Ba Vì phát huy nguồn lực từ nhân dân

Với tổng nguồn vốn huy động đầu tư thực hiện các dự án trong chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) đạt hơn 9.900 tỷ đồng; trong đó, cán bộ và nhân dân đã đóng góp trên 335 tỷ đồng và hàng vạn ngày công, hiến hàng vạn mét vuông đất thổ cư, đất nông nghiệp để mở đường giao thông nông thôn, thủy lợi nội đồng, các điểm sinh hoạt văn hóa... Đến nay, nhiều công trình đầu tư xây dựng cơ bản phục vụ dân sinh của huyện Ba Vì, TP. Hà Nội đã được triển khai thực hiện.

Thành công từ chung sức, đồng lòng của người dân

Năm 2010, huyện Ba Vì triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trong điều kiện xuất phát điểm thấp khi hạ tầng nông thôn thiếu đồng bộ, hệ thống giao thông nông thôn, giao thông thủy lợi nội đồng xuống cấp, ruộng đồng manh mún; đời sống vật chất và tinh thần của người dân còn nhiều thiếu thốn, tỷ lệ hộ nghèo nông thôn khá cao (chiếm 15,1%), thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 21,7 triệu đồng. Đứng trước nhiều khó khăn đó, Ban Thường vụ Huyện ủy Ba Vì đã đoàn kết, thống nhất, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và quyết tâm thực hiện xây dựng huyện NTM. Theo đó, công tác quán triệt quan điểm của Đảng và chủ trương của Thành ủy Hà Nội về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM được triển khai sâu rộng.

Xã Tản Hồng, huyện Ba Vì với phong trào xây dựng và giữ gìn thôn, xóm sáng - xanh - đẹp. Ảnh: K. Duy

Xã Tản Hồng, huyện Ba Vì với phong trào xây dựng và giữ gìn thôn, xóm sáng - xanh - đẹp. Ảnh: K. Duy

Để Nghị quyết đi vào thực tiễn cuộc sống, Huyện ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện đã tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về nội dung, mục đích, ý nghĩa chương trình; huyện kịp thời ban hành các văn bản nhằm cụ thể hóa bằng các đề án, các chương trình thực hiện phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương. Xác định rõ từng mục tiêu, giải pháp cụ thể, nhằm tạo sự đồng thuận, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân về lợi ích, trách nhiệm trong xây dựng NTM. Huyện cũng đã tổ chức phát động và ký cam kết giữa các cụm thi đua, tạo không khí thi đua sôi nổi, rộng khắp trên địa bàn.

Đến nay, 30/30 xã của huyện đã được UBND thành phố Hà Nội công nhận đạt chuẩn NTM. Kết quả rà soát, đánh giá theo Bộ tiêu chí xã đạt chuẩn NTM giai đoạn 2021 - 2025, 30/30 xã của huyện cũng đều đạt theo quy định. Huyện cũng có 4 xã hoàn thành xây dựng NTM nâng cao; thị trấn Tây Đằng đạt chuẩn văn minh đô thị. Đối với 9 tiêu chí huyện NTM, đến hết năm 2022, huyện đã có 6 tiêu chí đạt gồm: quy hoạch, thủy lợi và phòng, chống thiên tai; điện; văn hóa - y tế - giáo dục; chất lượng môi trường sống; hệ thống chính trị, an ninh trật tự, hành chính công; 3 tiêu chí còn lại cơ bản đạt gồm: giao thông, kinh tế và môi trường. Như vậy, đối chiếu với các quy định hiện hành, huyện Ba Vì đã đạt các điều kiện huyện NTM giai đoạn 2021 - 2025.

Có thể thấy, kết quả thực hiện Chương trình xây dựng NTM của huyện Ba Vì có được là nhờ sự đoàn kết thống nhất của cả hệ thống chính trị và sự vào cuộc, chung sức của người dân địa phương. Đơn cử, hưởng ứng chương trình xây dựng xã NTM nâng cao và phong trào thi đua “xây dựng và giữ gìn thôn, xóm, ngõ sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn" của huyện Ba Vì, gia đình ông Quách Văn Thân tại thôn Văn Minh, xã Cam Thượng đã hiến 75m2 đất thổ cư và 18 triệu đồng mở rộng đường giao thông của xóm. Hay như các hộ dân thôn Bài Nha, Quỳnh Cao, Văn Minh đã hiến tổng số 112m2 đất thổ cư để mở rộng đường giao thông. Đến nay, phong trào hiến đất mở rộng đường giao thông nông thôn đã lan tỏa mạnh mẽ tại xã Cam Thượng.

Không chỉ riêng xã Cam Thượng, phong trào hiến đất mở đường cũng đã và đang lan tỏa mạnh mẽ tại nhiều địa phương trên địa bàn huyện Ba Vì. Trong đó, tại xã Vạn Thắng, quý I.2023, toàn xã có 16 hộ dân tự nguyện hiến đất mở rộng đường giao thông nông thôn với tổng diện tích 155,5m2 đất thổ cư… Ông Hoàng Văn Vịnh, xóm Ngoài, thôn La Xuyên cho biết: "Khi xóm đã có chủ trương đưa ra hiến đất làm đường rộng hơn, lúc đầu gia đình tôi cũng lăn tăn và nghĩ nếu mình hiến đất thì đất nhà sẽ bị thu lại và hẹp đi, tuy nhiên khi tôi được nghe thông tin trên loa truyền thanh của xã tuyên truyền có các hộ ở các thôn đã tự nguyện tự hiến đất mở rộng đường nên gia đình tôi đã hiểu ra, thấy được giá trị của việc mở rộng đường ngõ; 3 gia đình trong ngõ đã nhất trí tự nguyện dỡ tường bao và xây lại, kinh phí xây lại hết 75 triệu đồng".

