Bà tôi

Ông bà nội tôi có 4 người con, 3 trai, 1 gái. Chưa đến 40 tuổi, ông mất vì lao lực, bà thành góa phụ. Người đàn bà tuổi chưa tròn 30 gồng gánh trên lưng cả đàn con nheo nhóc. Quanh năm chân lấm tay bùn, đầu tắt mặt tối nhưng không thể che dấu sự rực rỡ của bà tôi. Cái rực rỡ của người đàn bà đang “bắt’ vào độ chín của tuổi xuân cũng như những trải nghiệm, thử thách của cuộc sống. Sau này tôi nghe kể lại, vào những năm tháng dài đằng đẵng của kiếp người góa bụa, ngõ nhà tôi không thiếu những bóng người lạ. Tuy nhiên, không để ai mất công đến lần thứ hai, bà tôi từ chối hết. Theo thời gian bác tôi, bố tôi, chú tôi, cô tôi lớn lên. Bác tôi, bố tôi, chú tôi cả 3 lẳng lặng giấu bà viết đơn tình nguyện nhập ngũ. Khi tiễn các con đi, bà không trách mà chỉ dặn, đừng để mẹ lại một mình. Cả đời mẹ đã phải ở một mình rồi…

Tin dữ từ bác tôi nhanh chóng báo về. Bà chết lặng ra mộ ông “báo cáo”, ông sống khôn thác thiêng, phù hộ cho thằng Hai, thằng Ba. Ông theo các con, chở che, dẫn đường cho chúng, cho cả nhà ông nhé. Tôi cũng như các bà mẹ khác, không muốn các con ra trận. Nhưng nếu giữ chúng ở nhà thì… mất nước. Rồi thì đời con, đời cháu chúng ta sẽ ra sao… Nước mất thì nhà cũng tan ông ơi… Bà tôi kể, sau khi nghe tin bác mất, bà không dám nghĩ gì nữa. Bà cũng không dám, không trông cả những cánh thư. Vì bà nghĩ, không có tin tức cũng chính là bố tôi, chú tôi vẫn đang mạnh khỏe, hăng hái chiến đấu ở các chiến trường. Thế nhưng tin dữ vẫn về, phải đến 2 năm sau ngày chú mất, giấy báo tử mới về đến quê. Lần này thì bà tôi không trụ được nữa, nằm liệt mấy tháng trời, cơm cháo đều do các cô dì, hàng xóm nấu mang cho. Bà tôi còn kể, lúc ấy “điên” quá định viết đơn xin xã, xin đơn vị bố tôi vào chiến trường “lôi” bố về. Thế rồi, trong một đêm nửa thức nửa ngủ, bà bảo thấy ông về. Ông nhìn bà nằm co quắp trên giường ứa nước mắt nói: Mình à, cố lên, hãy để thằng Hai trả thù cho thằng Cả, thằng Ba. “Tao sực tỉnh tự dằn lòng xuống, chờ đợi bố mày, chờ đợi cái ngày bố mày đền nợ nước, trả thù nhà về với bà”, bà kể. Khi bố tôi tập tễnh về đến đầu làng, bà đã hơn 60 tuổi. Người đàn bà góa bụa đi qua những thăng trầm, mất mát, đớn đau của số phận, “nhân chứng sống” của chiến tranh chỉ còn một dúm da bọc xương chạy như bay ra đầu làng đón bố. Rồi lại ngã khụy xuống ngay dưới chân đôi nạng gỗ. Rồi run rẩy cầm tay bố tôi nghẹn đặc, về với mẹ là tốt rồi, tốt rồi…

Bà tôi giờ đã ngót trăm tuổi, tóc trên đầu như một đám mây nhỏ luôn trôi bồng bềnh. Hàng ngày, bà vẫn mắng “yêu” bố tôi sang sảng, “cha bố anh”, may còn biết đường về với mẹ. Bố tôi đáp lời bà, cả nhà vẫn ở nhà đầy đủ mẹ nhé. Bà tôi cười móm mém, ừ, tôi quên, tôi quên, chắc bố mày với thằng Cả, thằng Ba đi đâu đó hử? Không ai trong nhà “ý kiến” về tình trạng lẫn lộn ngày càng nặng của bà. Có ngày bà lập lại câu hỏi đó đến vài chục lần. Và bố tôi vẫn kiên nhẫn trả lời cho đến khi bà vui vẻ, cười xòa trước câu trả lời “hợp lý” của bố. Cứ như thế, mỗi ngày bà tôi đều tin rằng, cả nhà luôn đủ đầy, cùng ở bên nhau. Như chưa từng có cuộc sinh ly tử biệt.

Hoa Xuân

Nguồn Nam Định: https://baonamdinh.vn/van-hoa-nghe-thuat/202408/ba-toi-373206e/