Bắc Giang: Bồi dưỡng kỹ năng đấu tranh trên không gian mạng cho giảng viên trường chính trị

Đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng (KGM) là một trong những nhiệm vụ trọng yếu, cấp bách của công tác bảo vệ an ninh tư tưởng hiện nay; là trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng và hệ thống chính trị, trong đó có đội ngũ giảng viên Trường Chính trị tỉnh Bắc Giang. Trong cuộc đấu tranh này, bên cạnh chú trọng tới phẩm chất, năng lực và trình độ nhận thức của đội ngũ giảng viên, cần quan tâm hơn nữa tới việc tăng cường bồi dưỡng các kỹ năng đấu tranh.

Những năm qua, Trường Chính trị tỉnh Bắc Giang đã tích cực thực hiện bồi dưỡng kỹ năng đấu tranh với các quan điểm thù địch trên KGM cho đội ngũ giảng viên. Tuy nhiên, một số chủ thể vẫn nhận thức chưa đầy đủ, chưa phát huy tốt vai trò, trách nhiệm trong tham gia bồi dưỡng; một số thời điểm, nội dung, hình thức, biện pháp được sử dụng chưa linh hoạt, thiếu bám sát thực tiễn nên hiệu quả không cao. Việc đấu tranh còn khá xuôi chiều, chủ yếu dừng lại ở like, share, comment, báo xấu mà thiếu các hoạt động đấu tranh trực diện, hoặc đấu tranh trực diện nhưng ngôn ngữ, lập luận chưa chặt chẽ, thiếu sắc sảo, hạn chế về tính thuyết phục.

Nhằm tăng cường hơn nữa tính hiệu quả, sức thuyết phục và kỹ năng cho đội ngũ giảng viên trong đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch trên KGM, những nội dung, biện pháp trọng tâm được xác định thời gian tới ở Trường Chính trị tỉnh Bắc Giang (Nhà trường) là:

Một là, tăng cường giáo dục về nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức, lực lượng tham gia bồi dưỡng kỹ năng đấu tranh cho giảng viên.

Theo đó, phải tăng cường công tác giáo dục về vị trí, ý nghĩa, mục tiêu, nộidung, tính chất, yêu cầu, phương pháp đấu tranh phản bác các quan điểm thù địch trên KGM. Trong công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, cấp ủy đảng, lãnh đạo các cấp cần thống nhất về nhận thức: Tham gia đấu tranh phản bác các quan điểm thù địch trên KGM vừa là nhiệm vụ chính trị, vừa là yêu cầu tự thân của hoạt động giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học của Nhà trường. Quá trình bồi dưỡng phải bảo đảm sự kết hợp chặt chẽ giữa bảo vệ và phát triển nền tảng tư tưởng, quan điểm, đường lối của Đảng với phê phán các luận điệu sai trái, thù địch, những nhận thức lệch lạc. Khắc phục kịp thời những biểu hiện tuyệt đối hóa hoặc hạ thấp vai trò, thiếu tin tưởng vào khả năng, năng lực của đội ngũ giảng viên trong tham gia đấu tranh phản bác các quan điểm thù dịch trên KGM. Đồng thời, phê phán nhận thức cho rằng đấu tranh phản bác quan điểm sai trái trên KGM là công việc của lực lượng “chuyên gia”, “chuyên trách”.

Làm cho các tổ chức, lực lượng nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của việc bồi dưỡng kỹ năng đấu tranh cho giảng viên. Trong bối cảnh mạng xã hội, Internet phát triển ngày càng rộng khắp, số giảng viên trong Nhà trường tham gia vào KGM ngày càng “phổ cập”, đòi hỏi các tổ chức, lực lượng liên quan phải nâng cao hơn nữa nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của việc bồi dưỡng kỹ năng đấu tranh với các quan điểm thù địch trên KGM cho giảng viên; làm cho họ thấy được thực trạng, thuận lợi, khó khăn cũng như nhận thức đúng quyền hạn, mối quan hệ công tác, từ đó phát huy tốt vai trò, trách nhiệm trong tham gia đấu tranh.

