'Bác Hồ đến thăm Đài để làm việc'

Sinh thời, Bác Hồ đến thăm Đài Tiếng nói Việt Nam 6 lần, mỗi lần Bác giao một nhiệm vụ mới, một lời khuyên nhủ mới. Tổng Biên tập Trần Lâm kể lại, mỗi lần đên thăm Đài, Bác không báo trước, chỉ đi với người bảo vệ, có lần thêm thư ký, không băng rôn, không khẩu hiệu chào mừng.

Trong những ngày sôi sục của Cách mạng tháng Tám năm 1945, trên đường từ chiến khu Việt Bắc về Hà Nội, Hồ Chủ tịch đã chỉ thị cho Bộ trưởng Nội vụ Võ Nguyên Giáp, Bộ Tuyên truyền và đồng chí Xuân Thủy, một trong ba cán bộ lãnh đạo của Ủy ban Cách mạng lâm thời Bắc Bộ là phải gấp rút thành lập cho bằng được Đài phát thanh Quốc gia. Chỉ thị của Người nêu rõ hai nội dung quan trọng của Đài phát thanh: Về đối nội, là phương tiện thông tin nhanh nhất, rộng khắp nhất để truyền bá những chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ, phản ánh kịp thời tình hình trong nước và thế giới; là cầu nối giữa Chính phủ với địa phương, với nhân dân. Về đối ngoại: Làn sóng có thể vượt qua biên giới quốc gia, không cần hộ chiếu để chọc thủng bức màn bưng bít của chủ nghĩa đế quốc về tình hình cách mạng ở Việt Nam, đập lại những luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc của chúng và tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân thế giới đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam.

Bác Hồ với cán bộ, phóng viên, nghệ sĩ Đài Tiếng nói Việt Nam năm 1967 (Ảnh tư liệu)

Bác Hồ với cán bộ, phóng viên, nghệ sĩ Đài Tiếng nói Việt Nam năm 1967 (Ảnh tư liệu)

11 giờ 30 phút ngày 7 tháng 9 năm 1945 Đài Tiếng nói Việt Nam được thành lập, đánh dấu bằng chương trình phát thanh đầu tiên dài 90 phút, bao gồm nội dung đối nội, đối ngoại, ca nhạc mà trọng tâm là long trọng phát đi toàn văn bản Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tại Quảng trường Ba Đình chiều 2 tháng 9 năm 1945. “Khoảnh khắc thời gian ấy, giờ phút lịch sử ấy chỉ diễn ra trong 90 phút, nhưng mãi mãi in đậm vào ký ức của người Việt Nam” (Phạm Văn Đồng - Lời tựa: Nửa thế kỷ Tiếng nói Việt Nam - NXB Chính trị quốc gia 1995).

Những ngày đầu trứng nước của Đài Tiếng nói Việt Nam (TNVN) cũng là những tháng ngày mà vận mệnh dân tộc, vận mệnh chính quyền Cách mạng như “ngàn cân treo sợi tóc”. Thật là hiếm thấy, trong núi công việc đối nội, đối ngoại, đối phó hàng ngày, hàng giờ với “thù trong giặc ngoài” mà Bác Hồ vẫn dành chút thời gian hiếm hoi cho Đài TNVN. Bởi Bác biết: Đài phát thanh Quốc gia ra đời trong Cách mạng, nhưng đi lên từ “hai bàn tay trắng”, từ con số “0” về cơ sở vật chất, từ điểm đầu xuất phát về nghiệp vụ báo nói và quá non trẻ về bản lĩnh chính trị. Người quan tâm chặt chẽ về nội dung tuyên truyền trên làn sóng phát thanh. Bác thấu hiểu và ý thức sâu sắc rằng: Làn sóng phát thanh Quốc gia là diễn đàn, là nơi gặp gỡ giữa lãnh tụ và nhân dân nên có việc nước khó khăn, sự kiện lịch sử phức tạp là Người đến đài phát thanh, trực tiếp nói chuyện cho đồng bào, chiến sĩ cùng nghe.

Sinh thời, Bác Hồ đến thăm Đài TNVN 6 lần, mỗi lần Bác giao một nhiệm vụ mới, một lời khuyên nhủ mới. Tổng Biên tập Trần Lâm kể lại, mỗi lần đến thăm Đài, Bác không báo trước, chỉ đi với người bảo vệ, có lần thêm thư ký, không băng rôn, không khẩu hiệu chào mừng.

