Bác Hồ xem hồ sơ vụ án ở Tuyên Quang
Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là người sáng lập, quan tâm dìu dắt và xây dựng bộ máy các cơ quan TAND ngay sau khi thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa năm 1945.
Người đã từng căn dặn cán bộ, Thẩm phán Tòa án phải thường xuyên rèn luyện đạo đức cách mạng, sâu sát quần chúng nhân dân, hiểu dân, giúp dân, học dân; học tập chính sách của chính phủ để nâng cao trình độ chính trị, nghiệp vụ công tác; trong xét xử phải công bằng, liêm khiết, tận tụy phục vụ nhân dân…
Không chỉ căn dặn về đạo đức, phương châm, đường lối công tác đối với cán bộ Tòa án, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn quan tâm đến việc xét xử của Tòa án qua việc giải quyết một số vụ án cụ thể. Vụ án sau đây ở vùng núi phía Bắc là một ví dụ.
Khoảng những năm 50 của thế kỷ trước, địa bàn tỉnh Tuyên Quang xảy ra một vụ trọng án. Ba chị em ở Phú Thọ rủ nhau lên Hà Giang buôn bán. Đó là một phụ nữ cùng hai em thiếu niên (tầm 14,15 tuổi).
Ba chị em đi thuyền từ Thị xã Tuyên Quang ngược sông Lô lên Hà Giang. Trên đường đi, ba chị em gặp một người đàn ông và một người đàn bà làm nghề “chở thuyền thuê”, và đã cho họ cùng lên thuyền. Lợi dụng trời tối, đến quãng nước sâu, cặp “chở thuyền thuê” đã sát hại cả ba chị em, phi tang xác xuống sông.
Sau đó, Công an phát hiện, điều tra và truy bắt hai tên này. Quá trình mở rộng điều tra cho thấy, hai tên này trước đó đã gây ra vụ giết người dã man khác… Năm 1951, anh C. nhà ở Thác Bà, thường xuyên đi buôn đường sông, người xuôi Phú Thọ – Tuyên Quang – Hà Giang.
Một lần, đi cất hàng về, anh C. phát hiện vợ mình đang lả lướt với với một gã đàn ông lạ mặt ngay trên thuyền. Anh bấm bụng nín nhịn. Tối đó, vợ anh C. cùng gã đàn ông lạ kia làm cơm rượu đãi anh.
Ngỡ tưởng vợ và gã kia hối hận, dừng quan hệ, nên anh C. vui vẻ chuyện trò. Khi đã ngà ngà men rượu, anh C. bị vợ cùng gã đàn ông lạ sát hại ngay trên thuyền. Nhằm trốn tội của cả hai vụ án, vợ anh C. cùng gã đàn ông nhân tình đùm theo tiền bạc, trốn chạy vào vùng tạm chiếm…
Thời điểm đó, Đoàn Luật sư (cũ) được thành lập theo Sắc lệnh ngày 10/10/1945, nhưng đã tạm dừng hoạt động do hầu hết thành viên trong Đoàn đều tham gia công tác phục vụ kháng chiến. TAND tỉnh Tuyên Quang đề nghị Hội Phụ nữ tỉnh cử người bào chữa cho nữ bị cáo (vợ anh C.).
Tại phiên tòa xét xử, bị cáo nữ thú nhận đã “đè mái chèo lên người chồng để gã nhân tình ra tay sát hại anh C.”… Ở vụ án sát hại ba chị em, thị thú nhận: Thấy chị bị chết, hai em nhỏ túm lấy thị cầu cứu, khóc lóc van xin…
Nhưng thị đã tàn nhẫn, dã man gạt tay, đẩy hai em bé ra để gã nhân tình tiếp tục sát hại. Hành vi phạm tội man rợ của hai bị cáo khiến người dân dự phiên tòa hết sức căm phẫn. Hội đồng xét xử TAND tỉnh Tuyên Quang đã tuyên phạt cả hai bị cáo mức án: Tử hình.
Chỉ vài ngày sau khi phiên tòa kết thúc, Chánh án TAND tỉnh Tuyên Quang nhận được “Công văn Khẩn” từ văn phòng Chủ tịch nước, yêu cầu chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án giết người này lên để có việc. Gay go rồi. Chánh án tỉnh cùng Hội đồng xét xử Tòa án tỉnh Tuyên Quang run bắn người, lo lắng mất ăn mất ngủ. Không biết có gì sai không đây?
Chừng mấy hôm sau, Văn phòng Chủ tịch nước gửi lại hồ sơ cùng Công văn cho Tòa án tỉnh. Sau này, một đồng chí ở Bộ Tư pháp và đồng chí cán bộ Văn phòng Chủ tịch nước đã tiết lộ cho các cán bộ Tòa án Tuyên Quang rằng: Hôm Tòa án tỉnh mở phiên tòa xét xử, đúng ngày Hồ Chủ tịch có việc đi công tác qua thị xã Tuyên Quang, Người đã quan sát, lắng nghe quần chúng nhân dân xì xào, bàn tán râm ran nhiều về vụ trọng án trên Sông Lô.
Khi tiếp nhận hồ sơ vụ án từ Tòa án tỉnh, Người đọc đi đọc lại từng trang, từng đoạn, rồi hỏi han rất kỹ, tỷ mỷ về những tình tiết, chứng cứ, lời khai của từng bị cáo trong vụ án, nhất là đối với bị cáo nữ.
Trước khi gửi trả hồ sơ cho TAND tỉnh Tuyên Quang, mặc dù trong Công văn gửi kèm đã chỉ đạo rõ về quan điểm, đường lối xử án, Hồ Chủ tịch vẫn không quên dặn các đồng chí ở Bộ Tư pháp, truyền đạt ý kiến tới Chánh án Tòa án Tuyên Quang.
Cụ thể, trong công tác xử án, Tòa án phải tuyên truyền, giải thích thật đầy đủ, toàn diện về nội dung vụ án, về áp dụng luật để tuyên án, nhằm để đông đảo quần chúng nhân dân hiểu rõ về đường lối xét xử của Tòa án Cách mạng, hiểu rõ về việc xử án đúng đắn của vụ án đó. Chánh án và Hội đồng xét xử vụ án của TAND tỉnh Tuyên Quang nhìn nhau thở phào nhẹ nhõm….
Là người đứng đầu một đất nước, dù bận trăm công nghìn việc, nhưng Hồ Chủ tịch vẫn luôn quan tâm đến hoạt động của Tòa án, từ việc to đến việc nhỏ, khiến toàn thể cán bộ, Thẩm phán các Tòa án đều khâm phục và cảm động. Người quan tâm đến việc xử án vì hai lẽ: Quyền và lợi ích hợp pháp của người dân phải được bảo đảm ; và việc xét xử của Tòa án phải công bằng, nghiêm minh.
Từ việc xét xử vụ án này, và với sự quan tâm của Hồ Chủ tịch đến công tác xét xử cụ thể, Tòa án nhân dân tối cao đã tổng kết, bổ sung thành nguyên tắc xét xử các vụ án hình sự, phổ biến, áp dụng trong các Tòa án cả nước: “Xét xử phải đúng người, đúng tội, đúng pháp luật và được nhân dân đồng tình ủng hộ”. Nhân dân đồng tình ủng hộ bởi vì họ đã hiểu, đã nhận thức rõ về việc xét xử của Tòa án…
Theo tapchitoaan.vn