Bá Thước phấn đấu thực hiện có hiệu quả giải pháp phát triển kinh tế - xã hội
Những tháng đầu năm, huyện Bá Thước tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững, trong đó chú trọng thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên và nhân lực trong quá trình phát triển. Đồng thời, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển, đẩy mạnh tiến độ xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từ các chương trình, dự án. Quan tâm, chăm lo phát triển văn hóa - xã hội, xây dựng đời sống văn hóa, bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo, giải quyết việc làm cho người lao động.
Theo báo cáo của Văn phòng Huyện ủy Bá Thước, quý I-2023, huyện tiếp tục thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đưa các loại cây trồng, vật nuôi có năng suất, giá trị kinh tế cao vào sản xuất. Đồng thời, tiếp tục tích tụ, tập trung đất đai để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, với diện tích 34 ha; thực hiện liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm với các doanh nghiệp, tổng diện tích hơn 1.900 ha. Huyện tập trung chỉ đạo thực hiện các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, triển khai công tác tiêm phòng cho gia súc, gia cầm đợt I-2023. Toàn huyện đã trồng mới 130,4 ha rừng và 65 nghìn cây phân tán; an ninh rừng cơ bản ổn định, không để xảy ra cháy rừng. Sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản đạt 357 tấn, tăng 2,3% so với cùng kỳ. Sản xuất công nghiệp đạt 141,2 tỷ đồng, tăng 11,7% so với cùng kỳ; trong đó, công nghiệp khai khoáng 19,5 tỷ đồng, tăng 10,9%; công nghiệp chế biến 121,5 tỷ đồng, tăng 11,8%. Huyện chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chương trình phát triển, quảng bá hình ảnh, thu hút khách du lịch và quý I-2023 đã đón được 11.203 lượt khách, tăng 78,8% so với cùng kỳ (khách quốc tế 2.360 lượt người, khách trong nước 8.840 lượt người). Huyện chỉ đạo tăng cường công tác quản lý tài nguyên và môi trường, trong đó, xử lý các trường hợp vi phạm xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp. Các đơn vị, trường học tập trung đẩy mạnh phong trào thi đua dạy tốt, học tốt; thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và đổi mới phương pháp dạy học. Các cơ sở y tế thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho Nhân dân. Đẩy mạnh kiểm tra và không để xảy ra vụ việc phức tạp về vệ sinh an toàn thực phẩm. Cũng trong quý I-2023, huyện tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Đồng chí Phạm Đình Minh, Bí thư Huyện ủy Bá Thước, cho biết: Thời gian tới, Ban Thường vụ Huyện ủy Bá Thước yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững theo hướng sinh thái gắn với ứng dụng tiến bộ khoa học, bảo vệ môi trường và bảo đảm giá trị gia tăng cao. Đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai; tiếp tục chuyển đổi cây trồng, sản phẩm phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường; nâng cao năng suất, chất lượng các sản phẩm chủ lực, có lợi thế của huyện. Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng gia trại, trang trại, ứng dụng công nghệ cao theo chuỗi giá trị, kiểm soát dịch bệnh và bảo vệ môi trường. Tăng diện tích thâm canh cây lâm nghiệp có giá trị kinh tế cao, nâng cao năng suất, chất lượng rừng. Tăng cường bảo vệ và phát triển rừng, khai thác có kiểm soát tài nguyên rừng, bảo đảm hiệu quả và bền vững. Phát triển nuôi trồng và khai thác thủy sản hiệu quả, bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái. Sử dụng có hiệu quả nguồn vốn sự nghiệp các chương trình, dự án và nguồn vốn tài trợ... cho việc xây dựng, nhân rộng các mô hình phát triển sản xuất. Tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia đang triển khai thực hiện trên địa bàn, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Phát triển nhanh các ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp có khả năng phát huy lợi thế về nguyên liệu, lao động và khả năng cạnh tranh, như vật liệu xây dựng, may mặc, các sản phẩm sản xuất từ tre, luồng... Thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng các cụm công nghiệp trên địa bàn.
Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về đầu tư xây dựng; thường xuyên kiểm tra, giám sát và hướng dẫn việc thực hiện các quy định của pháp luật trong lĩnh vực quản lý chất lượng công trình, dự án. Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng và sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị trong công tác giải phóng mặt bằng, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm. Phát triển nhanh, đa dạng các loại hình dịch vụ, khuyến khích tất cả các thành phần kinh tế tham gia các hoạt động dịch vụ. Đa dạng các sản phẩm du lịch, tăng cường hoạt động truyền thông, quảng bá xúc tiến du lịch, phấn đấu đưa Bá Thước trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn về du lịch của tỉnh. Tổ chức tốt các hoạt động tuyên truyền, văn hóa, văn nghệ chào mừng các ngày lễ lớn, các sự kiện quan trọng của đất nước, của tỉnh và của huyện. Đẩy mạnh phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới. Huy động các nguồn lực, nhất là nguồn lực xã hội hóa để đầu tư, tôn tạo, bảo tồn, nâng cấp các di tích lịch sử, văn hóa có giá trị. Tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng giáo dục đại trà, nhất là chất lượng giáo dục mũi nhọn, rút ngắn khoảng cách chất lượng giáo dục giữa các vùng trong huyện. Tổ chức rà soát sắp xếp mạng lưới trường lớp, xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý đủ về số lượng, cơ cấu, chuẩn về trình độ, năng lực, phẩm chất, đạo đức. Tiếp tục nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân; huy động các nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại hóa hệ thống y tế.
Thực hiện có hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, quản lý chặt chẽ các hoạt động hành nghề y, dược tư nhân; quản lý thuốc chữa bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm. Tăng cường công tác giải quyết việc làm, nâng cao hiệu quả kết nối cung - cầu lao động và các chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững. Chú trọng phát triển đào tạo nghề, gắn với nhu cầu sử dụng lao động và triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu và của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ. Đẩy mạnh cải cách hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, rút ngắn thời gian giải quyết công việc cho tổ chức, doanh nghiệp và công dân. Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chỉ đạo, điều hành và trao đổi thông tin thông suốt từ UBND huyện đến các phòng, ban, ngành, UBND các xã, thị trấn và các đơn vị trực thuộc.