Nguyễn Trãi - Tầm cao đạo lý, công lý!

Trong một lá thư gửi tướng giặc Minh (trong 'Quân trung từ mệnh tập'), Nguyễn Trãi viết: 'Ta thường nghe, binh cốt để bảo vệ cho dân, không phải là để làm hại dân, dẹp yên để không phải giết, không phải là để giết nhiều người. Cho nên có câu rằng: Binh là bất đắc dĩ mới phải dùng'. Câu nói toát lên vai trò, chức năng, nhiệm vụ của 'binh' (quân đội) là để bảo vệ dân, yên dân.

Cả thế giới hôm nay đang cố gắng phấn đấu theo quan niệm: "Binh là bất đắc dĩ mới dùng". Thế nhưng, từ hơn 500 năm trước, chính Nguyễn Trãi là người triệt để nhất với quan niệm ấy khi dùng ngòi bút đấu tranh cho hòa bình của nước, cho sự an lành của dân. Ông đã thực sự ở vị thế đứng trên kẻ thù, ở tầm cao công lý để kết án tội "dối trời lừa người" nhằm mục đích đuổi kẻ xâm lược ra ngoài bờ cõi.

Theo lẽ thông thường, để vạch tội kẻ thù, phải có điểm tựa đạo lý. Nguyễn Trãi đã lấy điểm tựa là lập trường chính nghĩa, lẽ phải và văn hóa đạo lý phương Đông từng được coi là "tinh hoa" ở đất nước kẻ xâm lược.

Tranh minh họa Lê Lợi và Nguyễn Trãi.

Tranh minh họa Lê Lợi và Nguyễn Trãi.

Với trên 70 bài viết trong đó phần lớn là những lá thư luận chiến đanh thép, "Quân trung từ mệnh tập" có điểm đặc biệt là tần số xuất hiện của hai chữ "lừa dối" rất cao - 36 lần: "Tính mạng của mấy vạn đàn ông, đàn bà ở trong thành, đều bị các ông lừa dối làm hại, làm cho bọn người không tội một mai bị chết". Lừa dối để hại người: "Thế là ngài không những lừa dối một mình tôi, lại còn lừa dối cả hơn sáu bảy nghìn người ở vệ sở các thành. Tôi lấy lòng tôn kính Triều đình, thương hại tính mệnh hơn sáu bảy nghìn con người, nên nghiêm cấm quân sĩ không được phạm chút tơ hào. Thế mà ngài nghe kế của bọn tiểu nhân, định lấy lòng hại tôi để lây hại cho người khác…".

Mượn ngay đạo lý - hạt nhân của học thuyết Khổng Mạnh, Nguyễn Trãi gọi là "đạo trời", "đạo Thánh nhân", "mệnh trời", "vận trời", coi đó như những bài học ứng xử trong quan hệ giữa các nước láng giềng (ngày nay gọi là quan hệ quốc tế): "Ta nghe Mạnh Tử có bảo rằng: "Chỉ có người nhân giả là có thể cho mình là nước lớn mà đi lại tốt với nước nhỏ; người trí giả là có thể cho mình là nước nhỏ mà hòa hảo với nước lớn. Nước lớn mà đi lại với nước nhỏ chính là biết vui theo đạo trời. Nước nhỏ mà hòa hảo với nước lớn chính là biết kiêng nể mệnh trời".

Bốn cây cột nhân giả (người nhân nghĩa), trí giả (người có trí tuệ), đạo trời (nước lớn quan hệ bình đẳng với nước nhỏ), mệnh trời (nước nhỏ hữu nghị với nước lớn) đã dựng nên ngôi nhà triết học Mạnh Tử. Hầu hết các hiền nhân quân tử phương Đông đều trú ngụ trong ngôi nhà ấy. Một hàm ý tinh tế ẩn sâu đằng sau câu chữ: Nếu là bậc hiền nhân quân tử sẽ chẳng có ai phá ngôi nhà mình đang ở!?

