Bắc Giang: Thông tin báo chí về tình hình KT-XH

Sáng 30/3, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Mai Sơn chủ trì hội nghị thông tin báo chí về tình hình KT-XH quý I năm 2023; nhiệm vụ và giải pháp quý II năm 2023. Cùng chủ trì có đại diện lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông.

Dự hội nghị có đại diện lãnh đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố; lãnh đạo, phóng viên các cơ quan báo chí địa phương và T.Ư thường trú tại Bắc Giang.

Dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư

Những tháng đầu năm 2023, tình hình thế giới và trong nước có nhiều khó khăn song UBND tỉnh đã linh hoạt triển khai các giải pháp phát triển KT-XH và đạt kết quả tích cực.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) ước đạt 8,4%. Đặc biệt, tính đến 15/3, toàn tỉnh thu hút khoảng 855 triệu USD vốn đầu tư quy đổi, dẫn đầu cả nước. Thu hút được 11 dự án FDI, vốn đăng ký 790 triệu USD, gấp 7,69 lần so với cùng kỳ.

Đồng chí Mai Sơn chủ trì hội nghị.

Đồng chí Mai Sơn chủ trì hội nghị.

Các lĩnh vực văn hóa - xã hội tiếp tục phát triển. Chất lượng giáo dục được duy trì, kết quả thi học sinh giỏi quốc gia có 59/89 thí sinh dự thi đoạt giải, tiếp tục nằm trong nhóm các tỉnh dẫn đầu toàn quốc.

Công tác cải cách hành chính, sắp xếp đơn vị hành chính và chuyển đổi số được đẩy mạnh. Chất lượng công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo nâng lên. Công tác quân sự địa phương được tăng cường; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội bảo đảm; tai nạn giao thông giảm mạnh.

UBND tỉnh đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm quý II năm 2023 là: Đẩy mạnh thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và Kế hoạch của UBND tỉnh về các nhiệm vụ phát triển KT- XH; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển các ngành sản xuất.

Đẩy mạnh thu ngân sách; huy động nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng khung về đô thị. Nâng cao hiệu quả quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường…

Nhân dịp này, nhiều phóng viên đặt câu hỏi về các vấn đề như: Tăng trưởng kinh tế; thu ngân sách đạt thấp so với cùng kỳ; tình hình thu hút đầu tư, thị trường bất động sản, quản lý khai thác tài nguyên khoáng sản; tiến độ triển khai các dự án xây dựng khu dân cư, khu đô thị; đổi mới xúc tiến tiêu thụ vải thiều; cải cách hành chính, vấn đề lao động - việc làm, bảo hiểm xã hội… Lãnh đạo các sở, ngành, địa phương đã tập trung trao đổi làm rõ các vấn đề phóng viên nêu.

Về tình trạng nhiều bờ bãi ven sông sạt lở do khai thác cát sỏi, ông Vũ Văn Tưởng, Phó Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường (TN&MT) cho biết, hoạt động khai thác cát sỏi khá phức tạp, khó quản lý bởi khu vực diễn ra trên lòng sông, thường xảy ra vào ban đêm. Để quản lý, năm 2020, UBND tỉnh đã ban hành quy chế phối hợp, giao lực lượng công an làm nòng cốt phối hợp với các địa phương quản lý. Ngành đang phối hợp với cơ quan công an và địa phương liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm.

Riêng tình trạng sạt lở bãi soi ở thôn Ninh Tào, xã Hợp Thịnh (Hiệp Hòa), Sở TN&MT đã có văn bản yêu cầu UBND huyện Hiệp Hòa xác minh, báo cáo.

Làm rõ thêm vấn đề này, ông Phạm Văn Nghị, Phó Chủ tịch UBND huyện Hiệp Hòa cho biết, Công ty cổ phần Đầu tư Đức Long được UBND tỉnh cấp phép khai thác khoáng sản (cát, sỏi, đất) tại bãi soi thôn Ninh Tào và cam kết khai thác cách bờ sông khoảng 15m.

Ngay khi nhận thông tin nhân dân và báo chí phản ánh, huyện chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với đơn vị tư vấn tiến hành đo, kiểm tra để xác định quy mô, mức độ sạt lở. Trong thời gian chờ kết quả, UBND huyện yêu cầu doanh nghiệp tạm dừng khai thác khoáng sản. Kết quả xác định báo cáo UBND tỉnh trước ngày 5/4. Quan điểm của địa phương là kiên quyết xử lý nếu phát hiện sai phạm, thậm chí chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra nếu vi phạm nghiêm trọng.

Về lo ngại thiếu nguồn đất phục vụ san lấp mặt bằng, đại diện cơ quan chức năng cho biết, tỉnh đã rà soát đưa vào quy hoạch bảo đảm nguồn tài nguyên đất phục vụ mục tiêu phát triển KT - XH. Tuy nhiên do còn nhiều vướng mắc ở trình tự thủ tục cấp phép liên quan nhiều ngành, địa phương, đặc biệt chủ đầu tư mỏ đất phải tổ chức lấy ý kiến nhân dân để thỏa thuận đền bù.

Hiện toàn tỉnh có 25 mỏ đã cấp phép khai thác với trữ lượng lớn. Ngoài ra, UBND tỉnh đang chuẩn bị đấu giá 34 mỏ đất khác đáp ứng nhu cầu sử dụng. Sở TN&MT tiếp tục phối hợp với các địa phương tăng cường quản lý các mỏ đất, đẩy nhanh tiến độ cấp phép sớm đưa vào khai thác.

