Bắc Kạn cần tăng cường thu hút nhiều nguồn lực đầu tư gắn với tiềm năng của Tỉnh để phát triển
Ngày 17/12, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã có buổi làm việc với Lãnh đạo tỉnh Bắc Kạn về tình hình kinh tế - xã hội năm 2023 trên địa bàn Tỉnh.
Tham dự buổi làm việc về phía tỉnh Bắc Kạn, có ông Hoàng Duy Chinh - Bí thư Tỉnh ủy; ông Nguyễn Đăng Bình - Chủ tịch UBND Tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ngành trên địa bàn. Đoàn công tác của Bộ Tài chính có đại diện lãnh đạo một số tổng cục, vụ, cục trực thuộc Bộ Tài chính.
Năm 2023 ước thu ngân sách bằng 104% dự toán trung ương
Thông tin về tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Bắc Kạn, ông Nguyễn Đăng Bình – Chủ tịch UBND Tỉnh cho biết, bên cạnh những tiềm năng, Bắc Kạn vẫn là một trong những tỉnh khó khăn nhất cả nước và trong vùng. Tuy nhiên, được sự quan tâm, hỗ trợ của Trung ương; sự đoàn kết, thống nhất, nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân, tình hình kinh tế - xã hội của Tỉnh vẫn giữ ổn định và đạt nhiều kết quả tích cực.
Ước đến hết năm 2023, tổng sản phẩm trên địa bàn Tỉnh theo giá so sánh đạt 8.820 tỷ đồng, tăng trưởng 6,33%, xếp thứ 6 trong vùng Trung du và miền núi phía Bắc và xếp thứ 33 so với cả nước. Tổng sản phẩm trên địa bàn Tỉnh theo giá hiện hành ước đạt 16.423 tỷ đồng; GRDP bình quân trên người ước đạt 50,3 triệu đồng/người, đạt 101% kế hoạch, tăng 4 triệu đồng so với năm 2022.
Theo ông Nguyễn Đăng Bình, tổng kế hoạch đầu tư công năm 2023 của tỉnh Bắc Kạn là 2.850,4 tỷ đồng; trong đó: Nguồn vốn ngân sách địa phương 768,9 tỷ đồng, nguồn vốn ngân sách trung ương bổ sung 2.081,5 tỷ đồng. Dự kiến đến 31/01/2024, giải ngân đạt đạt 89% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, đạt 84,6% kế hoạch của Tỉnh.
Năm 2023, tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) ước đạt 856 tỷ đồng, bằng 104% dự toán Trung ương giao, bằng 86% dự toán Tỉnh giao. Theo ông Nguyễn Đăng Bình, nguyên nhân kết quả thu ngân sách đạt thấp do tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn từ ảnh hưởng của hậu đại dịch COVID-19; Các dự án triển khai chậm, thị trường bất động sản giảm sâu làm giảm nguồn thu sử dụng đất; Triển khai các chính sách tài khóa mở rộng của Chính phủ để góp phần thúc đẩy quá trình phục hồi nền kinh tế… Ước tác động của các chính sách hỗ trợ giãn, giảm thuế làm giảm nguồn thu trên địa bàn Tỉnh trong năm 2023 khoảng trên 100 tỷ đồng.
Năm 2023, Tỉnh có 23/26 chỉ tiêu chính đạt và vượt kế hoạch đề ra. Có 3 chỉ tiêu dự ước không đạt kế hoạch, gồm: Tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP; Thu NSNN trên địa bàn; Số xã đạt chuẩn nông thôn mới tăng thêm.
Về kế hoạch năm 2024, ông Nguyễn Đăng Bình – Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn cho biết, đối với dự toán NSNN, HĐND Tỉnh cũng đã ban hành Nghị quyết, UBND Tỉnh ban hành Quyết định giao dự toán cho các đơn vị, địa phương. Theo đó, trong năm 2024, Bắc Kạn phấn đấu thu NSNN trên địa bàn đạt trên 1.010 tỷ đồng; Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 8%; GRDP bình quân đầu người/năm đạt 56 triệu đồng.
Tại buổi làm việc, tỉnh Bắc Kạn kiến nghị Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế xem xét việc hoàn thuế cho doanh nghiệp đối với những phần nào có hóa đơn chứng từ đầy đủ, những phần nào hóa đơn chứng từ chưa đầy đủ thì khoanh lại xác minh hoàn vào các đợt sau.
Chú trọng phát triển cơ sở hạ tầng Tỉnh
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, mặc dù là Tỉnh còn rất nhiều khó khăn, song Bắc Kạn đã rất nỗ lực, cố gắng trong tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là trong thu NSNN khi năm nay Tỉnh phấn đấu vượt dự toán.
Bộ trưởng chia sẻ, đối với tỉnh Bắc Kạn, cơ sở hạ tầng còn rất nhiều hạn chế, Bộ Tài chính đã luôn nỗ lực, đồng hành và tháo gỡ khó khăn để phía Tỉnh xây dựng cơ sở hạ tầng được tốt hơn. Theo Bộ trưởng, cần phát triển cơ sở hạ tầng để mở ra “con đường” kết nối với các đô thị, vùng lân cận và cửa khẩu để xuất khẩu hàng hóa; hạ tầng tốt giúp tiết kiệm thời gian, tiết kiệm chi phí để giao thương phát triển, qua đó tăng thu hút được các nguồn lực đầu tư.
