Bảo đảm quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam: Đồng hành cùng dân tộc
Ðảng và Nhà nước ta luôn khẳng định vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo và công tác tôn giáo có vị trí chiến lược trong sự nghiệp phát triển đất nước. Quan điểm của Ðảng là xuyên suốt, luôn nhất quán chính sách tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, quyền theo hoặc không theo tôn giáo của người dân, bảo đảm sự bình đẳng, không phân biệt đối xử vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo; bảo hộ hoạt động của các tổ chức tôn giáo bằng pháp luật.
Việt Nam là quốc gia đa dân tộc, đa tín ngưỡng, tôn giáo. Ðảng và Nhà nước ta luôn coi trọng đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo vì lợi ích của quốc gia, dân tộc, vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân, coi đó là một trong những động lực chủ yếu để xây dựng, phát triển đất nước.
Dưới sự lãnh đạo của Ðảng, Nhà nước, những năm qua, đồng bào các tôn giáo luôn đoàn kết, gắn bó và đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Các tổ chức và phần đông đồng bào theo các tôn giáo ở Việt Nam luôn phát huy truyền thống yêu nước, đại đoàn kết dân tộc, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc; đồng thời là nhân tố bồi đắp, gìn giữ văn hóa Việt Nam ngày càng đa dạng, phong phú.
Tốt đời, đẹp đạo
Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ Vũ Hoài Bắc cho biết: Một nội dung đặc biệt quan trọng trong thực hiện chính sách tôn giáo ở Việt Nam từ khi đổi mới đến nay là việc công nhận các tổ chức tôn giáo. Năm 2004, cả nước có 16 tổ chức tôn giáo được Nhà nước công nhận thuộc 6 tôn giáo (Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Cao Ðài, Phật giáo Hòa Hảo, Hồi giáo). Ðến hết năm 2023, Nhà nước công nhận, cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo cho 43 tổ chức tôn giáo thuộc 16 tôn giáo. Ðến nay, cả nước có hơn 27,7 triệu tín đồ, hơn 54.500 chức sắc, gần 145.000 chức việc, gần 29.900 cơ sở thờ tự. Chiếm hơn 27% dân số Việt Nam, các tín đồ tôn giáo là nguồn nhân lực quan trọng có nghĩa vụ, trách nhiệm và quyền lợi bình đẳng trong phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Phát huy truyền thống yêu nước, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, các tôn giáo, chức sắc, chức việc tôn giáo đã có nhiều đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Các tôn giáo hoạt động ngày càng ổn định, theo đúng Hiến chương, Ðiều lệ và tuân thủ Hiến pháp, pháp luật; xu hướng gắn bó, đồng hành cùng dân tộc là chủ yếu.
Giáo hội Phật giáo Việt Nam từ khi thành lập (năm 1981) luôn xác định đường hướng hoạt động: "Ðạo pháp, Dân tộc và Chủ nghĩa xã hội"; Giáo hội Công giáo Việt Nam xác định đường hướng hành đạo qua Thư chung nổi tiếng năm 1980: "Sống Phúc âm giữa lòng dân tộc"; Các Hội thánh Cao Ðài được công nhận tư cách pháp nhân đều xác định phương châm hành đạo "Nước vinh, Ðạo sáng"; Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo hành đạo "Vì Ðạo pháp, vì Dân tộc"; Các Hội thánh Tin lành khi được công nhận đều "Sống Phúc âm, Phụng sự Thiên chúa, Phục vụ Tổ quốc và Dân tộc"…
Như vậy, các đường hướng hoạt động tiến bộ của các tôn giáo ở Việt Nam là sự phản ánh kết hợp hài hòa giữa tôn giáo và xã hội, tất cả hướng đến mục đích chung "Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh". Thông qua các sinh hoạt tôn giáo, chức sắc, chức việc các tổ chức tôn giáo đã góp phần tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho đồng bào có đạo biết cách làm giàu, vươn lên thoát nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần.
Ðể có được những thành tựu nêu trên là do Ðảng, và Nhà nước ta hết sức quan tâm đến chính sách tôn giáo. Trong đó, tập trung vào các nội dung: Tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng của nhân dân; bình đẳng giữa các tôn giáo và bình đẳng trước pháp luật; đoàn kết tôn giáo gắn với đoàn kết dân tộc; phát huy giá trị đạo đức, nhân văn, tích cực của các tôn giáo.
