Bắc Giang: Bám sát chương trình khuyến công quốc gia
Việc triển khai các chương trình khuyến công giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh bám sát Chương trình Khuyến công quốc gia (KCQG) đã giúp Bắc Giang từng bước đổi mới công nghệ, cải tiến máy móc, thiết bị, mở rộng quy mô sản xuất cho các cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT).
Theo Sở Công Thương Bắc Giang, giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh đã triển khai tổ chức thực hiện 297 đề án, với tổng kinh phí KCQG 30.722,3 triệu đồng. Trong đó, 132 đề án khuyến công tỉnh, kinh phí 16.150 triệu đồng, đạt 79,17% so với mục tiêu giai đoạn; 17 đề án KCQG, kinh phí 6.000 triệu đồng và 148 đề án khuyến công do các huyện, thành phố bố trí kinh phí 8.572,3 triệu đồng.
Trong giai đoạn này, tỉnh tập trung hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, ứng dụng máy móc tiên tiến cho các cơ sở CNNT tại địa phương. Cụ thể, đã hỗ trợ xây dựng 3 mô hình trình diễn kỹ thuật trong sản xuất tôn ba lớp cách nhiệt, chế phẩm sinh học biolin và thức ăn chăn nuôi. Hỗ trợ 17 cơ sở CNNT đầu tư ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất các sản phẩm thuộc ngành công nghiệp có tiềm năng, thế mạnh tại địa phương như: Cơ khí chế tạo, chế biến nông - lâm sản, sản xuất vật liệu xây dựng, may mặc xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ…
Các đề án được lựa chọn hỗ trợ triển khai đã kịp thời động viên, khuyến khích cơ sở CNNT mạnh dạn đầu tư ứng dụng công nghệ mới, thiết bị mới, tạo ra sản phẩm mới, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, thúc đẩy sử dụng có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, nguyên nhiên liệu, năng lượng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường; trình diễn, phổ biến nhằm nhân rộng mô hình tới các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh. Đáng chú ý, nhờ tập trung hỗ trợ vào trọng điểm, 6.000 triệu đồng từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ, tỉnh đã thu hút được 180.000 triệu đồng nguồn vốn đối ứng của các cơ sở CNNT tham gia thực hiện đề án.
Tuy nhiên, hoạt động khuyến công vẫn còn những hạn chế như chưa hỗ trợ được nhiều cơ sở CNNT đầu tư, phát triển sản xuất, nhất là tại các huyện miền núi có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn. Ngoài ra, vấn đề về quy hoạch đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, xử lý ô nhiễm môi trường các cụm công nghiệp, hợp tác quốc tế về khuyến công vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra. Tỉnh chưa có nhiều đề án khuyến công điểm, quy mô lớn thực hiện trong nhiều năm liên tục và lồng ghép với các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh…
Do vậy, trong giai đoạn 2021 - 2025, Bắc Giang xây dựng kế hoạch khuyến công với nguồn kinh phí KCQG dự kiến hỗ trợ cả giai đoạn là 27.700 triệu đồng. Trong đó, tỉnh hỗ trợ xây dựng 5 mô hình trình diễn kỹ thuật, hỗ trợ 42 cơ sở CNNT chuyển giao công nghệ, ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, xây dựng 1 mô hình thí điểm về sản xuất sạch hơn cho cơ sở CNNT. Lập quy hoạch chi tiết cho 2 cụm công nghiệp; hỗ trợ đầu tư hạ tầng, sửa chữa, nâng cấp hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường 2 cụm công nghiệp; hỗ trợ lãi suất vốn vay 3 cơ sở CNNT gây ô nhiễm môi trường di dời vào các khu, cụm công nghiệp…
Sự hỗ trợ thiết thực và hiệu quả từ Chương trình KCQG là cơ sở, tiền đề góp phần đưa tỉnh Bắc Giang đến năm 2030 là một trong những trung tâm công nghiệp của khu vực.