Bắc Giang: Gần 770 ha keo, bạch đàn bị sâu bệnh hại

Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm (Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Giang), hiện toàn tỉnh có gần 770 ha rừng trồng keo, bạch đàn bị sâu bệnh hại. Cơ quan chức năng đã xác định nguyên nhân gây bệnh và khuyến cáo biện pháp phòng ngừa.

Cụ thể, tại huyện Lục Ngạn, sâu đục thân gây hại 345 ha bạch đàn DH-32-29, tập trung tại các xã Đèo Gia (115 ha) và Tân Lập (230 ha). Biểu hiện của cây là vàng lá, trên thân có vết lỗ đục, bên trong thân có sâu bệnh gây hại, một số cây gãy ngọn.

 Sâu bệnh hại trên cây lâm nghiệp.

Sâu bệnh hại trên cây lâm nghiệp.

Huyện Lục Nam có 70 ha bạch đàn DH-32-29 (thuộc Đội Lâm nghiệp Tam Dị và Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Lục Nam quản lý) nhiễm bệnh chết héo. Theo đó, nhiều cây bị khô vỏ, rễ mục, vàng lá, khô cành, mạch dẫn thâm đen.

Huyện Yên Thế có hơn 45 ha rừng trồng keo lai AH1 nhiễm bệnh chết héo và hơn 306 ha bạch đàn lai có hiện tượng khô lá, xoăn lá; tập trung tại các xã: Đồng Tiến, Đông Sơn, Đồng Hưu, Đồng Vương…

Tại huyện Sơn Động, 3 ha keo lai BV10 có biểu hiện vàng lá, thối rễ, nhiều cây bị chết. Diện tích rừng bị sâu bệnh hại ở các địa phương nêu trên đều trồng năm 2021, 2022; nguồn gốc từ giống nuôi cấy mô do một số công ty lâm nghiệp sản xuất hoặc mua của các vườn ươm trên địa bàn.

Trước thực tế trên, mới đây, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và PTNT) đã cử đoàn kiểm tra đánh giá tình hình sinh vật gây hại bạch đàn lai, keo lai tại tỉnh Bắc Giang. Kết quả phân tích, giám định mẫu đất, mẫu cây và sinh vật gây hại cho thấy, trên cây bạch đàn lai có các đối tượng sâu bệnh gây hại là loài xén tóc đục thân (Batocera lineolata), sâu đục thân (Endoclita vietnamensis), nấm Cryptosporiopsis eucalypti. Trên cây keo lai có nhóm mọt đục thân (Euwallacea fornicatus và Xylosandrus crassiusculus), nấm Ceratocystis manginecans gây bệnh. Các đối tượng gây hại này đã được ghi nhận, công bố ở nhiều địa phương trên toàn quốc.

Sau khi xác định rõ nguyên nhân, Sở Nông nghiệp và PTNT đã đề nghị các đơn vị trực thuộc; UBND các huyện, thị xã, TP chỉ đạo cơ quan chuyên môn quan tâm hướng dẫn chủ rừng thường xuyên kiểm tra cây lâm nghiệp để sớm phát hiện đối tượng sâu bệnh gây hại, chủ động biện pháp xử lý kịp thời.

Đối với diện tích bạch đàn bị nhiễm sâu đục thân, chủ vườn dùng xi lanh bơm các loại thuốc bảo vệ thực vật có hoạt chất: Cartap, Chlorantraniliprole, Nereistoxin, Chlorfennapyr... vào các lỗ sâu đục trên cây bạch đàn, sau đó dùng đất sét bịt kín lỗ.

Đối với diện tích keo và bạch đàn bị bệnh chết héo, các chủ rừng cần xử lý thảm thực vật trên bề mặt nhằm loại bỏ và tiêu diệt mầm bệnh; tránh gây tổn thương nặng lên thân, rễ cây trong quá trình chăm sóc, nhất là cây rừng tuổi từ 1-3 năm. Nếu diện tích nhiễm sâu bệnh chiếm từ 16-50% tổng diện tích thì chặt bỏ cây bị bệnh và tiêu hủy ở khu vực khác.

Trước khi trồng rừng mới hoặc tái chu kỳ cần dọn sạch thực bì, tiêu hủy tàn dư cây trồng, xử lý đất trước khi trồng một tháng; trồng luân canh giống cây hoặc loài cây khác. Trồng rừng bằng các loại giống cây có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, được sản xuất tại những cơ sở uy tín; trước khi trồng cần xử lý tốt nấm bệnh bằng thuốc bảo vệ thực vật có hoạt chất Metalaxyl.

Được biết, hiện toàn tỉnh có khoảng 130 nghìn ha rừng sản xuất. Cây giống lâm nghiệp chủ yếu được sản xuất bằng phương pháp nuôi cấy mô và giâm hom (80-90%); cây giống có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng chiếm 95%.

Mạc Yến

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/bac-giang-gan-770-ha-keo-bach-dan-bi-sau-benh-hai-132605.bbg