Bắc Kạn đầu tư hàng trăm km đường lâm nghiệp để phát triển kinh tế rừng
Được xác định là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Bắc Kạn nhưng lâm nghiệp đang gặp không ít khó khăn do địa hình đồi núi chia cắt khiến chi phí đầu tư tăng cao. Để gỡ khó, Bắc Kạn đã đầu tư hàng trăm km đường lâm nghiệp theo hướng nhà nước và nhân dân cùng làm, qua đó, phần nào gỡ 'điểm nghẽn' cho kinh tế rừng của địa phương.
Tranh thủ thời tiết thuận lợi, người dân bản Lạnh, xã Tân Tú, huyện Bạch Thông khai thác rừng keo, rừng mỡ đã đến tuổi. Không phải vác từng khúc gỗ trên vai hay dùng trâu kéo về bãi tập kết, nay gỗ được vận chuyển thông suốt nhờ tuyến đường lâm nghiệp dài 2km mới được đầu tư xây dựng. Để có tuyến đường này, ông Bế Lãng Thành cùng các hộ dân đã tự nguyện hiến hơn 6.000m2 đất.
“Thôn đã họp, trưởng thôn đã thông báo và Chi bộ cũng thống nhất, khi làm đến chỗ nào thì sẽ mời gia đình đó đến giải phóng mặt bằng, hiến đất cho đơn vị thi công. Đặc biệt, nhân dân rất ủng hộ tuyến đường này, vì hồi trước đường rất khó, giờ có tuyến đường khai thác được cây trồng trên đất. Mọi người hiến được mình cũng hiến được, mình có lợi và cả xóm cũng đều có lợi, tôi rất vui vẻ ủng hộ”, ông Bế Lãng Thành chia sẻ.
Từ khi có đường lâm nghiệp, hơn 100 hộ dân tổ 3, phường Xuất Hóa, thành phố Bắc Kạn hết sức phấn khởi. Dù theo địa giới hành chính, đây là khu vực đô thị, nhưng đa phần cuộc sống của người dân dựa vào nông, lâm nghiệp. Do rừng trồng xa, đường đồi dốc nên trước đây, mỗi mùa trồng rừng phải dựa vào sức người để mang cây giống, phân bón lên rừng. Việc khai thác khi gỗ đến tuổi cũng là vấn đề nan giải bởi ô tô, xe kéo không đến nơi, người dân phải cắt gỗ thành từng khúc nhỏ rồi vác ra bãi tập kết.
Bà Vy Thị Niệm, Bí thư Chi bộ Tổ 3, phường Xuất Hóa, thành phố Bắc Kạn cho biết, thời điểm đó, tiền bán gỗ cũng chỉ đủ công chăm bón, thuê người khai thác, vận chuyển... nên khi có tuyến đường lâm nghiệp gần 5km được Nhà nước đầu tư đã giúp nhân dân yên tâm phát triển kinh tế rừng.
“Có con đường giờ xe Tắc-tơ chở gỗ vào đến tận nơi, xe máy đi lại cũng dễ, giờ bà con đi nương đi rừng toàn dùng xe máy. Giá bán rừng cũng tăng lên, trước chưa có đường có hộ bán họ trả có 60 triệu/ha, giờ nếu được giá có người trả gần 100 triệu”.
Theo thống kê, tỉnh Bắc Kạn có đến hơn 100.000ha rừng trồng. Và để khai thác tốt diện tích này, địa phương đã phê duyệt quy hoạch hơn 1.600km đường lâm nghiệp trong giai đoạn 2015-2025, tầm nhìn 2030 với tổng kinh phí dự kiến lên hơn 800 tỷ đồng. Riêng giai đoạn 2021-2025, tỉnh Bắc Kạn đã có Dự án phát triển đường Lâm nghiệp tỉnh gồm 183 tuyến trên địa bàn 73 xã, thị trấn với tổng chiều dài hơn 445km. Đây là các tuyến giao thông nông thôn đầu tư theo hình thức người dân hiến đất, Nhà nước hỗ trợ kinh phí xây dựng. Đến nay, giai đoạn I của dự án gồm 121 tuyến có chiều dài hơn 250km đã cơ bản hoàn thành. Đây là nỗ lực rất lớn của Bắc Kạn trong việc huy động nguồn lực cũng như vận động ủng hộ của người dân, bởi hơn 250km đường phải đi qua hàng trăm nghìn m2 đất của hàng chục nghìn hộ dân trong vùng dự án.
“Với các tuyến đường lâm nghiệp đã triển khai, người dân hầu hết đều ủng hộ nhiệt tình. Bởi vì con đường rất có lợi cho người dân, khi có đường giúp nâng cao giá trị của rừng lên khoảng 40%. Trước vận chuyển bằng xe máy, chỉ chở được 5-6 khúc, tốn xăng, tốn công lại nguy hiểm do đường thì nhỏ mà gỗ lại chở cồng kềnh”, ông Vy Công Suất, Chủ tịch UBND phường Xuất Hóa, thành phố Bắc Kạn cho biết.
Giai đoạn II của Dự án đang tiếp tục được triển khai với tổng kinh phí dự kiến hơn 100 tỉ đồng cho khoảng 200km còn lại. Ông Đinh Huy Hoàng, Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Kạn cho hay, hiện các thủ tục đầu tư đang được đơn vị gấp rút triển khai với mục tiêu khởi công ngay trong tháng 9/2023 và kết thúc dự án sớm 6 tháng so với kế hoạch. Để hoàn thành mục tiêu này việc tạo sự đồng thuận, nhất trí cao của người dân được xem là yếu tố then chốt.
“Dự án đường lâm nghiệp có định suất đầu tư rất thấp, do đó, khi một số phát sinh trong thi công thì rất khó thực hiện. Ví dụ có hộ yêu cầu phải làm kè, đặt cống thì sẽ tăng mức đầu tư. Khó nhất hiện nay vẫn là vận động người dân hiến đất do dự án này không có đền bù đất, hỗ trợ hoa màu. Do đó, hiện nay chúng tôi đang nỗ lực phối hợp với các ngành, đặc biệt các địa phương đi trước đón đầu trong tuyên truyền, vận động. Cho người dân ký biên bản, xác định chỉ giới hiến đất trước khi dự án khởi công”, ông Đinh Huy Hoàng cho biết.
Mặc dù thu ngân sách chưa đến 1.000 tỷ đồng/năm, nhưng việc đầu tư hàng nghìn km đường lâm nghiệp cho thấy quyết tâm rất lớn của tỉnh Bắc Kạn trong việc khai thác tiềm năng, thế mạnh đất rừng, qua đó, từng bước nâng cao giá trị rừng trồng nhằm cụ thể hóa mục tiêu đưa lâm nghiệp trở thành mũi nhọn kinh tế địa phương.