Bác Hồ sống mãi trong trái tim người dân

55 năm trước, dân tộc Việt Nam mất đi người cha già kính yêu, vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc. Người đã dành cả cuộc đời đi tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc. Trong suốt cuộc đời, Bác luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho nhân dân, đau đáu nỗi niềm 'yêu nước, thương dân'. Đến những giây phút cuối cuộc đời, Người vẫn luôn nghĩ cho đồng bào, cho đất nước.

Với mỗi người dân Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là biểu tượng sáng ngời về đạo đức cách mạng, tấm gương hy sinh, hiến dâng trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

Khi còn nhỏ, tôi nghe bố kể lại, ngày 3-9-1969, đơn vị ông đang tham gia chiến đấu trên chiến trường Bình Trị Thiên khói lửa. Hôm ấy, nghe tin Bác mất, tất cả cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị ai cũng lặng đi, xúc động nghẹn ngào, nước mắt trào dâng. Còn bản thân tôi khi nghe kể cũng như mọi người, đều không kìm được xúc động, nước mắt cứ chảy tràn. Hay với các thế hệ sinh ra sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, đặc biệt là thế hệ trẻ sau này chỉ được biết thông tin về Bác qua các phương tiện thông tin đại chúng, qua sách báo, nhưng hình ảnh giản dị và gần gũi cùng tình yêu bao la của Bác luôn đậm sâu trong trái tim mỗi người. Đúng như câu thơ của nhà thơ Tố Hữu trong bài Sáng tháng Năm - “Người là Cha, là Bác, là Anh/Quả tim lớn lọc trăm dòng máu nhỏ”.

Tuy Bác đã đi xa nhưng Người đã để lại muôn vàn tình thương yêu cho toàn Đảng, toàn dân, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng… Sinh thời, Bác luôn tâm niệm, trên đất nước này, nếu nước nhà chưa được thống nhất thì Người còn cảm thấy đau đớn khôn nguôi; nếu một người Việt Nam còn đói, rét, dốt, bệnh tật thì Người cho rằng mình chưa hoàn thành trách nhiệm, còn có lỗi với đồng chí, đồng bào. Người đau nỗi đau chia cắt đất nước, vui, buồn cùng nhân dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ thiên tài, người thầy vĩ đại của Đảng và dân tộc ta, Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất - Người tượng trưng cho tinh hoa văn hóa của dân tộc Việt Nam, cho những giá trị cao đẹp nhất của tâm hồn, ý chí, nhân cách Việt Nam; là tấm gương sáng ngời về phẩm chất, đạo đức cách mạng; là hình ảnh tuyệt đẹp về mối liên hệ mật thiết gắn bó giữa lãnh tụ với nhân dân. Điếu văn Hồ Chủ tịch của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam do Bí thư thứ nhất Lê Duẩn đọc tại tang lễ tổ chức ngày 9-9-1969 tại Quảng trường Ba Đình khẳng định: “Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch, người anh hùng dân tộc vĩ đại và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta”.

Chúng ta - những người con của đất nước Việt Nam hôm nay, được sinh ra, lớn lên và trưởng thành trong hòa bình, phát triển phải noi gương thế hệ ông cha đi trước, phải tự soi, tự sửa mình. Thế hệ ông cha của chúng ta - Thế hệ thanh niên thời đại Hồ Chí Minh đã “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/Mà lòng phơi phới dậy tương lai” thì yêu cầu tiên quyết đối với các thế hệ hôm nay, nhất là đội ngũ cán bộ, đảng viên trẻ phải luôn tu dưỡng và rèn luyện đạo đức theo gương Bác Hồ vĩ đại, phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là “người lãnh đạo, người đày tớ thật trung thành của nhân dân”.

Chính vì vậy, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phải tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Bởi học và làm theo Bác chính là tự nguyện dâng hiến sức mình cho cuộc đời, cho Tổ quốc để xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

Lâm Phương

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/329/161977/bac-ho-song-mai-trong-trai-tim-nguoi-dan