Bắc Giang đầu tư hạ tầng, nâng chất lượng y tế tuyến huyện

Nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của người dân, UBND tỉnh, các huyện, thị xã, TP quan tâm đầu tư, nâng cấp hệ thống y tế tuyến huyện. Những công trình mới được xây dựng, kỹ thuật mới được triển khai góp phần nâng chất lượng khám, chữa bệnh, giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên.

Thêm nhiều công trình mới

Là đơn vị đông dân, nhu cầu khám, điều trị bệnh của người dân trên địa bàn huyện Hiệp Hòa lớn song lại xa các bệnh viện tuyến tỉnh. Để đáp ứng nhu cầu đó, đầu năm 2020, UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư dự án mở rộng quy mô giường bệnh Trung tâm Y tế (TTYT) huyện với tổng kinh phí hơn 170 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh. Sau gần 2 năm thi công, cuối năm 2022, khối nhà 9 tầng hoàn thành, đưa vào sử dụng.

 Cán bộ TTYT huyện Hiệp Hòa sử dụng kính hiển vi để phân tích mẫu vi sinh vật.

Cán bộ TTYT huyện Hiệp Hòa sử dụng kính hiển vi để phân tích mẫu vi sinh vật.

Cùng với cơ sở vật chất, Trung tâm được đầu tư, mua sắm nhiều trang thiết bị phục vụ công tác khám, chữa bệnh như: Máy tán sỏi ngoài cơ thể; hệ thống bơm tinh trùng vào buồng tử cung IUI; máy nội soi tai, mũi, họng có hỗ trợ chẩn đoán ung thư sớm; máy chạy thận nhân tạo… Khi cơ sở vật chất được đầu tư, trang thiết bị đồng bộ, hiện đại, chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân được nâng lên; nhiều ca bệnh khó, phức tạp được cứu chữa thành công ngay tại tuyến huyện.

Hiện trung bình mỗi ngày trung tâm tiếp nhận, điều trị khoảng 600 đến 800 lượt người bệnh, công suất sử dụng giường bệnh đạt hơn 90%. Ông Nguyễn Hữu K (72 tuổi), thị trấn Bắc Lý (Hiệp Hòa) cho biết: “Tôi có khối u ở cánh tay trái, gần đây khối u to nhanh ảnh hưởng đến sinh hoạt. Sau khi thăm khám, các bác sĩ TTYT huyện xác định đó là khối u mỡ kích thước lớn nên chỉ định phẫu thuật cắt bỏ. Hiện sức khỏe của tôi ổn định, sinh hoạt trở lại bình thường”.

Từ năm 2020 đến nay, UBND tỉnh, các huyện, thị xã, TP dành hơn 1,4 nghìn tỷ đồng cải tạo, nâng cấp, xây mới cơ sở vật chất tại các cơ sở y tế công lập tuyến huyện.

Theo Sở Y tế, từ năm 2020 đến nay, UBND tỉnh, các huyện, thị xã, TP dành hơn 1,4 nghìn tỷ đồng cải tạo, nâng cấp, xây mới cơ sở vật chất y tế công lập tuyến huyện. Đến nay đã hoàn thành, đưa vào sử dụng khối nhà thuộc dự án mở rộng quy mô giường bệnh TTYT các huyện: Tân Yên, Lạng Giang, Hiệp Hòa, Lục Ngạn, Yên Dũng và thị xã Việt Yên; đang gấp rút hoàn thành dự án TTYT các huyện: Lục Nam, Yên Thế và Sơn Động. Cùng đó dành hơn 76 tỷ đồng cho TTYT các huyện, thị xã, TP, TTYT các Khu công nghiệp mua sắm trang thiết bị; hơn 42 tỷ đồng cải tạo, sửa chữa cơ sở vật chất. Nhờ đó, chất lượng khám, điều trị tại các cơ sở y tế tuyến huyện được nâng lên, nhiều kỹ thuật mới được triển khai hiệu quả.