Hai là, phát huy sức mạnh tổng hợp các tổ chức, lực lượng tham gia bồi dưỡng kỹ năng đấu tranh cho giảng viên.

Tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm các nghị quyết, chỉ thị, định hướng của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Ban Bí thư và tỉnh Bắc Giang, nhất là Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới; Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Đề án số 01-ĐA/TU và Kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Giang về nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng giai đoạn 2021-2025… Qua đó thường xuyên nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; nâng cao chất lượng công tác chính trị, tư tưởng, tăng cường sức đề kháng cho cán bộ, giảng viên; nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, định hướng dư luận xã hội; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền đối với công tác đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch;nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý và sử dụng Internet, mạng xã hội;xây dựng lực lượng bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch...

Thường xuyên phát huy vai trò, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy các cấp, đội ngũ cán bộ chủ trì ở các khoa, cơ quan, đội ngũ bí thư, phó bí thư đảng ủy, chi bộ, chỉ huy các cấp trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ bồi dưỡng kỹ năng đấu tranh trên KGM cho giảng viên. Phân công cụ thể cho cấp ủy viên phụ trách từng mặt công tác. Làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục để thường xuyên nâng cao nhận cho giảng viên trong Nhà trường. Chủ động dự báo, nắm bắt, theo dõi, phát hiện những quan điểm thù địch để tổng hợp, phân tích, cung cấp những thông tin, tư liệu, tài liệu cần thiết, kịp thời, giúp giảng viên nghiên cứu, đấu tranh có hiệu quả. Tùy theo tình hình cụ thể tiến hành ra nghị quyết chuyên đề về công tác tư tưởng lý luận và nhiệm vụ đấu tranh trên KGM. Tổ chức các hội nghị, chương trình tập huấn nhằm kịp thời bổ sung kiến thức, nâng cao trình độ chuyên môn, bồi dưỡng khả năng, kinh nghiệm đấu tranh, định hướng nội dung, cập nhật thông tin cho giảng viên. Duy trì chặt chẽ, nề nếp, chất lượng hoạt động đấu tranh, định hướng kịp thời những nội dung cần đấu tranh trong từng thời điểm cụ thể; làm tốt việc xây dựng, sử dụng các “ngân hàng” bình luận trên KGM phù hợp, hiệu quả. Tiến hành sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm kịp thời; gắn chất lượng, hiệu quả hoạt động đấu tranh của giảng viên với đánh giá kết quả lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng; đưa kết quả hoạt động bồi dưỡng kỹ năng đấu tranh phản bác các quan điểm thù địch trên KGM vào thành tiêu chí để phân tích chất lượng đảng viên và nhận xét, đánh giá, phân loại cán bộ, giảng viên.

Phòng Quản lý đào tạo và Nghiên cứu khoa học, Phòng Tổ chức hành chính, thông tin, tư liệu tăng cường hướng dẫn, giúp đỡ về nội dung, hình thức, phương pháp tiến hành; bảo đảm các điều kiện, vật chất cần thiết phục vụ công tác bồi dưỡng. Củng cố, phát huy ngăn sách, tủ sách chống “diễn biến hòa bình” cho các khoa; các khoa xây dựng tủ sách, ngăn sách - tập hợp các loại tài liệu, tư liệu về đấu tranh chống “diễn biến hòa bình” để giảng viên đọc, nghiên cứu dễ dàng, thuận tiện. Thường xuyên sàng lọc, cung cấp các thông tin phục vụ đấu tranh; kịp thời định hướng dư luận và có những hướng dẫn cụ thể đối với giảng viên khi tham gia đấu tranh trên KGM, tránh những vi phạm không đáng có hoặc đấu tranh không đúng hướng, thiếu thuyết phục.

Hình ảnh tại Hội nghị của Ban Chỉ đạo 35 tỉnh Bắc Giang triển khai nhiệm vụ công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch năm 2021.

