Ba tuyến cao tốc hơn 84.000 tỷ đồng đầu tư công sắp được làm

Theo dự thảo báo cáo tiền khả thi 3 tuyến cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu và Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng có tổng vốn hơn 84.400 tỷ đồng, từ đầu tư công. Các tuyến cao tốc này dự kiến hoàn thành năm 2026, với hướng tuyến đã dần định hình.

Chính phủ chuẩn bị trình Quốc hội xem xét thông qua chủ trương đầu tư thêm 3 tuyến cao tốc mới, với tổng mức đầu tư khoảng 84.400 tỷ đồng, từ ngân sách nhà nước (trung ương và địa phương). Thực hiện trong giai đoạn 2022-2026.

Bộ GTVT đã xây dựng dự thảo Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi các dự án trên, trong đó nghiên cứu rõ hướng tuyến, phân chia mỗi tuyến cao tốc thành nhiều dự án thành phần để định hướng phân cấp cho các địa phương thực hiện vai trò chủ đầu tư (khi được Quốc hội chấp thuận).

Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1):

Toàn tuyến dài hơn 188 km, tổng mức đầu tư 44.691 tỷ đồng, rút ngắn khoảng cách di chuyển từ Châu Đốc (An Giang) đến cảng Trần Đề (Sóc Trăng) khoảng 12km, giảm thời gian di chuyển khoảng 2 giờ đồng hồ so với đi các tuyến đường hiện hữu.

Điểm đầu dự án tại nút giao với Quốc lộ 91 (TP.Châu Đốc, An Giang) đi theo hướng Đông Nam song song với Quốc lộ 91, sau đó tiếp tục qua địa phận tỉnh Sóc Trăng và kết thúc giao với Quốc lộ Nam Sông Hậu tại khu vực cảng Trần Đề.

Trong tổng mức đầu tư khoảng 44.691 tỷ đồng, gồm chi phí xây dựng 27.553 tỷ đồng; chi phí thiết bị 981 tỷ đồng; chi phí giải phóng mặt bằng 8.487 tỷ đồng; chi quản lý, tư vấn và chi phí khác 2.568 tỷ đồng; vốn dự phòng 5.102 tỷ đồng.

Bộ GTVT dự kiến chia tuyến cao tốc này thành 4 dự án thành phần, gồm các đoạn: An Giang - Cần Thơ (hơn 57km); đoạn Cần Thơ (hơn 37km); đoạn Hậu Giang (gần 37km); đoạn Hậu Giang - Sóc Trăng (gần 57km). Định hướng phân cấp cho các địa phương đi qua làm chủ đầu tư.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1):

Tổng chiều dài hơn 117km, tổng mức đầu tư khoảng 21.935 tỷ đồng, kết nối miền Trung và Tây Nguyên, đặc biệt là cảng biển làm đầu ra cho hàng hóa khu vực Tây Nguyên.

Dự án bắt đầu tại nút giao giữa Quốc lộ 26B và Quốc lộ 1, khu vực cảng Nam Vân Phong (Ninh Hòa, Khánh Hòa), tuyến đi phía Nam Quốc lộ 26, sau đó tuyến đi theo hướng Đông Tây và kết thúc tại vị trí giao cắt với đường Hồ Chí Minh tránh phía Đông TP.Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk).

Trong tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 21.935 tỷ đồng, gồm chi xây dựng: 15.309 tỷ đồng; chi thiết bị 368 tỷ đồng; chi giải phóng mặt bằng 2.300 tỷ đồng; chi quản lý, tư vấn và chi phí khác 1.097 tỷ đồng; vốn dự phòng 2.861 tỷ đồng.

Bộ GTVT đề xuất chia tuyến cao tốc thành 3 dự án thành phần, gồm đoạn qua Khánh Hòa (32km); đoạn Khánh Hòa - Đắk Lắk (hơn 37km); đoạn Đắk Lắk (48km).

Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1):

Toàn tuyến dài hơn 53km, kết nối sân bay Long Thành (Đồng Nai) với cụm cảng biển Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu). Tổng mức đầu tư 17.837 tỷ đồng

Cao tốc bắt đầu từ tuyến tránh Quốc lộ 1 thuộc TP.Biên Hòa (Đồng Nai), đi theo hướng Đông Nam, song song Quốc lộ 51 hiện hữu, giao cao tốc TPHCM Long Thành - Dầu Giây, cao tốc Bến Lức - Long Thành, đường Mỹ Xuân - Ngãi Giao và tiếp tục đi theo hướng Đông Nam, kết thúc tại nút giao với Quốc lộ 56 thuộc TP.Bà Rịa (Bà Rịa - Vũng Tàu).

Trong tổng mức đầu tư 17.837 tỷ đồng, gồm chi phí xây dựng khoảng 7.833 tỷ đồng, chi phí thiết bị 473 tỷ đồng; chi giải phóng mặt bằng 6.629 tỷ đồng; chi quản lý, tư vấn và chi khác 997 tỷ đồng; vốn dự phòng 1.905 tỷ đồng.

Bộ GTVT dự tính chia tuyến cao tốc thành 3 dự thành phần, trong đó 2 đoạn trên đại bàn tỉnh Đồng Nai (hơn 34km) và 1 đoạn trên địa bàn Bà Rịa - Vũng Tàu (hơn 19km), định hướng phân cấp cho các địa phương này làm chủ đầu tư.

Lê Hữu Việt

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/ba-tuyen-cao-toc-hon-84-000-ty-dong-dau-tu-cong-sap-duoc-lam-post1436671.tpo