Tại huyện Yên Dũng, sau khi hoàn thành khối nhà 8 tầng từ nguồn ngân sách tỉnh (tháng 12/2023), UBND huyện bố trí 6,5 tỷ đồng lắp đặt 10 máy chạy thận nhân tạo và hệ thống lọc nước RO; đầu tư hệ thống tán sỏi ngoài cơ thể (5,4 tỷ đồng), máy siêu âm sản phụ khoa (1,8 tỷ đồng). Với trang thiết bị hiện đại, đồng bộ, 6 tháng đầu năm nay, đơn vị phát triển 43 kỹ thuật mới về phẫu thuật nội soi chuyên khoa ngoại, cấp cứu, xét nghiệm, gây mê hồi sức… Tương tự, sau khi được đầu tư xây dựng và mua sắm thiết bị, từ tháng 1/2024 đến nay, các bác sĩ TTYT thị xã Việt Yên thực hiện thành công nhiều kỹ thuật chuyên sâu, giúp người bệnh không phải chuyển tuyến như: Cắt tử cung bán phần nội soi, cắt u xơ tử cung, u tuyến giáp…

Tiếp tục đầu tư nguồn lực cho tuyến huyện

Thực tế hằng năm, số lượng bệnh nhân đến khám, điều trị nội trú tại TTYT các huyện, thị xã, TP luôn chiếm khoảng 50% tổng số bệnh nhân điều trị nội trú tại các cơ sở y tế công lập toàn tỉnh. Điều này cho thấy chất lượng khám, chữa bệnh của các TTYT ngày càng nâng lên, được người bệnh tin tưởng, lựa chọn. Mặc dù vậy, qua đánh giá, hạ tầng cơ sở tại các TTYT tuyến huyện vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu, nhiều khối nhà được xây dựng từ lâu, đã xuống cấp. Tại nhiều trung tâm, trang thiết bị còn thiếu, nhất là những máy móc, thiết bị hiện đại. Do đó dẫn đến tỷ lệ chuyển tuyến vẫn cao.

 Cán bộ TTYT các KCN cấp phát thuốc miễn phí cho công nhân KCN Quang Châu.

Cán bộ TTYT các KCN cấp phát thuốc miễn phí cho công nhân KCN Quang Châu.

Khắc phục những hạn chế này, cùng với tập trung hoàn thành các dự án đang xây dựng, giai đoạn 2026 - 2030, tỉnh dự kiến xây dựng TTYT huyện Lục Ngạn (mới) quy mô 250 giường; cải tạo, nâng cấp, mở rộng quy mô giường bệnh TTYT TP Bắc Giang cơ sở 1 (TTYT Yên Dũng hiện tại) quy mô 170 giường bệnh; xây mới cơ sở 2 quy mô 100 giường bệnh tại xã Tân Mỹ; xây mới TTYT các Khu công nghiệp tỉnh để phục vụ nhu cầu phòng bệnh, khám chữa bệnh cho công nhân tại các khu công nghiệp.

Các dự án xây mới, cải tạo, nâng cấp khoa truyền nhiễm tại TTYT các huyện: Lục Nam, Tân Yên, Hiệp Hòa và thị xã Việt Yên cũng sẽ được khởi công. Những công trình này hoàn thành sẽ góp phần củng cố, nâng chất lượng y tế cơ sở, tăng hiệu quả công tác khám, chữa bệnh, góp phần giảm áp lực cho tuyến tỉnh, tạo điều kiện để người dân được thụ hưởng dịch vụ y tế chất lượng tốt ngay tại địa phương.

Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Giám đốc Sở Y tế cho biết: “Cùng với đầu tư về hạ tầng, Sở Y tế quan tâm xây dựng chính sách tuyển dụng, đào tạo, sắp xếp cán bộ hợp lý; hỗ trợ đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Cùng đó, khuyến khích các cơ sở y tế xây dựng chế độ đãi ngộ, chính sách thu hút các bác sĩ có kinh nghiệm, sinh viên tốt nghiệp loại giỏi về công tác tại các TTYT huyện”.

Bài, ảnh: Sỹ Quyết

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/bac-giang-dau-tu-ha-tang-nang-chat-luong-y-te-tuyen-huyen-162230.bbg