Ba trăm năm lẻ bên hồ lụa
Trúc Bạch là một cái tên dường như không xuất hiện ở nơi nào ngoài tên một hồ nước cỡ trung bình ở Hà Nội. Cái tên này tương truyền có từ sau thời chúa Trịnh Giang, khi các cung nữ phạm lỗi bị đày ra đó, họ dệt nên thứ lụa gọi là lụa trúc, gọi theo chữ Hán là Trúc Bạch, rồi thành tên của xóm làng.
Bản thân hồ Trúc Bạch cũng chỉ hình thành khi một góc hồ Tây được ngăn ra, nằm ở mỏm trên cùng phía bắc nội thành. Nếu coi sông Hồng là dòng sông mẹ sinh ra những dòng chi lưu và ao hồ trong sự vặn mình uốn khúc qua hàng nghìn năm thì hồ Trúc Bạch là hàng con cháu sinh sau đẻ muộn của dòng sông này.
Từ hồ thủy lợi đến hồ tâm linh
Hồ Trúc Bạch ban đầu được tạo nên với mục đích thủy lợi, khi dân hai làng ven hồ Tây là Yên Phụ và Yên Quang đắp để ngăn nước bắt cá, sinh ra cái tên Cố Ngự (nghĩa là đê ngăn nước) rồi đọc trại thành Cổ Ngư. Đó là một giả thuyết cho tên gọi con đường ngăn giữa hồ Tây và hồ Trúc Bạch mang tên đường Thanh Niên từ năm 1958.
Một căn cứ nữa là khi Trịnh Doanh cho đắp vòng La thành vào năm 1749, con đường này cũng nằm trong một đoạn tường lũy, rồi đến thời Nguyễn vẫn còn duy trì, nằm giữa hai cửa ô Thụy Chương và ô Yên Phụ. Đại Nam nhất thống chí khi viết về tỉnh thành Hà Nội, trong mục “núi sông” có ghi: “Hồ Trúc Bạch ở thôn Yên Ninh, huyện Vĩnh Thuận, phía bắc tỉnh thành, chu vi 4 dặm, có thuế thủy lợi. Trong hồ có núi đất, trên núi có chùa Châu Long”. Đoạn mô tả đáng chú ý ở chỗ cho biết hồ này có “thủy lợi”, nghĩa là có vai trò cung cấp nguồn lợi thủy sản và cấp nước.

Hồ Tây, hồ Trúc Bạch và đường Cổ Ngư nhìn từ trên cao, thập niên 1940. Ảnh: TL
Hồ Trúc Bạch tuy chỉ rộng 22 ha song đủ chứa giữa lòng một hòn đảo nổi tiếng về nghề đúc đồng. Đảo Ngũ Xã trên hồ Trúc Bạch chỉ rộng 4,5 ha, có khi gọi là Năm Tràng, để chỉ năm hiệp thợ đúc đồng gốc năm làng từ Bắc Ninh đến Kẻ Chợ mở xưởng. Năm Tràng lâu dần đọc trại thành Nam Tràng, sau này được dùng để đặt cho một phố trong đảo.
Ngũ Xã vốn có các lò đúc tiền (“Trúc Bạch tiền lô”), xuất hiện trong nhiều văn bản chữ Hán, được liệt vào một trong các cảnh trí quan trọng của kinh thành. Bài phú nổi tiếng Tụng Tây hồ phú của Nguyễn Huy Lượng viết đời Quang Toản nhà Tây Sơn năm 1801 kể tới cảnh này: “Sen vũng nọ nảy tiền xanh lác đác, lửa đóm ghen năm xã gây lò”. Lá sen được liên tưởng tới những đồng tiền, hô ứng với chữ lò (cũng là “lô”), cùng cách gọi “năm xã” tạo thành một sự bồi nghĩa hoa mỹ.
Người ta truyền tụng chính thợ Ngũ Xã đã đúc pho tượng đồng Huyền Thiên Trấn Vũ ở đền Quán Thánh vào năm 1677, làm nên một biểu tượng của đất Thăng Long. Ngôi đền được coi là trấn phía bắc của Thăng Long tứ trấn, gần Ngũ Xã và hồ Trúc Bạch, tham gia vào hệ sinh thái văn hóa khu vực này.

