'Bác Hồ - Người thầy lớn của dân tộc Việt Nam!'
Cùng Báo Giáo dục & Thời đại trò chuyện với Đại tá Ngô Văn Núi về quãng thời gian ông là cận vệ bên Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đại tá Ngô Văn Núi sinh năm 1931 tại xã Minh Tân, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh. Tuổi thiếu niên, ông gia nhập lực lượng du kích tại địa phương.
Năm 1948, ông vào bộ đội, trực tiếp tham gia hàng loạt chiến dịch quan trọng: Biên giới (1950), Hoàng Hoa Thám (1951), Tây Bắc (1952), Thượng Lào (1953)…
Và rồi cơ duyên rẽ lối, ông được giao nhiệm vụ đặc biệt - trực tiếp bảo vệ Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ mùa Thu năm 1953 đến mùa Thu năm 1969. Sau ngày Người cha của dân tộc mất, ông được giao nhiệm vụ bảo vệ Chủ tịch nước kế nhiệm: Tôn Đức Thắng, tiếp đó là Thủ tướng Phạm Văn Đồng.
Cuộc đời của ông Núi gắn với hai cuộc kháng chiến trường kì của dân tộc và công cuộc cải cách, xây dựng đất nước.
- Thưa ông, bất kì người dân nào trên đất Việt được gặp Bác Hồ đều cảm thấy vô cùng vinh hạnh. Riêng ông không chỉ được gặp mà còn được sớm hôm bảo vệ Người suốt mười bảy năm, từ chiến khu Việt Bắc về Thủ đô Hà Nội… Hẳn là ông có nhiều kỉ niệm, cảm xúc?
- Tôi rất hạnh phúc. Đây là một giấc mơ mà trước đó tôi chưa bao giờ dám nghĩ đến. Tôi sinh ra ở nông thôn, bố mẹ tôi là nông dân. Nhà tôi trong vùng địch chiếm. Tuổi thơ không được đến trường, tôi không biết chữ nhưng biết yêu nhà, yêu làng, yêu nước. Chứng kiến giặc giày xéo quê hương, bắt nông dân nhổ lúa trồng đay, ngăn sông cấm chợ… tôi nung nấu lòng thù.
Ở tuổi thiếu niên, tôi vào du kích, vừa hoạt động cách mạng vừa tham gia lớp bình dân học vụ. Lần đầu tiên biết viết tên mình: Ngô Văn Núi, tôi sung sướng khoe thầy giáo. Thầy nhìn và bảo tôi có cái tên thật đặc biệt. Người đồng bằng mà tên là Núi.
Thầy bảo: “Núi thì cao, tầm nhìn rộng, núi vững chãi và lúc nào cũng xanh tươi”. Tôi thích lắm và mong ngày nào đó được đặt chân lên đỉnh núi cao, dõi mắt ngắm mây trời, sông suối, làng bản, ruộng nương… Tôi tự hào về tên của mình. Đó hẳn là kí thác mà bố mẹ gửi gắm khi tôi chào đời.
Mười bảy tuổi, tôi chính thức vào bộ đội. Hành trang mang theo là kinh nghiệm đánh du kích, đánh trận giả thời thơ ấu. Vào mặt trận thật, tôi đánh giặc hăng lắm. Lúc nào cũng xông pha tuyến đầu. Tôi được kết nạp Đảng và bổ nhiệm làm Tiểu đội trưởng của Tiểu đội 1 (Trung đội 1, Đại đội 58, Tiểu đoàn 428, Trung đoàn 141, Sư đoàn 312). Anh hùng, liệt sĩ Phan Đình Giót là Tiểu đội phó trong Tiểu đội đó. Phan Đình Giót cao lớn, khỏe lắm, anh dũng lắm.
Anh em trong đơn vị rất yêu quý Phan Đình Giót. Những ngày đầu tháng Năm vừa qua, cả nước hướng về Điện Biên, kỷ niệm 70 năm chiến thắng. Nơi ấy có mộ phần của Phan Đình Giót… Tôi rất tiếc vì không thể đến thắp hương cho đồng chí, đồng đội được…
Tôi xuất thân như bao người lính ngày ấy, chiến đấu như bao người lính ngày ấy. Ra mặt trận, không ai tiếc đời mình. Mùa Thu năm 1953, tôi và một số đồng chí Tiểu đội trưởng, Trung đội trưởng… được đồng chí Vũ Kỳ đưa đến gặp Bác Hồ. Vui lắm. Mừng lắm. Nhưng cũng lo lắm. Sợ lắm. Gặp Chủ tịch nước cơ mà.