Các đoàn thể chính trị - xã hội (Chi đoàn thanh niên, Công đoàn, Hội Cựu chiến binh…) phát huy vai trò, chức năng, nắm bắt kịp thời tâm tư nguyện vọng của giảng viên, tham mưu cho Đảng ủy Nhà trường, chi bộ các khoa đề ra các chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện hoạt động bồi dưỡng kỹ năng đấu tranh cho giảng viên đạt chất lượng, hiệu quả tốt nhất. Nêu cao tính tiền phong gương mẫu, xung kích tham gia đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên KGM.

Phát huy vai trò lực lượng báo cáo viên, tuyên truyền viên của Nhà trường trong theo dõi, phát hiện các tư tưởng sai trái, thù địch, những nhận thức mơ hồ, lệch lạc, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ để tổng hợp, phân tích và cung cấp những thông tin cần thiết phục vụ cho nghiên cứu, đấu tranh. Xác định nhanh chóng, chính xác những nội dung cần có ý kiến phản bác, đấu tranh và đặt yêu cầu chocác tập thể đơn vị, các cá nhân cán bộ, giảng viên có khả năng nghiên cứu, đấu tranh kịp thời. Có nội dung định hướng cho các đơn vị đưa vào nội dung giao ban, họp, đề xuất đề tài khoa học, bài báo khoa học hàng năm... Biểu dương những tập thể và cá nhân có những đóng góp có giá trị, đồng thời góp ý, phê bình những tập thể, cá nhân giảng viên chưa tích cực, chủ động tham gia hoặc thực hiện nhiệm vụ đấu tranh với các quan điểm thù địch trên KGM.

Các khoa giáo viên chú trọng nghiên cứu, đánh giá đúng thực trạng bồi dưỡng, biên soạn giáo trình, tài liệu phục vụ đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên KGM, đồng thời xây dựng, bổ sung, đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp bồi dưỡng. Lãnh đạo khoa và giảng viên nêu cao vai trò tiền phong, gương mẫu trong tham gia đấu tranh. Phát huy vai trò của giảng viên chính, các đồng chí có trình độ cao cấp chính trị trong truyền thụ kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm tham gia đấu tranh trên KGM cho giảng viên; hỗ trợ, giúp đỡ, động viên giảng viên tham gia đấu tranh. Thường xuyên lồng ghép nội dung đấu tranh với các quan điểm thù địch trên KGM trong từng bài giảng.

Ba là, tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức bồi dưỡng kỹ năng đấu tranh cho giảng viên.

Việc xây dựng nội dung bồi dưỡng kỹ năng đấu tranh phải bảo đảm tính toàn diện, hệ thống, có chiều sâu. Theo đó, tập trung bồi dưỡng những kiến thức cơ bản, có hệ thống về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, sự vận dụng và phát triển sáng tạo của Đảng ta trong giai đoạn hiện nay; những giá trị văn hóa truyền thống, những bài học kinh nghiệm xây dựng và bảo vệ đất nước trong lịch sử dân tộc; về mục tiêu lý tưởng cộng sản, những quan điểm, chủ trương mới trong đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, quy định của tỉnh và của Nhà trường.

Bồi dưỡng, bổ sung, cập nhật kiến thức mới về các xu hướng chính trị, các trào lưu tư tưởng, học thuyết, lý thuyết mới trên thế giới; về tình hình thế giới và khu vực, cục diện, quan hệ giữa các nước lớn, các nước láng giềng và tương quan các lực lượng trên thế giới, những biến động về chính trị, kinh tế, an ninh, quốc phòng trong khu vực và thế giới; về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam; về tăng cường xây dựng chỉnh đốn Đảng trong tình hình mới; về xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN ở Việt Nam; về vấn đề đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; về mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh Bắc Giang hiện nay; về tinh thần cảnh giác cách mạng, kiến quyết đánh bại chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, phản động;...

