Bác Hồ trở lại Tuyên Quang lãnh đạo toàn quốc kháng chiến - Tầm vóc lịch sử và giá trị thời đại
Nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh trở lại Tuyên Quang cùng Trung ương Đảng lãnh đạo toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (2/4/1947-2/4/2022), Tỉnh ủy Tuyên Quang phối hợp Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo khoa học Bác Hồ trở lại Tuyên Quang lãnh đạo toàn quốc kháng chiến - Tầm vóc lịch sử và giá trị thời đại. Báo Nhân Dân trân trọng trích giới thiệu bài phát biểu tại hội thảo của GS, TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
… Cách đây 75 năm, sau khi kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp bùng nổ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra một quyết định lịch sử là trở lại Tuyên Quang lãnh đạo công cuộc kháng chiến, kiến quốc. Nhân dân các dân tộc Tuyên Quang rất vinh dự và tự hào được thay mặt đồng bào cả nước đón Bác Hồ cùng Trung ương Đảng và các cơ quan đầu não kháng chiến trở về căn cứ địa Việt Bắc, xây dựng Thủ đô kháng chiến, lãnh đạo cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp đi đến thắng lợi.
Trở lại Tuyên Quang lãnh đạo toàn quốc kháng chiến - quyết định lịch sử, tầm nhìn chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Là vùng đất “phên giậu của Trung Châu, cũng là nơi địa đầu quan yếu” của Tổ quốc từ xa xưa, Tuyên Quang có vị trí chiến lược trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Đây là nơi hội tụ đầy đủ các điều kiện để lập căn cứ địa: “một địa điểm có dân tốt, có cơ sở cách mạng tốt, địa hình tốt, có thể thuận tiện làm một trung tâm liên lạc với miền xuôi, miền ngược và ra nước ngoài”; “có địa thế hiểm yếu che chở và quần chúng cảm tình ủng hộ”; “khi phát động đấu tranh vũ trang, lúc thuận lợi có thể tiến công, lúc khó khăn có thể giữ”.
Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đồng bào các dân tộc tỉnh Tuyên Quang đã luôn tích cực tham gia đấu tranh cách mạng dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng. Trong cao trào giải phóng dân tộc (1939-1945), Tuyên Quang đã có phong trào cách mạng phát triển vượt bậc. Tháng 5/1945, trước những diễn biến mau lẹ của tình hình thế giới và trong nước, trên cơ sở phân tích địa thế chiến lược và phong trào cách mạng ở Tuyên Quang, với tầm nhìn chiến lược, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã chuyển từ Pác Bó (Cao Bằng) về Tân Trào (Tuyên Quang). Khi Khu giải phóng Việt Bắc - hình ảnh thu nhỏ của nước Việt Nam mới ra đời, Tân Trào-Tuyên Quang đã trở thành Thủ đô Khu giải phóng.
Tháng 8/1945, nơi đây đã diễn ra những sự kiện lịch sử trọng đại, như: Hội nghị toàn quốc của Đảng, Đại hội Quốc dân, quyết định tổng khởi nghĩa,... thể hiện sự nhạy bén, sáng suốt và ý chí, quyết tâm cao độ “đem sức ta mà giải phóng cho ta” của Trung ương Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh. Tại đây, Bác Hồ đã ra một lời hiệu triệu lịch sử, khẳng định quyết tâm, khát vọng giành độc lập: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”. Khát vọng Hồ Chí Minh là khát vọng non sông Việt Nam, được hiện thực hóa bằng Tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân thắng lợi, mở ra thời đại mới - thời đại Hồ Chí Minh rực rỡ nhất trong lịch sử vinh quang của dân tộc.
