Bác Hồ và những năm Thìn lịch sử
Sau 30 năm bôn ba khắp năm châu, bốn biển tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc, Bác Hồ của chúng ta đã trải những mùa xuân năm Thìn có nhiều dấu ấn sâu nặng với dân tộc Việt Nam, trong đó có nhiều sự kiện gắn liền với vùng đất và con người Cao Bằng.
Bác Hồ sinh ngày 19/5/1890 (tức năm Canh Dần) tại xã Kim Liên, huyện Nam Đàn (Nghệ An). Mùa xuân năm Giáp Thìn 1904, Bác còn nhỏ, sau khi bà ngoại qua đời, Bác theo cha từ xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương trở về Kim Liên để có điều kiện lui tới làng Hoàng Trù chăm lo hương khói cho gia đình bên ngoại.
Năm Bính Thìn 1916, trong nước xảy ra nhiều biến cố chính trị lớn, đó là cuộc khởi nghĩa của Việt Nam Quang Phục Hội với sự tham gia của vua Duy Tân. Bác đang hoạt động tại nước Anh, nhận thấy nước Pháp là nơi có những điều kiện khách quan thuận lợi, Bác quyết định rời nước Anh sang nước Pháp.
Mùa xuân năm Canh Thìn 1940, Bác trở về hoạt động tại Trung Quốc. Cuối tháng 2/1940, với biệt danh “ông Trần”, Bác liên hệ với đồng chí Trịnh Đông Hải (Vũ Anh) tại hiệu thuốc Vĩnh An Đường ở Côn Minh, trao đổi về tình hình trong nước… sau đó bắt liên lạc với Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng, theo bố trí của Ban Chỉ huy ở ngoài, Bác ở trên gác nhà ông Tống Minh Phương tại số 76 đường Kim Bích. Tháng 4/1940, Bác đi thăm một số cơ sở cách mạng dọc đường xe lửa Vân Nam - Hồ Kiều. Người lấy giấy chứng nhận của tổ chức quần chúng “Việt Nam hưởng ứng Trung Quốc kháng địch hậu viện Hội”, đây là tổ chức được nhà đương cục Trung Quốc công nhận hoạt động hợp pháp. Lấy danh nghĩa kiểm tra công tác Hội, Bác cùng đồng chí Phùng Chí Kiên đến ga Nghi Lương, Khai Viễn, Chỉ Thôn (Xì Xuyên). Tại Chỉ Thôn, Bác “tham gia lễ cầu siêu cho hai chục Việt kiều ở Bích Sắc Trại bị bom Nhật giết hại”.
Sau một tháng ở Chỉ Thôn, Bác giao nhiệm vụ cho những người ở lại tiếp tục gây cơ sở, giữ gìn bí mật, đồng thời ủng hộ Trung Quốc kháng chiến. Bác trở lại Côn Minh và quyết định cho rải truyền đơn dọc tuyến đường sắt từ Côn Minh đến biên giới Việt - Trung, vạch trần tội ác của giặc Pháp, Nhật và kêu gọi quần chúng ủng hộ nhân dân Trung Quốc kháng Nhật.
Đầu tháng 6/1940, Bác mang bí danh là Vương gặp các đồng chí Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp - vừa từ trong nước sang tại Công viên Thúy Hồ (Vân Nam), Người hỏi thăm về Mặt trận Dân chủ trong nước, chuyện làm báo, vấn đề “Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức ở Á Đông”. Sau đó, Người giới thiệu Phạm Văn Đồng với bí danh mới là Lâm Bá Kiệt, Võ Nguyên Giáp với bí danh Dương Hoài Nam đi học Trường Quân chính của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Trước khi hai đồng chí lên đường, Người căn dặn: Lên đấy “Cố gắng học thêm quân sự”. Bác viết một giấy ký tên Hồ Quang giới thiệu hai đồng chí đến Quý Dương để từ đó đi Diên An. “Trước khi chúng tôi đi, Bác vẫn dặn đi, dặn lại tôi “Cố gắng học thêm quân sự”.