Bản đồ quy hoạch khu vực hồ Trúc Bạch và đường Thanh Niên năm 1958. Ảnh: TL
Quanh Trúc Bạch là một tập hợp những dấu tích tôn giáo, tín ngưỡng, tạo cho mặt hồ này một “hồ sơ tâm linh”, khi bản thân mặt nước cũng làm minh đường tụ thủy cho phong thủy của phố phường và làng mạc xung quanh. Bên đường Thanh Niên là hòn đảo nhỏ có đền Thủy Trung Tiên hay đền Cẩu Nhi, gần như đối diện với chùa Trấn Quốc cũng trên một hòn đảo giữa hồ Tây. Ngôi đền tụ hội vài sự tích, trong đó nổi bật là câu chuyện về mẹ con chó thần báo ứng về việc Lý Công Uẩn lên ngôi vua. Trải thăng trầm hư thực đan dệt như tấm lụa cổ xưa, trong phong cảnh đất Thăng Long, Trúc Bạch là phần phụ trợ thế tục hơn cho những khói sóng Dâm Đàm, Lãng Bạc đã thành huyền cảnh.
Năm 1949, một Phật sự diễn ra tại đảo Ngũ Xã, nơi có chùa Thần Quang thờ Nguyễn Minh Không, tổ sư nghề đúc đồng. Một bức tượng Phật Di Đà cao 3,95m, nặng 10 tấn, đặt trên đài sen cao 1,45m và nặng 3,9 tấn được thượng tọa Vĩnh Tường và tiến sĩ Vũ Văn Quý chủ trì quyên góp đúc. Nghệ nhân Nguyễn Văn Hiếu vẽ kiểu tượng và kiến trúc sư Nguyễn Văn Tùy là thợ cả phường đúc trông coi công việc. Tượng được làm khuôn từ năm 1949 và phải mất gần 4 năm mới có đủ đồng để đúc. Điều đặc biệt là đồng để đúc tượng được lấy từ các bức tượng của chế độ thuộc địa đã bị giật đổ năm 1945 như tượng Nữ thần Tự do (Bà đầm xòe), Paul Bert hay tượng đài tử sĩ Pháp. Pho tượng khổng lồ cần cả làng vào cuộc với 10 lò nấu đồng, trở thành một sự kiện được quan tâm đặc biệt của dân chúng Hà thành.

Đúc tượng Phật A Di Đà chùa Thần Quang (44 Ngũ Xã) khoảng năm 1951 - 1952. Ảnh: EFEO
Bức tượng hoàn thành đầu năm 1953 và trở thành pho tượng đồng lớn nhất miền Bắc cho đến tận năm 2003. Bức tượng Phật được đúc với tay nghề tinh xảo của người Ngũ Xã, trở thành bằng chứng sống động cho một di sản nghề truyền thống còn hiện diện giữa thế kỷ XX.
Để đặt được bức tượng khổng lồ này sau khi đúc xong vào vị trí, nhà chùa nhờ quân đội Pháp mang kích thủy lực để giúp. Sau đó tòa tam bảo mới được xây trùm lên bức tượng, mang phong cách kết hợp hình thức truyền thống với kết cấu hiện đại. Những bức ảnh của quá trình này đã được Viện Viễn Đông Bác cổ (EFEO) lưu lại, giúp các thế hệ sau hiểu hơn về cuộc chấn hưng Phật giáo mang sắc thái một sự gặp gỡ đông - tây ở một ngôi làng nhỏ giữa lòng thành phố thời tạm chiếm.
Cho đến đầu thập niên 1990, khi chưa làm đường kè quanh hồ, đảo Ngũ Xã vẫn còn giữ phong cảnh thôn xóm, với bờ cây sát mặt nước, dăm chiếc thuyền nan giữa những mảng bèo tây. Ngũ Xã như một mảnh ký ức yên tĩnh, mặc cho các đường phố xung quanh biến đổi.
Hồ tự tử và hồ thời sự
Hồ Trúc Bạch nằm ở phía tây một dải đất có dạng tứ giác xen kẹt giữa bốn cạnh: phía bắc là đê Yên Phụ, phía đông đường Thanh Niên giáp hồ Tây, phía tây là con đường cổ Hòe Nhai giáp các cửa ô ra sông Hồng, phía nam chặn lại bằng hào nước Hoàng thành (chính là một đoạn sông Tô Lịch cũ, nay là phố Phan Đình Phùng). Do bị hạn chế địa giới, khu vực này chủ yếu phát triển trong quá trình san lấp các ao hồ, chẳng hạn hồ Cổ Ngựa. Sự hiện đại hóa khu vực bắt đầu từ khi người Pháp phá bỏ bức tường thành phía bắc thành Hà Nội, lấp hào nước sông Tô Lịch, mở đường phố và thiết lập các cơ sở công nghiệp: nhà máy gạch Satic ở phía nam hồ Trúc Bạch, nhà máy thuốc lá, nhà máy nước và điện trên nền hồ Cổ Ngựa giáp chân đê Yên Phụ.