Ðặc biệt, Văn kiện Ðại hội XIII của Ðảng đưa ra những quan điểm mới, trong đó nhấn mạnh cần tập trung phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của tôn giáo cho sự phát triển đất nước. Bên cạnh đó là chủ động trong điều hành công tác tôn giáo; một mặt phải chủ động giúp đỡ, giải quyết các nhu cầu hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, tâm linh của quần chúng; mặt khác phải phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh với các hành vi lợi dụng tôn giáo để chia rẽ, phá hoại khối đoàn kết tôn giáo, cũng như phá hoại sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội…
Phát huy nguồn lực vì đất nước, nhân dân, vì đạo pháp
Nhiều năm qua, các tổ chức tôn giáo tích cực tham gia các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, góp sức người, sức của cho công cuộc xây dựng quê hương, góp phần đáng kể vào công tác bảo đảm an sinh xã hội ở các địa phương; cùng Ðảng, Nhà nước chăm lo cho người có công, quan tâm người nghèo, người yếu thế trong xã hội "để không ai bị bỏ lại phía sau".
Trong đại dịch Covid-19, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã vận động và mua 10 máy thở đa năng, tổng trị giá 6,7 tỷ đồng trao tặng các tỉnh, thành phố: Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Long An. Tăng, ni phật tử cả nước đóng góp tiền, nhu yếu phẩm để hỗ trợ người dân; một số cơ sở tự viện đã được dành làm bệnh viện dã chiến, khu cách ly…
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, có 690 tăng, ni, phật tử tình nguyện tham gia các hoạt động hỗ trợ lực lượng chức năng chăm sóc bệnh nhân tại các bệnh viện dã chiến.
Hội đồng Giám mục Việt Nam đóng góp 3 tỷ đồng vào Quỹ vắc-xin phòng chống dịch của Chính phủ; Tòa Giám mục giáo phận Vinh ủng hộ 3 tỷ đồng và 60 tấn lương thực, thực phẩm, rau quả; Tòa giám mục Phan Thiết đóng góp 10 nghìn lít nước mắm và 15 tấn thanh long… Văn phòng đặc trách tu sĩ giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh có văn thư gửi bề trên các dòng tu kêu gọi thành lập nhóm tu sĩ thiện nguyện giúp đỡ các nhân viên y tế trong các bệnh viện, nhờ vậy đã có hàng trăm tu sĩ đến hỗ trợ tại các bệnh viện tại Thành phố Hồ Chí Minh, Ðồng Nai…
Từ nhiệm kỳ Quốc hội khóa I đến khóa XV, 63 vị chức sắc, chức việc tiêu biểu của các tôn giáo được bầu vào Quốc hội; hàng nghìn chức sắc, chức việc tôn giáo tham gia đại biểu hội đồng nhân dân các cấp; hàng chục nghìn chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo tham gia các đoàn thể, tổ chức xã hội.
Trong đợt bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, có 6.245 chức sắc, chức việc, nhà tu hành và tín đồ các tôn giáo trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Trong đó có 5 vị chức sắc trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV.
Thực hiện chính sách đối ngoại rộng mở
Bên cạnh đó, quan hệ quốc tế của các tổ chức tôn giáo góp phần thực hiện chính sách đối ngoại rộng mở của Ðảng và Nhà nước Việt Nam trong công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế, nhất là quan hệ Việt Nam - Vatican có tiến triển tích cực.
Tòa thánh đã bổ nhiệm Tổng Giám mục Marek Zalewski làm Ðại diện thường trú tại Việt Nam năm 2023. Việc hai bên nâng cấp quan hệ lên Ðại diện thường trú là dấu mốc quan trọng, kết quả của quá trình trao đổi tích cực trên tinh thần tôn trọng, hợp tác và hiểu biết lẫn nhau. Ðồng thời, thể hiện Nhà nước Việt Nam luôn tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các tôn giáo, trong đó có Công giáo.
Mới đây nhất, tại buổi tiếp Tổng Giám mục, Bộ trưởng Ngoại giao Tòa thánh Vatican Paul Richard Gallagher nhân chuyến thăm Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá chuyến thăm đầu tiên của một Bộ trưởng Ngoại giao Tòa thánh, nhất là sau khi thiết lập Ðại diện thường trú tại Việt Nam có ý nghĩa quan trọng đối với cộng đồng Công giáo Việt Nam, góp phần tăng cường hơn nữa quan hệ giữa Việt Nam và Vatican.
