Bác Hồ qua hồi ức người cảnh vệ
Những ngày tháng được ở bên, bảo vệ sự bình an của Bác Hồ, với người lính cảnh vệ Trần Nguyên Mười mãi là kho ký ức đầy tự hào và không bao giờ phai nhòa.
Sức hút kỳ lạ
Trong căn nhà cấp 4 đơn sơ, giản dị ở xã Phúc Thọ, huyện Nghi Lộc, Nghệ An, ông Trần Nguyên Mười (SN 1934) ấn tượng với mái đầu đã bạc trắng cùng nụ cười hiền từ. Ở cái tuổi “xưa nay hiếm”, ông vẫn còn khỏe và rất minh mẫn. Khi nhắc đến những năm tháng vinh dự được đứng trong đội cảnh vệ trực tiếp bảo vệ Bác Hồ, đôi mắt ông ánh lên niềm vinh dự, tự hào.
“Không có một khoảng cách nào giữa vị lãnh tụ với người dân. Bác sống đơn giản, gần gũi, luôn quan tâm và chăm lo cho mọi người. Mọi cử chỉ, hành động của Bác rất đỗi đời thường nhưng có một sức hút kỳ lạ. 10 năm (từ năm 1955 - 1965), tôi chỉ có một nhiệm vụ duy nhất là bảo vệ Bác Hồ. Đó cũng là quãng thời gian may mắn và hạnh phúc nhất cuộc đời tôi”, ông Mười chia sẻ.
18 tuổi, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chàng trai Trần Nguyên Mười tình nguyện lên đường gia nhập TNXP phục vụ tiền tuyến. Mùa thu năm 1952, ông tham gia mở đường từ Lam Sơn (Thanh Hóa) đi Hòa Bình. Cuối năm 1953, đội TNXP của ông được chuyển đến An toàn khu, tiếp tục làm đường từ chợ Chu (Thái Nguyên) đi Tân Trào. Ông được phân công làm Trung đội trưởng phụ trách đóng phà Cóc (phà tời bằng tay qua suối Cóc).
Ông Mười nhớ như in lần đầu được gặp Bác: “Đó là một đêm cuối năm 1953, trời Việt Bắc rét căm căm, đội của chúng tôi được lệnh chở đoàn cán bộ đặc biệt qua phà nhưng không được tiết lộ là ai. Lúc đó, mọi người cố gắng kéo phà nhanh qua dòng nước xiết, trên phà có tiếng hỏi vọng sang: “Ai là người phụ trách bến đò này?”. Khi biết trên xe là Bác Hồ, tôi hồi hộp lại sát bên xe thưa với Bác: “Dạ. Cháu là người phụ trách bến phà này ạ!”.
Bác đưa tay đặt nhẹ lên vai tôi và hỏi: “Anh em có khỏe không?”. Trong lúc trả lời Bác nhận ra giọng nói và bảo “Cháu là người quê ta phải không?”. Tôi vội thưa với Bác toàn trung đội đều quê ở Nghệ An. Rồi Bác tặng cho anh em một cây thuốc lá và một hộp kẹo. Tôi xúc động đưa hai tay đỡ gói quà mà bâng khuâng xúc động”.
Tháng 10/1954, sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, miền Bắc và Hà Nội được hoàn toàn giải phóng. Thời điểm ấy, ông Mười được chọn tham gia đội hình diễu binh, diễu hành đón Bác Hồ trở về tiếp quản Thủ đô. Ông cùng đồng đội ra sức rèn luyện, tập duyệt trong 3 tháng.
“Lễ diễu binh diễn ra tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội. Khung cảnh lúc ấy trang nghiêm mà lộng lẫy cờ hoa. Những trái tim như cùng một nhịp đập. Cờ Tổ quốc tung bay phấp phới. Người dân đứng kín hai bên đường, phất cờ, reo mừng, ca hát, tặng hoa bộ đội. Sải bước trong tiếng quân hành, giữa không khí nô nức của phố phường Hà Nội và tình cảm nhân dân, thời khắc ấy tôi không bao giờ quên”, ông hồi tưởng.
Sau khi rời An toàn khu về Thủ đô Hà Nội, ông Mười được tổ chức tuyển chọn đi học lớp về ngành Công an. Kết thúc khóa học, ông được phân công về phòng 1, Cục Cảnh vệ (nay là Bộ Tư lệnh Cảnh vệ). Tại đây, ông có nhiệm vụ bảo vệ vòng 2 tại Phủ Chủ tịch. Thời gian này, ông được thấy Bác nhiều hơn, hàng ngày canh gác cho Bác làm việc; về đêm canh gác cho Bác ngủ, chiều chiều thấy Bác tập thể dục, tưới hoa, cho cá ăn, sáng ra thấy Bác đi bộ…
“Mỗi khi Bác đi công tác, chúng tôi có nhiệm vụ đi tiền trạm trước 15 ngày hoặc 1 tháng. Khi Bác đến phải đảm bảo an toàn tuyệt đối, nếu có di biến động, chúng tôi sẽ kịp thời ngăn chặn”, ông Mười cho hay.