Tiếp sau là đạo lý làm người: "Vương giả không lừa dối bốn biển, Bá giả không lừa dối bốn láng giềng, cho nên Văn hầu không đánh ấp Nguyên, Thương quân không bỏ việc thưởng người dời cây gỗ; người mà không có tin thì làm gì được". Theo "Tả truyện", Tấn Văn Công nói sẽ đánh ấp Nguyên trong ba ngày. Vây đúng ba ngày ấp Nguyên không chịu hàng, Văn Công bỏ không vây. Nội gián báo ra ấp Nguyên sắp hàng nhưng Văn Công vẫn lui quân vì cho rằng nếu cứ vây nữa là thất tín. Chuyện này trở thành điển tích cho chữ "tín" trong quân sự.

Thời Tần, Thương Ưởng dựng cây gỗ ở cửa Nam thành, nói ai dời sang cửa Bắc sẽ thưởng 10 lạng vàng. Không ai dám làm. Ông nói tiếp ai dời sẽ thưởng 50 lạng vàng. Có người làm, Thương Ưởng thưởng ngay để chứng minh mình giữ chữ "tín". Các điển cố này in đậm trong văn hóa cổ đại Trung Hoa được mượn để mỉa kẻ xâm lược: văn hóa cha ông các người có "truyền thống" như thế mà sao đến các ngươi thì thất tín làm vậy!?

Dù có mưu ma chước quỷ, dù đủ miệng lưỡi lấp liếm, kẻ xâm lược cũng không lừa dối được lòng yêu nước, tinh thần độc lập tự chủ, lòng yêu hòa bình (mà Nguyễn Trãi gọi chung là "lòng người") của toàn dân ta: "những điều phải trái, ngay cong, thực không thể trốn được sự xét đoán sáng suốt của lòng người. Ngạn ngữ có câu: "Như người uống nước, nóng lạnh biết ngay".

Một tác phẩm quý về thơ văn Nguyễn Trãi.

Một tác phẩm quý về thơ văn Nguyễn Trãi.

Trên cơ sở điểm tựa đạo lý ấy Nguyễn Trãi vạch ra những tội "trời không dung đất không tha" của giặc, một cách đanh thép, hùng hồn, sắc nhọn. Cao nhất là tội lừa dối trời: "Phàm mưu việc lớn lấy nhân nghĩa làm gốc, nên công to phải lấy nhân nghĩa làm đầu. Chỉ nhân nghĩa có gồm đủ thì công việc mới xong xuôi. Nước mày nhân dịp họ Hồ lỗi đạo, mượn tiếng điếu dân phạt tội, kỳ thực làm việc bạo tàn, lấn cướp đất nước ta, bóc lột nhân dân ta, thuế nặng hình phiền, vơ vét của quý, dân mọn xóm làng không được sống yên. Nhân nghĩa mà lại thế ư? Nay ở nước mày, dân oán thần giận, kế tiếp đại tang, thế mà không biết tự xét lỗi mình, lại còn cùng binh độc vũ, cam lòng xâm lược phương xa, khiến cho sĩ tốt phơi thây, nhân dân lầm bụi".

"Điếu dân phạt tội", hiểu đầy đủ theo ngữ nghĩa là thương dân sống khổ mà vâng mệnh trời, đánh kẻ có tội để cứu dân. Nhà Minh đã lấy danh nghĩa nhân đạo cao đẹp này, "kỳ thực" để cướp nước ta, bóc lột, vơ vét, cưỡng hiếp dân ta. Đó là tội lừa dối trời đất lớn nhất, đúng hơn là tội lừa dối đạo lý. Thế nên chúng mang trong tim đen sự không thành thực: "Sách Truyện có câu: "Bất thành vô vật" (hiểu thoát ý: người không thành thực thì làm việc gì cũng xấu), là bởi lòng mà không thực thì việc gì cũng là giả dối cả... Tất như lời Khổng Tử nói "Thị kỳ sở dĩ, quan kỳ sở do, sát kỳ sở an", thế thì nhân tình thực dối thế nào, mảy may cũng không thể che giấu được".