Cũng theo Trưởng thôn La Thiện, xã Tản Hồng Lê Kim Toàn: thực hiện phong trào toàn dân chung sức xây dựng NTM, người dân trong thôn đã tự nguyện hiến đất, đóng góp ngày công và tiền của để cải tạo trục đường chính vào thôn với chiều dài 200m. Cùng với đó, người dân còn tổ chức quét dọn các tuyến đường chính trong khu dân cư định kỳ 2 lần/tháng; trồng thêm hoa và cây xanh để tạo không gian sống trong lành, sạch đẹp hơn. Nhiều hộ dân trong xã cũng tự nguyện tham gia đóng góp tiền của, ngày công lao động để hoàn thành các công trình công cộng và giao thông nông thôn.

Theo đó, từ năm 2011 đến nay, người dân xã Tản Hồng đã hiến 209m2 đất thổ cư và đất vườn, 217.338m2 đất nông nghiệp; đồng thời, đóng góp hàng chục nghìn ngày công lao động và hơn 50 tỷ đồng cho xây dựng NTM. Ngoài ra, để tạo sự ủng hộ, đồng thuận từ người dân, xã còn hỗ trợ một số công trình đào đắp, nâng cao các tuyến đường; cán bộ xã, cán bộ thôn luôn bám sát các hoạt động, tuyên truyền và chung tay cùng người dân thực hiện.

"Để Tản Hồng thực hiện thành công chương trình xây dựng NTM, phải kể đến quyết tâm “nói đi đôi với làm” của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương. Theo đó, mọi nội dung quan trọng xã đều đưa ra bàn thảo, lấy ý kiến của dân; nhờ vậy, quá trình xây dựng NTM của Tản Hồng gặp nhiều thuận lợi, tạo đồng thuận cao trong nhân dân" - Chủ tịch UBND xã Tản Hồng Hoàng Minh Sơn cho biết.

Tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí

Đến nay, tổng nguồn vốn huy động đầu tư thực hiện các dự án trong chương trình xây dựng NTM của huyện đạt hơn 9.900 tỷ đồng, trong đó phải kể đến sự đóng góp của cán bộ và nhân dân với số tiền trên 335 tỷ đồng, hàng vạn ngày công, hiến hàng vạn mét vuông đất thổ cư, đất nông nghiệp để mở đường giao thông nông thôn, thủy lợi nội đồng, các điểm sinh hoạt văn hóa. Nhờ đó, nhiều công trình đầu tư xây dựng cơ bản phục vụ dân sinh được triển khai thực hiện; hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn điện, đường, trường, trạm của Ba Vì được xây dựng khang trang, bề thế, hiện đại hơn.

Không chỉ đẹp về diện mạo, vững về kinh tế, điều đáng mừng nữa là đời sống văn hóa nông thôn ở Ba Vì giữ vững bản sắc dân tộc, chuẩn mực văn hóa được bồi đắp, tình nghĩa xóm làng gắn kết hơn; an ninh nông thôn được giữ vững, hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở được tăng cường; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được ổn định giữ vững, 100% xã, thị trấn đạt tiêu chuẩn về “An ninh trật tự”; các tổ chức chính trị - xã hội của huyện được xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên.

Đặc biệt, năm 2022 với việc phát động và triển khai phong trào “Xây dựng và giữ gìn thôn, xóm, ngõ sáng xanh sạch đẹp, an toàn”, nhân dân Ba Vì đã chung sức, đồng lòng cùng kiến thiết lại làng quê với số tiền huy động xã hội hóa trên 80,8 tỷ đồng. Cảnh quan môi trường, đường làng, ngõ xóm ở các thôn, xóm phong quang, xanh, sạch, đẹp hơn; nhiều mô hình mới, cách làm hay được vận dụng sáng tạo linh hoạt và lan tỏa sâu rộng. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Phong trào đã thực sự làm thay đổi cho vùng quê Ba Vì, đời sống người dân được cải thiện đáng kể, đưa nông thôn Ba Vì trở thành miền quê đáng sống.

Có thể khẳng định, xuyên suốt trong phong trào xây dựng NTM ở Ba Vì là vai trò lãnh đạo trực tiếp, toàn diện, thường xuyên, sâu sát của Đảng bộ, chính quyền các cấp và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Xây dựng NTM là quá trình thường xuyên, liên tục, do đó, thời gian tới đây Ba Vì tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM; phát huy tinh thần đoàn kết, quyết liệt, chủ động, sáng tạo, khơi dậy ý chí, khát vọng phát triển; tiếp tục bám sát các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ trọng tâm, các khâu đột phá, lựa chọn tiềm năng, thế mạnh để tập trung đầu tư phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, xây dựng huyện Ba Vì ngày càng văn minh, giàu đẹp.

__________

“Trang thông tin có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội”

Khánh Duy

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dia-phuong/ba-vi-phat-huy-nguon-luc-tu-nhan-dan-i332421/