Tôi vào ra mặt trận cứng cỏi, gan dạ; đứng trước Bác Hồ thì không giấu nổi căng thẳng, mất bình tĩnh. Bác thấy tôi trẻ nhất, lại run nhất, nên gọi vui là “chú lính mới”. Bác ân cần hỏi tôi về gia đình, quê hương, trình độ học vấn, đơn vị cũ… Tôi thưa Bác từng việc. Sau lần gặp ấy, tôi được Bác chọn, Đảng chọn làm lính cảnh vệ. Nhiệm vụ của tôi là trực tiếp theo chân Bác, bảo vệ Bác mọi lúc, mọi nơi. Được gần Bác thì còn gì sung sướng hơn, hạnh phúc hơn, vinh dự hơn?
- Ông có thể bật mí về việc ông được Đảng, Nhà nước lựa chọn và giao nhiệm vụ cận vệ Chủ tịch nước vĩ đại của dân tộc?
- Tôi chỉ là một người bình thường, không có khả năng gì đặc biệt. Yêu nước thì ai cũng yêu. Đánh giặc thì ai cũng đánh. Đồng đội tôi, rất nhiều người hi sinh. Tôi may mắn còn sống với đôi ba vết sẹo. Đây, cháu nhìn xem. Bàn tay này là chứng tích chiến tranh. Đầu ngón trỏ tay trái của tôi không còn lành lặn. Tôi bị thương ở trận Nghĩa Lộ, Yên Bái, năm 1951. Một vết nữa ở khuỷu chân, một vết sém lông mày…
Những vết thương ngoài da không đau đớn bằng những vết thương trong lòng. Nhìn đồng chí, đồng đội lần lượt hi sinh, nhìn non sông bị quần thảo, càn quét, tôi nhủ mình phải quyết chiến đấu đến hơi thở cuối cùng cho Tổ quốc, vì Tổ quốc. Bàn tay bị thương nhưng tinh thần còn lành và không ngừng tôi thép. Bàn tay này vẫn cầm súng bắn Tập đoàn cứ điểm Nà Sản, rồi sang Sầm Nưa, về lại Sơn La, Hòa Bình, Điện Biên, Lai Châu… Tôi nguyện trung thành tuyệt đối với Đảng, bảo vệ Bác bằng tính mạng của mình, bằng đôi tay này.
- Kỷ niệm mà ông nhớ mãi khi thực hiện nhiệm vụ đặc biệt này?
- Một đêm, tiết trời rét buốt, gió lùa. Tại căn cứ địa Việt Bắc, Bác ngồi làm việc giữa bốn bề tĩnh lặng, tiếng máy chữ đều đều lách tách. Tôi bồng súng gác bên ngoài. Mải lo một chiếc áo bông không giúp Bác đủ ấm, mải ước đất nước sớm được hòa bình, tôi chẳng may ngã xuống hố. Chiếc hố công sự ấy dùng để Bác tránh máy bay nên khá sâu. Vừa đau vừa sợ, tôi cố leo lên để tiếp tục làm nhiệm vụ nhưng không được. Tôi đang loay hoay thì Bác đến:
- Chú nào ngã đấy? - Bác nhìn xuống hố và cất tiếng hỏi.
Tôi chưa kịp thưa lời, Bác đã đưa tay kéo tôi lên rồi hỏi nữa:
- Chú ngã có đau không?
Chòm râu của Bác chạm vào má tôi. Hơi ấm của Bác tỏa vào mặt tôi. Tôi trào nước mắt, xúc động. Dù rất đau nhưng tôi vẫn cố đứng ngay ngắn để chứng tỏ bản thân không hề gì:
- Thưa Bác, cháu không bị đau ạ.