Câu đầy đủ trong "Luận ngữ" là: "Thị kỳ sở dĩ, quan kỳ sở do, sát kỳ sở an, nhân yên sưu tai! Nhân yên sưu tai", nghĩa là "Xem việc làm thế nào, tại sao mà làm, có vui vẻ mà làm hay không, (thì) có giấu ai được! Có giấu ai được!". Ý câu này rất rõ: Phải xem xét hành động (xem việc làm thế nào); mục đích, động cơ hành động (tại sao mà làm); trạng thái chủ quan của chủ thể (có vui vẻ mà làm hay không). Soi câu nói mang tính chân lý này của Khổng Tử vào việc "các người" kéo quân sang giết người cướp của, thì "không thể che giấu" sự "thực dối" (bản chất ăn cướp) được.

Mang một tội ác man rợ đến một đất nước nhỏ bé yêu hòa bình công lý thì chúng phải có cả một "chiến lược" lừa dối. Lừa dối dân Trung Quốc, lừa dối dân ta, và dĩ nhiên lừa dối cả nghĩa quân Lê Lợi. Thế nên phải khoác loác, ngay cả khi thế đã cùng lực đã kiệt: "Hẳn nếu giỏi công thủ thì sao không đánh ta ngay thuở ở Khả Lam hãy còn nhỏ yếu, mà bây giờ lại giương vây khoác loác như thế ư?... Huống chi lại bưng bít tai mắt người ta, đặt điều lừa phỉnh nói phao là viện binh sắp đến, Trương Phụ lại sang".

Theo lẽ công bằng, đã phi nghĩa và giả dối thì không thể che mắt được chính nghĩa và sự thật: "Nếu cứ như trước, kéo dài năm tháng, chỉ lấy lời nói suông cùng lừa dối nhau, muốn đợi quân khác đến cứu viện như ngày trước đã làm, ngoài mặt thì hòa giải mà ngầm có mưu khác, rồi đại quân kéo đến… như thế thì ngu phu ngu phụ cũng còn chẳng tin được, huống chi tôi là kẻ tuy không có mưu trí mà lại tin thế ư?". Sự mỉa mai đã giật phăng cái mặt nạ "hòa giải" giả dối để làm trơ ra bộ mặt thật phản phúc, trơ trẽn, đáng cười, đáng khinh "ngoài mặt thì hòa giải mà ngầm có mưu khác, rồi đại quân kéo đến". Đối phương bị hạ bệ thảm hại một cách đích đáng: "như thế thì ngu phu ngu phụ cũng còn chẳng tin được, huống chi…?".

Thay mặt công lý, Nguyễn Trãi đã nói với cả nhân loại rằng kẻ thù này thì lừa dối là bản chất và chúng luôn coi đó một "đắc sách": "Sau lại bảo ta sai người dâng biểu cầu phong, mà nói rằng "sau khi dâng biểu lập tức rút quân". Đến lúc biểu đã đệ đi mà quân chưa thấy rút, lại còn dựng thêm rào lũy, sắm sửa đồ binh, tự cho là đắc sách lắm. Bội ước thất tín đến thế là cùng…". Mấy chữ cuối đã phơi bày tim đen của kẻ đi giết người nhưng miệng lại rêu rao điều nhân nghĩa: "Bội ước thất tín đến thế là cùng…".

Trong lá thư khác gửi tướng giặc, Nguyễn Trãi tự hào khẳng định nước ta "là nước thi thư, những bực trí mưu tài thức đời nào cũng có. Vì thế phàm những việc ta làm đều là đúng lễ nghĩa, hợp trời thuận người …". "Lễ nghĩa", "hợp trời thuận người" là công lý, đạo lý cũng là chân lý. Đó là những yếu tố nền móng đã nâng tầm vóc chân dung anh hùng Nguyễn Trãi sừng sững vững chãi trong bầu trời văn hóa hòa bình nhân loại!

Nguyễn Thanh Tú

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/ly-luan/nguyen-trai-tam-cao-dao-ly-cong-ly--i743825/