Những ký ức sâu đậm
Những ký ức về Bác, dù là nhỏ nhất, chưa khi nào phai mờ trong tâm trí ông Mười. “Mặc dù rất bận nhưng hàng ngày Bác vẫn hay đến chỗ ăn, ở của các chiến sĩ cảnh vệ hỏi thăm, động viên và xem các chiến sĩ tập luyện. Bác rất chú trọng đến việc rèn luyện sức khỏe. Bữa cơm hàng ngày của Bác không cao lương mỹ vị, chỉ có bát canh, quả cà, lát cá kho hay thịt kho. Bác sống rất giản dị và quan tâm đến mọi người. Mỗi lần Bác đi công tác, lúc về luôn có quà cho các chiến sĩ cảnh vệ, khi thì cái kẹo, lúc thì điếu thuốc,… quà tuy nhỏ nhưng ai cũng có”, ông Mười kể.
Năm 1960, ông Mười được tổ chức phân công cùng đoàn bảo vệ Bác Hồ đi thăm công trường xây dựng công nghiệp Việt Trì. Ở khu công nghiệp này hầu hết cán bộ, công nhân là bộ đội miền Nam tập kết. Sau khi Bác đến thăm, nói chuyện với lãnh đạo và tập thể công nhân, trên đường về qua Vĩnh Yên đã quáca trưa, Bác bảo dừng xe nghỉ tạm cho đỡ mệt.
“Lúc đó, trên xe không có nước uống mà chỉ còn mấy quả chuối. Người phục vụ đưa đến mời Bác. Bác đã tự tay cầm con dao nhỏ cắt chuối thành từng lát, rồi chia đều cho mọi người. Bác bảo “Các cháu ăn đi cho đỡ mệt rồi ta tiếp tục đi”. Bác chia đủ cho cả đoàn, kể cả lái xe, phục vụ, bảo vệ không thiếu một ai và Bác cũng ăn một phần như thế. Cầm lát chuối Bác trao mọi người nhìn nhau mà thương Bác vô cùng. Thấy cả đoàn cứ cầm mãi trong tay, Bác lại giục “Các cháu ăn đi để còn kịp về”. Nhìn cử chỉ ân cần, mọi người lặng lẽ ăn mà nước mắt cứ rưng rưng”, người cảnh vệ Trần Nguyên Mười xúc động.
Trong cuộc đời phục vụ kháng chiến, rồi làm nhiệm vụ ở Cục Cảnh vệ, có giai đoạn ông Trần Nguyên Mười làm giáo viên tại trường Cao đẳng Phòng cháy chữa cháy, làm cán bộ kỹ thuật cung cấp xăng dầu, sau đó trở lại ngành công an. Ông được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Chiến công hạng Nhì, Huy chương vì An ninh Tổ quốc,…
Kỷ niệm nhớ nhất trong đời binh nghiệp của ông Mười đó là năm 1961, ông được tháp tùng Bác Hồ về thăm quê hương Nghệ An sau bao năm xa cách. Bác dành rất nhiều thời gian để đi thăm, trò chuyện cùng cán bộ, nhân dân tỉnh Nghệ An. Bác nói chuyện với Ban Chấp hành đảng bộ tỉnh; thăm cán bộ, công nhân Nhà máy Cơ khí Vinh; thăm Nông trường Đông Hiếu (Nghĩa Đàn) và Hợp tác xã Vĩnh Thành (Yên Thành)… “Đến đâu, Người cũng ân cần hỏi thăm sức khỏe mọi người, căn dặn, nhắc nhở cán bộ và đảng viên nêu cao gương mẫu, tính tiên phong để ra sức xây dựng chế độ, xây dựng quê hương giàu mạnh. Trong lúc trò chuyện với bà con tại xã Vĩnh Thành thì trời nắng đã lên cao. Một cán bộ thấy thế liền tìm cái ô để che cho Bác. Khi người này bật ô lên Bác gạt ra, chỉ tay xuống phía dưới và nói: “Chú có đủ ô che hết nắng cho bà con không? Bà con chịu được nắng, sao Bác lại không chịu được’’, ông Mười nhớ lại.
Rồi giọng người cảnh vệ già chùng xuống: “Ngày 2/9/1969, Bác Hồ mất, đơn vị tôi không còn được bảo vệ Bác nữa, ai cũng buồn, tiếc thương Người. Nhớ lời Bác dạy, chúng tôi cố gắng hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ để tỏ lòng biết ơn Người đã dành cả cuộc đời cho dân tộc”.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/bac-ho-qua-hoi-uc-nguoi-canh-ve-post1564952.tpo