Bác Ba Lê Duẩn và Nghị quyết 15

Năm 1954, sau Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, Cà Mau là điểm tập kết lớn nhất Nam Bộ với 200 ngày và Sông Ðốc là bến tiễn đưa bộ đội và đồng bào miền Nam ra Bắc.

Sự kiện tập kết được xem là cuộc chuyển dịch lực lượng có ý nghĩa vô cùng to lớn, đưa cán bộ chiến sĩ, học sinh miền Nam ra miền Bắc lao động, học tập, nhằm đào tạo nguồn cán bộ cho cách mạng miền Nam, đưa miền Bắc tiến lên xã hội chủ nghĩa, làm hậu phương vững chắc tiến tới giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trong những chuyến tàu tập kết ấy có những đồng chí sau này trở thành cán bộ cấp cao của Ðảng và Nhà nước.

Theo lệnh tập kết như mọi người, bà Nguyễn Thị Vân (Nguyễn Thụy Nga) - vợ cố Tổng Bí thư Lê Duẩn - chuẩn bị đồ đạc cho mình, cho chồng con, háo hức nghĩ đến ngày được sống trong bầu không khí mới!

“Hai năm sau chúng tôi sẽ quay lại”, bà thầm hứa trong lòng. Nhưng với nhãn quan lãnh đạo sắc sảo, bác Ba Duẩn cứ trằn trọc: “2 năm hay 20 năm?”.

Bác Ba Duẩn 3 lần đánh điện ra Trung ương và Bác Hồ xin được ở lại. Lần cuối được chấp thuận, nhưng ông lại khước từ đề nghị của vợ: “Tình hình miền Nam sắp tới sẽ rất phức tạp. Em ở lại khổ cho em, cho con, hoạt động của anh sẽ dễ bị lộ”.

Cả gia đình xuống tàu, nhổ neo. Ra khơi được vài giờ thì có chiếc xuồng đón bác Ba Duẩn quay trở vào. Ông giã biệt vợ: “Anh thương vợ con anh thế nào thì thương đồng bào, đồng chí như thế, nên anh phải ở lại. Em ra Bắc ráng nuôi dạy 2 con nên người”.

Trong sách “Thư vào Nam” viết: Trên chuyến tàu cuối cùng ra Bắc, ông Ba Duẩn ôm hôn ông Sáu Thọ (đồng chí Lê Ðức Thọ) và nói: "Anh ra thưa với Bác là tất cả đồng bào, đồng chí trong này đều mong Bác sống lâu, mạnh khỏe. Cho tôi gởi lời chào Bác và anh Trường Chinh và tất cả các anh ngoài đó. Tình hình thế này sẽ đến 18, 20 năm nữa anh em ta mới gặp lại nhau".

Năm 2007, Ðài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Cà Mau (CTV), thực hiện phim tài liệu nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Lê Duẩn (1907-2007). Trong phát biểu của mình, chú Sáu Dân (Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt) kể lại:

Con tàu Kilinski của Ba Lan đậu ngoài vàm sông Ông Ðốc. Tàu nhổ neo được vài giờ, tôi ra đón anh Ba, sau đó xuồng vượt qua sông Ông Ðốc ghé vàm Rạch Bần, xã Phong Lạc rồi vào nhà cơ sở chí cốt cách mạng. Anh Ba ngồi trên bộ ván phía trước, tôi ra phía sau nói chuyện với chủ nhà. Lúc sau tôi ra thưa với anh Ba:

- Chị chủ nhà hỏi, lúc chiều chị thấy anh Ba xuống tàu, đưa tay vẫy chào. Sao bây giờ lại ở đây?

Anh bình tĩnh, chậm rãi nói:

- Chú vào hỏi sao chủ nhà biết tôi?

Tôi ra phía sau nói lại, thì chủ nhà bước ra dở lư hương trên bàn thờ và lấy tấm hình của anh Ba đưa lên...

Tối hôm đó chúng tôi ăn cháo gà. Và anh Ba quyết định ngủ lại căn nhà đó.

Sáng hôm sau tôi chèo xuồng đưa anh Ba vượt sông Ông Ðốc và vào con kênh hướng đi rừng U Minh. Tôi đang chèo thì anh Ba kêu đổi. Tôi còn đang ngạc nhiên chưa biết phản ứng thế nào, thì anh Ba giải thích:

- Chú là Bí thư tỉnh Bạc Liêu, ai cũng biết. Chú chèo tôi ngồi, người ta sẽ nghĩ tôi phải là người làm chức vụ to hơn chú!

Qua đó chú Sáu Dân kết luận: "Có thể nói, anh Ba Duẩn là người có ý thức tự bảo vệ mình rất cao".

Trong điều kiện khó khăn của vùng địch kiểm soát, bác Ba Lê Duẩn và những cộng sự phải di dời rất nhiều nơi, như Bảo tàng tỉnh Cà Mau xác nhận:

- Nhà ông Mười Ðỏ, ở Tân Quảng, xã Tân Hưng Tây.

- Chòi lá sau nhà ông Hai Xô, kênh Ðòn Dông.

- Nhà ông Ba Pháo, nhà ông Hai Bông Văn Dĩa, ở Rạch Gốc, Tân Ân.

- Nhà ông Năm Dim, ở Rạch Vọp, ấp Láng Cháo, xã Phú Tân, huyện Phú Tân.

Ðó là các nơi tiêu biểu ở lâu, còn nếu tính các địa điểm, trạm đón, nơi trao đổi công việc của bác Ba phải hơn 25 địa chỉ.

