Bắc Giang: Điểm đến bền vững của dòng vốn đầu tư chất lượng cao

Từ một tỉnh nông nghiệp, Bắc Giang đã vươn lên nhóm dẫn đầu thu hút FDI, khẳng định vị trí số 1 về tăng trưởng GRDP. Sự bứt phá này như một lời khẳng định, Bắc Giang là điểm đến bền vững của dòng vốn đầu tư chất lượng cao.

Thành phố Bắc Giang.

Năm 2023, Bắc Giang đứng đầu cả nước về tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) khi tăng trưởng đạt gần 13,5%. Đóng góp ấn tượng là trên 3 tỷ USD tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), giúp Bắc Giang vươn lên vị trí thứ 4 về thu hút FDI trên cả nước.

Giữ đà tăng trưởng bứt phá trong năm 2023, quý I/2024, tỉnh Bắc Giang đã ghi nhận nhiều thành tựu kinh tế - xã hội quan trọng. GRDP quý I/2024 của tỉnh ước đạt 14,18%, xếp thứ 8/63 tỉnh, thành. Con số này vượt kịch bản dự tính quý I/2024 là 11,79%. Điều này cho thấy, kinh tế của tỉnh tiếp tục phục hồi mạnh mẽ.

Đặc biệt, trong ba tháng đầu năm, Bắc Giang đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư 2 khu công nghiệp (KCN): Thành lập thêm 1 KCN Phúc Sơn và mở rộng KCN Việt Hàn. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh đã có 10 khu công nghiệp được thành lập, với tổng diện tích quy hoạch là 2.252ha.

Khu công nghiệp Vân Trung.

3 yếu tố chính thu hút FDI

Bắc Giang được biết đến là tỉnh có sức hút mạnh mẽ đối với đầu tư nước ngoài. Tính đến ngày 15/3, tỉnh thu hút khoảng 624,26 triệu USD vốn đầu tư quy đổi. Đặc biệt, đã thu hút 9 dự án trong nước, vốn đăng ký 7.668,4 tỷ đồng (gấp 25,8 lần so với cùng kỳ năm 2023). Có 310 doanh nghiệp được thành lập mới, tăng 18%; vốn đăng ký đạt 2.598 tỷ đồng.

Bắc Giang có sức hút lớn với nhà đầu tư FDI nhờ ba yếu tố chính là hạ tầng, cải cách hành chính và nguồn nhân lực chất lượng, đặc biệt nhân lực trong lĩnh vực điện - điện tử.

Về hạ tầng, những năm qua, tỉnh tập trung cao phát triển hạ tầng giao thông, KCN, cụm công nghiệp. Bên cạnh hệ thống quốc lộ, Bắc Giang chủ động phối hợp với các tỉnh giáp ranh cùng phát triển hạ tầng, liên kết vùng. Tỉnh đã xây nhiều “cây cầu” để kết nối với các tỉnh, đơn cử như phối hợp với Quảng Ninh để mở rộng đường nối hai tỉnh, để Bắc Giang "cũng có biển".

Tỉnh cũng đẩy mạnh giải phóng mặt bằng KCN để tạo quỹ đất sạch cho nhà đầu tư. Tính riêng năm 2023, Bắc Giang đã giải phóng 365 ha mặt bằng sạch đất công nghiệp, đất đô thị và đất khác ở mức hơn 300ha.

Khu công nghiệp Vân Trung.

Về cải cách hành chính, Bắc Giang cũng là địa phương đầu tiên của cả nước áp dụng chữ ký số 100% từ cấp xã trở lên. Trong ba năm liên tiếp từ 2020 - 2022, tỉnh đứng đầu cả nước về xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số. Đặc biệt, năm 2023, Bắc Giang đứng thứ 4 cả nước về chỉ số cải cách hành chính và đứng thứ 9 về chỉ số chuyển đổi số. Điều này gây ấn tượng rất tốt với nhà đầu tư.

