Bắc Giang: Nghệ thuật chèo và Lễ hội bơi chải An Châu là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) vừa ban hành quyết định đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia đối với nghệ thuật trình diễn dân gian chèo tỉnh Bắc Giang và Lễ hội truyền thống bơi chải An Châu (Sơn Động).
Nghệ thuật chèo và Lễ hội truyền thống bơi chải An Châu (Sơn Động) là hai di sản văn hóa phi vật thể có giá trị lịch sử, văn hóa đặc sắc. Chèo cổ Bắc Giang là một trong “tứ chiếng” lưu danh trong lịch sử nghệ thuật chèo Việt Nam. Trên địa bàn tỉnh nổi danh những vùng chèo truyền thống tại Yên Dũng, Tân Yên, Việt Yên... Nghệ thuật chèo tổng hòa các yếu tố dân ca, dân vũ, dân nhạc, diễn xướng, tuồng trở thành văn hóa đặc trưng ở Bắc Bộ. Trong các làn điệu chèo ở Bắc Giang còn lấy chất liệu từ quan họ hoặc kết hợp với các bài hát then tạo nên chất riêng không nơi nào có được.
Trong kháng chiến chống Mỹ, các đội, làng chèo tại Bắc Giang rất phát triển, hoạt động sôi nổi ở nhiều nơi, khích lệ, cổ vũ tinh thần chiến đấu chống giặc ngoại xâm của dân tộc. Tiêu biểu phải kể đến những đội, làng chèo nổi tiếng như Hoàng Mai (Việt Yên), Đồng Quan (TP Bắc Giang), Tư Mại (Yên Dũng), Bắc Lý (Hiệp Hòa)… Những phường chèo này hầu hết đều do nhân dân tự lập nên, bà con vừa lao động sản xuất vừa tham gia phường chèo.
Cũng có thời gian nghệ thuật chèo trên địa bàn tỉnh hoạt động cầm chừng và đứt quãng. Sau này, nhờ sự quan tâm hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền, ngành chức năng, chèo truyền thống ở các làng, xã dần được khôi phục và phát triển. Bên cạnh tổ chức truyền dạy cho hạt nhân văn nghệ cơ sở, các đơn vị chức năng của tỉnh và các địa phương còn đưa chèo vào dạy trong trường học; tổ chức hội diễn, liên hoan các CLB chèo không chuyên thu hút hàng trăm diễn viên, nhạc công tham gia.
Nghệ thuật Chèo tại Bắc Giang phát triển theo hai hình thức: Đoàn chèo chuyên nghiệp ở cấp tỉnh và các đội chèo quần chúng ở cơ sở. Nghệ thuật chèo quần chúng được thực hành rộng khắp tại các làng, thôn, phường, xã ở 8 huyện, thị xã, thành phố. Thống kê sơ bộ, hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 40 câu lạc bộ (CLB) chèo và hàng trăm CLB văn hóa, văn nghệ liên quan tới hát chèo.
Đối với đoàn chèo chuyên nghiệp của tỉnh, trải qua hơn nửa thế kỷ tồn tại và phát triển, Nhà hát Chèo Bắc Giang tích cực khôi phục các làn điệu chèo cổ và dàn dựng nhiều vở chèo mới biểu diễn phục vụ nhân dân. Hằng năm, đơn vị tham gia các kỳ thi, hội diễn, liên hoan sân khấu nghệ thuật chèo chuyên nghiệp toàn quốc đạt thành tích xuất sắc.
Lễ hội truyền thống bơi chải An Châu diễn ra tại thị trấn An Châu (Sơn Động), trung tâm lễ hội là đình, chùa Chẽ, nghè Chải và khu vực sông Lục Nam. Theo dân gian lưu truyền, hội bơi chải trên sông An Châu có từ thế kỷ thứ XV gắn với tên tuổi tướng quân Vi Đức Thăng thời hậu Lê. Ông là thủy tổ họ Vi theo vua Lê Thái Tổ khởi nghĩa Lam Sơn, dự hàm khai quốc công thần được giao trấn giữ vùng ải thung lũng An Châu.
Hằng năm, nhân dân thị trấn An Châu tổ chức lễ hội bơi chải vào ngày 8, 9, 10 tháng 4 (âm lịch) nhằm tái hiện việc huấn luyện thủy binh lục chiến vùng sơn cước do tướng quân Vi Đức Thăng khởi xướng chống giặc ngoại xâm phương Bắc. Lễ hội diễn ra nhiều hoạt động đặc sắc. Sau lễ tế do các vị bô lão chủ trì tạ ơn trời đất, những người có công dựng xây đất nước, che chở cho dân làng là lễ rước thuyền, hạ thủy và hội thi bơi chải sôi nổi, ý nghĩa.
Mỗi thuyền bơi có 10 vận động viên là những chàng trai khỏe mạnh được tuyển chọn tại các tổ dân phố thuộc thị trấn đua tài trên dòng sông An Châu. Hai bên bờ sông, cờ Tổ quốc, cờ hội, băng rôn khẩu hiệu rực rỡ cùng màu sắc của thuyền, trang phục thi đấu hòa quyện với âm thanh náo nhiệt của tiếng trống, tiếng mõ, tiếng reo hò cổ vũ tạo thành một bức tranh sống động, mang đậm sắc màu lễ hội truyền thống dân tộc.
Lễ hội bơi chải An Châu bị gián đoạn trong kháng chiến chống thực dân Pháp và chống Mỹ. Từ năm 2000, lễ hội được khôi phục và từ đó duy trì hằng năm nhằm cầu cho mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no, hạnh phúc và tưởng nhớ công lao của các vị anh hùng dân tộc đã có công trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ quê hương. Nhiều năm nay, lễ hội luôn được cộng đồng gìn giữ, tổ chức theo các nghi lễ truyền thống, bảo tồn, phát huy giá trị đặc sắc đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của nhân dân và du khách thập phương.
Việc đưa nghệ thuật trình diễn dân gian chèo tỉnh Bắc Giang và Lễ hội truyền thống bơi chải An Châu vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia tạo điều kiện để ngành văn hóa và các địa phương tăng cường thực hiện các giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử, văn hóa - nghệ thuật truyền thống trong thời đại mới.
Lệ Thanh