Tổng Giám mục, Bộ trưởng Ngoại giao Tòa thánh Vatican Paul Richard Gallagher bày tỏ tự hào về đóng góp của cộng đồng Công giáo Việt Nam; tin tưởng cộng đồng Công giáo mong muốn và có khả năng đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển thịnh vượng của Việt Nam.
Các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam tham gia rất tích cực các hội nghị, các diễn đàn tôn giáo khu vực và quốc tế, như: Ðối thoại liên tín ngưỡng Á - Âu (ASEM); hợp tác liên tín ngưỡng giữa các nước của Phong trào Không liên kết… Nhiều hoạt động quốc tế của các tổ chức tôn giáo được tổ chức thành công ở Việt Nam, được dư luận quốc tế đánh giá cao, như: Ðại lễ Phật đản Liên hợp quốc năm 2008, 2014, 2019; Tổng Công hội dòng Ða Minh Thế giới năm 2019; lễ kỷ niệm 100 năm đạo Tin lành đến Việt Nam; Hội Yến Diêu Trì Cung trong Cao Ðài Tây Ninh…
Tại buổi họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao ngày 9/5/2024, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng nêu rõ: Việt Nam luôn thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; quyền theo hoặc không theo tôn giáo của người dân. Tại Việt Nam, không có ai bị phân biệt đối xử vì lý do tôn giáo, tín ngưỡng và các hoạt động của các tổ chức tôn giáo được bảo đảm theo đúng các quy định của pháp luật. Ðiều này được thể hiện rất rõ trong Hiến pháp của Việt Nam năm 2013, hệ thống pháp luật của Việt Nam cũng như được tôn trọng trên thực tế. Các chính sách, nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong bảo đảm quyền con người, trong đó có tự do tôn giáo, tự do tín ngưỡng đã được nhiều nước ghi nhận và đánh giá cao.
Ðây cũng là đánh giá, nhận xét của các nước tham gia phiên đối thoại về báo cáo quốc gia của Việt Nam theo Cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc. Việt Nam bác bỏ những nhận định không khách quan, mang tính định kiến và không chính xác về tình hình thực tế tôn giáo tại Việt Nam.
Tuy nhiên thời gian qua, một số tổ chức phi chính phủ và các đài, báo nước ngoài đã lợi dụng vấn đề tôn giáo để gia tăng các hoạt động tuyên truyền, chống phá Việt Nam; xuyên tạc, vu cáo Việt Nam "vi phạm dân chủ, nhân quyền", "đàn áp tôn giáo". Các tổ chức, cá nhân phản động người Việt lưu vong ở bên ngoài (nhất là "Việt Tân"; "Ủy ban cứu người vượt biển - BPSOS"; "Hội đồng liên kết quốc nội và hải ngoại"...) tiếp tục tìm cách móc nối, câu kết với một số đối tượng cực đoan, chống đối ở trong nước, tiến hành thu thập thông tin, tình hình phục vụ cho các hoạt động tuyên truyền, xuyên tạc, vu cáo Việt Nam "vi phạm tự do tôn giáo, dân chủ, nhân quyền"; kích động, chỉ đạo số đối tượng cực đoan ở trong nước hoạt động chống Ðảng, Nhà nước, kêu gọi chính phủ các nước gây sức ép với Việt Nam về ngoại giao, kinh tế. Ðáng chú ý, các hiện tượng tôn giáo mới, "tà đạo", "đạo lạ" phát triển ở nhiều địa phương; hoạt động truyền đạo trên không gian mạng khó kiểm soát... và thực tế đó đòi hỏi cần hướng tiếp cận, nghiên cứu, giải quyết khoa học, thích đáng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, bình yên của xã hội, nhân dân.
Cả nước có khoảng 300 trường mầm non, 2.000 cơ sở giáo dục mầm non, 22 cơ sở dạy nghề thuộc các tổ chức tôn giáo, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho xã hội. Hơn 500 cơ sở khám, chữa bệnh từ thiện đã chi hàng trăm tỷ đồng mỗi năm để khám, chữa bệnh cho hàng chục nghìn lượt bệnh nhân, nhất là những người có hoàn cảnh khó khăn. Gần 800 cơ sở bảo trợ xã hội của các tổ chức Phật giáo, Công giáo, Cao đài… nuôi dưỡng hơn 12 nghìn trẻ em mồ côi, tàn tật, người già cô đơn, bệnh nhân tâm thần, HIV/AIDS.
(Nguồn: Ban Tôn giáo Chính phủ)
(Còn nữa)
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/bai-1-dong-hanh-cung-dan-toc-post832024.html