Tôi được anh Tô Thắng, anh Dương Văn Nhẫn và Cao Hồng Lĩnh (Phó giám đốc Bảo tàng tỉnh Cà Mau) đưa tới đất vườn nhà bà Cao Thị Huề, còn gọi là má Hai, ấp Rạch Tắc, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh. Các anh gọi má Hai là bà ngoại. Bấy giờ là tháng Bảy, hãy còn là mùa mưa ở Nam Bộ.

Cố Tổng Bí thư Lê Duẩn chụp ảnh cùng bà Cao Thị Huề (hàng đầu, thứ ba từ phải sang) khi tham quan Hà Nội. (Ảnh Bảo tàng tỉnh Cà Mau cung cấp)

Cố Tổng Bí thư Lê Duẩn chụp ảnh cùng bà Cao Thị Huề (hàng đầu, thứ ba từ phải sang) khi tham quan Hà Nội. (Ảnh Bảo tàng tỉnh Cà Mau cung cấp)

Anh Quách Huỳnh Nguyễn được giao trông coi ngôi nhà này. Tuy nhiên, khi mở được cửa nhà chúng tôi nhận ra rằng ngôi nhà đã lâu không có bàn tay con người chăm sóc (anh Nguyễn đã chuyển ra ở TP Cà Mau).

Lớp bụi thời gian làm lấm lem các khung hình bác Ba Lê Duẩn chụp chung với má Hai (Cao Thị Huề) và Mẹ Việt Nam anh hùng Quách Thị Phụng sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng 30/4/1975, khi được bác Ba Lê Duẩn mời ra tham quan Hà Nội và viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trên tường treo tấm bia của Bảo tàng tỉnh Cà Mau:

“Nơi đây, vào những năm 1955-1958, đồng chí cố Tổng Bí thư Lê Duẩn được gia đình che chở, bám trụ hoạt động cách mạng. Chính trong khoảng thời gian này, đồng chí đã soạn thảo bản: “Ðề cương Cách mạng miền Nam”, tiền thân Nghị quyết 15 của Ðảng”.

Tấm bia ghi dấu nơi đã từng đùm bọc, che chở cố Tổng Bí thư Lê Duẩn hoạt động cách mạng tại tỉnh Cà Mau. (Trong ảnh: Bia đặt tại ấp Rạch Tắc, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh).

Tấm bia ghi dấu nơi đã từng đùm bọc, che chở cố Tổng Bí thư Lê Duẩn hoạt động cách mạng tại tỉnh Cà Mau. (Trong ảnh: Bia đặt tại ấp Rạch Tắc, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh).

Phong trào cách mạng miền Nam lúc bấy giờ bị chế độ Mỹ - Diệm đàn áp dã man. Tề ngụy dòm ngó, tai mắt mật thám khắp nơi. Với lòng kiên trung theo Ðảng, má Hai và Mẹ Việt Nam anh hùng Quách Thị Phụng đã nuôi giấu bác Ba Lê Duẩn an toàn, lãnh đạo phong trào cách mạng miền Nam vượt qua giai đoạn lịch sử khó khăn, ác liệt nhất!

“Ðề cương Cách mạng miền Nam” được gởi ra Trung ương. Từ phân tích sâu sắc về bản chất của kẻ thù và những năm tháng trực tiếp chỉ đạo phong trào quần chúng, bác Ba khẳng định: "Nhân dân ta ở miền Nam chỉ có một con đường là vùng lên chống lại Mỹ - Diệm để cứu nước và tự cứu mình. Ðó là con đường cách mạng. Ngoài con đường đó, không có con đường nào khác".

Trong bối cảnh quốc tế không thuận lợi cho cách mạng Việt Nam, hòa hoãn giữa các nước lớn, thì “thi đua hòa bình”, “trường kỳ mai phục”; “sợ đóm lửa nhỏ gây ra đám cháy lớn”... ảnh hưởng không ít đến nội bộ Ðảng.

Giữa năm 1957, Bác Hồ quyết định điều đồng chí Lê Duẩn ra Bắc, cùng Bác và Bộ Chính trị chuẩn bị Hội nghị Trung ương 15 và Ðại hội Ðảng toàn quốc. “Ðề cương Cách mạng miền Nam" thành cơ sở Nghị quyết 15 và Nghị quyết Ðại hội Ðại biểu toàn quốc lần thứ III của Ðảng.

Nghị quyết Trung ương 15 có ý nghĩa lịch sử to lớn, đã đáp ứng nhu cầu bức thiết, mở đường cho cách mạng miền Nam tiến lên. Nghị quyết còn thể hiện bản lĩnh độc lập, tự chủ sáng tạo của Ðảng ta trong bối cảnh khó khăn của cách mạng miền Nam và sự phức tạp của tình hình thế giới.

Kỷ niệm 70 năm Sự kiện tập kết ra Bắc (1954-2024), chúng ta thành tâm cúi đầu thắp nén tâm nhang tưởng nhớ bác Ba Lê Duẩn và những đồng bào, chiến sĩ cùng những cộng sự của ông suốt chặng đường dài cam go, sinh tử nhất qua 2 cuộc kháng chiến trường kỳ, đi đến ngày độc lập, tự do cho đất nước, non sông. Nhà thơ Nguyễn Khoa Ðiềm viết:

"...Những người dân nào đã góp tên Ông Ðốc, Ông Trang, Bà Ðen, Bà Ðiểm (...)/Họ đã sống và chết/Giản dị và bình tâm/Không ai nhớ mặt đặt tên/Nhưng họ đã làm ra Ðất Nước (...)/Ðể Ðất Nước này là Ðất Nước của Nhân dân"./.

Phương Thùy

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/bac-ba-le-duan-va-nghi-quyet-15-a35589.html