Lần đầu tiên Bác Hồ đến Đài TNVN là trưa ngày 9/3/1946, sau khi Trung ương chủ trương “hòa để tiến”, tạm thời hòa hoãn với Pháp, và ký Hiệp định Sơ bộ 6/3/1946. Tình hình chính trị lúc ấy hết sức phức tạp, các đảng phái phản động xuyên tạc, rêu rao là “Chính phủ Hồ Chí Minh bán nước”. Bác đến thẳng studio của Đài ở số 4 Phạm Ngũ Lão, sau Nhà hát lớn Hà Nội, nói chuyện trực tiếp qua làn sóng điện với đồng bào chiến sỹ cả nước, phân tích Hiệp định Sơ bộ 6/3 và khuyên mọi người đừng nghe kẻ địch xuyên tạc, phải đoàn kết rộng rãi xung quanh chính phủ. Cuối cùng Bác xúc động nói: “Đồng bào hãy tin rằng Hồ Chí Minh không phải là người bán nước”.

Lần thứ hai Bác đến thăm Đài TNVN là trưa ngày 23/10/1946. Sau khi ký Hiệp định Sơ bộ 14/9 với Pháp, Bác Hồ về đến ga Hàng Cỏ, nói chuyện với đồng bào Hà Nội rồi đến thẳng studio của Đài ở số 4 Phạm Ngũ Lão trực tiếp nói chuyện với đồng bào qua làn sóng Đài phát thanh Quốc gia. Bác phân tích về âm mưu của thực dân Pháp lập “Nam kỳ quốc” là chia để trị, làm bàn đạp xâm chiếm cả nước ta. Cuối cùng Người nghẹn ngào: “Một ngày mà Tổ quốc chưa thống nhất, đồng bào còn chịu khổ là một ngày tôi ăn không ngon, ngủ không yên. Tôi trân trọng hứa với đồng bào rằng với quyết tâm của đồng bào, với quyết tâm của toàn thể nhân dân, Nam Bộ yêu quý nhất định trở lại trong lòng Tổ quốc”. Bác dặn Tổng Biên tập Trần Lâm phải hết sức cảnh giác, đề phòng bọn phản động chiếm micro để tuyên truyền phản cách mạng. Đừng bao giờ chủ quan.

Lần thứ ba Bác Hồ đến thăm Đài TNVN là đêm 30 Tết Đinh Hợi (ngày 21/1/1947). Sau khi họp Chính phủ tại Quốc Oai, Bác đến thẳng chùa Trầm, nơi Đài dừng chân đầu tiên trên đường kháng chiến trường kỳ, “vừa di chuyển vừa phát sóng”, chúc tết cán bộ nhân viên ở đây và đọc thơ chúc Tết đồng bào chiến sỹ cả nước, kiều bào ở nước ngoài. Bác khẳng định: “Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi/Thống nhất độc lập nhất định thành công”. Nói chuyện với cán bộ nhân viên Đài TNVN Bác căn dặn: “Đài Phát thanh là công cụ hết sức quan trọng của Đảng, Chính phủ để chỉ đạo và động viên nhân dân trường kỳ kháng chiến và chọc thủng bức màn bưng bít của địch nhằm cô lập chúng ta, cho nên các cô các chú phải giữ gìn bằng được tiếng nói của Đảng, Chính phủ liên tục trong mọi tình huống”

Lần thứ tư Bác Hồ đến thăm Đài TNVN là đầu năm 1955 tại 58 Quán Sứ, Hà Nội vào một buổi chiều muộn. Bác đến bất ngờ, đi thẳng vào phòng ở của gia đình Tổng Biên tập Trần Lâm. Thấy cháu bé trai đang nằm khóc trên giường Bác vỗ về rất khéo, cháu nín ngay. Ông Trần Lâm ở sau nhà chạy vào đón Bác. Bác liền hỏi “Mẹ cháu đâu mà để con khóc thế này?”. Bác bảo lấy màn mắc cho cháu tránh muỗi đốt. Nói chuyện với cán bộ, nhân viên đài phát thanh Quốc gia Bác khen từ chiến khu kháng chiến về, Đài đã ổn định nơi ăn chốn ở, bảo đảm công việc cho làn sóng phát thanh liên tục trong mọi tình huống. Bây giờ hòa bình rồi, điều kiện tốt hơn thì phải làm việc tốt hơn. Bác căn dặn: “Bây giờ kháng chiến mới thành công, nhưng mới giành được độc lập, tự do cho nửa nước. Nhiệm vụ cách mạng còn lâu dài gian khổ, các cô các chú phải giữ vững ý chí cách mạng, đề phòng viên đạn bọc đường”. Về nghiệp vụ báo chí Bác nhắc nhở: “Các cô các chú phải luôn luôn nhớ mình làm báo nói chứ không phải là báo in trên giấy trắng mực đen. Báo nói hay báo viết thì cũng phải luôn luôn đặt cho mình câu hỏi: Viết cho ai? Viết nhằm mục đích gì? Viết về cái gì? Và viết như thế nào? Làm báo nói thì phải chú ý viết thế nào, nói thế nào để người nghe thoáng qua tai hiểu được đúng điều mình muốn truyền đạt, làm sao cho người nghe dễ nhớ, để làm theo. Nếu dùng từ ngữ cầu kỳ, khó hiểu thì người nghe không thể dừng lại để suy ngẫm, tìm hiểu. Viết để nói cho người ta nghe khác với viết cho người ta đọc trên giấy trắng mực đen. Phải hết sức tránh viết bài dài quá, câu quá dài, dây cà dây muống. Muốn vậy các cô các chú phải cố gắng học tập để nâng cao trình độ văn hóa, nâng cao tình độ về mọi mặt".

