Bắc Giang: Khẩn trương hoàn thành xây dựng lò đốt rác

Trước sức ép về lượng rác thải phải xử lý lớn, quỹ đất chôn lấp ngày một eo hẹp, giai đoạn 2021- 2022, tỉnh Bắc Giang hỗ trợ kinh phí lắp đặt 33 lò đốt rác tại các địa phương. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, đến nay, việc triển khai thực hiện còn chậm dẫn đến tình trạng rác thải tồn đọng, chưa được xử lý tại các địa phương còn nhiều.

Chờ lò, rác chất thành núi

Thực hiện Nghị quyết số 06/2020/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về quy định hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho đầu tư xây dựng các lò đốt rác và hoạt động xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn, giai đoạn 2021-2022, các địa phương đăng ký hỗ trợ xây dựng 33 lò đốt rác.

Trong đó, huyện Lạng Giang (9 lò), huyện Tân Yên (7 lò), huyện Lục Ngạn (6 lò), huyện Lục Nam (5 lò); còn lại ở các huyện: Hiệp Hòa, Yên Thế, Yên Dũng và Sơn Động.

Chờ lò đốt, khu tập kết rác thải tại xã Ngọc Thiện (Tân Yên) ùn ứ hàng trăm tấn rác.

Chờ lò đốt, khu tập kết rác thải tại xã Ngọc Thiện (Tân Yên) ùn ứ hàng trăm tấn rác.

Tuy nhiên, đến nay mới có 13 lò hoàn thành lắp đặt và đi vào hoạt động; các lò còn lại đang thực hiện các thủ tục đầu tư, xây dựng và lắp đặt. Ông Vũ Văn Tưởng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thông tin: “Theo Nghị quyết, ngân sách tỉnh sẽ hỗ trợ 70% kinh phí mua lò đốt rác tại các huyện: Sơn Động, Lục Ngạn và Yên Thế; các địa phương còn lại sẽ được hỗ trợ 50% giá trị lò đốt. Khi các lò đốt hoàn thành sẽ giải quyết được lượng rác thải đang tồn đọng cũng như phát sinh hằng ngày”.

Khảo sát tại các địa phương dự kiến xây dựng lò đốt rác cho thấy đây đều là những xã đông dân, lượng rác thải phát sinh lớn. Một số nơi đã có lò đốt song công suất thấp nên không đáp ứng được nhu cầu. Việc chậm xây dựng, lắp đặt các lò đốt theo kế hoạch dẫn đến tình trạng rác thải tồn lưu lớn, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao.

Xã Thanh Lâm (Lục Nam) có 10,5 nghìn nhân khẩu, trung bình mỗi ngày toàn xã phát sinh khoảng 3 tấn rác thải. Quan sát bãi tập kết của xã ước tính có hàng trăm tấn rác với đủ loại đang bị ùn ứ, một số ít được đốt song chưa triệt để. Theo chính quyền địa phương, nếu lắp đặt xong lò đốt rác công suất 500 kg/giờ, tình trạng rác ùn ứ sẽ không còn. Đáng ngại hơn là tại xã Ngọc Thiện (Tân Yên), bãi chứa rác rộng 2 nghìn m2 ở thôn Tân Tập lâm vào cảnh rác chất thành núi, có chỗ cao gần 3 m.

Ông Phạm Văn Mạnh, Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Thiện cho biết: “Bãi rác của xã đã có từ lâu song do không có lò đốt nên vẫn chất thành đống. Trước đây chúng tôi vận chuyển đi để thuê xử lý nhưng từ khi nghe có chủ trương lắp đặt lò đốt rác, hoạt động này dừng lại khiến rác ngày càng nhiều”.

Tập trung cao bảo đảm tiến độ

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, hiện tổng lượng rác thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh hơn 930 tấn/ngày, tăng khoảng 200 tấn/ngày so với năm 2019 và dự kiến sẽ còn tăng trong thời gian tới khi tốc độ phát triển đô thị ngày càng cao. Để giải bài toán xử lý rác thải, UBND tỉnh có chủ trương xây dựng các nhà máy hiện đại, công suất lớn (400-500 tấn/ngày) tại các huyện: Lục Nam, Hiệp Hòa và TP Bắc Giang.

