Bác Hồ với Quân đội nhân dân Việt Nam: 'Dân như nước, quân như cá'
Tập sách Bác Hồ với Quân đội nhân dân Việt Nam được NXB Trẻ ấn hành lần đầu tiên chào mừng kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 - 19-5-2023), giúp độc giả hiểu rõ hơn về “quân đội anh hùng của một dân tộc anh hùng” do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập.
Kể từ khi Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân (tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam) ra đời ở khu rừng Trần Hưng Đạo (thuộc H.Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng) ngày 22-12-1944 theo Chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người đã hết lòng chăm lo, tạo mọi điều kiện để quân đội trưởng thành, lập bao chiến công hiển hách, xứng danh “Quân đội anh hùng của một dân tộc anh hùng”. Hồ Chí Minh là ngọn cờ chói lọi lãnh đạo toàn quân ta đoàn kết một lòng, chiến đấu anh dũng, viết nên những trang sử vẻ vang nhất trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
* Trung với nước, hiếu với dân
Năm 1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân thành lập, mở ra một thời kỳ phát triển mới của cuộc đấu tranh vũ trang của nhân dân ta. Với 34 đội viên ban đầu được biên chế thành một trung đội có 3 tiểu đội do đồng chí Hoàng Sâm làm đội trưởng, đồng chí Xích Thắng làm chính trị viên. Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt trọn niềm tin khi trao sứ mệnh chỉ huy cho đồng chí Võ Nguyên Giáp.
Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân cho đến khi viết Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn cho thấy tình cảm và niềm tin yêu hy vọng của Người dành cho bộ đội rất sâu nặng. Trên Báo Nhân dân số ra ngày 23-12-1964, Người từng khen ngợi: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.
“Tất cả quân nhân phải làm cho dân tin, dân phục, dân yêu. Phải làm thế nào để khi mình chưa đến, thì dân trông mong, khi mình đến thì dân giúp đỡ, khi mình đi nơi khác thì dân luyến tiếc. Muốn vậy, bộ đội phải giúp đỡ dân, thương yêu dân” - Chủ tịch HỒ CHÍ MINH (Báo Quân đội nhân dân ngày 4-5-1951).
Các tác giả sách Bác Hồ với Quân đội nhân dân Việt Nam nhấn mạnh: “Bộ đội Cụ Hồ là sản phẩm lịch sử - một giá trị văn hóa được hình thành trong thời kỳ lịch sử đặc biệt, khi lý tưởng, mục tiêu chiến đấu của Đảng, của Bác Hồ hòa quyện và thống nhất với khát vọng độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam”. Lịch sử cho thấy không phụ lòng mong mỏi của Người, Bộ đội Cụ Hồ không ngừng phát triển và trưởng thành, từ xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc đến “hoàn thiện lý luận về quốc phòng, an ninh và tư duy mới về bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, từ khi “nước chưa nguy”.
Quân đội ta về sau đã “xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, có một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại”, góp phần to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đồng thời, “trung với nước, hiếu với dân” là tư tưởng đạo đức hết sức quan trọng, được Chủ tịch Hồ Chí Minh “đúc kết để giáo dục toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, là phẩm chất và giá trị cốt lõi, phản ánh sâu sắc bản chất giai cấp và truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam”.
* Người Cha kính yêu
Nhìn lại lịch sử có những cột mốc thật đặc biệt. Năm 1920, sau gần 10 năm bôn ba tìm đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của việc xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang trong công cuộc đánh đuổi ngoại xâm, giải phóng dân tộc. Năm 1928, Người từng viết “Công tác quân sự của Đảng trong nông dân”. Khi về nước trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chú trọng đào tạo và chuẩn bị lực lượng cho cách mạng.
Tính cách mạng, khoa học và giá trị to lớn của tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh trở thành nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho cách mạng Việt Nam. Tháng 3-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết trong thư gửi Báo Vệ quốc quân: “Vệ quốc quân là quân đội của nhân dân, để bảo vệ đồng bào, giữ gìn Tổ quốc… Nhân dân là nền tảng, là cha mẹ của bộ đội. Chính trị viên phải làm cho dân tin, dân phục, dân yêu bộ đội. Phải làm sao cho bộ đội được dân tin, dân phục, dân yêu”.
Tháng 12-1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục căn dặn: “Cán bộ và chiến sĩ thương yêu nhau như ruột thịt, chia ngọt sẻ bùi. Quân và dân như cá với nước, đoàn kết một lòng, học hỏi, giúp đỡ lẫn nhau... Cán bộ và chiến sĩ phải luôn luôn khiêm tốn, luôn luôn cố gắng hơn nữa. Phải phát huy bản chất và truyền thống cách mạng”. Lịch sử ghi rõ ngay từ buổi đầu thành lập, trong Mười lời thề danh dự của 34 cán bộ, chiến sĩ Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân đã dành lời thề thứ 9 để thực hiện 3 điều nên (Kính trọng dân; Giúp đỡ dân; Bảo vệ dân) và 3 điều răn (Không lấy của dân; Không dọa nạt dân; Không quấy nhiễu dân).