Cách mạng Tháng Tám thắng lợi, trước khi rời Tuyên Quang về Thủ đô Hà Nội, với sự nhạy cảm chính trị và tầm nhìn vượt thời gian, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị cho các cán bộ Đảng: “Bây giờ ta có chính quyền, chắc các cô, các chú cũng muốn về Hà Nội. Nhưng chưa được đâu! Lênin đã nói: “Giành chính quyền đã khó, giữ chính quyền còn khó hơn”. Bởi vậy, một số các cô, các chú còn ở lại địa phương đây, giúp đồng bào tổ chức cuộc sống sao cho tươi đẹp hơn, ấm no, văn minh hơn... Biết đâu, chúng ta còn trở lên đây nhờ cậy đồng bào lần nữa”.
Thực tiễn cách mạng nước ta đã minh chứng sự dự liệu tài tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau Tuyên ngôn độc lập và sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, toàn dân tộc đã phải bước vào kháng chiến lâu dài chống thực dân Pháp xâm lược. Cuối năm 1946, dù Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã nỗ lực thực hiện những biện pháp đấu tranh mềm dẻo, linh hoạt, nhân nhượng có nguyên tắc để bảo vệ độc lập và giữ gìn hòa bình đất nước, nhưng “chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa! Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.
Khi tình thế hết sức khẩn trương, để bảo toàn thực lực mọi mặt cho chiến lược kháng chiến lâu dài, Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định “Ta lại về Tân Trào”. Người đã chỉ đạo khẩn trương củng cố căn cứ địa Việt Bắc, đồng thời cử các cán bộ Trung ương lên đây nghiên cứu, lựa chọn vị trí an toàn để đặt cơ quan đầu não kháng chiến và tổ chức vận chuyển các trang thiết bị kỹ thuật, vật tư, lương thực, thuốc men,... lên căn cứ địa. Sau ngày toàn quốc kháng chiến bùng nổ, đầu năm 1947, Người đã cùng Trung ương Đảng, Chính phủ, Thường trực Quốc hội trở lại căn cứ địa Việt Bắc - nơi hội tụ đầy đủ những yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa để trở thành căn cứ đầu não cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, với niềm tin son sắt vào tương lai tất thắng: “Cách mệnh đã do Việt Bắc mà thành công, thì kháng chiến sẽ do Việt Bắc mà thắng lợi”.
Tuyên Quang đã một lần nữa vinh dự và tự hào được lịch sử dân tộc, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trao cho sứ mệnh đặc biệt là Thủ đô kháng chiến và đã góp phần to lớn vào thắng lợi chung của toàn dân tộc trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Tuyên Quang trong tiến trình Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo cuộc kháng chiến toàn quốc đến thắng lợi
Trở lại Tuyên Quang - Thủ đô kháng chiến, suốt gần 6 năm (1947-1954), trên hành trình lịch sử ở căn cứ địa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tập trung mọi nỗ lực vào nhiệm vụ quan trọng bậc nhất của cách mạng là lãnh đạo cuộc kháng chiến toàn quốc đến thắng lợi. Với tầm nhìn chiến lược và tinh thần lạc quan cách mạng, Người truyền ý chí, sức mạnh và niềm tin kháng chiến nhất định thắng lợi cho toàn dân tộc: “Thế địch như lửa. Thế ta như nước. Nước nhất định thắng lửa”. Người tiếp tục hoàn chỉnh đường lối kháng chiến “toàn dân, toàn diện, trường kỳ, tự lực cánh sinh”, đồng thời chỉ đạo cụ thể hóa đường lối chung của Đảng trên các lĩnh vực, để vừa kháng chiến vừa kiến quốc, đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn.
Người đặc biệt quan tâm công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức và tổ chức, cán bộ, để Đảng thực sự là hạt nhân lãnh đạo, xứng đáng “là một đảng to lớn, mạnh mẽ, chắc chắn, trong sạch, cách mạng triệt để”. Người thường xuyên căn dặn cán bộ, đảng viên phải nêu gương về đạo đức cách mạng, kiên định và trung thành với mục tiêu, lý tưởng của Đảng, gắn bó mật thiết với nhân dân, đồng thời phải thường xuyên phòng chống nguy cơ suy thoái của Đảng, đặc biệt là căn bệnh chủ nghĩa cá nhân.
