Bắc Giang chú trọng kiểm tra, nâng cấp hệ thống hồ, đập

Đợt mưa lũ vừa qua đã khiến nhiều hồ, đập trên địa bàn tỉnh hư hỏng, đồng thời bộc lộ rõ sự xuống cấp, nhất là đối với công trình do cấp huyện quản lý. Trước thực trạng trên, các địa phương và ngành chức năng đã tổ chức rà soát, đánh giá, phân loại và đề xuất nhiều biện pháp khắc phục.

Nhiều công trình hư hỏng

Trên địa bàn huyện Lục Ngạn có 12 hồ, đập thủy nông trọng điểm do cấp tỉnh quản lý và 85 hồ, đập do địa phương quản lý. Đợt mưa lũ vừa qua làm nhiều công trình bị thiệt hại lớn gây nguy cơ mất an toàn. Theo kết quả rà soát, toàn huyện có 10 công trình cần đầu tư sửa chữa sau mưa lũ gồm các hồ, đập: Khuyên Quéo (xã Biển Động); Bến Huyện (xã Nam Dương); Dạn (xã Tân Mộc); Dọc Ta, Cai Sử, Bình Lửa (xã Biên Sơn); Vành Dây, Chão (xã Giáp Sơn); Thuận B (xã Phú Nhuận) và Mai Tô (xã Phì Điền).

 Thân đập Mai Tô, xã Phì Điền (Lục Ngạn) bị xói lở dạng hàm ếch.

Thân đập Mai Tô, xã Phì Điền (Lục Ngạn) bị xói lở dạng hàm ếch.

Tình trạng chung của hầu hết các hồ, đập là đều xây dựng từ lâu, chưa được đầu tư kiên cố toàn diện nên khi mưa lũ lớn dễ sạt lở, xói chân, hở hàm ếch, nước tràn qua thân đập. Như đập Mai Tô, xã Phì Điền, thân đập đắp bằng đất, dài khoảng 100 m, được xây dựng tràn xả lũ, mặt đập gia cố bằng bê tông xi măng. Công trình phục vụ nước tưới cho khoảng 20 ha lúa, hoa màu, cây ăn quả của các thôn trong xã. Ngoài ra, mặt đập kết hợp làm đường giao thông liên xã, kết nối các thôn của xã Giáp Sơn với quốc lộ 31. Trong đợt mưa lũ vừa qua, thân đập bị sạt lở nghiêm trọng phía mái hạ lưu, lũ tràn qua mặt đập. Ghi nhận tại hiện trường vẫn có dòng nước từ phía thượng lưu thấm qua thân đập, nguy cơ gây vỡ rất cao, có thể làm thiệt hại lớn cho vùng hạ du.

Theo đại diện lãnh đạo xã Phì Điền, do thân đập đắp đất được xây dựng từ những năm 80 của thế kỷ XX nên khó chống chịu những trận lũ lớn như vừa rồi. Để khắc phục tạm thời, chính quyền địa phương đã huy động lực lượng cùng nhân dân gia cố thân đập bằng cọc tre, phủ bạt, đắp đất và rào chắn ngăn các phương tiện đi qua, song nguy cơ vỡ đập vẫn hiện hữu, về lâu dài, cần có sự đầu tư kiên cố hóa.

Tương tự, đập Vành Dây, xã Giáp Sơn (Lục Ngạn) cũng bị xói lở nghiêm trọng phía mái hạ lưu, lũ tràn qua mặt đập, mặc dù chính quyền xã và nhân dân đã gia cố bằng cách đóng cọc tre, đắp bao đất nhưng dòng nước vẫn thấm qua thân đập, nếu không được gia cố kịp thời sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc cung cấp nước tưới cho hàng chục ha lúa, hoa màu, cây ăn quả. Được biết, huyện Lục Ngạn đã tổ chức đoàn kiểm tra, đánh giá tình trạng từng hồ, đập và đang đề xuất phương án tu bổ, nâng cấp các hồ, đập bị ảnh hưởng bởi mưa lũ.