Bộ trưởng nhấn mạnh, cần tăng cường tiếp cận, vận động doanh nghiệp để thu hút các nguồn lực đầu tư gắn với tiềm năng của Tỉnh và vùng nguyên liệu như chăn nuôi, sản phẩm gỗ, sản phẩm nông nghiệp... qua đó, giúp tiêu thụ sản phẩm cho người dân, tăng quy mô kinh tế, đồng thời tăng thu ngân sách, giải quyết được vấn đề việc làm, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân.
“Để đảm bảo cho người dân có thu nhập, Bắc Kạn phải phát triển đồng đều trên tinh thần “người người thi đua, ngành ngành thi đua”, trong đó cốt lõi là phát triển sản xuất, kinh doanh. Vì thế, Bắc Kạn cần thúc đẩy mô hình kinh tế hộ, theo đó, cần doanh nghiệp, hợp tác xã để kết nối các thị trường lớn, siêu thị lớn, giúp đưa các sản phẩm của người dân đến người tiêu dùng rộng rãi. Vai trò của Nhà nước trong định hướng, dẫn dắt về công nghệ, vốn, giống… rất quan trọng để người dân ứng dụng và phát huy các giá trị trong sản xuất sản phẩm”, Bộ trưởng nêu rõ.
Bộ trưởng đề nghị tỉnh Bắc Kạn tiếp tục triển khai các giải pháp để thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công nhanh, triển khai xây dựng công trình đảm bảo chất lượng tốt.
Liên quan đến vấn đề quản lý hóa đơn điện tử, hoàn thuế, Bộ trưởng cho biết, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đang tăng cường siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong thực thi nhiệm vụ của các cơ quan thuế địa phương, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân với từng doanh nghiệp, ứng dụng công nghệ thông tin để phát hiện các gian lận, sai phạm để xử lý kịp thời. Vì vậy, Bộ trưởng đề nghị Tỉnh đặc biệt lưu tâm và triển khai thật hiệu quả những nội dung này.
Bộ trưởng yêu cầu Tổng cục Thuế chỉ đạo Cục Thuế Bắc Kạn khẩn trương nghiên cứu, triển khai hoàn thuế ngay đối với các doanh nghiệp có nội dung chứng từ đầy đủ, hợp pháp để giải quyết khó khăn. Đối với những nội dung nào chưa có chứng từ đầy đủ, chưa đúng xác định và cần xác minh thì thực hiện cẩn thận để đảm bảo đúng yêu cầu pháp luật; việc tạo điều kiện doanh nghiệp là cần thiết nhưng phải đảm bảo không để các doanh nghiệp lợi dụng làm thất thoát NSNN.
Đồng thời, Bộ trưởng đề nghị Tỉnh tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp; thực hiện tốt việc bồi dưỡng, tạo nguồn tại chỗ và thực hiện công tác bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo ngành Thuế... Bộ trưởng nhấn mạnh, Bộ Tài chính sẽ luôn sát cánh, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để kinh tế - xã hội của tỉnh Bắc Kạn ngày càng phát triển.
Thay mặt lãnh đạo Tỉnh, ông Hoàng Duy Chinh - Bí thư Tỉnh ủy bày tỏ cảm ơn Bộ trưởng cùng các đơn vị thuộc Bộ Tài chính thời gian qua đã quan tâm, đồng hành cùng Tỉnh trong phát triển kinh tế - xã hội. Bí thư Tỉnh ủy đề nghị, thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục ủng hộ, tháo gỡ những khó khăn cho các địa phương, trong đó có những khó khăn đặc thù của tỉnh Bắc Kạn.
Đặc biệt, ông Hoàng Duy Chinh mong muốn Chính phủ sẽ có chính sách đặc thù hỗ trợ cho các xã thuộc khu vực ATK giải quyết căn cơ những khó khăn để phát triển. Đối với các chính sách liên quan đến khoán bảo vệ rừng hiện còn thấp; việc bán chứng chỉ các-bon của Tỉnh đang gặp một số khó khăn do thiếu vốn để đánh giá, điều tra theo quy trình, Bí thư đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục quan tâm.
Nhân dịp này, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cùng Lãnh đạo tỉnh Bắc Kạn chứng kiến lễ trao quà an sinh xã hội cho Tỉnh với tổng giá trị là 10,5 tỷ đồng. Trong đó, Tập đoàn Bảo Việt trao phần quà trị giá 5 tỷ đồng hỗ trợ nhà ở cho người nghèo; Tập đoàn Viettel trao phần quà trị giá 5 tỷ đồng hỗ trợ xây dựng trường học trên địa bàn Tỉnh; Công ty Vietlott trao 500 triệu đồng cho Hội Khuyến học tỉnh.