Bắc Kạn quan tâm đào tạo nghề cho bộ đội xuất ngũ

Chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho bộ đội xuất ngũ luôn được Đảng và Chính phủ quan tâm thực hiện. Hằng năm, Bắc Kạn có khoảng 700 bộ đội xuất ngũ trở về địa phương. Phần lớn thanh niên trước khi nhập ngũ đều chưa được đào tạo nghề nghiệp. Khi xuất ngũ, họ đều mong muốn có một nghề ổn định.

Học viên lớp lái xe ô tô hạng C của Trường Cao đẳng Bắc Kạn đa số là bộ đội xuất ngũ được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Học viên lớp lái xe ô tô hạng C của Trường Cao đẳng Bắc Kạn đa số là bộ đội xuất ngũ được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tổ chức triển khai thực hiện công tác đào tạo nghề, trong đó có đối tượng bộ đội, công an xuất ngũ, hoàn thành nghĩa vụ.

Năm 2021, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã tham mưu xây dựng định mức chi phí đào tạo 08 nghề trình độ sơ cấp áp dụng cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện hoàn thành nhiệm vụ thực hiện chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn tại Quyết định số 1791/QĐ-UBND ngày 29/9/2021.

Cụ thể, 08 nghề bao gồm: Sửa chữa điện dân dụng, công nghiệp; sửa chữa điện lạnh; hàn điện; sửa chữa máy động lực nhỏ; vận hành máy xúc; đào tạo lái xe ô tô hạng B; hạng C và kỹ thuật xây dựng. Các mức hỗ trợ được áp dụng tùy theo nghề mà đối tượng lựa chọn, mức thấp nhất là 8,9 triệu đồng, cao nhất là 15,4 triệu đồng.

Hằng năm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo các huyện, thành phố, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, rà soát nhu cầu học nghề của bộ đội xuất ngũ để tư vấn tuyển sinh. Tuy nhiên, nhiều bộ đội khi hết thời gian quân ngũ thường theo học tại các cơ sở thuộc lực lượng vũ trang hoặc đi học ở các cơ sở khác ngoài tỉnh. Năm 2021, Trường Cao đẳng Bắc Kạn thực hiện đào tạo nghề cho bộ đội xuất ngũ có thẻ học nghề với 44 học viên; năm nay là 70 học viên.

Anh Hoàng Văn Dâử, 22 tuổi, dân tộc Mông, nhà ở thôn Lủng Mít, xã Bằng Thành (Pác Nặm) cho biết: Sau khi tốt nghiệp lớp 12, anh tham gia nghĩa vụ quân sự, 24 tháng rèn luyện trong quân đội, anh hoàn thành nghĩa vụ, xuất ngũ trở về địa phương. Trước khi nhập ngũ, Dâử chưa có nghề nghiệp, nay đã có gia đình với vợ và con, Dâử có ý định đầu tư xe tải để chở hàng hóa, phục vụ bà con trong vùng. Ra quân với tấm thẻ học nghề cầm trên tay, anh đã liên hệ với Trường Cao đẳng Bắc Kạn để tìm lớp đào tạo. Anh chọn nghề lái xe. Tổng chi phí đào tạo lái xe hạng C của anh là 20,7 triệu đồng, được Nhà nước hỗ trợ 13,9 triệu đồng, anh chỉ còn phải nộp 6,8 triệu đồng. Mức hỗ trợ này đã giúp gia đình anh tiết kiệm được một khoản để đầu tư mua xe.

Sau 03 năm phục vụ trong quân đội, Hoàng Công Tuyền, ở xã Xuân Dương (Na Rì) xuất ngũ trở về địa phương. Được biết Nhà nước tạo điều kiện hỗ trợ học nghề, Tuyền chọn nghề lái xe ô tô. Cứ cuối tuần Tuyền lại đến Trường Cao đẳng Bắc Kạn học lớp lái xe. Tuyền mong rằng, sau khóa học em sẽ tìm được việc làm ổn định. Lớp học lái xe hạng C của Tuyền có nhiều bộ đội xuất ngũ tuổi còn khá trẻ, đa số 21 - 22 tuổi. Nếu như không có khoản hỗ trợ học nghề này, gia đình em cũng như nhiều bạn khác rất vất vả khi đóng một khoản học phí trên 20 triệu đồng, thay vì chỉ đóng gần 7 triệu đồng như hiện nay.

Bà Dương Thị Huế, Trưởng phòng Lao động việc làm và Dạy nghề Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: “Để triển khai công tác đào tạo nghề cho đối tượng bộ đội xuất ngũ, hằng năm Sở chỉ đạo hướng dẫn các huyện rà soát, tuyên truyền, tư vấn, định hướng nghề cho các trường hợp là bộ đội mới ra quân. Thẻ học nghề của bộ đội xuất ngũ chỉ có thời hạn trong vòng 01 năm, kể từ khi được cấp, nên việc lựa chọn nghề cần được quyết định đăng ký sớm.

Hiện nay tỉnh luôn bố trí đủ nguồn kinh phí để hỗ trợ đào tạo nghề cho các đối tượng này. Tuy nhiên, số lượng người tham gia học còn rất ít so với số lượng bộ đội xuất ngũ hằng năm. Trong thời gian tới, ngành tăng cường công tác chỉ đạo hướng dẫn cơ sở đẩy mạnh tuyên truyền để có nhiều đối tượng tham gia học nghề hơn, nhất là với những thanh niên vừa xuất ngũ trở về địa phương. Đây chính là lực lượng lao động trẻ, nguồn nhân lực mạnh tham gia phát triển kinh tế - xã hội.

Nghị quyết số 96/NQ-HĐND tỉnh phê duyệt Kế hoạch phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 đưa ra mục tiêu “Nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo đảm bảo người lao động có năng lực hành nghề tương ứng với trình độ đào tạo, thích ứng môi trường làm việc để đáp ứng nhu cầu về lực lượng lao động phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương và nhu cầu của thị trường lao động. Giai đoạn 2021-2025 sẽ đào tạo 30.000 lao động”. Với những chính sách đào tạo nghề hiện nay sẽ giúp người dân sớm có “chiếc cần câu” trong tay để làm chủ cuộc sống, tạo thu nhập từ chính năng lực của bản thân./.

Phương Thảo

Nguồn Bắc Kạn: http://baobackan.com.vn/xa-hoi/202211/bac-kan-quan-tam-dao-tao-nghe-cho-bo-doi-xuat-ngu-f3c55ba/