Xã Thanh Lâm (Lục Nam) đã chuẩn bị các điều kiện để tiếp nhận, lắp đặt lò đốt rác.

Xã Thanh Lâm (Lục Nam) đã chuẩn bị các điều kiện để tiếp nhận, lắp đặt lò đốt rác.

Tuy nhiên, việc xây dựng các nhà máy lớn cần thời gian nên chủ trương hỗ trợ xây dựng lò đốt rác được coi là giải pháp trước mắt. Nắm bắt cơ hội này, các địa phương đều chủ động bố trí quỹ đất và chuẩn bị các điều kiện để “đón” lò đốt rác về. Ví như tại huyện Tân Yên, địa phương sẵn sàng đối ứng kinh phí để xây dựng lò đốt rác công nghệ cao tại các xã đã đăng ký gồm: Ngọc Vân, Ngọc Thiện, Việt Ngọc, Cao Xá, Quế Nham và hai thị trấn Cao Thượng, Nhã Nam.

Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có thị trấn Nhã Nam và xã Ngọc Vân đã lắp đặt. Nguyên nhân là do các địa phương còn lại chưa thể bố trí kinh phí để hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, có nơi chưa lựa chọn được vị trí đặt lò đốt rác. Trái ngược với các địa phương của huyện Tân Yên, UBND xã Thanh Lâm (Lục Nam) đã bố trí 500 triệu đồng, sẵn sàng thực hiện các phần việc của địa phương về hạ tầng kỹ thuật gồm: Mái che, nhà điều hành... song vẫn chưa có “cơ hội” triển khai.

Thực hiện Nghị quyết số 06/2020/NQ-HĐND của HĐND tỉnh, giai đoạn 2021-2022, các địa phương đăng ký hỗ trợ xây dựng 33 lò đốt rác. Tuy nhiên, đến nay mới có 13 lò hoàn thành lắp đặt và đi vào hoạt động; các lò còn lại đang thực hiện các thủ tục đầu tư, xây dựng và lắp đặt.

Để đẩy nhanh tiến độ lắp đặt các lò đốt rác, ngày 28/4, UBND tỉnh có công văn yêu cầu các huyện tập trung xây dựng, hoàn thành lắp đặt và đưa vào hoạt động 20 lò đốt đã đăng ký hỗ trợ, xong trước ngày 31/8/2022.

Thực hiện chỉ đạo này, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Lạng Giang đang hỗ trợ các xã: Tiên Lục, An Hà và Tân Hưng (chủ đầu tư) hoàn thiện các thủ tục cần thiết để xây dựng, đồng thời tập trung đánh giá hiệu quả hai mô hình lò đốt rác đã được lắp trên địa bàn để lựa chọn mô hình phù hợp.

Đối với huyện Tân Yên, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện mở đợt cao điểm, đồng thời giao phụ trách, gắn trách nhiệm của cán bộ đối với từng dự án. Còn UBND huyện Lục Nam yêu cầu Phòng Tài nguyên và Môi trường tập trung cao, hoàn thiện đánh giá tác động môi trường cũng như phối hợp lập phương án giá, lựa chọn nhà thầu.

Ông Hoàng Văn Toán, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Nam nói: “Việc xây dựng, lắp đặt lò đốt rác được chúng tôi xác định là nhiệm vụ cấp bách trong thời gian này. Ngay sau khi có đánh giá tác động môi trường, UBND huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn liên quan đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Nếu địa phương, đơn vị nào chậm tiến độ, chúng tôi sẽ kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu”.

Bài, ảnh: Sỹ Quyết

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/kinh-te/383222/bac-giang-khan-truong-hoan-thanh-xay-dung-lo-dot-rac.html