Ngành dệt may Việt Nam trước 'cơn sóng ngầm' từ chính sách thuế quan của ông Donald Trump
Ngành dệt may Việt Nam dự kiến sẽ tiếp tục bứt phá trong năm tới. Tuy nhiên, giữa lúc chờ đợi những bước đi mới về chính sách thuế quan từ tổng thống đắc cử Donald Trump, ngành này cũng đang nỗ lực đa dạng hóa để giảm thiểu rủi ro và đầu tư lớn vào công nghệ nhằm củng cố vị thế trên trường quốc tế.
Ngành dệt may Việt Nam tiếp tục ghi nhận những con số ấn tượng, với kim ngạch xuất khẩu năm 2024 ước đạt 44 tỷ USD, tăng 11,3% so với năm trước, và dự báo chạm mốc 47-48 tỷ USD vào năm 2025. Đây là dấu mốc quan trọng, khẳng định vị thế của Việt Nam trong top 3 nhà sản xuất và xuất khẩu hàng may mặc lớn nhất thế giới, chỉ đứng sau Trung Quốc và Bangladesh.
Chiến lược đa dạng hóa
Hiện tại, sản phẩm của ngành đã hiện diện tại 104 quốc gia, với Mỹ là thị trường tiêu thụ lớn nhất, chiếm 38% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Điều này không chỉ khẳng định vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu mà còn cho thấy mức độ phụ thuộc lớn vào thị trường Mỹ – một yếu tố dễ bị ảnh hưởng bởi chính sách thương mại của chính quyền tổng thống đắc cử Donald Trump.
Mỹ có thể áp mức thuế 10-20% lên hàng hóa Việt Nam, mức này vẫn thấp hơn nhiều so với mức 60% đối với hàng hóa Trung Quốc. Đây là cơ hội để dệt may Việt Nam mở rộng thị phần tại Mỹ, thay thế các sản phẩm từ Trung Quốc. Mặc dù chính sách thuế quan cụ thể của Mỹ thời ông Donald Trump vẫn chưa được xác định rõ. Tuy nhiên, mức thuế này vẫn là một rào cản đáng chú ý.
Trước những thay đổi tiềm tàng từ chính sách thương mại của Mỹ, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS), nhận định việc đa dạng hóa là yếu tố then chốt giúp giảm thiểu rủi ro và duy trì sự ổn định.
“Chúng tôi sẽ thúc đẩy đa dạng hóa. Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, đa dạng hóa sản phẩm và đa dạng hóa khách hàng”, ông Giang cho biết khi được hỏi về tác động tiềm tàng của chính sách thương mại của chính quyền Trump.
Theo đó, Việt Nam cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu bằng cách tích cực khai thác các thị trường tiềm năng như ASEAN, Nga và Canada, đồng thời duy trì các thị trường truyền thống.
Đa dạng hóa sản phẩm thông qua việc tăng cường sản xuất các mặt hàng có giá trị cao, từ trang phục thời trang đến các sản phẩm công nghệ may mặc thông minh.
Đa dạng hóa khách hàng bằng cách hợp tác với những đối tác có cam kết hợp tác lâu dài, đặc biệt tập trung vào các tiêu chuẩn về môi trường, xã hội và quản trị (ESG).
Sự chuyển dịch này không chỉ giúp ngành mở rộng cơ hội tại các chuỗi cung ứng toàn cầu mà còn thu hút dòng vốn đầu tư mạnh mẽ từ Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, và Đài Loan (Trung Quốc), tạo ra nền tảng phát triển bền vững trong dài hạn.
Theo VITAS, Việt Nam hiện có tới 3.500 dự án dệt may FDI với tổng giá trị 37 tỷ USD, chiếm 65% kim ngạch xuất khẩu của ngành. Các dự án này không chỉ giúp nâng cao công suất mà còn tạo ra nhiều việc làm và thúc đẩy phát triển công nghệ.
Điển hình là nhà máy sản xuất khăn, vải, và sợi DTY của Công ty Sanbang (Singapore) tại Nam Định, dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm 2025. Với vốn đầu tư 30 triệu USD, dự án này sẽ tạo ra công ăn việc làm và thúc đẩy sự chuyển đổi từ nông nghiệp sang công nghiệp tại địa phương.
Nhiều dự án lớn khác cũng đang được triển khai như: nhà máy nhuộm vải trị giá 203 triệu USD do Top Textiles Company, thuộc Tập đoàn Toray Nhật Bản, đầu tư xây dựng. Công ty TNHH Dệt may ReGal Việt Nam, với tổng vốn đầu tư 20 triệu USD từ Tập đoàn ReGal (Hồng Kông), cũng góp mặt, tạo thêm động lực cho sự phát triển ngành dệt may.
Thách thức mới từ xu hướng xanh và chuyển đổi số
Ngành dệt may Việt Nam đang đối mặt với áp lực từ các tiêu chuẩn ngày càng khắt khe của thị trường quốc tế. Đặc biệt, EU và Mỹ đang đẩy mạnh yêu cầu về tính bền vững và số hóa. Điều này buộc các doanh nghiệp phải đầu tư lớn vào công nghệ và cải tiến quy trình.
Ông Nguyễn Văn Hoàng, Tổng Giám đốc CTCP Đồng Tiến, cho biết xu hướng ESG không chỉ định hình lại thị trường mà còn đặt ra yêu cầu khắt khe hơn về nguồn nhân lực và thương hiệu. Điều này buộc các nhà sản xuất phải chuyển đổi để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao, không chỉ giới hạn trong việc cải tiến công nghệ mà còn đòi hỏi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và xây dựng thương hiệu mạnh.
Bên cạnh đó, đổi mới công nghệ và chuyển đổi số trở thành yếu tố tất yếu. Ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch HĐQT VitaJean, nhận định rằng việc ứng dụng công nghệ cao trong mọi khâu, từ sản xuất nguyên liệu, thiết kế, may đến tiếp thị, là chìa khóa để xây dựng chuỗi cung ứng bền vững.
Ông Jimmy Qiu, Phó Chủ tịch Công ty Jack Technology, cũng cho rằng Việt Nam đã thành công trong việc thuyết phục các nhà nhập khẩu quốc tế nhờ vào khả năng thích ứng nhanh với sản xuất thông minh và công nghệ xanh. Điều này không chỉ cải thiện năng suất mà còn tạo ra sự khác biệt cho sản phẩm Việt Nam trên thị trường toàn cầu.
Đồng thời, chính phủ Việt Nam cũng đang thúc đẩy xây dựng chuỗi cung ứng nội địa nhằm giảm sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, tạo tính tự chủ cao hơn cho ngành. Hiện nay, Việt Nam vẫn nhập khẩu đáng kể nguyên liệu như bông, xơ, và sợi, trong đó Úc là nhà cung cấp bông lớn nhất tính đến nửa đầu giai đoạn 2022/2023. Việc xây dựng chuỗi cung ứng trong nước sẽ giảm thiểu rủi ro từ biến động thị trường quốc tế và tăng tính tự chủ cho ngành.
Với sự quyết tâm đổi mới và chiến lược bền vững, ngành dệt may Việt Nam đang từng bước khẳng định mình không chỉ là trung tâm sản xuất mà còn là hình mẫu đổi mới trong khu vực.