Chú trọng bồi dưỡng để giảng viên nhận rõ những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch như: tuyên truyền các nội dung trá hình, thổi phồng, xuyên tạc những sai lầm, khuyết điểm hoặc lợi dụng những hạn chế, sơ hở trong quản lý để vu khống, bôi nhọ, hạ thấp uy tín, vai trò của Nhà trường; xuyên tạc đường lối phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quân sự quốc phòng của Đảng và Nhà nước; thiết lập các trang web, blog, mở các “diễn đàn”, “câu lạc bộ” nhằm phát tán tài liệu phản động, nhào nặn, lẫn lộn thật - giả, tốt - xấu; tăng cường lôi kéo các phần tử bất mãn, cơ hội chính trị; làm mới các thông tin cũ, triệt để lợi dụng những thông tin về mặt trái, tiêu cực tại các địa phương trong tỉnh, những ý kiến, quan điểm sai lệch gắn với những bình luận chủ quan, bóp méo, thổi phồng gây “nhiễu” thông tin, kích động tâm lý đám đông, gây hoang mang trong dư luận xã hội....

Bồi dưỡng về các quy định, nguyên tắc giữ bí mật quốc gia; kiến thức và kỹ năng sử dụngInternet, mạng xã hội, blog; nắm chắc đặc điểm, âm mưu, thủ đoạn tuyên truyền, chống phá của các thế lực thù địch trên KGM để tổ chức đấu tranh hiệu quả.

Vận dụng linh hoạt các hình thức bồi dưỡng thông qua giáo dục chính trị; nghiên cứu các chuyên đề; phổ biến, giáo dục pháp luật; thông qua các lớp nghiên cứu, học tập, quán triệt chỉ thị, nghị quyết của Đảng bộ Nhà trường, chi bộ các khoa; thông qua hoạt động công tác đảng, công tác chính trị như tọa đàm, tham quan giáo dục truyền thống và phong trào; thông qua giao ban, hội ý, mạn đàm, trao đổi; thông qua giảng dạy và nghiên cứu khoa học, sinh hoạt khoa học, hội thảo khoa học...

Bốn là, phát huy tính tích cực, chủ động, tự bồi dưỡng kỹ năng đấu tranh của giảng viên.

Phát huy tính tự giác, chủ động của giảng viên trong quán triệt, chấp hành các quy định về khai thác, sử dụng Internet, mạng xã hội trong nghiên cứu, học tập, giải trí; có trách nhiệm, suy nghĩ kỹ trước khi đăng tải và chia sẻ thông tin; cẩn trọng trong đưa tin, bình luận, bày tỏ cảm xúc trước các hiện tượng, sự việc chưa được kiểm chứng rõ ràng; tuyệt đối không chạy theo tâm lý đám đông để tạo hiệu ứng tiêu cực.

Cùng với không nâng cao cảnh giác, tích cực, chủ động trong đấu tranh với các quan điểm thù địch trên KGM, giảng viên phải tự ý thức nâng cao “bộ lọc” nhằm nhận thức rõ đúng-sai, thật-giả, tích cực-tiêu cực trước những vấn đề quan tâm; tỉnh táo nhận diện đúng những âm mưu, thủ đoạn tinh vi của các thế lực thù địch. Quá trình tham gia đấu tranh phải bám sát cơ sở khoa học và thực tiễn, chân lý và lẽ phải; phân tích, lý giải và lập luận chặt chẽ; không hô hào lý thuyết suông, tránh sử dụng ngôn từ thô tục, phản văn hóa. Kết hợp chặt chẽ giữa “xây” và “chống”, lấy “xây” là chính; thực hiện tốt phương châm “lấy cái đẹp, dẹp cái xấu”, dùng tích cực để đẩy lùi tiêu cực, lan tỏa những thông tin tích cực.

Phát huy tinh thần chủ động, tích cực tham gia nghiên cứu khoa học, hội thảo, tọa đàm, trao đổi kinh nghiệm trong đấu tranh phản bác quan điểm thù địch trên KGM, góp phần khẳng định vị thế, uy tín của Nhà trường - là lá cờ đầu của tỉnh Bắc Giang về đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong thời kỳ mới./.

TS. Bùi Văn Huấn
Trường Chính trị tỉnh Bắc Giang

Nguồn Tuyên Giáo: http://www.tuyengiao.vn/nghien-cuu/nghiep-vu-cong-tac-tuyen-giao/bac-giang-boi-duong-ky-nang-dau-tranh-tren-khong-gian-mang-cho-giang-vien-truong-chinh-tri-138443