Bắc Giang tìm hướng phát huy giá trị lễ hội Yên Thế

Tỉnh Bắc Giang sẽ xây dựng Đề án tổ chức lễ hội Yên Thế giai đoạn 2025-2035 nhằm phát huy tối đa các giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống của lễ hội này một cách bài bản hơn, chất lượng hơn.

Đây là thông tin được đưa ra tại hội thảo khoa học “Bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị lễ hội Yên Thế”, do Sở VHTT&DL tỉnh Bắc Giang phối hợp với UBND huyện Yên Thế tổ chức ngày 23/7.

Hội thảo thu hút sự quan tâm từ nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà quản lý văn hóa. 18 tham luận tại hội thảo cùng nhiều ý kiến thảo luận đã đi sâu phân tích làm rõ lịch sử hình thành, phát triển của lễ hội Yên Thế; công tác quản lý, bảo vệ, khai thác và phát huy giá trị lễ hội Yên Thế...

 Lễ dâng hương tượng đài anh hùng dân tộc Hoàng Hoa Thám tại lễ hội Yên Thế. Ảnh: TL

Lễ dâng hương tượng đài anh hùng dân tộc Hoàng Hoa Thám tại lễ hội Yên Thế. Ảnh: TL

Theo ông Nguyễn Sĩ Cầm, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Bắc Giang, các ý kiến trao đổi tại Hội thảo đã đưa ra những định hướng, đề xuất các giải pháp khai thác giá trị di sản văn hóa phi vật thể lễ hội Yên Thế gắn với bảo tồn, phát huy giá trị Di tích Lịch sử quốc gia đặc biệt “Những địa điểm khởi nghĩa Yên Thế”, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, phát triển du lịch trên địa bàn.

Trên cơ sở đó, các cơ quan tham mưu sẽ xây dựng Đề án tổ chức lễ hội Yên Thế giai đoạn 2025-2035 trình UBND tỉnh phê duyệt, tạo cơ sở pháp lý để phát huy tối đa giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống của lễ hội, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người dân, cộng đồng.

Lễ hội Yên Thế bắt nguồn từ ngày hội cầu mùa tổ chức vào mùa thu hằng năm tại đình, đền Phồn Xương, thuộc thị trấn Phồn Xương, huyện Yên Thế. Năm 1884, khi cuộc khởi nghĩa của nông dân Yên Thế nổ ra, Thủ lĩnh Hoàng Hoa Thám đã điều chỉnh tổ chức lễ hội vào trung tuần tháng Giêng và mở rộng quy mô.

Tại lễ hội diễn ra nhiều nghi lễ, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao truyền thống mang đậm tinh thần thượng võ, bản sắc văn hóa dân tộc, thu hút đông đảo nhân dân các vùng lân cận tham gia.

Từ sau năm 1913, khi cuộc khởi nghĩa Yên Thế thất bại, lễ hội Phồn Xương không được tổ chức với quy mô lớn như trước mà thay vào đó nhân dân Phồn Xương tổ chức hội vào ngày mồng 5 tháng Giêng (là ngày giỗ của Hoàng Hoa Thám), để tưởng nhớ vị thủ lĩnh tài hoa của nghĩa quân Yên Thế.

Năm 1975, sau hội thảo khoa học lần thứ nhất về Hoàng Hoa Thám và khởi nghĩa Yên Thế, tỉnh Hà Bắc lúc đó tổ chức đã thống nhất chọn ngày 16/3/1884 là thời điểm mở đầu cho cuộc khởi nghĩa Yên Thế.

 Hội thảo “Bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị lễ hội Yên Thế”, ngày 23/7. Ảnh: L.Thanh

Hội thảo “Bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị lễ hội Yên Thế”, ngày 23/7. Ảnh: L.Thanh

Trên cơ sở này, từ dịp kỷ niệm 100 năm khởi nghĩa Yên Thế (năm 1984) Lễ hội Yên Thế được tổ chức vào ngày 15, 16 và 17/3 dương lịch hằng năm với quy mô lớn hơn, có nhiều nghi lễ trang trọng và hoạt động văn hóa phong phú, hấp dẫn.

Lễ hội Yên Thế được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2012, loại hình Lễ hội truyền thống.

Thế Vũ

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/bac-giang-tim-huong-phat-huy-gia-tri-le-hoi-yen-the-post304599.html