Về nguồn nhân lực, Bắc Giang luôn quan tâm đến đào tạo nghề. Tỉ lệ lao động qua đào tạo năm 2023 của cả nước là 68% thì tỉ lệ của Bắc Giang là 76%, trong đó tỉ lệ được cấp chứng chỉ trong tỉnh lên tới 33%, cao hơn mức của cả nước là 27%.

Hiện tại, tỉnh đã đào tạo được nhân lực cho ngành công nghiệp chip bán dẫn. Về lâu dài, tỉnh phấn đấu trở thành một trong những trung tâm đào tạo nhân lực, phục vụ cho ngành công nghiệp bán dẫn của cả nước.

Ngoài ba trụ cột trên, Bắc Giang không ngừng quan tâm, cải thiện an sinh xã hội cho công nhân. Đến nay, có 12 dự án nhà ở cho công nhân được đầu tư xây dựng để họ an cư lạc nghiệp. Tỉnh xác định thế hệ công nhân này là thế hệ F0 và mong có thế hệ công nhân F1 tiếp nối ở địa phương.

Điểm đến của nhà đầu tư ASEAN

Trong năm 2024 và xa hơn, Bắc Giang xác định, tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, gắn với tăng cường hợp tác với các nước trong cộng đồng ASEAN, khu vực và trên thế giới để tranh thủ cơ hội đẩy mạnh thu hút dòng FDI vào tỉnh.

Phương châm thu hút FDI của Bắc Giang là: 1 không - không ô nhiễm; 2 ít - sử dụng ít đất, ít lao động; 3 cao - dự án có công nghệ, suất vốn đầu tư, hiệu quả kinh tế cao và 5 sẵn sàng - sẵn sàng mặt bằng, nhân lực, cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ nhà đầu tư, chống dịch hiệu quả. Bởi vậy, Bắc Giang kỳ vọng thu hút đầu tư của các doanh nghiệp, tập đoàn có thương hiệu toàn cầu, năng lực tài chính lớn, có nhu cầu đầu tư ổn định, lâu dài tại địa phương phù hợp định hướng này.

Bên cạnh đó, tỉnh xác định chiến lược ưu tiên thu hút đầu tư vào các ngành nghề, lĩnh vực công nghệ của tương lai như năng lượng mặt trời, chip bán dẫn, xe điện, linh kiện điện tử và dịch vụ, các dự án sản xuất phần mềm.

Ngoài ra, tỉnh định hướng thu hút một số ngành nghề ưu tiên đầu tư theo hệ sinh thái công nghiệp; ủng hộ các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng sản xuất gắn với hệ sinh thái đầu tư hạ tầng nhà ở, khu vui chơi, trường học, dịch vụ y tế, dịch vụ thương mại, bãi đỗ xe, công viên cho người lao động.

Tỉnh cam kết tạo điều kiện thuận lợi đón tiếp các đoàn khảo sát đầu tư của các tập đoàn, nghiệp đoàn, hội doanh nghiệp các nước tới khảo sát, tìm hiểu môi trường đầu tư tại tỉnh Bắc Giang; đồng thời, hỗ trợ tối đa theo quy định cho các tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài thuộc lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư của tỉnh khi triển khai đầu tư vào tỉnh. Không chỉ thế, Bắc Giang sẽ đẩy mạnh "xúc tiến đầu tư tại chỗ" thông qua việc tạo môi trường sản xuất, kinh doanh tốt nhất có thể cho các doanh nghiệp đang hoạt động tại Bắc Giang.

Cùng những quyết tâm của lãnh đạo chính quyền địa phương trong việc thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội, thu hút và giữ chân dòng vốn FDI, Bắc Giang hứa hẹn sẽ là một điểm đến bền vững của dòng vốn FDI từ khu vực ASEAN và trên toàn thế giới.

Thùy Dương

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/bac-giang-diem-den-ben-vung-cua-dong-von-dau-tu-chat-luong-cao-273045.html