Bác Hồ sống mãi trong lòng người Việt Nam và thế giới

Đoàn cán bộ, phóng viên Báo Phú Yên viếng Bác tại Di tích quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Ảnh: LÊ HẢO

Bác Hồ sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh đất nước đầy biến động. Nguời đau nỗi đau mất nước của đồng bào. Người đã chứng kiến bao cuộc nổi dậy của dân tộc và sự khủng bố tàn bạo của thực dân Pháp. Người theo dõi phong trào Cần Vương của Phan Đình Phùng, phong trào Đông Du của Phan Bội Châu, phong trào vũ trang chống Pháp của Hoàng Hoa Thám..., vừa khâm phục tinh thần anh hùng, bất khuất của các bậc cách mạng đàn anh, vừa nhìn rõ những hạn chế của họ. Chính vì thế, năm 1911, khi mới 21 tuổi, Người đã ra đi tìm con đường cứu nước đúng đắn nhất.

Vì quyền lợi Tổ quốc và hạnh phúc của quốc dân

Từ năm 1911-1917, Người đã đi qua nhiều nước châu Á, châu Âu, châu Mỹ, châu Phi rồi trở lại Pháp tham gia phong trào công nhân, tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp, tiếp xúc với tác phẩm “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về các vấn đề dân tộc và thuộc địa” của Lênin, từ đó Người xác định: Cách mạng Việt Nam không có con đường nào khác ngoài con đường cách mạng vô sản.

Sau những năm hoạt động ở Pháp trong phong trào cộng sản và phong trào giải phóng các thuộc địa, Hồ Chủ tịch sang Liên Xô trực tiếp nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lênin và kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Mười Nga, rồi về Trung Quốc chuẩn bị về chính trị, tư tưởng, tổ chức để tiến tới thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930) có ý nghĩa quyết định đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội của Nhân dân ta, chấm dứt sự khủng hoảng về đường lối cứu nước kéo dài hàng mấy chục năm ở nước ta.

Thắp hương tưởng nhớ vị cha già của dân tộc. Ảnh: LÊ HẢO

Thắp hương tưởng nhớ vị cha già của dân tộc. Ảnh: LÊ HẢO

Khát vọng lớn lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh là giải phóng dân tộc, giải phóng con người. Người nói: “Cả đời tôi chỉ có một mục đích là phấn đấu cho quyền lợi Tổ quốc và hạnh phúc của quốc dân. Những khi tôi phải ẩn nấp ở núi non hoặc ra vào chốn tù tội, xông pha hiểm nghèo đều là vì mục đích đó”... “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”.

Trải qua nửa thế kỷ đấu tranh cách mạng, Bác Hồ đã đưa Đảng ta trở thành một Đảng cách mạng chân chính; thu hút nhiều nhân tài và đào tạo một đội ngũ cán bộ, chiến sĩ đủ đức, đủ tài lãnh đạo cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhân dân ta đã đánh bại những tên đế quốc xâm lược sừng sỏ, đưa cả nước tiến vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập dân tộc và CNXH.

Là người giữ các trọng trách cao nhất của Đảng và Nhà nước, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh lại là người cần kiệm, giản dị, khiêm tốn, gần gũi với Nhân dân, yêu thương đoàn kết giữa các dân tộc cùng sống trên đất nước Việt Nam và thế giới. Đúng như nhà báo Lê-ô-Fi-ghe viết trên Báo Nhân Đạo của Đảng Cộng sản Pháp: “Con người Hồ Chí Minh thể hiện ở mức độ rất cao tất cả các đặc tính tốt đẹp của Nhân dân Việt Nam”.

Nhà văn hóa lớn

Điều kỳ diệu ở Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là Người vừa là anh hùng giải phóng dân tộc vừa là nhà văn hóa lớn. Bác Hồ cũng đồng thời là nhà thơ, nhà văn, đặt nền móng cho nền văn xuôi của cách mạng nước ta. Đó là những bài văn đầy tính chiến đấu với những yếu tố mới mẻ và hiện đại, ở nhiều thể loại: truyện ngắn, bút ký, truyện viễn tưởng, kịch...

Nghe thuyết minh về sự cống hiến, hy sinh của Bác Hồ và người thân cho cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất nước nhà tại nhà ông Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: LÊ HẢO

Nghe thuyết minh về sự cống hiến, hy sinh của Bác Hồ và người thân cho cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất nước nhà tại nhà ông Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: LÊ HẢO

Bác Hồ còn là bậc thầy của báo chí cách mạng Việt Nam. Sự nghiệp báo chí của Chủ tịch Hồ Chí Minh vô cùng to lớn. Chính Người đã sáng lập và là linh hồn của nhiều tờ báo cách mạng như tờ Thanh Niên (tháng 6/1925), Lính Cách Mệnh (tháng 2/1927) và tờ Việt Nam Độc Lập (tháng 8/1941). Kể từ bài báo đầu tiên (viết năm 1919) đến bài cuối cùng (viết năm 1969), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có nửa thế kỷ hoạt động báo chí, để lại cho chúng ta hơn 1.500 bài báo với nhiều bút danh.

Ngay sau khi vừa giành được chính quyền, Bác Hồ đã đưa văn hóa vào chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cùng với việc đấu tranh chống nạn mù chữ, Bác Hồ phát động phong trào xây dựng đời sống mới, Người viết tác phẩm Đời sống mới (ký tên Tân Sinh) để hướng dẫn phong trào này. Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá cao vai trò của văn hóa, Người xác định: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, “Văn hóa - nghệ thuật cũng là mặt trận, văn nghệ sĩ là chiến sĩ trên mặt trận ấy”.

Trải qua một chặng đường dài dày công học tập, Người đã làm chủ được nhiều ngôn ngữ khác nhau để trở thành nhà văn hóa lớn: vừa là lãnh tụ, vừa là công bộc của Nhân dân; vừa là nhà chính trị sáng suốt vừa là nhà thơ, nhà báo; khẩn trương như một chiến sĩ, thanh thản như nhà hiền triết; mềm dẻo mà cương nghị, vừa quan tâm đến những vấn đề lớn của Tổ quốc, vừa không quên những điều nhỏ nhặt, cần thiết của mỗi người dân.

Công lao, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức của Bác Hồ sống mãi trong lòng người Việt Nam và thế giới. Chúng ta nguyện học tập và làm theo tấm gương của Người, kế tục xứng đáng sự nghiệp, con đường mà Người và Đảng ta đã lựa chọn, xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh, Nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc như sinh thời Bác Hồ kính yêu hằng mong muốn.

ĐẶNG HỒNG THÁI

(Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/76/298788/bac-ho-song-mai-trong-long-nguoi-viet-nam-va-the-gioi.html