Chính tại căn cứ địa Việt Bắc, Người đã viết tác phẩm Sửa đổi lối làm việc (10/1947), bàn sâu về công tác xây dựng Đảng, phục vụ cuộc kháng chiến kiến quốc, có ý nghĩa lâu dài, thời sự cho đến tận hôm nay. Người đã chỉ đạo Đảng ta tiến hành Đại hội lần thứ II (2/1951) tại xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hóa, đưa Đảng ra hoạt động công khai, đề ra Cương lĩnh xác định nhiệm vụ hoàn thành giải phóng dân tộc, phát triển dân chủ nhân dân, tiến tới chủ nghĩa xã hội.
Trong điều kiện Đảng cầm quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên trăn trở xây dựng nhà nước dân chủ mới thực sự là của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; đội ngũ cán bộ, công chức bộ máy nhà nước luôn hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Tại Tuyên Quang - Thủ đô kháng chiến, Người tiếp tục bổ sung, hoàn thiện tư tưởng của mình về nhà nước dân chủ kiểu mới, bảo đảm toàn bộ quyền lực đều thuộc về nhân dân.
Nhận thức rõ cách mạng là sự nghiệp của quần chúng và nhân dân là những người sáng tạo ra lịch sử, từ Tuyên Quang - Thủ đô kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh chăm lo xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng mặt trận dân tộc thống nhất trên nền tảng liên minh công nhân-nông dân-trí thức, do Đảng lãnh đạo, vì mục tiêu chung là đánh đuổi thực dân Pháp, đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn, thực hiện dân chủ mới ở vùng tự do, xây dựng điều kiện để tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Để kháng chiến thắng lợi, kiến quốc tất thành, tại Thủ đô kháng chiến, ngày 11/6/1948, Người ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc, xác định thi đua chính là biện pháp cực kỳ quan trọng để thúc đẩy phong trào cách mạng, để dựa vào “lực lượng của dân, tinh thần của dân, để gây: hạnh phúc cho dân”.
Trong quá trình chỉ đạo thực hiện đường lối kháng chiến “toàn dân, toàn diện, trường kỳ và tự lực cánh sinh”, từng bước làm thất bại chiến lược chiến tranh “đánh nhanh, thắng nhanh” của địch, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt chú trọng xây dựng lý luận và hoàn thiện nghệ thuật chiến tranh nhân dân, thế trận chiến tranh nhân dân; xây dựng căn cứ địa Việt Bắc với Tuyên Quang là hạt nhân, trở thành hậu phương vững chắc, nơi đứng chân an toàn của cơ quan đầu não kháng chiến và các cơ quan ban, bộ, ngành Trung ương. Người quan tâm xây dựng về mọi mặt lực lượng vũ trang nhân dân ba thứ quân và nhiều lần nhắc nhở cán bộ, chiến sĩ Quân đội phải giữ vững phẩm chất của đội quân cách mạng từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng và dân tộc.
Bằng tư duy sắc bén và nghệ thuật quân sự thiên tài, Người đã lãnh đạo động viên toàn dân, tổ chức xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, tiến hành những chiến dịch lịch sử, như Chiến dịch Việt Bắc Thu Đông 1947, Chiến dịch Biên giới 1950, Chiến dịch Hòa Bình Đông Xuân 1951-1952, đặc biệt là Chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954, với đỉnh cao là Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Trong hoàn cảnh kháng chiến đầy khó khăn, gian khổ, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng toàn Đảng, toàn dân tộc nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, dựa vào sức mình là chính, xác định kinh tế là một mặt trận kháng chiến, ra sức xây dựng nền kinh tế kháng chiến. Người kêu gọi các tầng lớp nhân dân phát huy cao độ tinh thần ái quốc, tích cực tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm.