Tại huyện Sơn Động, thống kê của cơ quan chức năng, có 7 đập thủy lợi do địa phương quản lý bị sạt lở, hư hỏng tại các xã: An Bá, Đại Sơn, Dương Hưu, Vĩnh An. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có một số hồ, đập do các Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Bắc Sông Thương và Nam Sông Thương quản lý cũng bị hư hỏng. Điển hình như, tràn số 1 và số 2 của hồ Đá Mài, xã Giáp Sơn (Lục Ngạn) bị bục, hư hỏng đáy dẫn và bị đổ tường kênh bên phải; kênh dẫn sau tràn xả lũ hồ Khe Sàng, xã Đèo Gia (Lục Ngạn) bị sạt lở hai bên bờ mái; đổ tường kênh Đông và Tây hồ Khuôn Thắm, xã Đại Sơn (Sơn Động); sạt lở mái taluy phía sau nhà quản lý hồ Khe Hắng, xã Vĩnh An (Sơn Động)…

Chủ động phương án

Theo Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và PTNT), trên địa bàn tỉnh có 274 hồ chứa, trong đó có 41 công trình do cấp tỉnh quản lý và 233 công trình nhỏ do UBND cấp huyện quản lý. Cơ bản các hồ, đập đều được xây dựng phương án, dự phòng vật tư ứng phó với thiên tai. Trước khi bão số 3 vào đất liền, các hồ, đập đều đạt khoảng 90% dung tích thiết kế nên các đơn vị, địa phương đã chủ động hạ thấp mực nước, nhờ vậy nhiều hồ, đập lớn của tỉnh cơ bản an toàn. Tuy nhiên, vừa qua, do bão số 3 kèm theo mưa lớn nhiều ngày liên tục làm một số hồ chứa (phần đa là cấp huyện quản lý) bị tràn, hỏng. Ngoài ra, nhiều hồ, đập được xây dựng từ lâu nên đã xuống cấp, nếu tiếp tục có mưa lớn, nguy cơ hỏng hóc càng cao.

Trên địa bàn tỉnh có 274 hồ chứa; trong đó có 41 công trình do cấp tỉnh quản lý và 233 công trình nhỏ thuộc cấp huyện quản lý. Vừa qua, do bão số 3 kèm theo mưa lớn nhiều ngày liên tục làm một số hồ chứa bị tràn, hư hỏng. Ngoài ra, nhiều hồ, đập được xây dựng từ lâu đã bị xuống cấp, nếu tiếp tục có mưa lớn, nguy cơ hỏng hóc càng cao. Thực tế này đòi hỏi công tác kiểm tra, theo dõi và tu bổ nâng cấp các công trình hồ, đập cần phải được quan tâm thường xuyên, liên tục hơn.

Để ứng phó và khắc phục, cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và nhân dân đã tập trung gia cố, bảo vệ kịp thời, không để xảy ra các sự cố lớn. Tuy nhiên, qua đợt mưa lũ cho thấy, công tác kiểm tra, theo dõi và tu bổ nâng cấp các công trình hồ, đập cần phải được quan tâm thường xuyên, liên tục hơn.

Ông Phạm Văn Đưởng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi cho biết: “Ngay sau bão số 3, Sở Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, bộ phận liên quan rà soát, đánh giá toàn diện, chi tiết, đồng thời xây dựng kế hoạch sửa chữa, khắc phục các hồ, đập hư hỏng nhỏ. Đối với những hư hỏng, sửa chữa lớn cần báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét quyết định. Trước mắt, Chi cục Thủy lợi đã tổng hợp, rà soát và đề nghị bố trí kinh phí khoảng 5 tỷ đồng để khắc phục các hư hỏng hồ, đập sau mưa lũ. Về lâu dài, đơn vị tiếp tục theo dõi diễn biến thời tiết, thường xuyên kiểm tra công trình, cử lực lượng canh trực tại những hồ đập xung yếu để báo cáo kịp thời các tình huống về Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh”.

Bên cạnh đó, ông Phạm Văn Đưởng cũng cho rằng, chính quyền địa phương cần chú trọng hơn đến việc xây dựng kế hoạch, phương án và kịch bản ứng phó với thiên tai sát thực tế, cũng như từng tình huống cụ thể để không bị động, bất ngờ. Quan tâm bố trí nguồn vốn sửa chữa, nâng cấp hồ, đập thuộc phạm vi quản lý bị hư hỏng, xuống cấp nhằm phát huy hiệu quả hệ thống thủy lợi, cũng như bảo đảm an toàn cho công trình. Luôn đề cao cảnh giác, tuyệt đối không chủ quan, lơ là trong ứng phó với thiên tai, thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ.

Trước mùa mưa bão hằng năm, phải kiểm tra, đánh giá an toàn hồ, đập, thực hiện các biện pháp chủ động phòng, chống, xử lý kịp thời những hư hỏng. Sau mùa mưa, cần tiến hành kiểm tra nhằm phát hiện và theo dõi diễn biến những hư hỏng nếu có, qua đó đề xuất biện pháp sửa chữa, khắc phục phù hợp, hiệu quả.

Bài, ảnh: Nguyễn Hưởng

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/chu-trong-kiem-tra-nang-cap-he-thong-ho-dap-080716.bbg