Bác Hồ với Cách mạng tháng Tám 1945

Cách mạng tháng Tám thành công, Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam) ra đời, mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc: Kỷ nguyên độc lập, tự do và CNXH. Đây là một trong những thắng lợi vĩ đại nhất của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng. Thắng lợi này gắn liền trực tiếp với công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 2/9/1945. Ảnh: Tư liệu

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 2/9/1945. Ảnh: Tư liệu

Sau khi được Quốc tế Cộng sản đồng ý, tháng 10/1938, Nguyễn Ái Quốc đáp xe lửa từ Matxcơva đi về phương Đông, đến Trung Quốc; được Văn phòng Bát lộ quân Trung Quốc chuẩn bị cho một chứng minh thư, mang tên Hồ Quang, cấp bậc thiếu tá. Đây chính là cơ hội để Người tìm cách trở về nước. Tháng 2/1940, mang bí danh “ông Trần”, Bác đến nhà ông bà Tống Minh Phương, Việt kiều, ở 76 đường Kim Bính, Côn Minh (Trung Quốc) và được chắp mối liên hệ với Đảng và phong trào cách mạng trong nước qua Ban công tác Hải ngoại của Đảng.

Ngày 15/6/1940, phát xít Đức tấn công Pháp; ngày 22/6/1940, Pháp đầu hàng Đức vô điều kiện. Trước tình hình mới, đồng chí Vương, tức là Nguyễn Ái Quốc đã triệu tập cuộc họp Ban Hải ngoại; Người phân tích: “Đây là thời cơ thuận lợi cho cách mạng Việt Nam. Ta phải tìm mọi cách về nước để tranh thủ nắm thời cơ. Chậm trễ lúc này là có tội với cách mạng”. Tháng 9/1940, phát xít Nhật chiếm đóng Đông Dương và cuối nǎm 1940, Bác về sát biên giới Việt - Trung, bắt liên lạc với tổ chức Đảng, mở lớp huấn luyện chính trị để chuẩn bị cán bộ đáp ứng yêu cầu tình hình nhiệm vụ mới.

Ngày 28/1/1941, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc vượt qua cột mốc 108 (nay là cột mốc 675) biên giới Việt -Trung về đến Pác Bó, tỉnh Cao Bằng - vùng đất “phên giậu” Đông Bắc của Tổ quốc, nơi hội tụ đủ cả “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để xây dựng căn cứ địa cách mạng của cả nước. Đồng bào Pác Bó, Nhân dân các dân tộc Cao Bằng vinh dự, tự hào thay mặt Nhân dân cả nước đón Bác sau 30 năm bôn ba nước ngoài tìm đường cứu nước, nay trở về Tổ quốc, trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Lịch sử mãi mãi ghi nhớ sự kiện này: “Bác đã về đây Tổ quốc ơi/ Nhớ thương hòn đất ấm hơi Người/ Ba mươi năm ấy chân không nghỉ/ Mà đến bây giờ mới tới nơi” (Tố Hữu).

Tháng 5/1941, Bác đã triệu tập và chủ trì Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 họp tại Khuổi Nậm (Pác Bó). Tại Hội nghị, Người nêu ra sự chuyển hướng chiến lược quan trọng, đó là tất cả tập trung cho nhiệm vụ giải phóng dân tộc. Lúc này, phải giương cao ngọn cờ giải phóng dân tộc, đặt nhiệm vụ chống đế quốc lên trước, nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu. Hội nghị quyết định chuyển hướng chiến lược cách mạng và thành lập Mặt trận Việt Nam Độc lập đồng minh, gọi tắt là Việt Minh. Mặt trận Việt Minh đã đề ra 10 chính sách lớn, lôi cuốn, tập hợp quần chúng cả nước đi theo cách mạng. Chủ trương đó đã nhanh chóng đi vào cuộc sống, thổi bùng lên ngọn lửa đấu tranh của mọi tầng lớp nhân dân chống lại bè lũ cướp nước và bọn tay sai, góp phần quyết định vào sự thành công của Cách mạng tháng Tám.

Từ 1941 đến 1943, Bác tích cực chỉ đạo nhiệm vụ chuẩn bị lực lượng cho cuộc cách mạng giải phóng, viết nhiều tác phẩm kêu gọi toàn dân đoàn kết một lòng, tuyên truyền, cổ vũ mọi tầng lớp, giai cấp chờ thời cơ đứng lên đánh giặc cứu nước; mở lớp quân sự đầu tiên tại Pác Bó... Tác phẩm đầu tiên về quân sự Cách đánh du kích (1941) đã góp phần quan trọng giáo dục lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết chiến đấu cho đảng viên và quần chúng cách mạng, đồng thời giới thiệu kinh nghiệm lịch sử và bước đầu nêu lên một số vấn đề về đường lối quân sự chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa vũ trang. Đặc biệt, trong tác phẩm Lịch sử nước ta (2/1942), Bác đã đưa ra một dự đoán thời gian nước nhà độc lập: “Việt Nam độc lập: 1945”. Và thực tế lịch sử đã chứng minh dự báo thiên tài của Người.

Để làm cơ sở và nòng cốt cho đấu tranh chính trị, Lãnh tụ Hồ Chí Minh đã cho xây dựng lực lượng vũ trang. Đầu tiên là thành lập Đội vũ trang Cao Bằng, làm nhiệm vụ bảo vệ căn cứ cách mạng, huấn luyện chính trị quân sự cho các đội tự vệ, dân quân du kích địa phương, hậu thuẫn cho các cuộc đấu tranh của quần chúng. Tiếp đến thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân (ngày 22/12/1944). Ngay sau khi thành lập, Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân đã xuất quân diệt gọn 2 đồn địch ở Phay Khắt và Nà Ngần, gây được tiếng vang lớn, uy tín của đội lan tỏa khắp cả nước.

