Phó bí thư Tỉnh ủy Quản Minh Cường kiểm tra cơ sở chăn nuôi tại Long Thành
Ngày 1-7, Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quản Minh Cường, Trưởng đoàn kiểm tra số 3 đã đi kiểm tra các cơ sở chăn nuôi tại huyện Long Thành.
Đoàn đã đến cơ sở chăn nuôi heo của Công ty TNHH MTV Chăn nuôi Tám Do tại xã Bàu Cạn do bà Lương Thị Thùy Trang đại diện pháp lý. Trang trại này có quy mô 13 hécta, 25 chuồng lạnh, công suất nuôi heo hậu bị 900 con và hiện tại nuôi hơn 700 con.
Về công tác bảo vệ môi trường, trang trại đã được UBND huyện Long Thành cấp bản cam kết bảo vệ môi trường, lập thủ tục hợp chuẩn hợp quy để tái sử dụng nước thải tưới cây. Nước thải được thu gom và xử lý bằng 2 hệ thống biogas sau đó chảy vào 1 hồ lắng chống thấm và qua hệ thống xử lý nước thải công suất 150 m³/ngày đêm, tiếp tục chảy ra 1 hố chống thấm để tưới cây.
Chất thải rắn thông thường (phân heo) chuyển giao cho đơn vị tư nhân làm phân bón nhưng không có hợp đồng. Chất thải nguy hại đang lưu giữ tại cơ sở do khối lượng phát sinh ít.
Cơ sở chăn nuôi thứ 2 là trại nuôi gà xuất khẩu của ông Lê Văn Quyết tại xã Tân Hiệp. Trang trại có quy mô gần 1,5 hécta và đất làm trang trại được quy hoạch đất ở nông thôn, đất giao thông. Do đó, đây là một trong số hơn 3 ngàn cơ sở thuộc diện phải di dời khỏi khu vực không được phép chăn nuôi.
Về môi trường, trại gà đã được UBND huyện Long Thành cấp Bản cam kết bảo vệ môi trường. Nước thải chăn nuôi không có. Chất thải rắn (sinh hoạt, phân gà, nguy hại) đã ký hợp đồng chuyển giao cho đơn vị có chức năng xử lý theo quy định.
Tại buổi kiểm tra, chủ trang trại gà kiến nghị cho giãn thời gian đi dời (theo quyết định chậm nhất 31-12-2024) cho đến khi nhà nước có kế hoạch triển khai dự án theo quy hoạch phát triển đô thị Long Thành tại khu vực này.
Theo báo cáo nhanh của huyện Long Thành, trên địa bàn có 2 cơ sở thuộc thẩm quyền quản lý cấp tỉnh, 58 cơ sở chăn nuôi cấp huyện (chưa tính cấp nông hộ). Đến thời điểm hiện tại huyện có khoảng 95.287 con gia súc, hơn 1,8 triệu con gia cầm.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, huyện không ghi nhận đơn phản ánh, kiến nghị, khiếu nại của công dân và các phương tiện truyền thông về công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động chăn nuôi.
Về việc di dời các cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn theo Nghị quyết số 03/2021/NQ-HĐND ngày 30-7-2021 của HĐND tỉnh và Quyết định số 296/QĐ-UBND ngày 24-2-2023 UBND tỉnh, tại huyện có 766 cơ sở nằm trong danh mục trên và 87 cơ sở chim yến phải giữ nguyên hiện trạng, không được cơi nới.
Trong đó, 480 cơ sở chăn nuôi phải di dời và 286 cơ sở phải ngưng hoạt động. Đến nay, có 2 cơ sở đã di dời, 163 cơ sở đã ngưng hoạt động, 22 cơ sở đã thực hiện ký cam kết giảm đàn và di dời theo đúng lộ trình. Khối lượng thực hiện đạt khoảng 24%.
Ngày 13-6-2024, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch số 359/KH-TU về kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Theo kế hoạch này, Tỉnh ủy lập 10 đoàn kiểm tra môi trường các cơ sở chăn nuôi. Trưởng đoàn kiểm tra là các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.