Lý giải tốc độ tăng trưởng quý I của tỉnh thấp so với mục tiêu đặt ra, ông Dương Ngọc Chiên, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, nguyên nhân chủ yếu là do tác động tình hình suy thoái kinh tế thế giới, trong khi hoạt động của các DN xuất khẩu trên địa bàn tỉnh phụ thuộc lớn vào thị trường Mỹ, EU.

Trước mắt, tỉnh tập trung tháo gỡ khó khăn cho các DN. Ưu tiên phát triển hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; tăng cường hoạt động tư vấn, hỗ trợ DN tuyển dụng lao động. Kết thúc quý I, tỷ lệ giải phóng mặt bằng trong các khu công nghiệp của tỉnh đạt 93% kế hoạch cả năm 2023, cao nhất từ trước đến nay.

Nhà báo Trần Đức, Phó Tổng Biên tập Báo Bắc Giang nêu câu hỏi về phương án tiêu thụ vải thiều.

Nhà báo Trần Đức, Phó Tổng Biên tập Báo Bắc Giang nêu câu hỏi về phương án tiêu thụ vải thiều.

Chủ động các giải pháp xúc tiến tiêu thụ vải thiều

Tại hội nghị, nhà báo Trần Đức, Phó Tổng Biên tập Báo Bắc Giang đặt câu hỏi về công tác xúc tiến tiêu thụ vải thiều và những điểm mới của hoạt động này trong năm nay.

Về vấn đề này, đại diện lãnh đạo Sở Công Thương thông tin, sản lượng vải thiều năm 2023 ước đạt 180- 200 nghìn tấn, tỉnh quan tâm tiêu thụ thị trường truyền thống và đẩy mạnh xuất khẩu.

Sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản đề nghị các bộ, ngành Trung ương, địa phương tạo điều kiện thuận lợi cho công tác này. Tỉnh sẽ mở 2 hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều tại huyện Tân Yên và Lục Ngạn; tổ chức Tuần lễ vải thiều tại Lục Ngạn gắn với du lịch trải nghiệm mùa vải chín, Tuần lễ vải thiều Bắc Giang tại TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh; tích cực kết nối hệ thống phân phối bán buôn, bán lẻ, siêu thị.

Đối với thị trường xuất khẩu, Sở Công Thương tham mưu với tỉnh ban hành văn bản, công hàm gửi đến các đại sứ quán, tham tán thương mại các nước quan tâm, kết nối quảng bá tiêu thụ vải thiều ở thị trường nước ngoài; đẩy mạnh bán hàng trên sàn thương mại điện tử.

Ông Nguyễn Thế Thi, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn trao đổi tại hội nghị.

Ông Nguyễn Thế Thi, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn trao đổi tại hội nghị.

Ông Nguyễn Thế Thi, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cho biết, năm nay huyện có hơn 17,3 nghìn ha vải thiều, tăng hơn 1,6 nghìn ha so với năm 2022, sản lượng ước đạt 98 nghìn tấn. Địa phương tổ chức hai đoàn công tác sang TP Vân Nam và TP Quảng Tây (Trung Quốc) đàm phán phương án tiêu thụ sản phẩm. Thời điểm này đã có một số DN Trung Quốc sang khảo sát địa bàn. Năm nay, khâu vận chuyển vải thiều thuận lợi hơn do chỉ vận chuyển đến ga Kép sau đó xuất khẩu sang Trung Quốc.

Huyện cũng xây dựng một số cách làm mới thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm như: Tổ chức lễ hội mùa vải chín; thi trò chơi dân gian lồng ghép với hoạt động thi hái vải, bó vải, chế biến vải thiều; xây dựng các tua, tuyến thu hút khách đến tham quan; tổ chức lễ hội đua thuyền hồ Làng Thum, xã Quý Sơn. Trong khâu chế biến, một số DN đã đưa công nghệ sấy vải bằng điện vào hoạt động.

Phát biểu kết luận, đồng chí Mai Sơn cảm ơn sự tham gia tích cực của các cơ quan báo chí và ý kiến đóng góp của các phóng viên, nhà báo đối với hoạt động phát triển KT - XH của tỉnh.

Đồng chí nhấn mạnh, kết quả thu hút đầu tư FDI của tỉnh trong quý I dẫn đầu toàn quốc, tỉnh xác định đây là động lực để thúc đẩy KT- XH phát triển. Thời gian tới, các ngành tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho DN hoạt động, giải quyết việc làm, bảo đảm đời sống người lao động.

Đồng chí đề nghị các ngành, địa phương phối hợp cung cấp, trao đổi thông tin với các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương. Các phóng viên, nhà báo kịp thời tuyên truyền thông tin chính thống, đẩy mạnh truyền thông trên các nền tảng mạng xã hội nhằm lan tỏa thông tin, hình ảnh, kết quả nổi bật của tỉnh Bắc Giang tới độc giả. Mong muốn các nhà báo tiếp tục quan tâm đẩy mạnh hoạt động truyền thông xúc tiến tiêu thụ nông sản nói chung, vải thiều của tỉnh nói riêng đến người tiêu dùng.

Tin, ảnh: Mai Toan

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/chinh-tri/402023/bac-giang-thong-tin-bao-chi-ve-tinh-hinh-kt-xh.html