Những bài báo về tự tử ở hồ Trúc Bạch đầu thập niên 1930
Một cơ sở giáo dục quan trọng phục vụ cho cuộc thuộc địa hóa là Trường thông ngôn Bắc kỳ (Collège des Interprètes du Tonkin) từ năm 1886, đặt tại đình Yên Trì (66 Phó Đức Chính hiện nay), trông ra hồ Trúc Bạch. Một trong những học trò nổi tiếng nhất chính là Nguyễn Văn Vĩnh, vốn là một cậu bé kéo quạt. Người hiệu trưởng Pháp nhận thấy cậu bé thông minh đã nhận vào học và kết quả là nhờ khởi đầu đó, Nguyễn Văn Vĩnh đã học lên cao, trở thành một học giả xuất chúng, được xếp vào “Trường An tứ hổ” (bốn học giả nổi tiếng của Hà Nội: Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Phạm Duy Tốn, Nguyễn Văn Tố). Đầu thế kỷ XX, cơ sở này chuyển thành Trường Tiểu học Yên Phụ, một trong những trường tiểu học Pháp Việt đầu tiên.
Tuy nhiên, trong đời sống, một sự “tân thời hóa” khu hồ Trúc Bạch khác lại đến từ truyền thông xung quanh phong trào tự tử đầu thập niên 1930. Có đến vài chục bài báo viết về các vụ tự tử ở hồ này, chủ yếu là các thiếu nữ, từ năm 1927 đến hết thập niên 1930. Các bài báo đi từ quan điểm bảo thủ, phê phán các cô gái “tự vẫn là người hèn” (Hà Thành ngọ báo, 5.12.1927) đến chỗ trở thành những dòng tít báo ăn khách trên các tờ Thực nghiệp dân báo, Hà Thành ngọ báo suốt nhiều năm: “Lại một cô con gái toan trẫm mình ở hồ Trúc Bạch”, “Vì bị em chồng hành hạ, một thiếu phụ trẫm mình ở hồ Trúc Bạch”, “Một người đàn bà ẵm con nhảy xuống hồ Trúc Bạch tự tử”…
Chuyện tự tử trên mặt báo đặc biệt chỉ tập trung vào hồ Trúc Bạch và hồ Hoàn Kiếm: “Hồ Gươm và hồ Trúc Bạch như riêng để chôn tấm thân bạc mệnh” (Nông Công Thương nhật báo 17.8.1931), mà “chẳng bao giờ thấy tự trầm trên mặt hồ Tây hay hồ Bảy Mẫu!” (Thực nghiệp dân báo 1.9.1931). Ăn theo sự “ăn khách” của chủ đề hồ Trúc Bạch, nhiều mẩu quảng cáo cũng lấy làm cớ quảng cáo, hạ thấp mục đích quyên sinh là vì không có trang sức mà đeo!
Lý giải cho sự “ưu tiên” hồ Trúc Bạch, Vũ Trọng Phụng đã dành hẳn một chương trong tiểu thuyết Số đỏ lấy bối cảnh hồ này:
Về phía tây thành Hà Nội có một cái hồ mà người ta chịu khó ngăn đôi thành một con đường cho nó thành ra hai cái hồ… Thoạt đầu người ta hay nhảy xuống hồ Tây, nhưng vì hồ Tây sâu lắm, những kẻ tự tử chẳng may phần nhiều không mấy ai thoát chết cả, thành thử người ta bảo nhau nhảy xuống cái bên cạnh là hồ Trúc Bạch nông hơn. Vì lẽ nhà nước cũng khôn, đã cho trồng mấy cái bảng lớn “Cấm ngặt đổ rác xuống hồ Tây” nên hồ Trúc Bạch lại càng đắt khách. Ðêm đêm, những bác phụ xe ế khách, những kẻ trai tráng biết bơi mà thất nghiệp, thường lên chờ ở đấy để hễ nghe thấy tiếng kêu thảm thương ai oán: “Ai cứu tôi với!...” là nhảy ùm xuống, là vớt ngay được một tiểu thư đẹp nõn lên, rồi đến bốt Hàng Ðậu lĩnh tiền thưởng, và sau cùng, thấy ảnh mình đăng trên báo kèm với những cuộc phỏng vấn ỏm tỏi.