Lần thứ năm Bác Hồ đến tận xe thu thanh lưu động thăm anh chị em công nhân đang làm việc. Đó là sau giờ giải lao phiên khai mạc đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ ba của Đảng, 5/9/1960, tại giảng đường lớn trường Đảng Nguyễn Ái Quốc Trung ương (nay là Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh). Bác đến bất ngờ trước sự ngỡ ngàng và niềm vui khôn xiết của anh chị em kỹ sư, công nhân kỹ thuật phát thanh. Bác lên xe hỏi thăm sức khỏe từng người rồi cười vui: “Các cô các chú được chia kẹo chứ không được thuốc lá đâu, vì câu khẩu hiệu kia kìa”. Bác chỉ vào tấm biển ghi dòng chữ đỏ “Cấm hút thuốc lá” đặt ngay trước bàn thu thanh. Trước khi rời khỏi xe thu thanh Bác dặn : “Muốn làm phát thanh tốt thì tay nghề phải cao”.

Lần thứ sáu Bác Hồ đến thăm Đài TNVN vào khoảng 8 giờ tối ngày đầu năm 1961 tại số nhà 39 - 41 Bà Triệu, khi cán bộ, phóng viên biên tập viên phát thanh viên kỹ thuật viên của Đài đang chuẩn bị chương trình chào mừng Tết Tân Sửu. Tổng Biên tập Trần Lâm mời Bác lên studio ở tầng hai, nhưng Bác xuống tầng hầm trước, thăm các chiến sĩ công an đang làm nhiệm vụ. Bác hỏi thăm sức khỏe từng chiến sĩ, hỏi kỹ cách thức bảo đảm an toàn tuyệt đối. Bác khen công tác bảo mật Đài Quốc gia như thế là tốt.

Trước khi vào phòng họp, Bác Hồ hỏi Tổng Biên tập Trần Lâm là tại sao biên tập ở Quán Sứ mà bá âm lại ở Bà Triệu. Ở cách xa như vậy thì rất bất tiện mà lại còn nguy hiểm. Khi người mang bản tin từ biên tập sang bá âm gặp trở ngại thì sao? Nhà báo Trần Lâm thưa với Bác đây là sự bố trí bất đắc dĩ. Đài đã xin chính phủ cho xây nhà cạnh bá âm để biên tập làm việc cho tiện, nhưng chưa được duyệt. Năm sau Đài được duyệt xây nhà ba tầng ở 45 Bà Triệu.

Nói chuyện với cán bộ nhân viên Đài TNVN ở đây Bác Hồ kết luận: “Đất nước ta còn nghèo nên phải biết phát huy sáng kiến, khắc phục khó khăn với tinh thần tự lực tự cường. Phải làm việc theo kiểu con nhà nghèo, chứ đừng đòi hỏi nhiều ở nhà nước. Phải sử dụng và bảo quản thật tốt những hàng viện trợ để dùng được lâu bền”.

Như các lần trước, trong chiến tranh cũng như trong thời bình, Bác Hồ đến Đài TNVN không chỉ thăm hỏi mà để làm việc. Bác coi Đài Quốc gia là tiếng nói của Đảng và chính phủ, là nơi trao đổi thẳng thắn, kịp thời với quốc dân đồng bào. Có lần Tổng Biên tập Trần Lâm thưa với Bác là hòa bình rồi, trước khi đến thăm Đài xin Bác cho biết trước để chúng cháu chuẩn bị đón Bác chu đáo. Bác cười hồn hậu: “Bác đến thăm Đài là để làm việc, để nói chuyện với quốc dân đồng bào, không cần đến nghi thức rườm rà”.

Vĩnh Trà/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/bac-ho-den-tham-dai-de-lam-viec-post1199118.vov