùng với đó là đa dạng các loại hình du lịch để du khách có thêm những trải nghiệm, khám phá mới; đồng thời, đẩy mạnh kết nối với các điểm du lịch khác trong và ngoài tỉnh... Nâng cao tính chuyên nghiệp, khắc phục tính mùa vụ trong hoạt động du lịch; đẩy mạnh liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp dịch vụ du lịch với các đơn vị lữ hành...
Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Bá Thước cần quan tâm hơn nữa đến phát triển các lĩnh vực văn hóa - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội. Chú trọng công tác chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân. Đẩy mạnh phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa; tăng cường tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện nếp sống văn minh, xóa bỏ các hủ tục, tập quán lạc hậu, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của các dân tộc. Chú trọng công tác bảo đảm quốc phòng - an ninh. Chăm lo làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị. Tăng cường giữ gìn, đoàn kết, thống nhất, Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Huyện ủy và từng đồng chí cán bộ chủ chốt của huyện cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, đổi mới tư duy, phương pháp, cách làm theo phương châm “tư duy mở, hoạt động nhanh, nói thật, làm thật, hiệu quả thật”, luôn trăn trở tìm ra giải pháp để đưa Bá Thước nhanh chóng thoát khỏi huyện nghèo và trở thành huyện khá của khu vực miền núi.