Bác nhìn tôi một lượt, ôn tồn bảo:
- Chú cứ ngồi xuống đây, bóp chân cho đỡ đau. Ngồi xuống! Ngồi xuống! Để Bác gác cho.
Tôi bàng hoàng… Vừa tự trách bản thân đã làm phiền đến Bác. Nhưng cũng lại hạnh phúc khi được Bác quan tâm.
- Thưa Bác, cháu không việc gì ạ.
Tôi trả lời Bác rồi cố gắng bước qua bước lại để Bác yên lòng. Bác cười hiền hậu, căn dặn tôi:
- Làm bất cứ việc gì chú cũng phải cẩn thận…
Nói xong, Bác quay vào. Tôi đứng lặng nhìn theo Bác. Lát sau, tiếng máy chữ đều đều, lách tách lại vang lên. Tôi ghi nhớ từng lời Bác dặn. Phải cẩn thận. Ai cũng có lúc sai. Quan trọng là biết nhận sai và ra sức sửa chữa để bản thân không ngừng hoàn thiện. Bác của chúng ta quả đúng là người có trái tim mênh mông. Một Chủ tịch nước bận nghìn việc mà vẫn ứng xử đầy nghĩa tình với một người lính thì chỉ có thể là Bác Hồ. Hiếm thấy biết bao. Bác là vậy, “ôm cả non sông, mọi kiếp người”.
Sau này, kỉ niệm phiên gác vô tình bị ngã của tôi được nhạc sĩ Nguyễn Tiến Độ đưa vào ca khúc: “Phiên gác đêm”. Bài hát có đoạn: “…Đêm Việt Bắc mênh mông, mênh mông. Người lính trẻ mơ về một ngày mai sao vàng bay trên khắp quê nhà. Bỗng trượt chân bối rối lo âu. “Chú có đau không, để Bác gác cho”.
Ôi lời Bác ấm êm như tiếng Mẹ. Ghi khắc trong lòng hình bóng Bác thân thương. Phiên gác đêm ơi, phiên gác đêm như trong mơ, như trong huyền thoại. Con gác cho Người, Người gác cả non sông”. Mỗi khi nghe bài hát, tôi mường tượng mồn một về khoảnh khắc không thể nào quên ấy. Nỗi xúc động lại ùa về như giây phút Bác đứng trước mặt tôi.
- Cùng với kỷ luật là sức mạnh của quân đội phải chăng tình người cũng góp phần làm nên sức mạnh đó, thưa ông?
- Đúng vậy. Tình người góp phần quan trọng làm nên sức mạnh quân đội. Bác Hồ của chúng ta chủ yếu dùng tình người để lãnh đạo kháng chiến, thu phục toàn quân, toàn dân một lòng theo Đảng. Bác xuất hiện ở đâu thì nơi đó có niềm vui, có tiếng cười và niềm tin tất thắng. Vì sự yêu mến, vì lòng kính trọng, ai cũng cố gắng hoàn thành nhiệm vụ của mình để xứng đáng là cháu con của Bác.
Tôi nói với cháu ở phần đầu cuộc trò chuyện rằng tôi không được đi học ở trường lúc nhỏ. Khi làm cảnh vệ cho Bác, tôi được Bác tạo điều kiện cho học bổ túc văn hóa vào các buổi tối, rồi học Đại học Tổng hợp, Học viện Quân sự. Nhờ nỗ lực học tập, rèn luyện phẩm chất cách mạng, từ một “chú lính mới”, tôi dần dần được phong cấp từ Thượng úy đến Đại tá.
Bác dặn: “Chú đi làm cách mạng phải giữ bí mật, phải học văn hóa, học chính trị, học quân sự để phục vụ đất nước”. Lời của Bác là kim chỉ nam cho tư tưởng và hành động của tôi. Mười bảy năm gắn bó bên Bác, tôi được Bác dạy cách đọc báo, xem bản đồ, cách chọn nơi đào hầm, cách luyện tập thể thao, dân vận…
Có những việc tưởng chừng rất nhỏ, khi có Bác dạy, chúng tôi mới vỡ lẽ những ý nghĩa lớn lao trong đó. Bác là người thầy lớn của chúng tôi và của cả dân tộc. Bác luôn căn dặn chúng tôi bằng tình yêu thương, chia sẻ chứ không bằng kỷ luật. Kỷ luật của quân đội là kỷ luật tự giác. Bác dặn chúng tôi phải vững vàng, đừng sa ngã trước “viên đạn bọc đường”…
- Để chọn một khoảnh khắc đặc biệt nhất trong suốt thời gian cận vệ Bác thì ông sẽ chọn khoảnh khắc nào?