Vì những lẽ ấy, hồ Trúc Bạch chẳng bao lâu mà trở nên một cách oanh liệt, là một sân khấu của tất cả những tấn đại thảm kịch của những cảnh địa ngục giữa Hà Thành…

Đường Cổ Ngư cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, đoạn cổng đền Quán Thánh. Ảnh: Dieulefils
Sau những trận lụt lớn cuối thập niên 1920, chính quyền thuộc địa cho rằng đê Yên Phụ yếu có thể làm nước sông Hồng tràn vào hồ Tây và từ hồ này tràn qua hồ Trúc Bạch gây lụt lội thành phố. Họ đề xuất đắp con đường Cổ Ngư cao lên 2,5m. Lo ngại nguy cơ cảnh quan các di tích đền Quán Thánh, chùa Trấn Quốc và con đường dạo mát bị xâm hại, các tổ chức như Hội Địa lý Hà Nội, Viện Viễn Đông Bác cổ, Hội đồng thành phố lập tức phản đối. Rút cục, lý do văn hóa vẫn là yếu tố đủ mạnh để ngưng dự án lại.
Một dự án khác là đắp rộng con đường xung quanh hồ Trúc Bạch đề xuất vào đầu năm 1934 cũng không thực hiện được, để rồi cho đến thập niên 1940, đây vẫn được xem như một vùng ven, nơi đi về của trăng gió: “Nhà em ở cuối kinh thành. Giữa hồ Trúc Bạch nước xanh như chàm” (Thư cho chị - Nguyễn Bính). Nhà cửa của khu vực này đa phần là những nhà liền kề xen kẽ vài biệt thự, nhỏ hơn nhà dưới khu phố Tây trung tâm, dành cho cư dân chủ yếu là công chức hay người đi làm ở các cửa hiệu.
Cũng nhờ vị trí rìa phía bắc nội thành, vùng quanh hồ Trúc Bạch trở thành nơi tụ họp của nhiều tổ chức chính trị và văn hóa chống thực dân. Năm 1927, tại nhà số 6 đường 96 (nay là 129 Trúc Bạch), Nam Đồng thư xã được thành lập, rồi trở thành nơi thành lập Việt Nam Quốc dân đảng của Nguyễn Thái Học và các đồng chí. Năm 1943, số nhà 124 phố Blockhaus Nord (nay là Phó Đức Chính) là nơi họp bí mật của Hội Văn hóa Cứu quốc, phổ biến nội dung bản Đề cương về văn hóa Việt Nam.
Sau Cách mạng tháng Tám, khu vực Trúc Bạch trở thành nơi nhóm Việt Nam Quốc dân đảng và các đảng phái đối lập với Việt Minh hoạt động mạnh. Trụ sở của họ đặt ở 23 và 80 Quán Thánh, tòa soạn báo Ngày Nay của Tự lực Văn đoàn trước đây, cách hồ Trúc Bạch chừng 600m. Các hoạt động của nhóm này khiến cho khu Trúc Bạch trở thành một điểm nóng trong cuộc giao tranh với Việt Minh cho đến ngày toàn quốc kháng chiến.

Hồ Trúc Bạch, Ngũ Xã và đường Thanh Niên nhìn từ trên cao năm 2020. Ảnh: NTQ
Hai thập niên sau, ngày 26.10.1967, hồ Trúc Bạch lại thành tâm điểm khi viên phi công John McCain, thiếu tá không quân thuộc lực lượng hải quân Hoa Kỳ nhảy dù khỏi chiếc máy bay ném bom bị bắn rơi tại nhà máy điện Yên Phụ, rơi xuống hồ và bị bắt sống. Một bức phù điêu có đắp tượng viên phi công được dựng lên năm 1985 ghi lại sự kiện này. Ông John McCain khi làm thượng nghị sĩ đã quay lại thăm và nói rằng “đó là bức tượng duy nhất của tôi trên thế giới”.
Năm 2008, việc ông ra tranh cử tổng thống Mỹ cũng gây chú ý cho truyền thông quốc tế về nơi ông đã bị bắt. Dòng chữ trên phù điêu được sửa lại nội dung cho ôn hòa hơn, nhất là sau khi John McCain qua đời, trở thành một điểm thu hút nhiều du khách “check-in”, làm nên một cuộc “quốc tế hóa” hồ Trúc Bạch.
Hồ Trúc Bạch không lớn nhưng chứng kiến nhiều câu chuyện trải dài vài thế kỷ. Biến chuyển về không gian hồ cũng đồng dạng với quá trình đổi thay của Hà Nội. Những bảng lảng xưa cũ vẫn còn trong những dấu vết văn hóa, từ dấu tích vật chất của những pho tượng đồng đến thi ca. Giờ đây, Trúc Bạch là một nơi thu hút những người trẻ thích thú trải nghiệm với những không gian ẩm thực đầy hoài niệm về thời bao cấp, có lẽ vì khung cảnh quanh hồ vẫn còn đủ sức níu giữ bóng dáng quá khứ.
Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/ba-tram-nam-le-ben-ho-lua-48541.html