Cuối tháng 6/1940, sau khi được tin nước Pháp bị quân phát xít Đức chiếm, Bác triệu tập cuộc họp. Người phân tích: “Việc Pháp mất nước là một cơ hội rất thuận lợi cho cách mạng Việt Nam. Ta phải tìm mọi cách để về nước ngay để tranh thủ thời cơ. Chậm trễ lúc này là có tội với cách mạng”, đồng thời Bác điện cho Phạm Văn Đồng và Võ Nguyên Giáp không đi Diên An nữa và cử Phùng Chí Kiên, Vũ Anh đến Quý Dương cùng “đi Quế Lâm để tìm đường về nước”… Tháng 10/1940, Bác đến Quế Lâm, trong cuộc họp tại ngoại ô Quế Lâm, Người nhận định tình hình chung trên thế giới và Đông Dương càng có lợi cho ta, không nên ở Quế Lâm lâu, phải chuyển về biên giới tìm cách về nước ngay để hoạt động. Khi đó, được tin hơn 40 thanh niên Cao Bằng vì bị đế quốc Pháp khủng bố mạnh đã vượt biên sang Quảng Tây hoạt động, Bác nói với các đồng chí đang cùng hoạt động tại Quế Lâm: “Chúng ta sẽ tổ chức một lớp huấn luyện cho các anh em, sau đó, đưa anh em trở về củng cố và mở rộng phong trào Cao Bằng và tổ chức đường liên lạc về nước”. Bác cử các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Cao Hồng Lĩnh, Vũ Anh đến Tịnh Tây để liên lạc với số thanh niên Cao Bằng. Đầu tháng 12/1940, Bác cùng các đồng chí: Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Phùng Chí Kiên, Đặng Văn Cáp bàn việc mở lớp huấn luyện cán bộ.
Mùa xuân Nhâm Thìn, ngày 2/1/1952, Bác đi công tác nước ngoài về đến Cửa khẩu Tà Lùng, huyện Quảng Hòa (Cao Bằng). Trong ngày, Người đến thăm Ban tiếp nhận viện trợ biên giới. Sau đó, Người đến kiểm tra một đơn vị cao xạ đang làm nhiệm vụ bảo vệ cầu Tà Lùng, Người nói chuyện với đơn vị phải làm chủ trang bị “đã đánh là thắng”, “đã bắn là trúng”. Buổi tối, Người nói chuyện với cán bộ đoàn xe, gặp gỡ những người có thành tích ở Cao Bằng và Người nghỉ lại ở Bó Ca.
Ngày 24/1/1952, nhân dịp Tết Nhâm Thìn, Bác gửi thư chúc Tết tới đồng bào và chiến sĩ cả nước. Người viết: “Xuân này Xuân Nhâm Thìn/Kháng chiến vừa 6 năm/Trường kỳ và gian khổ/Chắc thắng trăm phần trăm/Chiến sĩ thi giết giặc/Đồng bào thi tăng gia/Năm mới thi đua mới/Thắng lợi ắt về ta/Mấy câu thành thật nôm na/Vừa là kêu gọi vừa là mừng Xuân”.
Ngày mùng 1 Tết Nhâm Thìn, qua Báo Nhân Dân số 43, ngày 27/1/1952, Bác nói chuyện với đồng bào và chiến sĩ cả nước, kiều bào ở nước ngoài… Người đặc biệt nhắc nhở đồng bào và chiến sĩ phải kiên quyết chống lại bệnh quan liêu, nạn tham ô, nạn lãng phí, là những trở ngại của việc hoàn thành nhiệm vụ năm 1952, “phải xem quan liêu, tham ô, lãng phí là những tội lỗi đối với Tổ quốc, đối với đồng bào”… Bác “đề nghị bộ đội, cơ quan, đoàn thể và nhân dân phát động một phong trào tự phê bình và phê bình từ cấp trên xuống, từ cấp dưới lên để giáo dục nhau, để cùng nhau tẩy trừ ba nạn kia để dọn đường cho những thắng lợi mới” .