Cao trào cách mạng ngày càng phát triển, tháng 5/1945, Bác Hồ rời Cao Bằng về Sơn Dương (Tuyên Quang), cùng Trung ương Đảng xây dựng trung tâm lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng. Ngày 15/5/1945, Việt Nam Giải phóng quân được thành lập trên cơ sở thống nhất Cứu quốc quân và Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân; ngày 4/6/1945, thành lập Khu giải phóng Việt Bắc. Nhiều địa phương trong cả nước cũng lập căn cứ địa, chiến khu, phát triển lực lượng chính trị, chủ động thành lập các đội vũ trang. Nhiều cuộc khởi nghĩa nổ ra với những kinh nghiệm đấu tranh rất phong phú, sáng tạo, như: Khởi nghĩa Thanh La - Tuyên Quang (10/3/1945), Khởi nghĩa Ba Tơ - Quảng Ngãi (11/3/1945) và Tự vệ cứu quốc Hưng Yên đánh đồn Bần thắng lợi (12/3/1945)...

Tháng 8/1945, phát xít Đức đầu hàng Đồng minh, quân đội Nhật ở Đông Dương hoảng loạn, phong trào cách mạng cả nước sôi sục. Bác ra chỉ thị: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”. Ban Thường vụ Trung ương Đảng và Bác Hồ quyết định triệu tập Quốc dân Đại hội họp ở Tân Trào (Tuyên Quang) từ ngày 13 đến 15/8/1945. Hội nghị nhận định: “Cơ hội rất tốt cho ta giành độc lập đã tới”; mục tiêu là “giành quyền độc lập hoàn toàn”. Ngày 15/8/1945, Nhật Hoàng tuyên bố đầu hàng Đồng minh, Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi tổng khởi nghĩa: “Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”. Đáp lời kêu gọi của Bác, triệu người như một, đứng lên tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám thành công. Ngay sau thắng lợi, tại số nhà 48, phố Hàng Ngang, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã soạn thảo bản Tuyên ngôn độc lập và ngày 2/9/1945 thay mặt quốc dân, tuyên bố sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Sự thành công của Cách mạng tháng Tám 1945 ngoài những yếu tố khách quan và chủ quan, phải đề cập đến vai trò lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Hồ Chí Minh và Đảng ta; trong đó vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh là cực kỳ to lớn, người cầm lái con tàu cách mạng vượt qua bão táp để cập bến độc lập, tự do. Với đức độ, tài năng, mưu lược thiên tài, Hồ Chí Minh đã nhạy bén nắm bắt thời cuộc, chớp đúng thời cơ, phát động toàn dân đồng loạt khởi nghĩa giành thắng lợi hoàn toàn. Vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Cách mạng tháng Tám, đó là: Kịp thời tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế, Người đã triển khai nhiều hoạt động ngoại giao dồn dập nhằm tranh thủ mọi lực lượng ở ngoài nước (trực tiếp gặp Chu Ân Lai tranh thủ Đảng Cộng sản Trung Quốc; cử người đi Diên An để mở rộng quan hệ quốc tế, củng cố đường dây liên lạc với Quốc tế Cộng sản; tháng 2/1945, Bác sang Côn Minh gặp đại diện Chính phủ Tưởng Giới Thạch và Tướng Sênôn đại diện phe Đồng minh); chớp thời cơ chín muồi để tiến tới Tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay Nhân dân; đề ra những quyết sách chiến lược sáng suốt sau khi về nước để chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa; triệu tập Quốc dân Đại hội nhằm tạo cơ sở pháp lý cho sự ra đời của chế độ cộng hòa dân chủ ở nước ta; sự chỉ đạo sáng suốt, kịp thời đảm bảo cho sự thắng lợi của Cách mạng tháng Tám; soạn thảo Bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Đúng như đánh giá của tiến sỹ Pradhan, người đứng đầu Ủy ban Tình báo chung của Ấn Độ, đăng trên tờ Times of India ngày 2/9, nhân dịp kỷ niệm 75 năm Quốc khánh Việt Nam: “Cuộc Cách mạng tháng Tám đem lại độc lập cho Việt Nam là sản phẩm của trí tuệ Hồ Chí Minh. Sự vĩ đại của ông không chỉ giới hạn trong lãnh đạo cuộc cách mạng, mà còn tiếp sức cho Nhân dân Việt Nam trước những thử thách đối với đất nước. Ông thật sự là một nhà lãnh đạo có thể biến tầm nhìn trở thành hiện thực”.

Kỷ niệm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, tưởng nhớ Bác Hồ kính yêu, chúng ta càng tự hào về những năm tháng hào hùng của dân tộc dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng và Bác Hồ kính yêu. Trong bối cảnh cả nước đang phải đương đầu với đại dịch COVID-19, phát huy tinh thần Cách mạng tháng Tám, cả nước muôn người như một, đồng sức, đồng lòng để kiểm soát, đẩy lùi dịch COVID-19. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và ánh sáng soi đường của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, chúng ta tin tưởng sẽ vượt qua khó khăn, thử thách, chiến thắng đại dịch COVID-19, đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh, ổn định đời sống Nhân dân, thực hiện thắng lợi mục tiêu kế hoạch năm 2021, năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

LINH NHÂN

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/chinhtri/202108/bac-ho-voi-cach-mang-thang-tam-1945-3073643/