Bắc Giang: Đổi mới, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước

Ngày 3/6/2017, Ban Chấp hành T.Ư Đảng ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TW (Nghị quyết số 12) về tiếp tục tái cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp (DN) Nhà nước. Thực hiện Nghị quyết, Bắc Giang đã tập trung các giải pháp để thúc đẩy DN Nhà nước thuộc quản lý của địa phương phát triển, từng bước khắc phục tình trạng trì trệ ở một số DN.

Ổn định sau sắp xếp, thoái vốn

Bắc Giang xác định Nghị quyết số 12 rất quan trọng, làm cơ sở để các địa phương bám sát trong việc chỉ đạo điều hành, đưa ra các giải pháp trong phát triển KT-XH. Để cụ thể hóa, 2/8/2017, Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch về thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành T.Ư, trong đó có Nghị quyết số 12; chỉ đạo Ban cán sự đảng UBND tỉnh, các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy và các cơ quan, đơn vị có liên quan căn cứ tinh thần Nghị quyết và Kế hoạch của BTV Tỉnh ủy để cụ thể hóa, phân công rõ trách nhiệm triển khai.

 Công ty cổ phần Sách giáo khoa và thiết bị trường học Bắc Giang hiện chỉ còn hơn 12% vốn Nhà nước. Ảnh: Cán bộ Công ty cổ phần Sách giáo khoa và thiết bị trường học Bắc Giang kiểm đếm kho sách.

Công ty cổ phần Sách giáo khoa và thiết bị trường học Bắc Giang hiện chỉ còn hơn 12% vốn Nhà nước. Ảnh: Cán bộ Công ty cổ phần Sách giáo khoa và thiết bị trường học Bắc Giang kiểm đếm kho sách.

Theo đó, UBND tỉnh ban hành Chương trình hành động triển khai Nghị quyết số 12 và các Kế hoạch về thực hiện thoái vốn Nhà nước tại các công ty cổ phần có vốn góp của Nhà nước đến năm 2025. Bắc Giang có 19 DN có vốn góp Nhà nước thuộc thẩm quyền tỉnh quản lý, mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành thoái vốn toàn bộ, một phần DN có vốn góp Nhà nước. Trong đó, thoái toàn bộ vốn tại 10 công ty cổ phần gồm: Quản lý công trình đô thị Bắc Giang; Giống chăn nuôi Bắc Giang; Đường bộ Bắc Giang; Sách giáo khoa và Thiết bị trường học Bắc Giang; Hồng Thái; Dược phẩm Bắc Giang; Thương mại và Dịch vụ Hiệp Hòa; Xuất nhập khẩu Bắc Giang; Thuốc lá và Thực phẩm Bắc Giang còn lại là thoái một phần, sắp xếp lại.

Kết quả, từ tháng 6/2017 đến nay, Bắc Giang đã hoàn thành thoái vốn Nhà nước tại 3 DN bảo đảm tỷ lệ Nhà nước nắm giữ 50% đến 65% theo danh mục đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; thoái toàn bộ vốn của 3 đơn vị và sắp xếp chuyển đổi hoàn thành 3 đơn vị.

Trong quá trình thực hiện chuyển đổi và thoái vốn Nhà nước, Bắc Giang đã chỉ đạo thực hiện tuân thủ pháp luật, tôn trọng cơ chế thị trường, thực hiện lộ trình chuyển đổi, thoái vốn được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; bảo đảm công khai, minh bạch trong cơ cấu lại DN Nhà nước tại DN. Các DN sau khi cơ cấu, đổi mới đã từng bước hoạt động ổn định và phát huy hiệu quả.

Theo ông Bùi Hồng Vân, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Sách giáo khoa và thiết bị trường học Bắc Giang, sau khi thoái vốn, đến nay vốn Nhà nước tại DN là hơn 12%. Khi được trao quyền chủ động, DN đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, mở rộng thị trường kinh doanh. Nhờ vậy doanh thu không ngừng tăng, năm 2023, doanh thu của DN đạt hơn 76 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước gần 2 tỷ đồng. Năm 2024, dự kiến doanh thu của DN tăng từ 3-5% so với năm trước.

Cần hướng dẫn trình tự cụ thể

Nhìn lại quá trình thực hiện, giai đoạn 2017-2023, trong tỉnh vẫn còn DN có vốn của Nhà nước hoạt động kém hiệu quả, ảnh hưởng đến việc làm và chế độ chính sách của người lao động cũng như việc bảo toàn, phát triển vốn và đóng góp cho ngân sách. Nguyên nhân là do, hiện nay, không có văn bản quy định cụ thể, rõ ràng về trình tự, thủ tục các bước thực hiện thoái vốn Nhà nước.

 Sau sắp xếp, các công ty thủy nông đã thu gọn đầu mối, nâng hiệu quả hoạt động. Ảnh: Trạm bơm Ngọ Khổng, xã Châu Minh (Hiệp Hòa).

Sau sắp xếp, các công ty thủy nông đã thu gọn đầu mối, nâng hiệu quả hoạt động. Ảnh: Trạm bơm Ngọ Khổng, xã Châu Minh (Hiệp Hòa).

Một số DN có vướng mắc về đất đai, tài chính từ khi cổ phần hóa đến nay nhưng chưa có đầy đủ hướng dẫn xử lý triệt để. Mặt khác, DN Nhà nước trên địa bàn tỉnh có quy mô nhỏ, năng lực tài chính hạn chế, khó thu hút nhà đầu tư quan tâm tham gia góp vốn, mua cổ phần. Rõ nhất là công tác sắp xếp các công ty lâm nghiệp theo mô hình công ty TNHH hai thành viên còn chậm, hiện tỉnh vẫn còn 2 DN chưa thể hoàn thành việc chuyển đổi sang công ty TNHH hai thành viên.

Theo Kết luận 82-KL/TW ngày 29/7/2020 của Bộ Chính trị và theo Nghị định số 04/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định “Nhà nước nắm giữ vốn góp chi phối đối với công ty lâm nghiệp có phương án sử dụng đất từ 1.000 ha trở lên” thì cả 2 Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Lục Nam và Lâm nghiệp Mai Sơn đều có phương án sử dụng đất hơn 1.000 ha. Vì vậy khi chuyển đổi thành công ty TNHH hai thành viên, đối tác góp vốn không được quyền chi phối nên chưa thu hút được đối tác tham gia góp vốn chuyển đổi mô hình hoạt động.

Vừa qua, trong buổi làm việc với Ban Kinh tế T.Ư về đánh giá việc thực hiện một số nghị quyết của Ban Chấp hành T.Ư tại Bắc Giang, lãnh đạo tỉnh đã đề nghị đoàn công tác hướng dẫn quy định cụ thể về trình tự, thủ tục các bước thực hiện thoái vốn Nhà nước tại công ty cổ phần có vốn góp Nhà nước.

Nghiên cứu cơ chế đặc thù chuyển nhượng vốn đối với DN có số vốn góp của Nhà nước chiếm tỷ lệ thấp hoặc đã có cổ đông chiếm quyền chi phối, hoạt động kinh doanh kém hiệu quả không hấp dẫn nhà đầu tư; đề xuất bổ sung, sửa đổi cơ chế xử lý các khoản nợ cũ kể cả nợ gốc, nợ lãi của các công ty lâm nghiệp theo quy định tại Nghị định số 118/2014/NĐ-CP của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp.

Bài, ảnh: Trường Sơn

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/bac-giang-doi-moi-nang-cao-hieu-qua-doanh-nghiep-nha-nuoc-141058.bbg