Tháng 3/1952, Bác gửi thư khen ngợi 12 cụ phụ lão và 2 Hoa kiều của tỉnh Cao Bằng đã đóng góp nhiều công sức cho kháng chiến. Tháng 6/1952, Bác viết bài đăng trên Báo Nhân Dân số 61 về một số anh hùng, trí thức tiêu biểu, trong đó có bài “nhi đồng với các anh thương binh”, kể về một nhi đồng khi được gặp Anh hùng La Văn Cầu, bị thương mất một cánh tay vì đánh giặc bảo vệ Tổ quốc… Thiếu nhi viết thư cho Bác và hứa sẽ ra sức học tập, tăng gia ủng hộ bộ đội, nhất là các anh thương binh.
Năm Nhâm Thìn, Bác có rất nhiều hoạt động, việc làm cùng với Trung ương Đảng lãnh đạo cuộc kháng chiến kiến quốc ngày càng giành được nhiều thắng lợi.
Mùa Xuân Giáp Thìn năm 1964, ngày đầu năm, Bác gửi Thư chúc mừng năm mới đồng bào cả nước. Người kêu gọi đồng bào miền Bắc hăng hái thi đua yêu nước, ra sức xây dựng chủ nghĩa xã hội thắng lợi; đồng bào miền Nam anh dũng chiến đấu vì độc lập, tự do và thống nhất Tổ quốc. Cuối thư Người có thơ chúc: “Bắc Nam như cột với cành/Anh em ruột thịt, đấu tranh một lòng/Rồi đây thống nhất thành công/Bắc Nam ta lại vui chung một nhà/Mấy lời thân ái nôm na/Vừa là kêu gọi, vừa là mừng xuân”. Cùng ngày, Bác thăm và chúc mừng năm mới tỉnh Thái Nguyên và Khu gang thép Thái Nguyên.
Ngày 13/1/1964, Bác thăm và chúc tết Hội đồng Chính phủ đang họp phiên cuối năm. Người chúc Hội đồng Chính phủ hoàn thành vượt mức kế hoạch và ngân sách Nhà nước năm 1964. Ngày 17/1 Bác họp Hội nghị Bộ Chính trị để kiểm điểm công tác lãnh đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 1963 và bàn nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo năm 1964. Ngày 30 tết (12/2/1964), Bác đến thăm và chúc tết cán bộ, chiến sĩ Công an Hà Nội, buổi tối cùng ngày, Bác tiếp tục thăm và chúc tết cán bộ, công nhân các nhà máy cao su, xà phòng, thuốc lá tại Hà Nội; thăm khu tập thể cán bộ miền Nam tập kết ở phố Phan Đình Phùng và một số gia đình tại Hà Nội. Sáng mùng 1 Tết Giáp Thìn, Bác thăm và chúc tết Huyện ủy, UBND huyện Đông Anh, thăm Hợp tác xã nông nghiệp Lỗ Khê, xã Liên Hà, Đông Anh là đơn vị có nhiều thành tích trong sản xuất và tiết kiệm; tiếp đó Bác thăm và chúc tết cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn Phòng không 260 bảo vệ Thủ đô.
Dịp đầu xuân Giáp Thìn và năm Giáp Thìn, Bác còn nhiều hoạt động khác, sáng 3/7/1964, Bác tiếp tục tham dự Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa III, Người được Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước. Buổi chiều, Bác phát biểu tại phiên bế mạc kỳ họp. Thay mặt các vị vừa được Quốc hội bầu giữ các chức vụ lãnh đạo Nhà nước, Người cảm ơn Quốc hội đã tín nhiệm và đọc bài thơ: “Bảy mươi tư tuổi vẫn chưa già/Cố gắng làm tròn nhiệm vụ ta/Bao giờ Nam, Bắc một nhà/Dân giàu, nước mạnh thì ta vui lòng”.
Năm Giáp Thìn, Bác cùng Trung ương có rất nhiều hoạt động để lãnh đạo toàn quân, toàn dân vừa chiến đấu, vừa xây dựng đất nước. Nhưng lúc nào Bác cũng khao khát mong chờ miền Nam được giải phóng, Nam Bắc sum họp một nhà “dân giàu nước mạnh” Bác mới vui lòng.
Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/bac-ho-va-nhung-nam-thin-lich-su-3167370.html