Bác Hồ với quê hương Bắc Kạn

Bắc Kạn - vùng đất cách mạng, nơi từng in dấu chân của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời gian hoạt động cách mạng. Những năm tháng lịch sử đó đã được tái hiện sống động qua cuốn sách “Bác Hồ với Bắc Kạn”. Tác phẩm do hai tác giả Kim Kim và Nghiêm Thép biên soạn, là kết quả của quá trình sưu tầm, khảo cứu công phu, góp phần làm sáng hơn nữa mối quan hệ gắn bó giữa Bác Hồ và Nhân dân Bắc Kạn.

Tác giả Kim Kim (thứ 2 từ phải sang) chụp ảnh tại Di tích lịch sử Bản Chán, xã Đồng Phúc (Ba Bể) là nơi Bác Hồ và đoàn bộ đội cách mạng dừng chân nghỉ đêm trong quá trình hành quân từ Pác Bó đến Tân Trào để chỉ đạo cuộc cách mạng.
Chúng tôi gặp hai tác giả Kim Kim (tên thật Ô Kim Phòng) và Nghiêm Thép (tên thật Nghiêm Văn Thép) ngay khi cuốn sách Bác Hồ với Bắc Kạn vừa rời Nhà in. Ngay khi thùng sách được mở, các tác giả trân quý, xúc động vuốt nhẹ bìa sách có in ảnh Bác Hồ đứng giữa bà con các dân tộc Bắc Kạn. Lật từng trang sách còn thơm mùi mực, anh Kim Kim và Nghiêm Thép nhớ về những ngày mới bắt đầu lên ý tưởng và hành trình kiên trì theo dấu chân Bác Hồ.
Là những người con của quê hương Bắc Kạn, với lòng kính yêu và ngưỡng mộ Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã từ rất lâu hai tác giả luôn trăn trở làm sao để nhiều người biết đến những năm tháng Bác Hồ đã gắn bó với Bắc Kạn. Vậy là ý tưởng có một cuốn sách ghi lại đầy đủ nhất về các sự kiện Bác Hồ với Bắc Kạn đã được hình thành. Với mong muốn đó, hai anh đã chủ động sưu tầm, thu thập tài liệu và bắt tay vào viết từ gần 10 năm trước. Với sự kiên trì và say mê, đến năm 2025 khi tư liệu đã tương đối đầy đủ, đồng thời với những dấu mốc quan trọng như: Kỷ niệm 125 năm Ngày thành lập tỉnh Bắc Kạn và 135 năm sinh nhật Bác, cuốn sách đã được xuất bản.
Tác giả Nghiêm Thép chia sẻ về mục đích thực hiện cuốn sách "Bác Hồ với Bắc Kạn".
Hơn 30 bài viết về những năm tháng Bác Hồ hoạt động và ghé thăm Bắc Kạn, mỗi bài viết đều có đầy đủ mốc thời gian cụ thể, tư liệu lịch sử quý giá và cả lời kể của nhân chứng. Điều đó cho thấy sự công phu, tỉ mỉ và cả tinh thần trách nhiệm của các tác giả với đứa con tinh thần. Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, tác giả Kim Kim trải lòng: Từ trước đó, chúng tôi đã thu thập theo hệ thống các tư liệu về Bác với Bắc Kạn từ rất nhiều nguồn: Sách báo, hồ sơ di tích bảo tàng, nhân chứng và trực tiếp khảo sát điền dã nên tư liệu cơ bản đầy đủ, phong phú và đáng tin cậy; đồng thời được người thân nhân chứng cũng như các cấp chính quyền, cơ quan chức năng tạo điều kiện giúp đỡ rất nhiều góp phần cho cuốn sách được hoàn thành một cách thuận lợi.

Tác giả Kim Kim và Nghiêm Thép (thứ nhất và hai từ phải qua) trong quá trình sưu tầm tư liệu.
Nhắc về khó khăn, tác giả Kim Kim xúc động: Do nhiều sự kiện đã diễn ra từ 80 năm trước, nhân chứng hầu như không còn, thậm chí nhiều tài liệu, sách báo có nội dung chưa thống nhất về cùng một sự kiện, nên chúng tôi phải xác minh, đối chiếu nhiều tài liệu để làm sao tìm được kết quả chính xác nhất. Nhưng cũng vì thế mà chúng tôi có dịp được trò chuyện, gặp gỡ với nhiều nhân chứng là con, cháu của người đã trực tiếp được gặp Bác Hồ. Ai cũng đều tận tình giúp đỡ và thể hiện tình cảm và lòng kính yêu với Bác. Đã có những lần, họ dẫn đến di tích, kể tường tận, chi tiết khiến chúng tôi như được thấy lại hình ảnh Bác Hồ hoạt động, thăm hỏi người dân.
Trong các nhân chứng hiếm hoi hiện còn sống có nhà văn lão thành cách mạng Nông Viết Toại năm nay gần 100 tuổi và cụ Đồng Phúc Túc, nguyên Bí thư Tỉnh đoàn Bắc Kạn (giai đoạn 1957 - 1961) năm nay cũng 105 tuổi. Khi tiếp xúc với các cụ, tôi thấy rất xúc động về ký ức về những lần gặp Bác năm xưa vẫn còn y nguyên trong tâm trí nhân chứng lịch sử này. Các cụ say sưa kể về Bác với tấm lòng kính yêu nhất của những con người cách mạng, người cộng sản chân chính. Điều đó quả thật rất tuyệt vời, đáng để chúng ta học hỏi các cụ.

Tác giả Kim Kim gặp nhà văn lão thành cách mạng Nông Viết Toại.
Tác phẩm “Bác Hồ với Bắc Kạn” gồm bốn phần chính:
Phần I: Đưa người đọc trở lại thời điểm lịch sử tháng 5/1945, khi Bắc Kạn trở thành địa danh trọng yếu trong hành trình Bác Hồ từ Pác Bó về Tân Trào, nơi Người chỉ đạo thành lập Khu giải phóng, đặt nền móng cho thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám.
Phần II: Khắc họa những năm tháng kháng chiến chống thực dân Pháp (1945–1954), với những địa danh từng in dấu chân Bác như ATK Chợ Đồn, Nà Tu, thị xã Bắc Kạn... – nơi Người trực tiếp chỉ đạo và động viên cán bộ, nhân dân.
Phần III: Ghi lại những lần Bác trở lại thăm Bắc Kạn sau thắng lợi kháng chiến, thể hiện tình cảm sâu nặng, đồng thời truyền đi những thông điệp khích lệ lớn lao để nhân dân tiếp tục xây dựng quê hương.
Phần IV: Là tập hợp nhiều tư liệu quý như thư từ, chỉ thị, nghị quyết liên quan đến Bắc Kạn – những tài liệu giàu giá trị lịch sử, giúp thế hệ hôm nay hiểu sâu sắc hơn tấm lòng và sự quan tâm của Bác đối với địa phương.
Tác giả Kim Kim chia sẻ về dự định trong thời gian tới.

Nguồn Bắc Kạn: https://baobackan.vn/bac-ho-voi-que-huong-bac-kan-post70042.html