Đặc biệt, xuất phát từ nền kinh tế nước ta chủ yếu là nông nghiệp lạc hậu, nông dân là lực lượng chiếm đại đa số trong xã hội, Người và Trung ương Đảng, Chính phủ, Thường trực Quốc hội đã chỉ đạo tiến hành giảm tô, giảm tức và tiến tới thực hiện “người cày có ruộng”, chia ruộng đất cho những hộ nông dân nghèo, qua đó thúc đẩy giai cấp nông dân-một chủ lực quân của cách mạng hăng hái tăng gia sản xuất, đóng góp sức người, sức của cho kháng chiến.
Trên mặt trận ngoại giao, nêu cao tinh thần “làm bạn với tất cả mọi nước dân chủ và không gây thù oán với một ai”, những năm 1947-1954, từ Thủ đô kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có nhiều hoạt động ngoại giao để tạo môi trường quốc tế thuận lợi cho cách mạng nước ta; chỉ đạo thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam với các nước xã hội chủ nghĩa, phá tan mưu toan của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động muốn bao vây, cô lập cách mạng nước ta. Tháng 3/1951, tại xã Kim Bình, huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang), Người chỉ đạo tổ chức thành công Hội nghị liên minh nhân dân ba nước Việt Nam-Lào-Campuchia và thành lập khối liên minh chiến đấu của nhân dân ba nước Đông Dương, cùng tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong đấu tranh giành độc lập, theo tinh thần “giúp bạn là tự giúp mình”.
Người chỉ đạo tiến hành các hoạt động đối ngoại, tuyên truyền, vận động quốc tế để dư luận tiến bộ thế giới và nhân dân Pháp hiểu rõ thực chất cuộc chiến tranh phi nghĩa của chính quyền thực dân, tích cực ủng hộ cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân Việt Nam. Người đã tranh thủ được sự ủng hộ mạnh mẽ và rộng khắp của nhân dân tiến bộ trên thế giới, trong đó đặc biệt là nhân dân tiến bộ Pháp, đối với sự nghiệp chính nghĩa của nhân dân Việt Nam, góp phần tạo thành sức mạnh tổng hợp của cách mạng. Dưới sự chỉ đạo của Người, hoạt động ngoại giao kết hợp chặt chẽ với hoạt động chính trị, quân sự đã góp phần làm thay đổi tương quan so sánh lực lượng giữa ta và địch theo hướng ngày càng có lợi cho ta, dẫn tới ký kết Hiệp định Giơnevơ về chấm dứt chiến tranh và giải phóng hoàn toàn miền Bắc.
Xác định văn hóa là một mặt trận, là lĩnh vực thiết yếu của đời sống xã hội, tại vùng đất Tân Trào-Tuyên Quang, giữa lúc cuộc kháng chiến của dân tộc ta đang bước vào giai đoạn phát triển mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra chủ trương, phương châm độc đáo: “văn hóa hóa kháng chiến, kháng chiến hóa văn hóa”. Để “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” trong sự nghiệp cách mạng, Người chỉ rõ: “Văn hóa, nghệ thuật cũng như mọi hoạt động khác, không thể đứng ngoài, mà phải ở trong kinh tế và chính trị”; “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy” và nhấn mạnh rằng: “Cũng như các chiến sĩ khác, chiến sĩ nghệ thuật có nhiệm vụ nhất định, tức là phụng sự kháng chiến, phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, trước hết là công, nông, binh”.
Cùng với văn hóa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt chú trọng xây dựng đời sống mới trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, với nền tảng là thực hành cần, kiệm, liêm, chính. Tháng 6/1949, tại thôn Bòng, xã Tân Trào, Người đã hoàn thành tác phẩm Cần, Kiệm, Liêm, Chính nổi tiếng, hàm chứa tư tưởng lớn: “Cần, Kiệm, Liêm, Chính là nền tảng của Đời sống mới, nền tảng của Thi đua ái quốc”; Cần, Kiệm, Liêm, Chính là những phẩm chất quy định “chất người” ở mỗi người, cũng giống như trời phải có bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông; đất phải có bốn phương Đông, Tây, Nam, Bắc. Tư tưởng Hồ Chí Minh về cần, kiệm, liêm, chính hết sức sinh động và vẫn còn nguyên giá trị thời sự đối với công cuộc đổi mới, đặc biệt là đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay.
