Hội thảo đánh giá tiềm năng phát triển sản phẩm OCOP có chủ thể là nữ
Chiều ngày 19/11, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh phối hợp với Ban Quản lý Dự án 'Tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu tỉnh Trà Vinh, giai đoạn 2023 - 2027' (Dự án) tổ chức hội thảo báo cáo kết quả khảo sát và đánh giá tiềm năng phát triển sản phẩm OCOP có chủ thể là nữ.
Tham dự hội thảo có các đồng chí: Kiên Thị Minh Nguyệt, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, nguyên Trưởng Ban quản lý Dự án; Trịnh Thị Phương, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, Phó Trưởng Ban quản lý Dự án; Phan Trần Hồng Thắm, Quản lý Dự án cấp tỉnh; Nguyễn Thị Thu Nga, Giám đốc Dự án tăng cường kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp cho phụ nữ nông thôn Trà Vinh; lãnh đạo UBMTTQ Việt Nam tỉnh; các sở, ngành tỉnh; lãnh đạo UBND, phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng Kinh tế và Hạ tầng, Hội LHPN các huyện, thị xã, thành phố và trên 50 chủ thể OCOP tiềm năng tại các địa phương.
Dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu tình Trà Vinh, giai đoạn 2023 - 2027” do tổ chức Liên minh Na Uy tài trợ nhằm tiếp tục hỗ trợ người dân/cộng đồng dễ bị tổn thương tại vùng dự án nâng cao kiến thức và kỹ năng ứng phó với biến đổi biến hậu. Được biết, tổng kinh phí thực hiện các hợp phần của Dự án năm 2024 tại Trà Vinh hơn 01 tỷ đồng.
Qua khảo sát và đánh giá tiềm năng phát triển sản phẩm OCOP, toàn tỉnh có 100 chủ thể OCOP là nữ (09 doanh nghiệp, công ty, 84 hộ kinh doanh, 05 hợp tác xã, 02 tổ hợp tác) với 120 sản phẩm.
Sự tham gia của phụ nữ trong thực hiện chương trình OCOP không chỉ là người sản xuất, chế biến mà còn đóng vai trò quan trọng trong quảng bá và tiêu thụ sản phẩm. Qua đó, thúc đẩy kinh tế hộ và cộng đồng thông qua việc tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người dân địa phương. Bên cạnh, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, đảm bảo sự bền vững trong phát triển kinh tế - xã hội.
Tham gia hội thảo, đại diện các chủ thể đề nghị ngành chức năng và Ban quản lý Dự án có hình thức hỗ trợ vốn giúp chủ thể đầu tư máy sản xuất, hỗ trợ kỹ thuật trồng nguyên liệu đảm bảo đủ nguyên liệu cung ứng cho quá trình sản xuất sản phẩm OCOP, định hướng chủ thể sáng tạo, đa dạng bộ sản phẩm mới nguyên liệu sẵn có tại địa phương, nhất là từ tre trúc…
Đại diện các sở, ngành và Ban Quản lý Dự án định hướng các chủ thể trong quy trình xây dựng sản phẩm OCOP, chú trọng đầu tư khoa học công nghệ trong sản xuất, quan tâm xúc tiến thị trường, xúc tiến thương mại… Đặc biệt, chủ thể cần linh hoạt, sáng tạo trong nghiên cứu và phát triển sản phẩm, đam mê trong sản xuất kinh doanh, có định hướng cụ thể trong đầu tư phát triển sản phẩm OCOP gắn với phát triển kinh tế gia đình, kinh tế địa phương.
Kết luận hội thảo, đồng chí Trịnh Thị Phương, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, Phó Trưởng Ban quản lý Dự án nhấn mạnh: kết quả khảo sát và đánh giá tiềm năng phát triển sản phẩm OCOP của chủ thể là nữ là cơ sở quan trọng giúp Hội tiếp tục hoạch định các nội dung tiếp theo.
Dựa trên các ý kiến phát biểu tại hội thảo và những chính sách hỗ trợ và thúc đẩy sự phát triển của các sản phẩm OCOP của tỉnh và của Dự án, Hội LHPN tỉnh sẽ phối hợp xây dựng kế hoạch phát triển sản phẩm OCOP của chủ thể nữ, có sự hỗ trợ nhiều mặt từ các cấp các ngành và Ban quản lý Dự án, giúp nâng cao giá trị sản phẩm OCOP của chủ thể nữ, hướng tới phát triển kinh tế bền vững.