- Đó là lúc Bác qua đời: 9h47 ngày 2/9/1969. Vì ngày đó trùng ngày vui lớn của cả dân tộc - ngày Quốc khánh, nên Bộ Chính trị quyết định giữ bí mật. Chúng tôi, những người cận vệ biết tin, đau lòng mà không dám khóc. Không được khóc. Tôi không bao giờ quên phút giây ấy. Bầu trời như sụp xuống! Tôi sẵn sàng hiến tim mình thay tim Bác để nhịp đập trong ngực Người không dừng lại. Để hơi ấm Người sưởi cả non sông. Tôi tự nguyện. Tôi sẵn sàng. Nhưng không thể. Đau đớn vô cùng…
Trước đó ít ngày, tôi còn đi bộ cùng Bác quanh ao cá, nhà sàn. Những ngày đó, Bác tuy yếu nhưng vẫn duy trì thể dục. Mỏi lắm Bác mới nghỉ chân. Vậy mà giờ đây, tôi sẽ không bao giờ còn được đi bên Bác, không được nghe Bác dặn dò, trò chuyện....
Bí mật về với thế giới người hiền của Bác buộc phải giữ trọn một ngày. Một ngày dài như thế kỉ! Một ngày như không bình minh!!!
Hôm sau, Bộ Chính trị quyết định thông báo Chủ tịch Hồ Chí Minh mất lúc 9h47 ngày 3/9/1969. Cả nước đại tang, trời tuôn nước mắt. Có nỗi đau nào đau hơn nỗi đau mất Bác???
Tôi được chọn túc trực danh dự bên linh cữu Chủ tịch của chúng ta, tối 8/9/1969. Đứng im phắc cạnh Bác lần cuối, lòng tôi cuộn vô vàn đợt sóng. Đau thương lắm! Nhói buốt lắm! Xót xa lắm… Giấy mời túc trực vẫn còn treo trang trọng trên khung ảnh nhà tôi. Kia kìa. Cháu nhìn xem. Vết thời gian trên giấy. Năm mươi lăm năm đã trôi qua…
Sau ngày Bác mất, tôi tiếp tục bảo vệ bác Tôn, bác Đồng và hoàn thành nghĩa vụ quốc tế, bảo vệ các đồng chí lãnh đạo của chính quyền Campuchia những ngày đầu thành lập.
Tôi lúc ấy là Phó Chỉ huy trưởng Đoàn quân sự 7708 tại Campuchia, năm 1979.
Tôi từng ngồi trên kho vàng khi công tác ở nước bạn nhưng tư trang ngày về chỉ vỏn vẹn chiếc ba lô cá nhân giản đơn và phẩm chất người cách mạng.
Nhà tôi không rộng, không cao, không mới, không nhiều đồ đạc… Trên bức tường nhạt màu là những khoảnh khắc công tác của tôi: Ảnh đứng cạnh Bác lúc Bác sinh thời, ảnh túc trực bên linh cữu Bác, ảnh bảo vệ bác Tôn, ảnh bảo vệ bác Đồng… Tất cả đều gợi nhớ về một thời gian khổ mà vinh dự biết bao!
Cho đến bây giờ, tôi vẫn hằng ngày học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác - người thầy lớn của dân tộc Việt Nam. Sống giản dị, liêm khiết, quần chúng, gần gũi với mọi người... Tôi thấy tâm hồn mình được thanh lọc thêm một lần nữa mỗi khi nhớ về Bác, kể về Bác. Đúng như Tố Hữu viết: “Yêu Bác, lòng ta trong sáng hơn”. Và tôi mong sự trong sáng ấy ngày càng lan tỏa mạnh mẽ đến các thế hệ hậu sinh.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/bac-ho-nguoi-thay-lon-cua-dan-toc-viet-nam-post699000.html