Thời gian sống và làm việc trên vùng đất Tuyên Quang-Thủ đô kháng chiến lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trực tiếp chỉ đạo những sự kiện lịch sử quan trọng, như Đại hội lần thứ II của Đảng (tháng 2/1951), Đại hội thống nhất Mặt trận Việt Minh và Hội Liên Việt (tháng 3/1951); Hội nghị liên minh nhân dân ba nước Việt Nam-Lào-Campuchia và sự thành lập khối liên minh chiến đấu của nhân dân ba nước Đông Dương (tháng 3/1951); Quốc hội khóa I kỳ họp thứ ba, thông qua Luật Cải cách ruộng đất (tháng 12/1953); các hội nghị của Bộ Chính trị, các phiên họp của Hội đồng Chính phủ chỉ đạo cuộc tấn công chiến lược Đông Xuân 1953-1954 và chiến dịch Điện Biên Phủ, chỉ đạo tiến trình đàm phán của phái đoàn Chính phủ ta tại Hội nghị Giơnevơ,… Những hoạt động của Người trong thời gian ở căn cứ địa Việt Bắc, với trung tâm là Tuyên Quang, đã thể hiện thiên tài lãnh đạo, trí tuệ lỗi lạc và đạo đức cách mạng vì Đảng, vì nước, vì dân của Người. Chính tại Tuyên Quang, Người cùng Trung ương Đảng đã lãnh đạo, đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đi đến thắng lợi, mở ra trang sử mới của dân tộc, khơi nguồn cho những thắng lợi về sau của cách mạng Việt Nam trên hành trình độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược là sự tiếp nối tinh thần quật khởi của Cách mạng Tháng Tám, để giữ vững lời thề trong Tuyên ngôn độc lập. Trở lại Tuyên Quang lãnh đạo toàn quốc kháng chiến và hành trình đưa kháng chiến đến thắng lợi, đã thể hiện sâu sắc tư tưởng, đường lối, chiến lược, sách lược cũng như năng lực tổ chức thực tiễn và sự chỉ đạo sáng suốt, tài tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta.
Và chính từ nơi đây, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã tỏa sáng và truyền đi nguồn sức mạnh to lớn, dẫn dắt toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta vượt qua mọi gian khổ, hy sinh để đi đến tương lai tươi sáng: Ở đâu u ám quân thù/ Nhìn lên Việt Bắc: Cụ Hồ sáng soi/ Ở đâu đau đớn giống nòi/ Trông về Việt Bắc mà nuôi chí bền.
… Bác Hồ trở lại Tuyên Quang lãnh đạo toàn quốc kháng chiến mở ra hành trình đưa kháng chiến đến thắng lợi, đã để lại nhiều bài học quý báu cho sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước ngày nay. Đó là bài học về lựa chọn địa bàn đứng chân, xây dựng căn cứ địa cách mạng, bảo đảm các yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa, trong đó “dân là gốc” để đưa cách mạng đến thắng lợi. Đó là bài học về phát huy chủ nghĩa yêu nước Việt Nam - truyền thống quý báu của dân tộc ta và là một cội nguồn của thắng lợi. Đó là bài học nêu cao ý chí quật cường của cả một dân tộc, nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ, vì độc lập của dân tộc, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân. Đó là bài học về xây dựng, chỉnh đốn Đảng xứng danh đảng cầm quyền, lãnh đạo kháng chiến và kiến quốc, được dẫn đường bởi một tư tưởng cách mạng và khoa học, bởi đường lối chính trị đúng đắn, sáng tạo, độc lập, tự chủ.