Bác Hồ trong lòng người dân Đất Mũi
Trải bao năm tháng, tình cảm thiêng liêng dành cho Bác vẫn luôn khắc ghi trong tâm tưởng của người dân Cà Mau nói chung và Ngọc Hiển nói riêng. Những nén hương hằng ngày được thắp lên trước ảnh Bác nhằm tưởng nhớ đến vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc, người đã dành cuộc đời mình lo cho dân, cho nước, để thế hệ con cháu noi theo tấm gương ngời sáng của Bác Hồ.
Từ thị xã Năm Căn (tỉnh Cà Mau), xuôi dòng Cửa Lớn, chúng tôi đến ấp Ông Trang, xã Viên An, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau - nơi có đền thờ Bác, một trong những công trình tưởng niệm Bác đầu tiên được xây dựng bằng tấm lòng thương nhớ, tôn kính Bác của người dân Đất Mũi, sau ngày Bác qua đời năm 1969. Sau giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, đền thờ Bác tiếp tục là ngọn lửa thiêng để kết nối và lan tỏa ngọn nguồn truyền thống cách mạng của vùng đất này.
Cựu chiến binh Nguyễn Hoàng Ở (Hai Ở), nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Viên An là một trong những chứng nhân trực tiếp tham gia xây dựng đền, hiện là Tổ trưởng Tổ bảo vệ đền thờ Bác. Ông Hai Ở xúc động nhớ lại: “Được tin Bác đi xa, 10 ngày sau, hàng chục cán bộ, đảng viên ở xã Viên An quyết định xây dựng đền thờ Bác để có nơi hương khói trang nghiêm và thông báo đến quần chúng nhân dân trong xã, các vùng lân cận biết việc này. Vài ngày sau, đã có hàng trăm cán bộ dân quân và nhân dân tập hợp; người biết nghề mộc thì cưa cây, đẽo cột, ai không biết thì góp công sức, lo phục vụ hậu cần… vật liệu xây dựng đền thờ Bác làm hoàn toàn bằng cây đước, không làm theo kiểu nhà sàn mà làm móng theo kiểu kê “liệt địa”, tức là chất chồng những thân đước lớn lên với nhau. Các hướng chính của đền thờ đều dựng cửa, có bắc cầu bằng gỗ đước để thông xuống bến sông”.
Ông Trần Thanh Phong, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Viên An cho biết: “Năm 1996, đền thờ Bác được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh, đây là vinh dự, niềm tự hào của Viên An. Ở đâu không biết, chứ ở Viên An này, hầu hết nhà dân đều lập bàn thờ Bác. Cái này không ai vận động, cũng đâu ai bắt buộc, bà con tự nguyện làm thôi. Bởi vậy, ở Viên An đâu đâu cũng có hình bóng Bác Hồ”.
“Ngày nay, đền thờ Bác Hồ trở thành địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống cách mạng, giáo dục thế hệ trẻ về tấm gương cao đẹp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ðể từ đó, mỗi người phát huy tinh thần đoàn kết, cùng nhau gìn giữ những giá trị lịch sử thiêng liêng của dân tộc, nhất là các bạn trẻ luôn ra sức học tập, lao động sản xuất để góp sức dựng xây quê hương, cho mảnh đất anh hùng ngày càng vươn mình phát triển” - ông Phong cho biết thêm.
Hướng đến kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2023), Chi bộ khóm Rạch Gốc B, thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển tổ chức họp mặt nói chuyện chuyên đề về Bác. Qua đó, để tưởng nhớ đến công lao trời biển của Bác Hồ. Mọi người kể cho nhau nghe những câu chuyện về Bác Hồ, một con người bình dị mà cao quý, có trái tim yêu thương to lớn dành cho dân tộc Việt Nam.
Ông Nguyễn Thanh Tín, Bí thư Chi bộ khóm Rạch Gốc B nói: “Từ tấm lòng yêu quý, tôn kính Bác Hồ, hằng năm, Chi bộ tổ chức nói chuyện chuyên đề về Bác trong không khí trang trọng, ấm áp bên những nén hương thể hiện tấm lòng và sự kính yêu vô hạn của người dân nơi cuối trời Tổ quốc đối với vị cha già của dân tộc Việt Nam. Nhớ ơn Bác, các hội,đoàn thể, người dân thể hiện sự thành kính của mình dâng trà bánh, trái cây lên bàn thờ Bác, trước anh linh của Người. Bác Hồ đã đi xa, nhưng tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người vẫn sáng ngời chân lý, là bài học quý báu để thế hệ hôm nay tiếp nối xây dựng quê hương ngày càng phát triển văn minh”.
Theo ông Lý Hoàng Tiến, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Ngọc Hiển: Hằng năm, vào dịp sinh nhật Bác, huyện đều tổ chức lễ dâng hương, dâng hoa, báo công và vinh danh các cá nhân, tập thể có nhiều thành tích trong công tác. Đền thờ Bác là tài sản quý báu của huyện Ngọc Hiển và của tỉnh Cà Mau trong việc đời đời tôn vinh, tưởng nhớ Người. Không chỉ có người dân Đất Mũi thương nhớ Bác khôn nguôi, mà còn có cả khách thập phương ở mọi miền đất nước mỗi khi có dịp đến tham quan, du lịch Cà Mau thường đến viếng Bác bằng cả tấm lòng tôn kính.
“Thế hệ hôm nay và mai sau luôn lấy tấm gương Bác trong học tập, lao động, sản xuất, phục vụ nhân dân… Tất cả phải bằng cái tâm, trách nhiệm để góp sức xây dựng quê hương ngày thêm khởi sắc, đời sống bà con no ấm, phát triển, kinh tế ổn định,không còn hộ nghèo, khó khăn” - đồng chí Tiến nói.
Tháng 5 về, người dân Đất Mũi càng nhớ Bác về sự hy sinh cao cả, đạo đức cách mạng ngời sáng của Bác Hồ. Nhớ Bác, mọi người nguyện trân trọng giữ gìn, phát huy truyền thống đoàn kết, yêu nước; đẩy mạnh sản xuất, phấn đấu xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/bac-ho-trong-long-nguoi-dan-dat-mui-post461349.html