Bắc Giang: 'Kênh' giảm nghèo bền vững nhờ xuất khẩu lao động
Cùng với các chính sách khác về giải quyết việc làm, hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động đã và đang được xem là giải pháp quan trọng trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Chiều cuối tuần, gia đình ông Nguyễn Văn Điển (SN 1965), thôn Quê, xã Bảo Đài (Lục Nam) đông vui hơn khi vợ chồng người con trai út vừa từ Hàn Quốc về thăm gia đình. Theo lời ông, trước đây hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, thu nhập thấp song từ năm 2008, khi con trai lớn đi xuất khẩu lao động (XKLĐ), kinh tế gia đình cải thiện đáng kể.
Nhận thấy hiệu quả từ xuất khẩu lao động, những năm sau đó, lần lượt người con trai thứ 2, thứ 3 của ông cũng “xuất ngoại”. Hiện gia đình ông có 5 người con (3 con trai, 2 con dâu) đang làm việc có thời hạn tại các nước: Nhật Bản, Hàn Quốc. Mỗi năm, các con gửi về gần 2 tỷ đồng. “Nhờ XKLĐ, gia đình tôi có điều kiện để mua đất, xây dựng nhà kiên cố, mua ô tô và có tiền gửi ngân hàng. Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, các con tôi còn tư vấn, hỗ trợ nhiều người có hoàn cảnh khó khăn trong thôn, xã đi XKLĐ”, ông Điển chia sẻ.
Qua thống kê, toàn xã Bảo Đài có khoảng 60% số hộ có thành viên trong gia đình đang lao động ở nước ngoài, trong đó chủ yếu là nam giới ở độ tuổi thanh niên. Các thị trường được lựa chọn chủ yếu là: Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Đông Âu… với mức thu nhập từ 20 triệu đồng/người/tháng trở lên. Riêng năm 2023, toàn xã có 33 người đi XKLĐ; nhiều người sau khi hết thời hạn hợp đồng lao động đã về nước lại đăng ký đi tiếp lần hai, lần ba hoặc xin làm công nhân ở các khu công nghiệp. Chính quyền địa phương đánh giá, từ XKLĐ, nhiều hộ gia đình có điều kiện cải tạo nhà ở, vươn lên thoát nghèo, thậm chí có vốn đầu tư kinh doanh.
Điển hình như trường hợp của gia đình ông Nguyễn Văn Sơn (SN 1971), trú tại thôn Quê thoát nghèo, xây được ngôi nhà mới 3 tầng khang trang, đầy đủ tiện nghi nhờ có vợ, con đang lao động tại đảo Síp và Hàn Quốc. Ông Đặng Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND xã Bảo Đài cho biết: “Các chính sách về lao động nói chung, hỗ trợ XKLĐ nói riêng đã góp phần nâng thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã xuống còn 2,45%, thấp hơn mặt bằng chung của huyện. Nhờ nguồn kiều hối từ hoạt động XKLĐ, nhiều thôn trong xã có điều kiện cải tạo, nâng cấp đường giao thông, nhà văn hóa, tạo nguồn lực quan trọng phát triển KT-XH”.
Sau 4 năm lao động ở Nhật Bản, cuối năm 2023, anh Ninh Văn Hòa (SN 1995), dân tộc Sán Chay ở thôn Ngọ, xã Lệ Viễn (Sơn Động) hết hạn hợp đồng về nước. Mới đây, với mong muốn có thêm thu nhập trang trải cuộc sống, sau khi đỗ kỳ thi tiếng Hàn Quốc theo Chương trình EPS (chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài theo quy định của Luật Việc làm Hàn Quốc), anh Hòa nộp hồ sơ để chờ xuất cảnh. Anh chia sẻ: “Trước đây, do gia đình ít người, cha mẹ lại hay đau yếu, trong khi thu nhập chỉ trông vào mấy sào ruộng nên cuộc sống gia đình gặp rất nhiều khó khăn. Được chính quyền tư vấn, người thân động viên, tôi quyết định đi làm việc ở nước ngoài. Thời gian ở Nhật, do dịch Covid-19 nên ít việc, thu nhập không cao. Tới đây ở nước ngoài, tôi sẽ chăm chỉ làm việc, tiết kiệm chi tiêu để vươn lên thoát nghèo".
Được biết nhiều năm nay, huyện Sơn Động luôn đạt và vượt chỉ tiêu đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài với 200-300 người xuất cảnh mỗi năm. Hằng năm, Ban Chỉ đạo giải quyết việc làm và XKLĐ huyện phối hợp với cơ quan chuyên môn, các doanh nghiệp XKLĐ tổ chức tuyên truyền, giúp lao động hộ nghèo, cận nghèo, dân tộc thiểu số hiểu rõ đây là "kênh" xóa nghèo hiệu quả. UBND huyện cũng chỉ đạo triển khai các gói hỗ trợ vốn vay ưu đãi, tạo thuận lợi cho người dân có nhu cầu đi XKLĐ.
Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), tỉnh Bắc Giang hiện có hơn 16 nghìn người đang làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động. Riêng từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có hơn 1,9 nghìn người xuất cảnh, đạt 108% kế hoạch năm. Thị trường tập trung ở một số nước như: Nhật Bản 30,9%; Đài Loan (Trung Quốc) 29,4%; Hàn Quốc 9,7%; thu nhập bình quân đạt 18-22 triệu đồng/người/tháng. Đánh giá của ngành chức năng, lao động Bắc Giang đang làm việc ở nước ngoài cơ bản đều thực hiện nghiêm các quy định pháp luật của nước sở tại và hợp đồng đã ký với chủ sử dụng; về nước khi hết thời hạn làm việc.
Theo ông Trần Văn Hà, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH, hoạt động XKLĐ đã góp phần đáng kể vào thực hiện các chỉ tiêu phát triển KT-XH, giảm nghèo nhanh, bền vững. Nhiều gia đình có thu nhập cao, nâng cao chất lượng đời sống, đóng góp không nhỏ vào xây dựng nông thôn mới, thay đổi diện mạo nhiều xã, thôn khó khăn trước đây. Lao động đã từng làm việc ở nước ngoài với tác phong công nghiệp, trình độ, kỹ năng nghề tiên tiến trở thành nguồn nhân lực có thể đáp ứng tốt nhu cầu của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài khi về nước.
Thời gian tới, để đẩy mạnh hoạt động này, Sở LĐTBXH phối hợp với các huyện, thị xã, TP tập trung tuyên truyền, định hướng giải quyết việc làm thông qua XKLĐ; thông tin các chính sách ưu đãi với người có nhu cầu. Quan tâm giới thiệu doanh nghiệp XKLĐ uy tín về địa phương tư vấn, tuyển chọn; tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động đưa người đi làm việc ở nước ngoài, kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm.
Bài, ảnh: Tường Vi