'Nhà Bác Hồ' trên cao nguyên Gia Lai

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh chưa từng đặt chân đến Tây Nguyên, nhưng trái tim của Người luôn hướng về Tây Nguyên. Đồng bào Tây Nguyên cũng luôn dành cho Bác Hồ một tấm lòng kính yêu mộc mạc và chân thành.

Gia Lai, quần thể kiến trúc văn hóa trong khuôn viên quảng trường Đại Đoàn kết, trung tâm Thành phố Pleiku, chính là hiện thực sống động của tỉnh cảm ấy, được ví như “Nhà Bác Hồ” giữa đại ngàn. Nơi đây không chỉ có tượng đài, bảo tàng hay đền thờ, mà còn có niềm tin vững bền và tình cảm son sắt của bao thế hệ người Tây Nguyên với vị lãnh tụ kính yêu.

Cùng với Bảo tàng Chi nhánh Gia Lai - Kon Tum ở thành phố Pleiku, ở tỉnh Gia Lai còn có Quảng trường Đại Đoàn kết với tượng đài Hồ Chí Minh đặt ở trung tâm. (Ảnh: Nguyễn Thảo)

Cùng với Bảo tàng Chi nhánh Gia Lai - Kon Tum ở thành phố Pleiku, ở tỉnh Gia Lai còn có Quảng trường Đại Đoàn kết với tượng đài Hồ Chí Minh đặt ở trung tâm. (Ảnh: Nguyễn Thảo)

Sáng giữa tháng 5, trong không khí mát lành, trong trẻo của cao nguyên Pleiku, hơn 30 nữ chiến sĩ Công an tỉnh Gia Lai trong trang phục nghiêm trang, tập trung tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, Chi nhánh Gia Lai – Kon Tum để tham quan, tìm hiểu về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng, tư tưởng và tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trong không gian bảo tàng tĩnh lặng, từng hiện vật như bộ quần áo kaki đã cũ, đôi dép cao su đã mòn, chiếc máy đánh chữ bạc màu thời gian,… cho thấy con người giản dị, mà cao quý của Người. Tiếng thuyết minh vang đều, dẫn dắt đoàn đi qua từng chặng đường lịch sử, tái hiện bước chân không mỏi của Bác trong hành trình cứu nước, dựng nước, lãnh đạo kháng chiến....

Đại úy Nguyễn Huyền Châu, Công an xã Ia Kly, huyện Chư Prông, Gia Lai tham bày tỏ: “Bảo tàng đã lưu giữ lại những hình ảnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi còn sống. Qua đây, tôi có thể hình dung cơ bản về cuộc đời hoạt động cách mạng, lãnh đạo dân tộc trong công cuộc giải phóng đất nước. Bản thân tôi càng biết ơn Bác và những người đi trước đã hy sinh để chúng ta có được nền độc lập như hôm nay".

Hàng năm, Bảo tàng Chi nhánh Gia Lai - Kon Tum đã thu hút hành nghìn người đến tham quan, tìm hiểu về Bác Hồ và lịch sử đấu tranh bảo vệ Tổ quốc của dân tộc. (Ảnh: Nguyễn Thảo)

Hàng năm, Bảo tàng Chi nhánh Gia Lai - Kon Tum đã thu hút hành nghìn người đến tham quan, tìm hiểu về Bác Hồ và lịch sử đấu tranh bảo vệ Tổ quốc của dân tộc. (Ảnh: Nguyễn Thảo)

Từ năm 1984, khi Bảo tàng Hồ Chí Minh – Chi nhánh Gia Lai – Kon Tum chính thức khánh thành, nơi đây không chỉ lưu giữ hàng trăm hiện vật quý giá về thân thế, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bảo tàng còn lưu giữ nhiều hiện vật nói lên tình cảm sâu nặng giữa Bác Hồ và đồng bào Tây Nguyên.

Liền bên bảo tàng, Gia Lai còn xây dựng một quảng trường rộng 12ha, đặt tên Quảng trường Đại Đoàn kết. Ở đây có tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên; tháp 54 cột đá bazan biểu trưng cho tinh thần đại đoàn kết 54 dân tộc cùng nhiều công trình văn hóa ý nghĩa khác.

Dạo bước giữa không gian tràn ngập những nhắc nhớ về lãnh tụ kính yêu, chị Nguyễn Thị Ngọc Thúy, công tác tại Công an tỉnh Gia Lai chia sẻ: “Những câu chuyện về Bác Hồ đã trở thành một phần trong tâm khảm của mỗi người dân Việt Nam. Nhưng đối với lực lượng vũ trang, đó còn là hành trang tinh thần, là nguồn động lực vô giá. Mọi người rất xúc động về những hi sinh của Bác. Chúng tôi có thêm động lực mới để có những hành động, việc làm xứng đáng với niềm tin mà Bác dành cho lực lượng vũ trang và nhân dân".

Bộ quần áo kaki của Bác Hồ được trưng bày trang trọng tại Bảo tàng. (Ảnh: Nguyễn Thảo)

Bộ quần áo kaki của Bác Hồ được trưng bày trang trọng tại Bảo tàng. (Ảnh: Nguyễn Thảo)

Tại vị trí trung tâm quảng trường rộng hơn 12ha, tượng đài Bác Hồ hiện lên uy nghi mà gần gũi, trong tiếng thông reo vi vu và chim hót ríu ran. Đây là nơi Tỉnh ủy, UBND và các đoàn thể tỉnh Gia Lai tổ chức dâng hương, báo công vào mỗi dịp lễ lớn; là điểm đến của hàng triệu lượt người dân và du khách trong nước, quốc tế mỗi năm. Đồng thời là không gian tổ chức các sự kiện văn hóa, lễ hội, tuần văn hóa, du lịch, các chương trình nghệ thuật, không gian diễn tấu cồng chiêng… Tượng Bác – cao 10,8m, nặng 16 tấn, mang ý nghĩa biểu tượng thiêng liêng về tình cảm mà đồng bào Tây Nguyên dành cho Người.

Bà Rơ Chăm H’Yéo, nguyên Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Gia Lai, xúc động nhớ lại: “Hồi đó, khi tượng đài Bác Hồ được đưa về tới đèo An Khê, bà con đứng hai bên đường đánh cồng chiêng và nhiều người hò reo: ‘Bác đã về với buôn làng! Bác đã về với bà con mình rồi!'

Khi tượng Bác được dựng lên ở quảng trường, bà con tụ họp lại đánh chiêng xung quanh. Và từ đó, Bác Hồ đã thực sự về với đồng bào Jarai, về với người Tây Nguyên. Có tượng Bác, bà con thêm vững tin vào cuộc sống, quyết tâm xây dựng cuộc sống mới, đoàn kết các dân tộc, giúp đỡ nhau vươn lên, để xây dựng quê hương ngày càng phát triển hơn".

Chiếc máy đánh chữ đã đồng hành cùng Bác và sự nghiệp cách mạng của dân tộc. (Ảnh: Nguyễn Thảo)

Chiếc máy đánh chữ đã đồng hành cùng Bác và sự nghiệp cách mạng của dân tộc. (Ảnh: Nguyễn Thảo)

Ngày nay, Quảng trường Đại Đoàn Kết không chỉ là điểm đến của du khách, mà còn là không gian giáo dục truyền thống, nuôi dưỡng lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ. Nơi đây được ví như “Nhà Bác Hồ” trên Cao nguyên Gia Lai, biểu tượng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc và tình cảm của người Tây Nguyên.

Nguyễn Thảo/VOV-Tây Nguyên

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/nha-bac-ho-tren-cao-nguyen-gia-lai-post1200319.vov